Giáo xứ Chính Tòa Sài Gòn: Thánh lễ mừng bổn mạng

Giáo xứ Chính Tòa Sài Gòn: Thánh lễ mừng bổn mạng

WGPSG -- Vào lúc 17g00 thứ Bảy ngày 08.12.2012, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn đã diễn ra Thánh lễ long trọng mừng bổn mạng giáo xứ Chính tòa.

Chủ tế là cha sở Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh. Đồng tế với ngài có Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn, Cha Phêrô Đỗ Duy Khánh và Cha Piô Ngô Phúc Hậu.

Mở đầu, cha chủ tế nói về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và mời gọi cộng đoàn sám hối để xứng đáng tham dự Thánh lễ.

Trong bài giảng, Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn giải thích về tội nguyên tổ, ảnh hưởng của tội nguyên tổ đến con người và đời sống cộng đoàn. Từ đó, cha nói về Đức Mẹ Maria, người được Thiên Chúa giữ gìn để không bị nhiễm tội tổ tông từ khi mới được thụ thai trong lòng bà Thánh Anna. Đức Mẹ đã gắn bó với Thiên Chúa, sống ân sủng của Thiên Chúa bằng cách lắng nghe, suy gẫm lời Chúa và đem ra thực hành. Đức Mẹ đã tin tưởng và vâng phục Thiên Chúa  hoàn toàn ngay cả trong những lúc tối tăm, bi đát nhất trong cuộc đời:  lúc sinh con trong máng cỏ, lúc đứng dưới chân thập giá… Từ mẫu gương của Đức Mẹ, cha mời gọi cộng đoàn giáo xứ Chính tòa, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng hãy bước theo chân Đức Mẹ, đi theo con đường của Đức Mẹ sống tin tưởng, phó thác trong ân sủng của Thiên Chúa.

Thánh lễ tiếp tục trong tiếng hát du dương, êm đềm của ca đoàn Vô Nhiễm.

Trước khi kết lễ, cha chủ tế cám ơn tất cả những ai tham dự Thánh lễ, cám ơn ca đoàn vì trong thời buổi khó khăn nhưng ca đoàn vẫn mang lời ca tiếng hát đến phục vụ cho giáo xứ và chúc mừng bổn mạng ca đoàn Vô Nhiễm.

Cả nhà thờ hân hoan đón nhận ơn toàn xá cha chủ tế ban nhân Năm Đức Tin, và ra về trong niềm hân hoan sẽ sống ân sủng của Thiên Chúa như Đức Mẹ đã sống để được cùng hưởng hạnh phúc với Mẹ.

Vài nét về Vương cung Thánh đường Đức Bà:

Nhà thờ được Đức Cha Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên vào ngày 7 tháng 10 năm 1877 theo thiết kế của kiến trúc sư J. Bourard với phong cách kiến trúc Roma cải biên pha trộn phong cách kiến trúc Gotich. Ông cũng là người trúng thầu và trực tiếp giám sát xây dựng với tất cả vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của nhà thờ được xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille, để trần, không tô trát, không bám bụi rêu mà đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi.

Lễ Phục sinh ngày 11 tháng 4 năm 1880, Đức Cha Colombert chủ sự nghi thức khánh thành và cung hiến nhà thờ. Hiện nay, trên bệ phía trên, bên trong cửa vào nhà thờ có chiếc bảng cẩm thạch gắn trong hành lang ghi ngày khởi công, ngày khánh thánh và tên vị kiến trúc sư.

Chi phí xây dựng và trang trí nội thất là 2.500.000 franc Pháp do Soái Phủ Nam Kỳ đài thọ.

Năm 1895, hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m được xây dựng để chứa 6 quả chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp là một cây thánh giá cao 3,5m, ngang 2m và nặng 600kg. Tổng chiều cao từ mặt đất lên đỉnh Thánh giá: 60,50m.

Vào năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng Đức Giám mục Adran mặc phẩm phục, dắt hoàng tử Cảnh trên một trụ đá hoa cương đỏ ở vườn hoa trước nhà thờ. Năm 1945 tượng bị phá bỏ nhưng trụ đá hoa cương vẫn còn nguyên đó.

Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (sau này là Giám mục Giáo phận Phú Cường, nay đã qua đời) là chính xứ giáo xứ Chính Tòa đã đặt tạc tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý tại Pietrasanta cách Roma khoảng 500km. Ngày 15 tháng 2, tượng về đến Sài Gòn và được công ty Société d'Entreprises dựng lên trên bệ đá còn trống trước nhà thờ. Chính tay Linh mục Thiên viết lời cầu nguyện: "Xin Đức Mẹ cho Việt Nam được hòa bình" rồi đọc trước toàn thể quan khách có mặt hôm đó.

Chiều 17/2/1959, Đức Hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ toạ lễ bế mạc Đại hội Thánh mẫu toàn quốc đã làm phép bức tượng này. Từ đó, nhà thờ có tên gọi Nhà thờ Đức Bà.

Ngày 05 tháng 12 năm 1959, Tòa Thánh nâng Nhà thờ Đức Bà lên hàng Vương cung Thánh đường. Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài gòn.

Năm 1960, Tòa Thánh thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Tòa Tổng Giám mục tại Hà nội, Huế, Sài Gòn. Nhà thờ trở thành Nhà thờ Chính tòa của vị Tổng Giám mục Sài Gòn cho đến ngày nay.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top