Giáo xứ Bình An Thượng: Tĩnh tâm mùa Chay

Giáo xứ Bình An Thượng: Tĩnh tâm mùa Chay

WGPSG -- Để chuẩn bị tâm hồn bước vào tuần lễ Vượt qua cũng như đón mừng đại Lễ Phục sinh, Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - Trưởng ban Mục vụ Liên Tôn của Giáo phận Sài Gòn - về giáo xứ Bình An Thượng để dâng Thánh lễ và chia sẻ tĩnh tâm cho người lớn và giới trẻ trong ba ngày: thứ Hai, Ba, Tư (26, 27, 28/03/2012) vào lúc 18g00.

Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy có 7 lời Chúa nói trên cây thập giá. Tuy nhiên, trong khuôn khổ ba ngày này, Cha Phanxicô Xaviê đã chia sẻ về 3 lời Chúa nói và cầu nguyện, đó là:

- “Ta khát” (Ga 19,28)
- “Lạy Cha xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
- “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46)

Ngày 1 - Lời Chúa nói: “Ta khát” (Ga 19,28)

WGPSG -- Hôm nay là lễ truyền tin, là ngày chúng ta tưởng nhớ lại Ngôi Lời đã nhập thể trong cung lòng Trinh Nữ Maria một cách âm thầm. Cha mời gọi mọi người hãy đặt mình vào vị thế Đức Maria để đón nhận Lời Chúa cũng như canh tân đổi mới dựa trên Lời Chúa. Khi lắng nghe Lời Chúa, chúng ta không chỉ đón nhận vào tâm trí mình mà còn vào cả tâm hồn mình. Cha đặt ra câu hỏi: “Thiên Chúa có đủ mọi sự, vậy Ngài còn khát cái gì?” Cha cũng chia sẻ tiếp về 3 điều Chúa còn khát khao, đó là:

- Khát khao chịu phép rửa: Chúa Giê su đã nói với các môn đệ về việc Chúa mong dự lễ vượt qua này và Chúa còn một phép rửa nữa phải chịu đó là cuộc thương khó”.

- Xin cho họ nên một: Qua hơn 20 thế kỷ, các môn đệ của Chúa đã chia năm xẻ bảy. Thế kỷ 14, chúng ta đã chia rẽ với anh em Chính Thống giáo. Đến thế kỷ 16, một sự rạn nứt lớn đối với anh em Tin Lành, sau đó là giáo hội Anh giáo… Sự bất hiệp nhất là do sứ điệp Tin Mừng chưa được loan báo mạnh mẽ và khả tín. Sự thiếu hiểu biết, phân rẽ trong Hội Thánh, giáo hạt, giáo xứ sẽ làm sứt mẻ, làm chi thể của Chúa Giêsu bị thương tổn, giảm đi sức mạnh của Lời Chúa. Nếu chúng ta biết đồng tâm hiệp lực trước hết trong lời cầu nguyện thì chứng tá Kitô giáo sẽ loan xa hơn…

- Khát khao tình yêu của chúng ta: Chính câu nói “Ta khát” đã quy tụ hơn 4.500 nữ tu ở dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa Calculta. Cơn khát của Chúa vẫn còn dai dẳng đến hôm nay. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một nhập thể làm người. Thiên Chúa là tình yêu mà phải đi gõ cửa lòng từng người chúng ta để van xin tình yêu của chúng ta. Lẽ nào chúng ta lại không đáp trả?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Maria đón nhận và đáp trả lời “Ta khát” của Chúa Giêsu. Ước gì chúng ta có đủ can đảm, tự nguyện để đáp trả khát vọng được yêu thương của Thiên Chúa.

Ngày 2 - Lời Chúa nói: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Đây là lời nền tảng mà chính Chúa xin tha cho những người đã bắt Chúa, hành hình Chúa.

Sau khi công bố Tin Mừng của Thánh Luca (Lc 23, 34-34) , cha chia sẻ 3 cách tiếp cận về sự tha thứ:

- Về phương diện tâm lý học: Đối với mọi người dù có đạo hay không có đạo, tha thứ là điều cần thiết trong đời sống tương quan con người. Tha thứ là một chọn lựa của tôi. Tuy nhiên, tha thứ là điều khó thực hiện dù theo hình thức nào. Khi chúng ta tha thứ thì người đầu tiên hưởng được hiệu quả là chính bản thân người tha thứ. Còn khi chúng ta cứ nhớ mãi lỗi lầm của người khác ở trong lòng thì sẽ làm cho chúng ta khó chịu, hằn học, ảnh hưởng không tốt đển cả đời sống tâm lý và thể lý. Để có thể tha thứ, chúng ta cần phải: mở lòng mình ra, nhận thức rằng ai cũng có lầm lỗi để chúng ta có thể thông cảm và tha thứ cho nhau.

- Theo quan điểm của những anh chị em phật tử về sự tha thứ: Đầu tiên là dựa vào sự vô chấp và miễn chấp của họ. Vô chấp không có nghĩa là quên đi chuyện cũ. Không chấp là không để những hành vi, lời nói xúc phạm của người khác làm tổn thương mình trong quá khứ trói buộc đời sống hiện tại của mình làm mình có tương quan không tốt đối với bản thân và mọi người xung quanh. Tha thứ là hành vi không chấp một lời nói, một hành vi không tốt trong quá khứ để tâm hồn ta được thanh thản, hướng đến tương lai tốt đẹp. Thứ hai là người phật tử nghĩ đến nguyên nhân người khác tệ bạc với mình. Một môi trường sống không tốt dễ dàng dẫn con người ta hành động sai trái và làm tổn thương mọi người. Người phật tử có những quan điểm trên để có thể đối xử khoan dung với người khác.

- Người Công giáo tin và được mời sống tha thứ theo quan điểm Kitô giáo: Đối với bất kỳ ai (giáo dân hay tu sĩ…) thì cũng rất khó khăn khi tha thứ lỗi lầm của người khác. Nhưng bản thân chúng ta không tự tha thứ được, chúng ta cần cầu xin ơn Chúa soi sáng và dẫn lối. Hôm nay, cha có mời chị Vũ Thủy (Gx. Tân Trang) chia sẻ về sự tha thứ trong chính cuộc sống của chị. Chị Thủy bị bệnh tiểu đường từ năm 17 tuổi và đã bị mù hoàn toàn từ năm 2003. Tuy nhiên, chị đã và đang nỗ lực sống tốt và có giá trị. Chị kể: “Một hôm cô em gái đến hỏi con về một vấn đề làm ăn. Sau khi con phân tích và kết luận rằng việc làm này là không khả thi, thì em gái nói thẳng vào mặt con rằng “Bà làm không ra tiền mà bày đặt nói hay”. Lúc ấy, nước mắt con chực ứa ra nhưng con nhớ lại ánh mắt của Chúa Giêsu trên thập giá - ánh mắt tha thứ, kêu gọi, nhẫn nại, chịu đựng - con đã không khóc vì con nghĩ rằng khóc thì không giải quyết được gì mà còn ảnh hưởng không tốt đến bản thân con và em gái con…. Con đã không chấp và bỏ qua chuyện này. Sau này, em gái con cũng nhận ra lỗi và đối xử với con tốt hơn, không suy nghĩ xấu về con nữa, con cảm thấy như thế…”. Chị còn tư vấn qua điện thoại để giúp đỡ một số người khuyết tật khác học cách tha thứ và cố gắng sống tốt để khẳng định giá trị bản thân, để mọi người có cái nhìn tốt hơn về mình… Cha thay lời cộng đoàn cám ơn phần chia sẻ của chị Thủy. Cha cũng nói thêm là nếu ai cảm nhận mình là đối tượng của lòng thương xót Chúa, là người được Chúa tha thứ nhiều lỗi lầm thì càng phải mở lòng để tha thứ cho người khác. Sau đó, cộng đoàn cùng lắng nghe bài thơ về sự tha thứ với tựa đề “Công thức của Giêsu” và hát bài “Kinh Hòa Bình” (Lm. Kim Long).

Ngày 3 – Lời Chúa nói: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46)

Phó thác trước hết là cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Thiên Chúa nhưng quyết định và nỗ lực hành động đều tùy thuộc vào chúng ta. Theo cái nhìn của Thánh Gioan, giây phút Chúa Giêsu trao phó linh hồn của mình cho Chúa Cha là giây phút Chúa trao ban thần khí cho vũ trụ này, Chúa trút hơi thở cuối cùng nhưng cũng là lúc trao ban hơi thở của Ngài cho chúng ta. Cha kể một câu chuyện nhỏ về thánh Phanxicô Xaviê. Khi chuẩn bị đi truyền giáo ở Ấn Độ, Ngài đã bị mọi người ngăn cản vì sợ Ngài sẽ bị người dân ở đó hạ độc vào thức ăn. Nhưng Ngài vẫn quyết chí ra đi, mọi người cảm thấy không ngăn Ngài được thì đã chuẩn bị những liều thuốc giải độc và đưa cho Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã không nhận bất cứ cái gì. Ngài nói: “Tôi không muốn đem theo sự sợ hãi bên mình. Mọi người hãy cầu nguyện cho tôi, xin Thiên Chúa gìn giữ tôi trên hành trình truyền giáo này, đó là thuốc giải độc duy nhất của tôi”. Thánh nhân đã phó thác mọi sự nơi Thiên Chúa.

Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, người ta tin vào các phương tiện của nhân loại, cố gắng của nhân loại và ít tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Cha nhắc nhớ rằng: “Khi chúng ta đã chuẩn bị và cố gắng trong mọi chuyện thì nhất thiết phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa”. Ngay cả khi chúng ta yếu đức tin thì chúng ta vẫn có thể tín thác vào Chúa như Thánh Phêrô đã nói: “Lạy thầy con tin, nhưng xin trợ giúp lòng tin của con”. “Thánh Thể, Lời Chúa, bí tích Hòa Giải” là ba phương thức củng cố lòng tin cho chúng ta. Tương lai không thể biết trước nhưng nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa thì khi trải qua một bước đường nào đó và nhìn lại, chúng ta sẽ thấy bàn tay và sự can thiệp của Chúa trong cuộc đời mỗi người.

Trong mùa Chay này, cha mời gọi mọi người thay đổi và canh tân cung cách và thái độ cầu nguyện của mình. Trước hết là xin cho mình được thuận theo ý của Chúa. Thứ hai là khi cầu nguyện, chúng ta nên cân bằng giữa việc tạ ơn và xin ơn. Tạ ơn là điều kiện để nhận ơn sủng mới của Chúa. Thứ ba là nhờ trẻ em cầu nguyện. Lời cầu nguyện và lòng tin tưởng của trẻ em rất hiệu nghiệm.

Phó thác cũng cần được thể hiện khi chúng ta gặp những điều bất ngờ không may xảy đến. Chính những lúc này, sự tin tưởng vào Chúa là rất cần thiết và chúng ta nhận ra thánh ý của Ngài. Điều Chúa muốn cho chúng ta thì tốt hơn điều chúng ta muốn cho chúng ta. Kết thúc bải giảng, cha mời mọi người dành ra ít phút thinh lặng và sau đó cùng với ca đoàn Gia trưởng hát bài “Phó thác” (Ns. Kiều Linh).

Cuối Thánh lễ, ông Chánh Trương đại diện cộng đoàn gửi lời cám ơn chân thành đến Cha Phanxicô Xaviê. Cha đã không quản ngại đường sá xa xôi và thời gian quý báu về giáo xứ dâng Thánh lễ và chia sẻ về những lời Chúa nói trên thập giá rất hay và ý nghĩa. Sau đó, có hai bạn lên kính tặng cha bó hoa tươi thắm và món quà lưu niệm để tỏ lòng tri ân đến cha. Khi ra về, cha còn gửi tặng mọi người một câu lời Chúa rất hay và ý nghĩa như một món quà tinh thần.

Trong các Thánh lễ, cộng đoàn đã tham dự rất đông đảo và sốt sắng. Chắc hẳn trong ba ngày tĩnh tâm qua, mọi người đã được lắng nghe và hiểu thêm nhiều về ý nghĩa và ý muốn của Lời Chúa nói trên thập giá. Nguyện xin Chúa luôn ghé mắt và đồng hành cùng chúng con trên con đường lữ thứ ở thế gian này, đặc biệt là giúp chúng con biết lắng nghe, thực hành lời Chúa và ăn năn, sám hối quay trở về với Chúa không chỉ trong mùa Chay này mà là trong mọi ngày của cuộc sống.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top