Gánh “Trăng Thu” lên đại ngàn
WGPSG – “Trên 300 em mồ côi chưa đến tuổi trăng rằm dần qua đi trong cơ cực, cơm chưa đủ no, áo không đủ mặc, nhưng các em vẫn được nuôi nấng và cắp sách đến trường, khiến những ai một lần ghé thăm không khỏi chạnh lòng!”.
Đó là cuộc sống của các em cô nhi người Dân tộc, đang sống dưới những mái nhà nằm chơi vơi giữa triền núi, cách thị xã Kontum khoảng 12 km, thuộc xã Đăk Tờ, huyện Kon Rẫy, được các nữ tu người dân tộc Jrai, Bahnar, Xêđăng, Rơngao, Jră, Jơlơng, H’Lăng… thuộc Hội Dòng Ảnh Phép Lạ đùm bọc, dưỡng dục trong các Trại mồ côi Vinh Sơn 3, 4, 6 tại Kontum mà chúng tôi có dịp ghé thăm, tặng bánh Trung Thu, gạo và nhu yếu phẩm… cho các em vào ngày 21.9.2108.
Từ giáo xứ Bắc Dũng, giáo hạt Xóm Mới, đoàn gồm 15 người là những người thiện nguyện đang tham gia cộng tác tại các giáo xứ với nhiều lãnh vực: Caritas, Truyền thông, Chữ Thập đỏ… cùng quý ân nhân đã khởi hành chuyến uỷ lạo, phát bánh Trung Thu tại Ban Mê Thuột và Kontum vào lúc 04g00 sáng, ngày 21-9-2018.
Tại Lưu xá Sắc tộc Têrêsa, Ban Mê Thuột
Điểm đến đầu tiên là Lưu xá Sắc tộc Têrêsa, số 99 Trần Nhật Duật, TP Ban Mê Thuột, do các nữ tu hội dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột chăm sóc. Hiện có trên 100 em lưu trú thuộc các dân tộc Êđê, Giarai, Nùng, Mường, H’ Mông, M’Nông, Rơ Ngao, Séđăng, Bana… đang theo học các trường trong thành phố. Ngoài ra còn gần 100 trẻ em mồ côi cũng được các nữ tu nuôi nấng tại đây. Với sứ vụ tận hiến phục vụ tha nhân một cách ân cần và tế nhị, các nữ tu đã tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng các em trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình, Giáo hội và xã hội…
Qua trao đổi, chúng tôi được biết, khi các em nội trú tại đây, ngoài việc học văn hóa, hội dòng sẽ đào tạo các em về Giáo lý, học đàn, dẫn chương trình, kỹ năng sinh hoạt… để khi trở về các buôn làng, các em sẽ trở thành giáo lý viên, hướng dẫn các em nhỏ, nơi mà các linh mục, tu sĩ không thể đến ở được. Ngay cả các em mồ côi cũng được nuôi dưỡng, cho đi học… như các em nội trú. Vì thế, trong 15 năm qua, có nhiều em xuất thân từ nhà lưu trú nhỏ bé này đã thành đạt. Đặc biệt có gần 10 em theo ơn gọi tu trì tại nhiều dòng khác nhau, trong đó có 4 em đang theo ơn gọi tại hội dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình.
Thăm Trại cô nhi Vinh Sơn 1 & 5
Sau khi dùng cơm trưa, đoàn đã lên đường và đến nhà thờ Chính tòa Kontum (nhà thờ gỗ) lúc 18g00 trong cơn mưa nhẹ. Vì đường đi khó khăn, nên quý nữ tu đặc trách Trại Vinh Sơn (VS) 5 đã ra nhận quà cho các cháu tại nhà thờ gỗ cùng với Trại VS 1.
Yă (Nữ tu) Vân cho biết, Trại VS 1 không bảng tên lặng lẽ nép mình sau nhà thờ gỗ, hiện đang chăm sóc gần 200 cháu mồ côi, trong đó có các cháu sơ sinh, tật nguyền, bại liệt bị bỏ rơi…
Muốn đến Trại VS 5 thuộc xã Đăk Rơ Va, chúng ta phải vượt qua cầu treo Kon Klor. Ở đây, trên 80 em nhỏ đang được các nữ tu nuôi dưỡng và cho đi học.
Ngoài ra, chúng tôi còn món nợ chưa trả được, là ghé thăm các cháu ở Trại VS 2, cách nhà thờ gỗ chỉ gần 2km, nhưng nằm khuất sâu trong thôn Kon Harachot nên đường đi khá khó khăn.
Thăm Trại cô nhi Vinh Sơn 3, 4, 6
Rời nhà thờ gỗ, chúng tôi đến Trại VS 4 lúc 19g30. Nơi đây, ngoài một số khuôn mặt thân quen, chúng tôi đã tiếp xúc với một số cháu nhỏ mới đến rất ngây thơ và tội nghiệp.
Thật hồn nhiên, dễ thương khi các em xếp hàng ngay ngắn, hát những bài ca chào mừng khách đến thăm. Nhận những tấm bánh và đèn Trung thu, nhiều em không ăn ngay vì muốn để dành ăn dần. Không những thế, các em còn ngỡ ngàng với việc xếp lồng đèn và đốt nến, nên các cô chú trong đoàn phải hướng dẫn các em từng thao tác.
Vì trời đã tối, nên chúng tôi không thể ghé thăm Trại VS 3 và 6 được. Thật may mắn khi các nữ tu phụ trách đã lặn lội đi ra nhận quà và bánh Trung thu về cho các em.
Buổi tối ở Trại VS 4 có các hoạt động rất sinh động. Trên nhà nguyện, một số nữ tu tập hát lễ cho các em lớn cùng với một số anh chị người Dân tộc sống lân cận, để phụ trách hát lễ sáng ngày thường tại Trại VS 4 và sáng Chúa nhật tại nhà thờ Kon Xơ Mluh, cách đây gần 3km. Trong khi đó, ở ngoài sân các em nhỏ đang vui chơi, ca hát thật vui nhộn với đèn Trung thu trên tay… Đúng 20g00, khi nghe tiếng kẻng, các em tập trung trước tượng Đức Mẹ đọc kinh tối và đi ngủ.
Sau 4 năm gặp lại, em A Tuấn nay đã lớn cho biết: “Em vừa tốt nghiệp Phổ thông Trung học nhưng không đậu đại học. Nay em ở lại phụ các yă (nữ tu) làm rẫy và chăm sóc các em nhỏ".
Yă Liêng, dân tộc Xơ Đăng, phụ trách Trại VS 4 cho biết thêm: “Bước vào năm học mới ở đây rất thiếu thốn, dù nhà nước miễn giảm học phí một phần cho các em, nhưng còn tiền quần áo, sách vở cùng các khoản tiền khác nữa nên chị em rất túng quẫn để lo cho các em, chưa kể chuyện ăn uống mỗi ngày cho gần 150 miệng ăn”.
Yă Phép phụ họa thêm: “Năm nay các mái tôn đã xuống cấp và bị dột, nên một số ân nhân đã giúp đỡ việc thay tôn, nâng mái để các cháu có chỗ ở thoáng mát hơn. Tuy kinh phí chưa đủ nhưng đây là một phép lạ mà Chúa ban cho các em”.
Viếng Đức Mẹ Măng Đen
Mới 04g30 sáng hôm sau, ngày 22.9.2018 chúng tôi đã nghe tiếng kinh nguyện rân rang trên nhà nguyện. Bước ra sân, chúng tôi thấy các em, trong đó có trên 10 em còn rất nhỏ với áo đầm đồng phục, từ các phòng ngủ đang tiến lên nhà nguyện tham dự Thánh lễ sáng.
Cha chánh xứ Kon Xơ Mluh GB Phạm Quốc Tuấn cho biết: “Vì nhà thờ ở xa, các cháu còn nhỏ không thể đến nhà thờ mỗi ngày, nên hằng ngày, vào lúc 05g00 sáng, tôi đến đây dâng lễ cho các cháu và bà con giáo dân sống gần đây. Chỉ ngày Chúa nhật tôi mới mời bà con và các cháu về hiệp dâng Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Kon Xơ Mluh, học giáo lý và sinh hoạt…”.
Sau khi ăn sáng, lúc 06g30, chúng tôi tạm biệt các em để đến viếng Đức Mẹ Măng Đen. Nơi đây, chúng tôi có nửa giờ đọc kinh chung và cầu nguyện riêng với Đức Mẹ Măng Đen trước khi trở về thành phố Hồ Chí Minh.
Lời kết
Đoàn về tới nhà lúc 23g30 ngày 22.9.2018, kết thúc một hành trình vất vả khi vượt qua hơn 1.200km trong hai ngày để mang quà Trung thu đến với các em ở Kontum. Trước khi chia tay, có người nói vui: “Đúng là chúng ta đã gánh ‘Trăng’ lên núi nên mới vất vả nhưng rất vui. Ước mong ánh ‘Trăng Thu’ vằng vặc trên bầu trời cao vút đêm Trăng Rằm, sẽ phủ lấp bóng tối nơi núi rừng heo hút, nơi có các em mồ côi đang được các nữ tu Hội Dòng Ảnh Phép Lạ nuôi nấng”.
Anh Giuse Phạm Văn Giang thuộc Gx. Thái Bình cho biết: “Chuyến đi với kinh phí trên 50 triệu đồng gồm tiền bánh Trung thu, gạo, nhu yếu phẩm, quà…(chưa kể tiền mặt do các thành viên gửi tặng) là do sự cộng tác của các anh chị em thiện nguyện, quý công ty và ân nhân trong giáo hạt Xóm Mới. Đặc biệt có sự đóng góp tích cực của gia đình ÔB Gioan Đặng Xuân Mai thuộc Gx. Bắc Dũng và gia đình ÔB Phêrô Nguyễn Văn Xuất thuộc Gx. Hà Nội”.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ kính Thánh Cêcilia, bổn mạng ca đoàn Cêcilia thiếu nhi giáo xứ Nam Thái
-
Giáo xứ Xóm Chiếu dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha cố Giuse Maria -
Giáo xứ Tam Hải khai mạc năm thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ (1955 - 2025) -
Giáo xứ Giuse hạt Phú Thọ kỷ niệm một năm cung hiến thánh đường -
Thánh lễ kỷ niệm 16 năm cung hiến thánh đường giáo xứ Tân Phú Hòa -
Mùa bội thu cho Giáo Hội Việt Nam -
Lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam - Bổn mạng Đoàn TNTT giáo xứ Hòa Hưng 2024 -
Thánh lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bùi Môn -
15 năm người trẻ Vinh Sơn - Nghĩa Hòa kết nối và dấn thân phục vụ -
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng giáo xứ Đồng Tiến
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa