Đôi lời trăn trở từ bệnh viện dã chiến trở về

Đôi lời trăn trở từ bệnh viện dã chiến trở về

Đôi lời trăn trở từ bệnh viện dã chiến trở về

TGPSG -- Rời bệnh viện, về khu cách ly, ngồi ngẫm nghĩ lại, một tháng qua trôi vèo trong chốc lát. Thế nhưng, những hình ảnh thân thương lẫn xao xuyến của những ngày làm việc tại bệnh viện khó quên làm sao. Xin gửi lại nơi đây đôi điều trăn trở.

Trước hết, có lẽ người viết đã đối diện với sự mong manh của phận người quá đỗi mà từ trước tới nay chưa bao giờ gặp như trong thời “đại dịch Covid” này. Chỉ trong phút chốc thôi, có những người bệnh đang nói đó, đang ăn uống đó, nhưng nào ngờ giờ lâm vào cảnh hấp hối. Đội ngũ y bác sĩ hỗ trợ, cấp cứu tích cực, nhưng người bệnh vẫn không qua khỏi. Họ vĩnh viễn ra đi mà không kịp nói một lời từ biệt.

Người bệnh khi vướng vào căn bệnh của đại dịch này có lẽ cũng đã cảm nhận được rằng, giờ đây giàu có đâu còn là quan trọng, chức quyền cũng chẳng có ý nghĩa gì, danh tiếng cũng chẳng để làm chi, chỉ mong sao bác sĩ cứu mình được sống như là bản năng của sự sinh tồn. Thế nhưng, chị Côvi nào có kiêng nể chi ai. Chị tấn công bất ngờ người chị ưa thích và cướp đi tất cả những gì chị muốn. Nếu như người bệnh cố gắng gượng, cố níu kéo, cố ôm lấy những gì mình có, thì đến lúc này cũng không thể được nữa rồi. Ta đi vào thế gian với hai bàn tay trắng và rời thế gian cũng trắng tay. Điều này đội ngũ y bác sĩ và những người phục vụ ở bệnh viện dã chiến có lẽ cũng đã nhìn thấu: “Tình cảnh của bệnh nhân hôm nay, ngày mai có thể xảy đến với mình”. Cuộc đời bèo bọt làm sao!  Bởi đó, câu danh ngôn: “Hãy cho đi khi bạn còn có thể” lúc này thật thấm nhường nào!

Phải chăng, chính điều này mà các y bác sĩ, nhân viên y tế... đã làm việc hết mình không chỉ là bổn phận, trách nhiệm, lương tâm, mà còn là không biết ngày mai mình còn có cơ hội phục vụ, có cơ hội cống hiến nữa không. Vì cho đi thì còn, giữ lại thì mất.

Cũng chính tinh thần phục vụ hết mình ấy đã để lại một nét đẹp trao ban mang căn tính cốt lõi của bản tính người: Thiên Chúa tạo dựng nên bạn vì chính bạn, nhưng bạn chỉ tìm gặp được chính mình khi thành thật tự do dâng hiến (X. MV. Số 24).

Từ trải nghiệm thực tế và khi ngẫm nghĩ lại, chúng ta nhận ra được rằng, giây phút đẹp nhất trong cuộc đời chính là lúc chúng ta biết cho đi. Càng cho đi, đời chúng ta càng đẹp. Điều này thánh Luca đã chẳng nói trong Sách Công Vụ Tông Đồ đó sao: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Chính trong phục vụ trao ban - như căn tính vẽ nên đời mình - lại làm sáng lên nét đẹp của tình yêu.

Tình yêu thương không chỉ nằm lại nơi lời nói, nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng cần phải được thực thi. “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi ích gì” (Gc 2,15-16).

Chính sự trao ban là tiếng nói mạnh mẽ và vang vọng nhất của tâm tình dâng hiến phục vụ. Và sự trao ban chính mình là đỉnh cao của mọi tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Đây chính là lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong diễn từ tiệc ly và cũng là lời Ngài dạy chúng ta. Ngài dạy chúng ta không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, bằng chính cuộc sống của Ngài. Ngài đã tự hiến chính bản thân mình cho nhân loại, chết cho nhân loại và nhờ tình yêu hy hiến của Ngài mà nhân loại được sống.

Sự hy sinh, dấn thân phục vụ và phục vụ tha nhân đến độ quên cả bản thân mình là lý tưởng của mỗi người Kitô hữu nói riêng và có lẽ của mỗi người nói chung. Nhân loại khắp nơi trên thế giới vẫn ca ngợi những người hy sinh vì thế giới, vì quê hương mình. Phục đến độ quên mình vẽ nên nét đẹp cao vời của tình yêu là vậy. Tinh thần yêu thương phục vụ quên mình này là chất keo gắn kết con người lại với nhau.

Chính trong hoàn cảnh éo le của đại dịch hôm nay, trong những khốn khó trăm bề mà nhiều người đang phải gánh chịu, lại sáng lên biết bao nghĩa cữ cao đẹp của tình tương thân tương ái, của đùm bọc sẻ chia của mọi người khắp nơi trên thế giới và trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Cám ơn một tháng ngắn ngủi đã được trực diện chứng kiến và trải nghiệm nét đẹp cuộc đời trao ban của tình yêu thương phục vụ nơi chốn mong manh của phận người.

Xin mượn lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để kết thúc nỗi lòng trăn trở: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Hãy trao nhau tình yêu qua cuộc đời dấn thân phục vụ để vẽ nên nét đẹp đời mình.

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Quý, OP.

Top