Thương lắm mẹ ơi!
TGPSG-- Mẹ! khi mẹ đọc được tâm sự này thì con đang ở tuyến đầu chống dịch. Con xin lỗi mẹ vì con không dám gọi điện báo trước cho mẹ biết. Con sợ mẹ lại lo lắng, lại không ngủ được.
Mẹ còn nhớ ngày trước con chỉ bị sốt nhẹ, mẹ đã thức suốt đêm không ngủ. Mỗi lần mở mắt, con đều thấy mẹ ngồi bên, sợ con lại lên cơn sốt. Ngày con đi tu mẹ cũng đã khóc suốt đêm mà không ngủ. Làm sao con có thể để mẹ ngày đêm không ngủ vì lo lắng cho con thêm một lần nữa. Nhưng mẹ yên tâm mẹ nhé. Con vẫn khỏe mạnh và bình an. Làm việc nơi đây con thấy thương các bác sĩ lắm mẹ ạ. Đã hơn 4 tháng họ không về nhà. Có lẽ mỗi khi đêm về, họ cũng đã khóc thầm vì nhớ gia đình, nhớ cha mẹ già, nhớ con thơ… không phải họ yếu đuối mẹ ạ, nhưng họ có trái tim mềm, trái tim y đức, trái tim biết khóc thương cho các bệnh nhân.
Có người tâm sự với con: “Sơ biết không, đã nhiều lần con phải xa nhà, nhưng lần này nỗi nhớ da diết lắm, chỉ sợ một ngày nào đó con không thể về với vợ, với con khi nhận kết quả là dương tính thôi”.
Con thương các bác sĩ bởi hơn ai hết, con hiểu rằng các bác sĩ đang phải bước vào một trận chiến thực sự. Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của virus Corona vào cơ thể mình rất cao. Mẹ biết không, trong những ngày đầu phục vụ, con cũng rất hoang mang. Thứ nhất, con không có chuyên môn về y tế lại tiếp xúc trực tiếp với F0 nên con lo không biết sức khỏe của mình có an toàn hay không? Thứ hai, con mới tiêm một mũi vắc-xin ngày hôm trước, hôm sau đã lên đường, không biết có hiệu quả không? Và chỉ mới hơn một tuần phục vụ mà nhóm thiện nguyện đã có kết quả dương tính nên con hồi hộp khi chờ kết quả test covid, có khi nào rồi cũng sẽ tới lượt mình không? Con vẫn sợ nhưng nếu sợ thì con sẽ ngại hy sinh, ngại dấn thân. Con đã cầu nguyện thật nhiều. Cuối cùng tình thương trong con đã vượt thắng sự sợ hãi. Và sau khi cầu nguyện, con đã tìm được bình an, đã xác định mục tiêu ban đầu là phục vụ tha nhân chứ không phải tìm sự an toàn cho bản thân. Con không thể vì lo nghĩ cho bản thân mà không dấn thân mẹ ạ.
Hơn nữa, niềm tin vào Chúa đã giúp con có thêm sức mạnh để làm chứng cho Chúa dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính hình ảnh của các y bác sĩ nơi đây đã đánh động con rất nhiều. Chị Ngân điều dưỡng tâm sự: “Chị thèm biết bao phút giây được trở về bên gia đình, được ngồi xem ti vi với ba, được nằm trong vòng tay của mẹ để tỉ tê đủ thứ chuyện…nghĩ đến những chuyện đó chị lại nhớ nhà đến trào nước mắt. Còn cô Giang (hộ lý) tâm sự: “Giây phút được nhìn thấy chồng và con qua điện thoại, cô mừng phát khóc, thương chồng con vất vả ở nhà một mình nên cô luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe để sớm chiến thắng dịch và trở về với chồng con".
Có bác sĩ không kìm được nước mắt vì nhớ đứa con nhỏ mới hơn 3 tuổi ở nhà. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với người thân qua màn hình điện thoại trong những giờ giải lao chính là niềm an ủi, là động lực giúp họ có thêm sức mạnh để chiến đấu nơi tâm dịch. Khi nghe họ tâm sự, con thấy mắt họ đỏ hoe, khóe mắt rưng rưng những giọt lệ đang trực chờ rơi.
Có lẽ lòng họ đau nhói vì dù lo lắng cho sức khỏe của người thân nhưng chẳng thể ở bên chăm sóc… Tất cả những nỗi niềm ấy được họ - những người chiến sĩ áo trắng - gói ghém và ghi lên ghế: “Mẹ ơi, con muốn về nhà”... "khi nào con mới được về”... “tôi muốn được về nhà”...
Mẹ đã từng dạy con: “Dù ở đâu và làm gì, con hãy luôn nghĩ đến người khác, có như vậy con mới tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc con ạ”. Con vẫn nhớ lời mẹ dặn và con mang trong mình "Tình yêu của Đức Kitô" đến đây để phục vụ bệnh nhân covid. Thương lắm mẹ ạ! Các bệnh nhân ở đây hầu như đều bất động. Con virus quái ác hành hạ họ khổ sở lắm. Họ thoi thóp trong từng hơi thở, không người thân bên cạnh. Họ phó thác mạng sống họ cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Bệnh nhân mỗi lúc một tăng, các bác sĩ hầu như đã thấm mệt vì quá tải. Vì thế, con và một số anh chị em thiện nguyện muốn góp một phần nhỏ nhoi của mình hầu giúp xoa dịu phần nào nỗi đau cho các bệnh nhân .
Công việc của con hằng ngày là vệ sinh phòng bệnh, thay tã, thay drap cho bệnh nhân. Ngoài ra, con còn phụ giúp các bác sĩ cho họ ăn và lau người cho họ. Mỗi lần lau người cho họ, con thấy hai hàng nước mắt của họ chảy dài trên gò má.
Trong thời điểm giãn cách xã hội có nhiều người cứ than thở: “Tôi chán quá, tôi buồn quá vì tôi không thể ra ngoài được”, trong khi đó có những người đang ở bệnh viện thì họ chỉ “mong muốn được về nhà”. Cả nhà mình hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đang được ở nhà, được quây quần bên nhau. Mẹ hãy nhắn với các anh chị: “Tiền bạc, danh vọng, việc làm không quan trọng, quan trọng là đang được ở nơi tốt nhất đó là gia đình”. Khi dịch bệnh xảy ra người ta thường mong cho nó qua mau mà họ không cảm nhận được niềm vui nho nhỏ là được ở bên gia đình, bên người thân yêu. Có những lúc xa nhà mới thấy nhớ, có mất đi thứ gì đó ta mới biết quý những gì còn lại.
Dịch bệnh đã làm cho người ta thức tỉnh, họ đã biết dù giàu sang, danh vọng cũng không bằng một nơi yên bình. Chẳng vì thế mà dù đang ở Sài Gòn, Bình Dương, Đông Nai...họ vẫn vượt qua hàng ngàn cây số bằng xe máy, xe đạp thậm chí là đi bộ để về nhà tránh dịch, để tìm sự bình an nơi quê nhà. Những ngày qua, con không khỏi kìm lòng trước những hình ảnh “ăn núi, ngủ rừng”, vội vàng những bữa cơm chiều, rồi đến những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... của đội ngũ y, bác sĩ.
Không biết đã bao lâu rồi họ không về, đã bao đêm họ không ngủ vì nhớ nhà, nhớ con. Họ chỉ gặp người thân qua màn hình điện thoại. Có bác sĩ gọi điện cho con gái: “Con ngoan, ở nhà nhớ nghe lời ông bà khi nào về ba sẽ mua cho con một con gấu bông thiệt bự nghe”. Đầu dây bên kia có tiếng vọng lại: “Con nhớ ba lắm, con không cần gấu bông, chỉ muốn ba thôi”. Con thấy bác sĩ ấy đưa tay quệt vội dòng nước mắt. Có lẽ họ cũng như con đã từng hy vọng chắc chỉ ca này nữa thôi... nhưng không, mỗi lúc ca bệnh càng nhiều. Họ phải làm việc cả ngày lẫn đêm.
Bây giờ con mới thấm thía câu nói: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Trước đây vì những bon chen lo toan cho cuộc sống mà nhiều người đã quên mất giá trị linh thiêng nơi gia đình. Dịch bệnh xảy ra chính là cơ hội giúp nhiều người nhận ra “gia đình” là nơi mà những người thân yêu vẫn dõi theo bước chân ta trên đường đời; là nơi có những người mà ta dành trọn tình thương cho họ. Có một nơi để về đó là gia đình nhưng không phải ai cũng có thể về. Các y bác sĩ đã âm thầm hy sinh niềm vui cá nhân vì bệnh nhân. Họ không những giấu mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc trong môi trường cách ly tuyệt đối, chỉ giao tiếp bằng ánh mắt. Họ chạy nhiều hơn là đi. Nhiều lúc bệnh nhân nguy kịch, họ liền leo thang bộ mà chạy. Hình ảnh các bác sĩ nắm lấy tay nhau khi nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu khỏe lại làm cho con cảm thấy ấm lòng và cảm động. Nơi đây thực sự đã trở thành gia đình nhân loại chan hòa tình yêu thương, tất cả chỉ nhằm giành lại sự sống cho các bệnh nhân.
Hầu hết các bệnh nhân Covid-19 ban đầu vào viện đều cảm thấy rất lo lắng, sợ hãi do dư luận trách móc, đổ tội lây nhiễm dịch bệnh dù bản thân họ không cố ý. Các bác sĩ và tình nguyện viên nơi đây hàng ngày tiếp xúc với họ đã trực tiếp an ủi, động viên để họ lấy lại tinh thần. Các bác sĩ làm không vì lời cảm ơn nhưng họ làm với cả con tim. Giữa mùa đại dịch, khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm túc trực, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh.
Hình ảnh các y bác sĩ với những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội đã làm con không khỏi xúc động. Những người như bác tài xế, bác bảo vệ,... những người ấy không lên báo, cũng chẳng mong nhận được nhiều lời cảm ơn nhưng trong thâm tâm họ hiểu rằng ở thời khắc này nhiệm vụ họ đang gánh vác là trọng trách thiêng liêng nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân.
Con được biết vì Covid mà những đứa trẻ thơ không còn được ăn bữa cơm mẹ nấu mỗi ngày, không được cha ân cần hỏi han, không được nghe chuyện kể mỗi đêm, không được cha mẹ ở bên chăm sóc lúc ốm đau… Chúng bị tước đi niềm hạnh phúc giản đơn mà đáng lẽ mọi đứa trẻ đều có quyền được hưởng. Rồi thay vì vô tư vui đùa, bây giờ những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi đã “trưởng thành” hơn, thay cha mẹ chăm em, quán xuyến việc nhà… Tất cả chỉ vì “con ngoan để cha mẹ yên tâm chống dịch nhé”!
Mẹ, lần đi thiện nguyện này con gái của mẹ cảm nghiệm được nhiều điều. Con hiểu và trân quý hơn giây phút được ở bên gia đình. Con hiểu rằng trong trận chiến người ta cần nhiều bom đạn nhưng trong cuộc chiến này vũ khí cần hơn cả là tình thương. Con nhận ra đại dịch dẫu khó khăn, thách đố nhưng lại là cơ hội để con yêu thương nhiều hơn, mở rộng con tim của mình để sẻ chia nhiều hơn. Khi đại dịch xảy ra dai dẳng, có những người chỉ lo sợ tài chánh, quyền lực kiệt quệ, nhưng vẫn có những con người sẵn sàng sống giữa tâm dịch như những đốm sáng hy vọng cho đời. Họ nấu từng hộp cơm, chia sẻ từng bó rau. Chưa biết họ có thể làm được trong bao lâu nhưng họ chính là môn đệ của Chúa: SỐNG để SẺ CHIA. Con gái của mẹ cũng là môn đệ của Chúa, được Chúa thương chọn gọi trong ơn gọi thánh hiến. Do đó, một đàng con phải sống cậy tin phó thác trong mọi hoàn cảnh, đàng khác con cũng phải sống bằng đôi tay sẻ chia. Mẹ ơi, trong tận đáy lòng con cảm thấy hạnh phúc, con tìm thấy niềm vui vì được phục vụ những chi thể đau khổ của Đức Kitô. Bởi vậy, mẹ yên tâm và đừng lo cho con mẹ nhé!
Thủ Đức, ngày 9-8-2021
Teresa Nguyễn Vui
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly -
Tình Chúa tình người nơi tuyến đầu