Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết

Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết

Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết

TGPSG -- Háo hức mong chờ đi thiện nguyện mùa Covid đã lâu mà chưa được do vướng mắc sứ vụ học hành, nay ước mong ấy mới trở thành hiện thực trong dịp nghỉ Tết này. Chuyến thiện nguyện đầu tiên nhưng lại rơi vào đúng thời điểm cuối năm sắp Tết cũng làm cho tâm hồn tôi dậy nhiều cảm xúc.

1. Bắt đầu bằng một lời mời gọi: Trong năm, Covid hoành hành mọi nơi và không trừ một đối tượng nào, gây xốn xang đời sống và sinh hoạt của biết bao người. Với tâm thế của  một người môn đệ đang học bước theo Chúa, tôi cũng được Chúa thúc giục để trải lòng cảm thông với những người đang vất vả vật vã nhất bên ngoài bức tường học viện nhà tu. Một lời mời gọi hướng ra tới những anh chị em đang cần được trợ giúp nhất đã nhen nhóm trong tôi.

2. Nhìn vào lòng mình: Cuối năm sắp nghỉ Tết, tạm gác công việc học hành trường lớp, tôi nhìn nhận biết bao ơn lành mình đã nhận được trong năm qua, cách riêng là trong cơn đại dịch. Từ ơn chung trong cộng đoàn cho tới ơn riêng cá nhân dưới sự nâng đỡ của biết bao bàn tay trợ giúp của tha nhân và ân thân nhân, hữu hình cũng như vô hình, tôi không thể kể hết. Lòng tôi rộn lên hai tiếng “tri ân” và muốn “trao ban” chút bé nhỏ của bản thân.

3. Tâm tưởng bé gặp nhau: Tôi lại được diễm phúc gặp gỡ các tình nguyện viên khác là các anh chị em tu sỹ khác cũng đang cháy lửa mến và tạm gọi “hy sinh” không về Tết để ở lại đi “phục vụ”. Mỗi người đem theo một nỗi niềm riêng, một hoàn cảnh riêng nhưng chắc hẳn sẽ có điểm hội tụ, chí ít là một lời mời gọi và một nỗi nhớ nhà dịp Tết sau một năm chưa về, có người có thể lâu hơn nữa.

4. Lửa bé gặp lửa lớn: Mỗi người chúng tôi có chút nhen nhúm để đi như vậy, nhưng tôi nhận thấy ngọn lửa bé nhỏ của mình lại được những ngọn lửa “lớn” hơn rất nhiều chiếu soi và “chiếm đoạt”. Đó là những ngọn lửa đang cháy bừng bừng nơi các y bác sĩ và nhân viên y tế.

5. Họ đang chiếu soi để tôi thấy được những góc tối vị kỉ của mình. Họ đang thi hành sứ mạng đem lại sự sống cho con người. Còn tôi thì đôi khi vẫn còn có những tư tưởng, lời nói, hành động không đem lại sự sống cho người khác, có khi còn “vội vàng vơ vét về vui vẻ” cho riêng mình. Ánh sáng của Chúa nơi công việc và sứ mạng của các ý bác sĩ và nhân viên y tế soi sáng tâm hồn tôi để tôi tiếp tục nhận ra và hoán cải hơn trên hành trình theo Chúa.

6. Họ đã “chiếm đoạt” tôi. Qua hỏi thăm trò chuyện với họ, tôi thấy rất nhiều người trong họ đang nặng gánh với công việc này. Có thể là do sức ép áp lực quá lớn trong đợt đỉnh điểm của dịch vừa qua, hoặc mức lương không xứng đáng, rồi phải lo lắng cho gia đình… và còn nhiều lý do khác nữa. Nhưng giờ họ vẫn còn làm việc ở đây và hết sức tận tình với các bệnh nhân Covid, đặc biệt nhiều người trong số họ còn không được nghỉ Tết để quy tụ gia đình vì đang phục vụ bệnh nhân. Sự nhiệt tâm cho sứ mạng cứu người của họ đã “chiếm đoạt” tôi. Tôi cũng tự vấn mình sứ mạng cứu vớt các linh hồn mà mình đang được mời gọi bước theo Chúa.

7. Chấp nhận sự yếu đuối của bản thân: Đó là cú “ngã ngựa” của tôi trong ngày đi làm đầu tiên. Vừa mặc bộ trang phục bảo hộ, tôi thấy mình như chìm vào trong một thế giới khác, thế giới của nóng lực và khó thở so với thế giới thoải mái bên ngoài bộ đồ. Chưa đi hết một vòng giới thiệu quy trình làm việc, tôi đã cảm thấy mình thở hổn hển. Cố chịu tí nữa để khẳng định sức khỏe của mình. Tôi không còn thở được nữa. Tôi chạy nhanh ra ngoài. Một cú choáng suýt “xỉu” ngoài sân. May thay, tôi được một sơ dõi theo sau và quan sát. Tôi kịp cởi bộ “áo giáp” và thoát “xỉu” vì đã thở được khi tháo khẩu trang. Vậy đấy! Tưởng mạnh nhưng yếu. Tôi chấp nhận sự yếu đuối của mình. Quả là “phục sát đất” các y bác sĩ và nhân viên y tế khi họ đã đeo cái bộ áo giáp “khó chịu” ấy trong suốt những tháng ngày qua. Có hôm đỉnh điểm họ đeo từ 7g sáng tới 1g đêm.

8. Bài học về sự biết ơn nền tảng: Qua kinh nghiệm này, tôi thấy mình chưa biết ơn Chúa và biết ơn đời cho đủ. Điều giản đơn nhất là sự trân trọng từng hơi thở mà tôi được trao tặng mỗi giây phút, mỗi ngày khi thức giấc. Sống được bài học này suốt đời và trong mọi lúc có lẽ là bí quyết để được hạnh phúc nhất rồi, hạnh phúc trong từng phút giây được trao ban.

9. Kinh nghiệm về sự sống: Hơi thở cũng là sự sống đối với các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân ở khoa Hồi Sức ICU. Cận kề với sự sống ở đây là cái chết. Nó có thể xảy đến rất nhanh với các bệnh nhân khi họ không thở được nữa. Cảnh một loạt các bệnh nhân trong khoa này thở bằng ống nội khí quản cách hôn mê bất tỉnh càng làm tôi xác tín hơn về tầm quan trọng của sự sống và hơi thở mà mình được tiếp nhận từng phút giây. Ta luôn có đủ lý do để ngợi khen Đấng Tạo Hóa trong mọi hoàn cảnh là vậy.

10. Bất lực: Đứng trước sự ra đi của các bệnh nhân khoa ICU, tôi thấy mình bất lực, không làm được gì trước mối đe dọa của cái chết đang rình chờ các bệnh nhân, và có khi cả tôi và bất cứ ai vào một lúc không ngờ. Nỗi khắc khoải về cái chết vẫn luôn tiềm tàng trong ta và đưa dẫn ta về sự sống trong từng phút giây được trao ban.

11. Hoán đổi: Tới đây, tôi thấy được một sự hoán đổi nhẹ nhàng trong mình. Trước khi đi là tâm thế của một người muốn “cho đi”, đi “phục vụ”, nhưng mới được mấy hôm, tôi đã thấy mình mang đang mang tâm thế của một kẻ “nhận lãnh”, được “học hỏi”, được Chúa rút tỉa, được soi sáng để tiếp tục hoán cải và hướng tha nhiều hơn.

12. Tạm kết: Thời khắc của năm cũ cũng sắp qua, năm mới sắp đến. Thời gian trần thế thì vẫn luôn vần xoay mà thời gian của Chúa thì luôn vĩnh cữu. Nhưng dịp Tết này cũng là cơ hội để tôi ý thức thời gian ấy, về những gì tôi được trao ban trong từng phút giây. Ước mong sự thức tỉnh ấy làm tôi luôn hướng lòng về Đấng Trao Ban để tạ ơn, để ngợi khen, để đền bù muôn vàn những lúc tôi đã lãng quên ân huệ hồng ân chan chứa.

Kính chúc mọi người một năm mới bình an và hạnh phúc!

Văn Toàn, SJ (TGPSG)

Top