Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ

Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ

Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ

TGPSG -- Khi Tết đến, tôi thường nhớ đến mẹ tôi, với chiếc bánh ú nhỏ nhắn mẹ cầm đưa ngay cho tôi khi bánh vừa chín, vừa lấy ra khỏi nồi, nóng hổi...

Bạn có biết bánh ú chăng? Thay vì làm bánh chưng ngày Tết như phong tục Việt Nam theo truyền thuyết Lang Liêu, thì mẹ tôi lại làm bánh ú. Vì trong xóm tôi chỉ có gia đình tôi là người miền Tây nên bánh ú là độc quyền của mẹ tôi.

Bánh ú có hình tam giác, còn nguyên liệu thì hoàn toàn giống như bánh chưng, cũng có nếp, đậu xanh, thịt… Nhưng mẹ tôi còn thêm vào những nguyên liệu đặc trưng, khiến cho bánh ú của mẹ tôi có một không hai.

Vào dịp Tết thì dù hàng xóm đã có bánh chưng, họ vẫn thích bánh ú của mẹ. Có khi họ đem bánh chưng qua đổi; hay nhà ai có nếp ngon, họ cũng mang sang cho mẹ tôi, để được nhận lại những chiếc bánh ú thật đặc biệt của mẹ.

Tôi sẽ bật mí cho bạn nếu bạn muốn làm một cái bánh ú ngon cho người mà bạn yêu quí nhất. Đó sẽ là một cái bánh để đời. Tôi biết được bí quyết, mà thực ra chỉ là biết các công đoạn và cách làm… chứ bí quyết vẫn là bí mật. Chắc là mẹ có bỏ một chút nguyên liệu bí mật vào đó. Nếu bạn muốn bánh ngon, muốn chinh phục được vị giác của người khác, bạn phải tự mình khám phá ra nguyên liệu bí mật đó. Người ăn sẽ cảm nghiệm tấm lòng của bạn khi những miếng bánh dẻo nhẹo, thơm ngon đang đảo lộn trong miệng. Có lẽ bạn sẽ khám phá ra nguyên liệu ấy khi bạn chú ý theo dõi cách làm của mẹ.

Đầu tiên là chuẩn bị nếp. Mẹ chọn mua loại nếp bắc - nếu tôi không nhầm đó là nếp ngỗng. Mẹ nói: nếp có ngon thì bánh mới ngon được. Rồi sau khi đãi nếp, mẹ xào nếp trên bếp nhỏ lửa với lá dứa và dừa xay. Mẹ phải đứng đảo lâu lắm, và đảo từng ít nếp vừa đủ thôi. Mẹ thật kiên nhẫn như thế với từng chảo nếp. Một điểm đặc biệt không ai có, đó là trong nếp, mẹ bỏ thêm một ít đậu đen. Khi ăn, lúc bạn cắn phải một hột đậu đen, cái vị bùi bùi sẽ chạy đều trong miệng bạn.

Bây giờ là đến phần chuẩn bị phần nhân: thịt ba rọi, đậu xanh và hành lá. Mẹ chọn thịt thật kỹ, không mỡ quá cũng không nạc nhiều. Mẹ không quên bỏ một ít muối vào cho đậm đà nhân bánh. Rồi mẹ nấu đậu xanh: khi đậu đang còn nóng hổi, mẹ cho hành lá xắt nhỏ vào, mùi hành bốc lên thơm phưng phức.

Tiếp theo là phần gói bánh. Mẹ phơi lá chuối cho héo vừa phải, đem vào đúng lúc. Mẹ xé lá chuối ra từng cặp: to ngoài, nhỏ trong, và đúng mặt trái, mặt phải của nó. Còn dây cột thì không dài quá, không ngắn quá. Sau đó xếp lá thành hình một cái quặng, rồi bỏ đó vào theo đúng thứ tự: nếp, nhân, nếp; và theo đúng tỉ lệ giữa nếp và nhân: một muỗng nếp, một viên nhân, hai muỗng nếp. Phải gói cho chặt tay, nếu không chặt thì bánh sẽ bị nước vào khi nấu. Cuối cùng, xếp bánh vào nồi, luộc thật đều lửa, khoảng sáu tiếng là bánh chín.

Bây giờ mời bạn thưởng thức. Mở cọng dây mẹ cột thật điệu nghệ vừa chắc lại vừa dễ mở, bóc từng lớp lá chuối ra: nóng hổi và thơm phức là những hạt nếp đượm màu xanh tươi của lá chuối. Đưa lên miệng cắn một miếng ngay góc nhọn của cái bánh thật vừa vặn với miệng, bạn sẽ thấy được độ dẻo nhẹo của nếp, béo béo của dừa, thơm thơm của lá dứa. Cắn miếng thứ hai, bạn đã đụng tới phần nhân đậu xanh thật bùi, có mùi thơm của hành, beo béo của thịt mỡ, mềm ngọt của thịt nạc… Cái thích thú nhất và cũng là nét đặc trưng của bánh ú mẹ làm là phần nhân có vị hơi mặn làm cho người ăn không ngán, nhưng thích thú với vị đậm đà khó quên.

Mỗi lần nấu bánh xong, mẹ sai tôi đem bánh biếu tặng cho cả xóm. Có những lần tôi ngại không đem đi:

  •  Mẹ à! Bánh ú rẻ rề, ai mà chẳng mua được, mẹ cho người ta làm chi?

Xoa đầu đứa con gái ở cái tuổi ương bướng hay thắc mắc, mẹ nói:

  • Đúng rồi, bánh ú rẻ tiền lắm, nhưng mỗi cái bánh là một chút tình làng nghĩa xóm mẹ gửi vào đó cho mọi người. Con thay mẹ đem đi chia sẻ cho mọi người nhé!

Mà đúng thật như vậy, ai nhận được bánh của mẹ tôi cũng đều rất vui. Cả bà Năm khó tính hay la bọn con nít cũng khen nức nở với nụ cười hiếm hoi nở đẹp trên môi: “Bánh ngon lắm, năm nào cũng đợi bánh ú miền Tây đó, con ơi…” Cả ông Bảy khác đạo trong xóm này, mẹ cũng gửi bánh biếu ông.

Mọi người trong xóm tôi, tính nết khác nhau, hiền lành có, khó tính cũng có, người theo đạo này, kẻ theo đạo khác… nhưng đều có chung một niềm vui khi nhận được chiếc bánh ú nhỏ bé của mẹ tôi, khiến tôi trân quý mọi người vì thấy họ thật dễ mến.

Và mãi sau này tôi mới hiểu rằng: mẹ sai tôi đem biếu bánh cho mọi người để dạy tôi bài học của sự cho đi và tử tế với mọi người. Mẹ dạy tôi biết giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sự hiệp thông với nhau, từ những điều nhỏ bé làm nên tình người ấm áp cho thế giới này.

Và rồi chiếc bánh ấy giờ đây chắc chẳng bao giờ tôi được ăn nữa: Mẹ tôi đã mất trong đại dịch.

Giờ đây, Tết về, một nỗi buồn man mác trong lòng tôi khi nhìn thấy những cái bánh ú của ai đó làm. Có lần tôi cũng cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng cách ra tay tự làm bánh ú cho cả nhà, và đem biếu mọi người. Mặc dù mọi người đều khen tay nghề của tôi không thua kém mẹ tôi, nhưng chính tôi, tôi phải ngậm ngùi vì thấy nó không ngon như bánh mẹ làm. Những chiếc bánh ú tôi làm ấy thiếu một thứ gia vị nào đó mà tôi phải tiếp tục khám phá bằng cả cuộc đời để đem gói vào chiếc bánh ấy như Mẹ

Cầm nén hương trầm trước di ảnh Mẹ, cho hương khói quyện vào lời nguyện cầu, mong cho Mẹ sớm hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa, con thì thầm với Mẹ rằng: “Mẹ ơi, con tuy lớn nhưng với Mẹ, con mãi mãi là đứa bé còn thèm vị Tết có Mẹ.”

“Nếu có ước muốn trên cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại...”, nghe lời bài hát ấy, tôi bỗng tha thiết xin được quay ngược thời gian, trở về thời quá khứ trong vòng năm phút thôi, vào đúng lúc Mẹ nấu bánh vừa xong, để được ăn cái bánh ú mới ra lò đầu tiên, và ôm lấy Mẹ…

Maria Hồng Hà, CMR (TGPSG

Top