Tết mới nơi bệnh viện dã chiến

Tết mới nơi bệnh viện dã chiến

Tết mới nơi bệnh viện dã chiến

TGPSG -- Tết mới ở đây, bữa cơm không đường cũng ngọt, bữa cơm không ngọt cũng có nhiều đường’…

Chuyến xe đưa đón Tết mới

"Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa. Thất bát, vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta. Đường về nhà là vào tim ta, dẫu có muôn trùng qua. Vật đổi sao dời, nhà vẫn luôn là nhà”. Lời bài hát của Đen Vâu đưa chúng tôi trở về tâm trạng nô nức trên chuyến xe về quê vào mỗi dịp Tết dân tộc. Tết là dịp tất cả mọi người được trở về quê nhà và dành thời gian cho gia đình.

Thế nhưng, Tết năm nay có lẽ sẽ là một Tết thật đặc biệt của chúng tôi. Chúng tôi nhanh chân bước lên chuyến xe đến bệnh viện “Dã Chiến 3 Tầng Số 16”. Đây là chuyến xe đưa chúng tôi đón một “Tết mới”. Như mọi năm, Tết năm nay vẫn đến đúng hẹn, đúng lúc, không trễ, không sớm, khi chúng tôi - những người tu sĩ đã tình nguyện sắm vai thiện nguyện viên - đi vào bệnh viện đón Tết cùng với các bệnh nhân Covid-19.

Đối với chúng tôi, niềm vui Tết không chỉ được gần người thân, an vui bên người thương, trong mái ấm gia đình của mình, mà còn là niềm vui được lan tỏa cho người khác, bất kể họ là ai. Đó có thể là các y bác sĩ mà chúng tôi sẽ cùng cộng tác. Đó cũng có thể là các bệnh nhân covid mà chúng tôi sẽ đồng hành. Dù không biết họ là ai, không thể thấy mặt nhau, chỉ biết nhau qua những câu chuyện và những lần thăm hỏi ngắn ngủi, chúng tôi vẫn hy vọng truyền cảm hứng, khích lệ nhau và dìu dắt nhau bước qua những nỗi đau thể xác và tinh thần.

Với tất cả những lạc quan đó, chúng tôi đã bước lên chuyến xe mang biển số “Yêu Thương” và tiến về phía ánh sáng mặt trời ấm áp của mùa Xuân mới.

Gặp nhau trong Xuân mới

Sáng đó thật đẹp, sáng màu nắng nhạt ấm áp. Sáng đó thật vui, 6 con người chúng tôi lạ lẫm lò mò bước vào trong khu “ICU1” và “ICU2”.

Bước chân đon đả của 2 thầy và 4 nữ tu lướt nhanh qua các phòng bệnh viện cùng một lúc, nhưng không sao tránh được sự rụt rè pha chút lo ngại. Ấy thế mà, chỉ trong chốc lát, với sự đón tiếp nồng nhiệt của quý bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng và các bệnh nhân, chúng tôi ai nấy đều lấy lại được tinh thần, hân hoan nhận việc và học việc…

Sau khi tham quan và học việc, chúng tôi chia nhau các phòng bệnh và tiến hành dọn dẹp. Ấn tượng nhất với tôi lúc này đó là số lượng bệnh nhân không nhiều… Điều này làm tất cả chúng tôi đều thấy vui. Vui vì con số bệnh nhân ít ỏi còn lại trong các phòng bệnh, báo hiệu một dấu hiệu số lượng lây nhiễm của dịch bệnh đang giảm xuống. Tuy vậy, chúng tôi được cảnh báo không được lơ là và chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh trong khi thực hiện chăm sóc các bệnh nhân ở đây.

Cho dù phải qua lớp áo bảo hộ và găng tay y tế mới có thể tiếp xúc được với bệnh nhân, chúng tôi vẫn cảm nhận được một tình yêu lan tỏa khi thấy những giọt nước mắt cảm động của một người đàn ông chạc tuổi bố tôi. Ông ấy thì thào chia sẻ: “Sơ ơi, buồn lắm! Nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ cháu… nhớ… nhớ… mà không dám gọi điện thoại, sợ vợ con buồn, lo lắng rồi sốt ruột. May mà có các bác sĩ ở đây bầu bạn, có các cháu điều dưỡng chăm sóc tận tình. Và còn có các thầy, các sơ để tâm sự. Không thì… không thì… tui chết vì buồn mất!”

Vậy đó, ngày đầu làm việc chưa kịp thấm mệt, đã nhận được một lời chia sẻ và động viên hết sức chân tình của một bệnh nhân - người đáng lẽ cần được an ủi thì nay lại cho chúng tôi những lời khích lệ. Chúng tôi nhủ nhau rằng: “Đó không phải là công lao của chúng ta, nhưng đó là cơ hội cho chúng ta khi được thừa hưởng sự hy sinh của các nhóm anh chị thiện nguyện viên đi trước.”

Vâng, câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu từ sự quảng đại của người đi trước và đang được chúng tôi viết tiếp những tình tiết mới.

Bữa cơm Tết mới ngọt ngào

Những bữa cơm như thường lệ, không có cố định thời gian, lúc sớm lúc muộn, nhưng không bệnh nhân nào phàn nàn cả. Vì sao vậy? Không phải vì họ quen ăn muộn, không phải vì họ không dám lên tiếng. Nhưng vì họ thấu hiểu được sự khó khăn khi chuyển thức ăn từ bộ phận dinh dưỡng. Họ thông cảm cho sự vất vả của các nhân viên chăm sóc, không thể nhanh chóng đến nhận và phát đồ ăn…

Vậy nên khi thấy các bữa ăn đến, dù sớm dù muộn, họ cũng đều đón nhận với tất cả sự biết ơn. Họ ăn và gật gù khen: “Ngọt! Ngọt! Ngọt!”

Tôi thắc mắc, liệu có phải vì mất vị giác nên họ mới cảm thấy thế không? Nhưng bữa một, bữa hai, rồi dần dà sau đó, tất cả chúng tôi đều khám phá ra rằng: Vị ngọt của các hộp cơm đến từ tấm lòng của con người, vị ngọt của những tình thương họ dùng để chăm sóc nhau như người thân. Bữa cơm không đường cũng ngọt, bữa cơm không ngọt cũng có nhiều đường.

Tôi thường thấy một anh điều dưỡng trẻ hay phụ giúp các bữa ăn cho một cụ bà. cụ này đã có phần nào lẫn do tuổi già, nhưng vẫn luôn miệng nói với anh ấy: “Cơm này của ai vậy ạ? Cho em à? Bao nhiêu tiền?”

Anh ấy cười sảng khoái và đùa với cụ bà: “Ha ha ha, bà ơi, ăn đi! Cơm của bà đó, miễn phí, miễn phí! Ăn nhiều, mau khỏe, về với con cháu nghen!”

Cứ như vậy, bữa nào anh ấy và bà cụ cũng trải qua một bữa ăn nhiều đường. Sau đó, thì tôi chợt nghe một giọng hát thật dịu dàng cất lên: “Ta chỉ sống một lần trên đời, suy nghĩ lắm chi em ơi! Bao nhiêu yêu thương trên đời, là vị ngọt trên đôi môi…” Thế là, cả khu ICU 2 được pha cười ngọt lịm…

Vậy đó, chúng tôi đang đón một Tết mới, Tết Nhâm Dần 2022, ngọt lịm tình người nơi bệnh viện dã chiến…

Tructimsac (TGPSG)

Top