Chữ hiếu trong ngày Tết

Chữ hiếu trong ngày Tết

Chữ hiếu trong ngày Tết

TGPSG -- Trong niềm vui của những đầu năm mới, sáng thứ Tư ngày 5-2-2025, tức là mồng 8 Tết Ất Tỵ 2025, tại Đền Thánh Vincente - giáo xứ Thăng Long có rất đông khách hành hương từ khắp nơi về cầu nguyện với thánh Vincente, cùng học hỏi đề tài: “Chữ hiếu trong ngày Tết”, do Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, chánh xứ Thăng Long, giáo sư Phụng vụ, trình bày.

Chương trình thuyết trình đề tài bắt đầu từ lúc 8g30. Vì đang ở những ngày đầu năm mới, ngày Tết, Lm Vinh Sơn đã giúp cho cộng đoàn hiểu được tương quan văn hóa Việt Nam với những người con cái Chúa đang sống trên mảnh đất quê hương. Chúng ta sống làm sao cho những anh chị em không cùng niềm tin, đặc biệt là những biểu lộ lòng tôn kính tổ tiên ông bà cha mẹ như giỗ chạp, cúng kiếng, để chúng ta có thể đối thoại với họ.

Có nhiều bạn trẻ khi lập gia đình, là con trưởng của gia đình, muốn theo Chúa, nhưng bị sự phản kháng trong gia đình. Bố mẹ nói: “Bây giờ theo đạo, con bỏ ông bà, không còn cúng, giỗ chạp nữa sao?” Vậy chúng ta phải sống đức tin như thế nào trong văn hóa Việt Nam?

Chữ hiếu là lòng biết ơn của chúng ta với tổ tiên ông bà cha mẹ. Một số tập tục về biểu lộ chữ hiếu chúng ta mượn của Trung Hoa. Chữ hiếu của Việt Nam nhắc đến cội nguồn: Chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Cùng 1 cách biểu lộ lòng biết ơn với ông bà cha mẹ, nhưng mỗi gia đình có một cách khác.

 Chúng ta theo Chúa cũng biểu lộ lòng hiếu thảo với cha mẹ cách mới mẻ. Chữ hiếu không chỉ đơn thuần là chúng ta biết ơn ông bà cha mẹ, cội nguồn, công lao khó nhọc sinh dưỡng của các ngài. Nhưng đồng thời, chúng ta còn phải nhìn lại mình. Chúng ta phải tự hào là người Việt Nam, tự hào là văn hóa Việt Nam. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con, chúng ta phải thấy được và sống cho trọn vẹn.

Nhiều người thành tài rồi thì muốn tách mình ra khỏi cha mẹ, đánh đồng cha mẹ với của cải. Và có người còn vô ơn là họ không để cái đẹp, cái tốt của họ với cái thân cây là bố mẹ, mà họ muốn cắt thân ra, loại trừ cha mẹ vì sợ mất mặt với bạn bè... Cội nguồn là tình yêu, hoa trái là điều chúng ta có được. Hoa tự nhiên là công trình của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa khởi đầu, con người học theo công trình của Thiên Chúa bằng trí khôn của mình, làm ra công trình do bàn tay của mình. Con người làm đẹp công trình của Thiên Chúa bằng khối óc của mình.

Với người ngoài đạo, họ đón nhận những gì là may mắn, tống khứ đi những gì là xui xẻo. Trong dịp tết có những lễ cúng như: cúng ông công, ông táo... Ông táo tức là ông thần bếp. Nhưng với người Kitô hữu, tất niên là lời tạ ơn và ngày mồng 1 Tết là ngày cầu cho bình an.

Chúng ta tạ ơn vì sự hiện diện của Chúa trong đời. Tạ ơn vì những gì Chúa ban cho và ta có hoàn thành hay không? Chúng ta phải làm triển nở ơn gọi mình, còn chúng ta đòi hỏi thường có nguy cơ làm lệch hướng. Chúng ta tạ ơn vì mỗi năm thêm 1 kinh nghiệm sống để làm chứng cho Chúa.

Chúng ta chúc cho nhau điều tốt lành, nhưng điều tốt lành đó, để làm gì? Chúc cho nhau sống khỏe, nhưng có sức khỏe làm gì? Điều tốt lành làm cho chúng ta thêm kinh nghiệm cuộc đời, để làm cho cuộc đời ý nghĩa hơn. Thêm tuổi là cuộc đời ngắn đi một tí, ngày tử gần hơn, để chúng ta đến đích cuộc đời. Tạ ơn Chúa tất niên là biết rằng, những gì Chúa ban con sẽ làm trọn vẹn cho đến khi đi tới đích.

Bàn thờ nhắc chúng ta về người đã khuất, để chúng ta cầu nguyện cho những người ấy. Người Công Giáo chúng ta lập bàn thờ kính nhớ tổ tiên, để tỏ lòng hiếu thảo và tưởng nhớ người đã khuất, sống mầu nhiệm hiệp thông, cầu nguyện cho họ. Chúng ta cũng không thờ ảnh tượng, nhưng qua ảnh tượng nhắc chúng ta về con người đó đã có, con người đó đã hiện diện trong lịch sử.

Chữ hiếu của chúng ta là lòng biết ơn tổ tiên, gốc gác của mình. Nhờ các ngài mà hôm nay chúng ta có cuộc sống này. Lòng biết ơn là chúng ta nhìn mình và nhớ đến công ơn của ông bà cha mẹ.

Cách biểu lộ lòng biết ơn của chúng ta không chỉ với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nhưng trước hết và trên hết là lòng biết ơn với chính Chúa, đã chăm sóc ông bà, cha mẹ và cho chúng ta được một gia đình và từ đó chúng ta được lớn lên. Lòng biết ơn biểu lộ qua việc chúng ta tôn kính ông bà cha mẹ và cố gắng sống ơn gọi mình.

Phần thuyết trình hành hương của Lm Vinh Sơn kết thúc vào lúc 9g15. Đến 9g30 là phần khấn với thánh Vincente ở ngoài sân đền thánh.

Ngày hành hương đầu năm khép lại sau Thánh lễ lúc 10g theo phụng vụ của thứ Tư tuần IV Thường Niên.

Sau cùng, cộng đoàn ra về trong niềm vui được hành hương, cầu nguyện với Thánh Vincente và còn được học hỏi nhiều về đạo làm con, sống đạo hiếu, biết ơn ông bà cha mẹ.

Được biết, chương trình học hỏi, hành hương và cầu nguyện với Thánh Vincente diễn ra hàng tháng vào ngày 5 mỗi tháng. Tuy nhiên, hôm nay là ngày có rất đông đảo người đến với Đền Thánh Vincente, vì mọi người còn đang ở những ngày nghỉ đầu năm - mồng 8 Tết Ất Tỵ 2025.

 Bài: Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
Ảnh: Giuse Đinh Đồng Dũng

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top