“Bức Tường Jericho” – Một tiếng vọng từ Cựu Ước đến hiện tại
TGPSG -- Trong ánh sáng lung linh huyền ảo của sân khấu tại Đại hội Giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn 2024, vở ca kịch “Bức Tường Jericho” vang lên như một bản giao hưởng vừa bi tráng vừa thiêng liêng. Được nhóm Ca Kịch Công Giáo Sài Gòn công diễn vào đêm trước Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, tác phẩm không chỉ tái hiện một kỳ tích trong Kinh Thánh mà còn mang đến tiếng gọi mạnh mẽ cho giới trẻ hôm nay – một lời mời gọi can đảm nghe theo Thiên Chúa mà phá vỡ những bức tường vô hình trong tâm hồn, để mở ra một tương lai đầy hy vọng và ánh sáng.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII: “Không ai bị loại trừ khỏi trái tim của Thiên Chúa; tất cả chúng ta đều nghèo và cần đến sự yêu thương của Người.” “Bức Tường Jericho” chính là tiếng vọng của tình yêu đó, dẫn dắt khán giả từ những tâm tư thẳm sâu, khơi dậy niềm tin, niềm hy vọng và lòng can đảm để vượt qua chính mình.
Hành trình vượt qua “bức tường” trong lòng người
Trong Cựu Ước, bức tường thành Jericho là biểu tượng cho những thử thách dường như bất khả thi mà dân Israel phải đối mặt. Nhưng dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa và nhờ sự đồng lòng, bức tường đã sụp đổ chỉ sau tiếng hò reo và tiếng kèn vang dội. Vở ca kịch khéo léo tái hiện câu chuyện ấy không chỉ như một chiến công lịch sử, mà còn gợi lên những ý nghĩa biểu tượng sâu sắc: những bức tường không chỉ tồn tại trong thế giới vật lý mà còn ẩn sâu trong tâm hồn con người hiện đại – bức tường của định kiến, cô lập, sợ hãi, và những giới hạn tự áp đặt.
Những nhân vật trong vở kịch – Micah, Sarai, Khali – mỗi người là một biểu tượng. Micah, thiếu niên dũng cảm, nghe theo tiếng gọi từ trái tim, quyết tâm đối đầu với quyền lực và bất công. Sarai, tế nữ dịu dàng nhưng kiên định, mang trọn niềm tin và lòng trung tín. Khali, công chúa giằng xé giữa tình yêu và trách nhiệm, đại diện cho cuộc đấu tranh nội tâm để tìm kiếm sự thật. Họ không chỉ phá vỡ bức tường Jericho vật lý mà còn vượt qua những giới hạn trong chính họ, để bước đi trên con đường ánh sáng.
Tiếng hô “Jericho! Hãy mở ra!” trong vở kịch không chỉ vang lên như tiếng gọi từ quá khứ, mà còn là lời nhắn nhủ mạnh mẽ cho khán giả hôm nay: hãy phá vỡ những bức tường nội tâm, để tin tưởng và phó thác vào kế hoạch của Thiên Chúa. Đây cũng phản ánh tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục XVI, nhấn mạnh đến việc Giáo hội cần vượt qua các rào cản để cùng nhau tiến bước trong tình yêu thương và chia sẻ.
Hình ảnh trong vở ca kịch diễn tả cảnh một buổi lễ tế thần của dân vùng Canaan trước khi dân Israel chinh phục. Trong Kinh Thánh, dân Israel được Thiên Chúa chỉ dẫn phải hoàn toàn loại bỏ các thực hành này khi họ vào Đất Hứa.*
Khi sử thi gặp gỡ đương đại: Nghệ thuật làm sống lại đức tin
Tám tháng chuẩn bị, sáu tháng luyện tập miệt mài, và sự dày công sáng tạo của nhóm Ca Kịch Công Giáo Sài Gòn đã tạo nên một tác phẩm vừa chặt chẽ về cấu trúc, vừa phong phú về cảm xúc. Điểm nhấn nghệ thuật của “Bức Tường Jericho” không chỉ nằm ở âm nhạc hùng tráng hay những ca từ tự sự, mà còn ở ngôn ngữ không lời được truyền tải qua từng động tác múa. Nghệ thuật múa trong vở kịch không đơn thuần là phương tiện biểu đạt hình thể, mà chính là tiếng vọng từ tâm hồn, phản ánh chiều sâu cảm xúc và những mâu thuẫn nội tâm của các nhân vật.
Trong không gian vượt thời gian về thời Cựu Ước, phân cảnh bài hát tự sự của tế nữ Sarai đã khiến hơn năm ngàn bạn trẻ không khỏi trầm trồ. Trong đó, tư tế Juth tạm rũ bỏ áo choàng phẩm trật vương giả, mà bắt đầu những động tác múa điêu luyện, nhằm khắc họa rõ nét sự dằn xé, tiếc nuối và đau đớn trước định mệnh của ông. Mỗi bước chân, mỗi cử động tay đều như một tiếng gọi vọng từ quá khứ, mang theo tâm trạng u uất của một linh hồn tan vỡ.
Thành công của vở ca kịch còn được làm nên bởi sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Mỗi bộ phục trang, từ áo thô mộc mạc của đoàn dân Israel, vương phục lộng lẫy của vua Jericho, đến trang phục uy nghi của hàng tư tế và quân lính, đều được nhóm tự thiết kế và chế tác. Những chi tiết đạo cụ được chăm chút cẩn thận đã tái hiện trọn vẹn không gian lịch sử của thành Jericho, mang đến cho khán giả một bức tranh sống động về thời đại của câu chuyện Kinh Thánh.
Giá trị hiện đại và thông điệp cho giới trẻ
Trong một thế giới đầy rẫy những “bức tường” – từ cô lập cá nhân, sự bất an nội tâm, đến những bất công xã hội – “Bức Tường Jericho” đã mang đến thông điệp sâu sắc: với niềm tin, lòng can đảm, và sự đồng lòng, không gì là không thể.
Hành trình của Micah và Sarai không chỉ là một câu chuyện cổ mà còn là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ đối diện với chính mình, phá vỡ những bức tường ngăn cách họ với Thiên Chúa và cộng đồng. Như Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Hãy để lời cầu nguyện của người nghèo trở thành của chúng ta, bởi đó là tiếng nói mạnh mẽ nhất chạm đến trái tim Thiên Chúa.”
Sứ điệp “san chia” xuyên suốt vở kịch chính là lời mời gọi tình yêu thương và hiệp nhất. Giống như dân Israel cần đồng lòng để hạ gục Jericho, thế giới hôm nay cũng cần sự sẻ chia để vượt qua rào cản của bất công và chia rẽ. Hình ảnh đoàn dân Israel rước Hòm Bia Giao Ước chính là biểu tượng sống động của Giáo hội hiệp hành – Giáo hội của tình yêu và sự đồng hành.
Nếu vở ca kịch “Christus Vincit – Một Tình Yêu” năm ngoái là một phép thử với khán giả đại chúng trẻ tuổi, thì “Bức Tường Jericho” vượt lên trên khuôn khổ thông thường cho một buổi diễn nguyện mà nhóm Ca Kịch Công Giáo Sài Gòn đã ấp ủ và mang đến cho khán giả năm nay. Với phong cách nghệ thuật giàu tính biểu tượng, vở ca kịch có thể hơi kén người xem. Tuy nhiên, với những ai sẵn lòng khám phá, đây là một trải nghiệm nghệ thuật sâu sắc, không chỉ để thưởng thức mà còn để suy tư và hành động.
Thay lời kết
“Bức Tường Jericho” khép lại bằng hình ảnh đoàn dân Israel cảm tạ trước Hòm Bia Giao Ước – biểu tượng linh thiêng của lòng biết ơn và niềm tin tuyệt đối. Khoảnh khắc ấy không chỉ là một hồi kết, mà còn là nơi bắt đầu của một tiếng vọng – tiếng trái tim – vang xa trong tâm hồn mỗi khán giả, nhắc nhở rằng mọi hành trình vượt qua giới hạn đều bắt đầu từ niềm tin kiên định và lòng phó thác trọn vẹn vào Đấng Toàn Năng.
Tác phẩm không đơn thuần kể lại một chiến thắng của lịch sử, mà còn gợi lên một lời mời gọi dấn thân vào hành trình sống đức tin. Trên hành trình ấy, tương lai đang chờ, nơi ánh sáng Thiên Chúa dẫn lối, lòng can đảm trở thành đôi cánh, và tình yêu thương được khắc sâu như một lời thề cho một thế giới tốt đẹp hơn. Đây không chỉ là kết thúc của một vở diễn, mà còn là sự khởi đầu của ngàn giấc mơ và hy vọng mới, nơi mỗi khán giả được mời gọi để bước vào con đường ánh sáng với trái tim mở rộng và khát vọng yêu thương.
Bài: Hạo Nhiên | Hình ảnh: Nguyễn Tuấn, Phạm Minh Đăng
______________________________________________________
*Hình ảnh trong vở ca kịch diễn tả cảnh một buổi lễ tế thần của dân vùng Canaan trước khi dân Israel chinh phục. Trong Kinh Thánh, dân Israel được Thiên Chúa chỉ dẫn phải hoàn toàn loại bỏ các thực hành này khi họ vào Đất Hứa:
“Khi ngươi vào đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi, thì đừng học đòi làm theo những điều ghê tởm của các dân tộc ấy. Giữa ngươi, không được thấy ai đem con trai con gái mình ra mà thiêu trong lửa, không được thấy ai hành nghề bói toán, chiêm tinh, phù thủy, làm phù phép…” (Đệ Nhị Luật 18:9-12)
“Ngươi sẽ không làm như thế đối với Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, vì những điều ghê tởm mà Đức Chúa gớm ghét, các thần của chúng đã làm. Chúng còn thiêu cả con trai con gái mình trong lửa để tế các thần của chúng.” (Đệ Nhị Luật 12:31)
bài liên quan mới nhất
- Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ mừng lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ
-
Giáo chức hạt Sàigòn - Chợ Quán hành hương và họp mặt mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2024 -
Tĩnh tâm Mùa Vọng & Giáng Sinh của giới Nghệ sĩ Công giáo -
Tháng 11 là tháng báo hiếu -
Ban bác ái Doanh nhân Công giáo thăm quý nữ tu Dòng Kín và Mái ấm -
Gia đình Chăm Sóc Bệnh Nhân liên xứ Sài Gòn cầu nguyện cho các linh hồn -
Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa -
Chuyến đi tĩnh tâm của ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức - Kỷ niệm 50 năm thành lập (1974 – 2024) -
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn và an táng các thai nhi
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc