Thiếu nhi Thánh Thể hạt Xóm Mới: Hành hương Năm Thánh

Thiếu nhi Thánh Thể hạt Xóm Mới: Hành hương Năm Thánh

WGPSG -- Từ 18g00 ngày 09/11/2010, khắp các nẻo đường ở Xóm Mới, từng đoàn thiếu nhi đội ngũ chỉnh tề, dưới sự hướng dẫn của các anh chị huynh trưởng, đã nô nức tiến về thánh đường giáo xứ Hà Nội hành hương Năm Thánh. Mỗi giáo xứ cử hơn 100 bạn thiếu nhi với các độ tuổi khác nhau thuộc 3 khối Ấu nhi, Thiếu nhi và Nghĩa sĩ tham dự hành hương, đã nâng tổng số người tham dự lên hơn 2000 em, ngồi chật hết 2 tầng lầu trong nhà thờ, kể cả các ghế phụ cũng được tận dụng tối đa. Đây là Đoàn thể cuối cùng trong hạt tổ chức hành hương với số lượng đông đảo nhất.

Thánh lễ trọng thể do cha Hạt trưởng chủ tế, cha Đặc trách Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) Giáo phận TP.HCM công bố Tin Mừng, cha Đặc trách TNTT hạt Xóm Mới giảng lễ, cùng quý cha chánh xứ giáo xứ Trung Bắc, cha phụ tá giáo xứ Lạng Sơn, Hà Đông, Hà Nội và cha Phanxicô Xaviê Dương Văn Mỹ (Dòng Don Bosco) đồng tế. Sự hiện diện đông đảo của quý cha là một niềm vinh dự và khích lệ rất lớn cho Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể giáo hạt Xóm Mới.

Khởi động

Đến 18g30, thánh đường giáo xứ Hà Nội như muốn nổ tung với những tiếng hát vang trời của bài ca sinh hoạt, kèm theo những tràng pháo tay vang rền, những tiếng hò của băng reo, cùng với sự hồn nhiên kèm thêm chút tinh nghịch của các em thiếu nhi… Tất cả đã tạo nên bầu khí hồn nhiên và trong trắng của thiếu nhi trong ngày hành hương. Những nụ cười luôn tươi nở trên môi quý cha, vì các ngài đã thi hành Lời Chúa: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng vì Nước Trời thuộc về chúng” (Mt 19,14).

Phần khởi động kết thúc bằng điệu múa minh họa bài hát “Mùa hồng ân” của các em thiếu nhi giáo xứ Lạng Sơn. Nghi thức chào cờ Đoàn thật trang nghiêm với bài: “Thiếu nhi tân hành ca”, đã đưa bầu khí lắng đọng trở lại, giúp các em chuẩn bị tâm hồn tham dự Thánh lễ thật sốt sắng.

Trước Thánh lễ, cha Hạt trưởng Đaminh Đinh Ngọc Lễ gởi lời cảm ơn chân thành đến quý cha Đặc trách Thiếu Nhi Giáo phận Sàigòn và giáo hạt Xóm Mới, cùng quý cha, quý tu sĩ và quý phụ huynh, đã dành nhiều sự ưu ái cho con em mình, để các em có điều kiện đến tham dự buổi hành hương Năm Thánh. Quả là một ngày hội vui tươi, hữu ích để các em thiếu nhi hiệp thông với Giáo hội Việt Nam trong Năm Thánh 2010.

Sống thành thật

Trong bài giảng, cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng (Đặc trách TNTT hạt Xóm Mới) đã nêu lên sự trung kiên, can trường của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để làm chứng cho niềm tin của mình nơi Đức Kitô. Chỉ một động tác nhẹ nhàng, bước qua thập giá, hay phát biểu một lời chấp nhận từ bỏ đạo, các ngài sẽ không bị những cực hình như: Tùng xẻo, chém đầu, thiêu sống, rũ tù... Tuy nhiên, các ngài là những người sống thành thật và trung thực, sẵn sàng hy sinh mạng sống để tuyên xưng niềm tin của mình, không gian dối, né tránh. Từ đó, ngài đã đưa ra cho các em ý lực sống “thật thà” qua bài hát:

Thành thật là thật thà
Thật thà trong lời nói
Thật thà trong việc làm
Thật thà với mọi người
Em quyết không nói dối
Em quyết không thề gian
Có thì em nói có
Không thì em nói không

Sau đó, ngài mời gọi một số em lên hát lại để nhận phần thưởng. Tuy thật giản đơn nhưng lời bài hát đã đi sâu vào tâm trí các em, giúp các em có những ý tưởng sống thật thà trong gia đình và nơi đường phố. Nhưng để thực thi điều đó, các em phải nỗ lực từ bỏ chính mình, và đấu tranh với những cái xấu đang lan tràn chung quanh các em. Bởi lẽ, sự gian dối đã xâm nhập không chỉ ngoài xã hội mà còn trong cả học đường, nơi các em đang được giáo dục để trở nên những con người có nhân cách, có những đức tính nhân bản như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Nghi thức sai đi

Sau phép lành Toàn Xá, lời mời gọi các em thiếu nhi hãy trở nên chứng nhân Tin Mừng, là một ngọn nến sáng cho đời, để ánh sáng tình yêu sẽ lan tỏa và cháy sáng mãi đã được thể hiện qua “Nghi thức sai đi”. Qua điệu nhạc hào hùng của bài hát: “Hãy thắp sáng lên”, mỗi em với nến sáng trên tay, cùng cử điệu lên xuống đã tạo thành những làn sóng của ánh nến thật diệu kỳ trong màn đêm, để lại nơi tâm trí các em những hình ảnh, những kỷ niệm khó quên.
Bài hát: “Thần Khí Chúa” được cất lên, các anh chị huynh trưởng hướng dẫn các em lần lượt ra về qua cửa chính nhà thờ, tạo thành dòng nến sang lung linh, trải dài từ trong nhà thờ ra đến ngoài đường, khiến dòng xe phải ngừng lại để các em qua đường, mang ánh sáng lan tỏa về từng khu xóm và gia đình. Dòng người tiếp tục ra về, từ trong thánh đường, vẫn vang vọng lời ca:

Thần khí Chúa đã sai tôi đi
Sai tôi đi loan báo Tin Mừng
Thần khí Chúa đã thánh hiến tôi
Sai tôi đi Ngài sai tôi đi.

Lịch sử Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể ở Việt Nam

Ở Việt Nam, phong trào được thành lập đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1929 do hai linh mục Léon Paliard và Paul Urureau, Tu hội Xuân Bích, mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể. Phong trào được hàng giáo phẩm và giáo dân hưởng ứng nên đã phát triển khắp Việt Nam trong suốt thập niên 1930: Huế (1931), Sài Gòn (1931), Phát Diệm (1932), Thanh Hoá (1932), Vinh (1935), Vĩnh Long (1935), Quy Nhơn (1936), Bùi Chu (1937), Thái Bình (1937), Bắc Ninh (1938)... Tùy theo lứa tuổi từ nhỏ tới lớn, Nghĩa Binh được chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh và Hậu Binh.

Cuộc di cư năm 1954 đã làm phát triển rộng lớn hơn nữa Nghĩa Binh Thánh Thể ở miền Nam. Năm 1957, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bổ nhiệm linh mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên uý đầu tiên. Sinh hoạt Nghĩa Binh bắt đầu đòi hỏi đổi mới cho phù hợp với tâm lý giới trẻ. Cùng lúc với tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican II, phong trào đã thêm vào sinh hoạt cầu nguyện thuần tuý của Nghĩa Binh Thánh Thể một đường lối mới: giáo dục trẻ và dùng phương thức sinh hoạt trẻ vào trong các hoạt động. Vì thế, bản nội quy thống nhất được ra đời và đổi tên Nghĩa Binh Thánh Thể thành phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.

Năm 1971, Hội đồng Giám mục phê chuẩn bản nội quy mới. Năm 1972, Đại hội Toàn quốc Về Đất hứa 1 tổ chức tại Bình Triệu quy tụ khoảng 2.000 huynh trưởng. Vào thời điểm này, các giáo phận phía Nam có tới 140.000 đoàn viên và 3.800 huynh trưởng trong 650 xứ đoàn của 13 giáo phận. Ở miền Bắc, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể vẫn tiếp tục hoạt động chủ yếu là sinh hoạt giáo lý và đạo đức.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top