Tài Liệu Làm Việc - Đại hội Dân Chúa (1)

Tài Liệu Làm Việc - Đại hội Dân Chúa (1)

 

 

 

Chỉ còn 3 tuần nữa là khai mạc Đại hội Dân Chúa, một sự kiện quan trọng trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam. Trong Đại hội, các đại biểu sẽ tham gia đóng góp với các bài thuyết trình, tham luận, họp nhóm… dựa trên văn bản chính thức là “Tài liệu Làm việc” – đã được các giám mục phê chuẩn trong kỳ Đại hội Giám mục lần thứ XI của HĐGM Việt Nam vừa qua.

WHĐ đã giới thiệu bài phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm -trưởng ban Thư ký Đại hội- về tài liệu này; đồng thời cũng đã phổ biến Tài liệu Làm việc trên trang web –dưới dạng tập tin tải về... Nay chúng tôi cho đăng lại nguyên văn tài liệu này để giúp độc giả dễ dàng theo dõi. Tài liệu sẽ được đăng thành 3 kỳ, theo 3 chương của phần I và trình bày theo 2 cột để có cái nhìn tổng quát hơn. Các chú thích đều được lược bỏ.

 

LƯỢC ĐỒ TỔNG QUÁT

Dẫn nhập: Giới thiệu Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa

PHẦN I. NỀN TẢNG THẦN HỌC

Chương 1. Mầu nhiệm
Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam

Chương 2. Hiệp thông
Giáo Hội như dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau

Chương 3. Sứ vụ
Giáo Hội Việt Nam và sứ mạng loan báo Tin Mừng

PHẦN II. HƯỚNG ĐI MỤC VỤ

1. Củng cố mối hiệp thông giữa tín hữu với Thiên Chúa
2. Hội nhập văn hóa
3. Phát huy sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội
4. Đào tạo nhân sự
5. Loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh ngày nay
6. Công bằng xã hội và thực thi bác ái

DẪN NHẬP

(1) Giáo Hội tại Việt Nam, tràn ngập hân hoan trong Chúa Thánh Thần, cất vang lời ngợi khen Chúa Cha, Đấng đã trao ban cho đoàn con của Ngài trên đất nước Việt Nam này ơn phúc nhận biết Chúa Giêsu Kitô và mầu nhiệm khôn dò của Người (x. Pl 3,7-8. 10; Ep 2,8-9; Gl 4,8). Trong bối cảnh của Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận đại diện tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, niềm vui lại càng dâng cao trong tâm tình cảm mến tri ân khi nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua và khám phá những hoa trái dồi dào từ đời sống đức tin kiên cường anh dũng của bao thế hệ tiền nhân, nhất là của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.

Càng tri ân Thiên Chúa, Giáo Hội tại Việt Nam càng nhận ra mình còn nhiều thiếu sót đối với tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa (x. Tv 50). Tâm tình sám hối xin dâng lên Thiên Chúa vì nhiều khi Giáo Hội đã che khuất thay vì bày tỏ khuôn mặt đầy yêu thương của Ngài cho những người chung quanh, đồng thời chân thành xin lỗi mọi người vì đã chưa yêu mến và phục vụ con người như Chúa Kitô mong đợi. Với thái độ khiêm nhường xin ơn tha thứ và ơn thánh hóa để luôn là Hiền Thê tinh tuyền của Chúa Kitô (x. Ep 5,26) và trở nên Thánh Đô mới của Thiên Chúa (x. Kh 21,9-14), Giáo Hội tại Việt Nam ước mong thực hiện cuộc đổi mới trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, Đấng đang dẫn dắt lịch sử đến chỗ viên thành.

Nỗi thao thức canh tân chính là động lực thúc đẩy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam triệu tập Đại Hội Dân Chúa toàn quốc như cao điểm của chương trình hoạt động trong Năm Thánh 2010. Tài liệu làm việc của Đại Hội Dân Chúa được đúc kết từ đề cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, cùng với những suy tư góp ý từ nhiều nơi gởi về cũng như các tài liệu của Huấn quyền Giáo Hội. Nếu Thư chung 1980 đã vạch hướng cho các tín hữu sống đức tin trong chặng đường lịch sử sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, thì Đại hội Dân Chúa 2010 cũng được kỳ vọng sẽ mở hướng cho Giáo Hội tại Việt Nam tiến bước trên chặng đường mới, giữa lòng một đất nước đang đổi thay nhanh chóng trong một thế giới cũng đang không ngừng biến chuyển. Đại Hội Dân Chúa biểu hiện một Giáo Hội hiệp nhất, cùng nhau kiếm tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa, để hoàn chỉnh những gì còn thiếu sót, đồng thời nghiên cứu và phát huy những phương thức mới, hầu tiến bước vững vàng hơn trong cuộc hành trình đức tin với ý thức ngày thêm sâu sắc về mầu nhiệm Giáo Hội, về tình hiệp thông và sứ vụ của đoàn môn đệ Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam.

 PHẦN I 
NỀN TẢNG THẦN HỌC    
CHƯƠNG I 
MẦU NHIỆM 
GIÁO HỘI CHÚA KITÔ GIỮA LÒNG QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
 
(2) Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam luôn ý thức mình là Giáo Hội của Chúa Kitô, Đấng mãi mãi là đá tảng góc tường, là nguồn mạch và cùng đích của căn tính cũng như hoạt động của toàn thể cộng đồng tín hữu. Thật vậy, Giáo Hội được thiết lập không phải do con người tự ý qui tụ, lại càng không phải do những xu thế hay động cơ chính trị, kinh tế hay văn hóa. Giáo Hội được khai sinh do chính ý định ngàn đời của Thiên Chúa Cha, được hướng dẫn và tăng trưởng nhờ tin vào Chúa Kitô phục sinh và trong sức mạnh của  Chúa Thánh Thần, qua các mục tử hiệp thông với Đức Giáo hoàng. Giáo Hội hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa, sống nhờ Thiên Chúa và hướng tới Thiên Chúa.
Với trọn niềm tin, cậy, mến, đoàn tín hữu Việt Nam đã đón nhận Thiên Chúa tình yêu, đồng thời cũng nhận lãnh sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho anh chị em đồng bào của mình. Và trên quê hương Việt Nam, với một nền văn hóa đặc thù và độc đáo, gồm cả những điểm mạnh và điểm yếu, cộng đoàn các môn đệ Chúa Kitô có trách nhiệm thể hiện và thực hiện cuộc nhập thể của Giáo Hội duy Nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Do đó, Giáo Hội tại Việt Nam chính là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của tình yêu Thiên Chúa cho quê hương này, và Giáo Hội đồng hành với người dân Việt trong mọi thăng trầm của lịch sử cũng như mọi nỗi niềm cuộc sống.
 1. Chiều Kích Ba Ngôi trong Mầu Nhiệm Giáo Hội
(3) Các tín hữu tại Việt Nam vẫn luôn xác tín Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, là Thân Mình Đức Kitô, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, đồng thời cũng ý thức chính mình là thành phần, chi thể và viên đá xây dựng Giáo Hội. Chính niềm xác tín và ý thức này đã là cơ sở làm nảy sinh nhiều sáng kiến làm phong phú cho cuộc sống các kitô hữu Việt Nam. Dĩ nhiên những hình ảnh mang tính biểu tượng này chưa hẳn đã được mọi người thấu triệt ý nghĩa, nhưng trong một mức độ nào đó, các tín hữu Việt Nam đã thể hiện được những nội dung ấy của Giáo Hội trong nếp sống của mình, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn và thử thách. Cách nào đó, có thể nói họ đã sống trước những điều Giáo Hội sẽ minh định trong các văn kiện Công đồng.
 a. Dân Thiên Chúa
(4) Giáo Hội tại Việt Nam nhận biết mình thuộc về dân tộc được Thiên Chúa qui tụ và thiết lập khi ký kết giao ước mới và vĩnh cửu trong máu của chính Con Một Ngài. Trong đoàn Dân Thiên Chúa, các tín hữu thật sự bình đẳng trong phẩm giá, được chia sẻ cùng một ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, có cùng một căn tính Kitô hữu. Được thanh tẩy và mang ấn tín Chúa Thánh Thần, các tín hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa (x. Ep 5,26), được tiếp nhận vào gia đình của Ngài (x. Ep 2,19), và được thừa hưởng mọi gia sản ân phúc (x. Rm 8,17; 9, 4-5). Là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội nhất thiết phải thể hiện chiều kích cộng đoàn. Vì thế, với ý thức mình phải là thành viên năng động, mỗi tín hữu, dù là giáo dân hay giáo sĩ, đều nhiệt thành cộng tác vào các hoạt động của Giáo Hội tùy theo ơn gọi và căn tính riêng của từng bậc sống. Tính cách đa dạng nơi các thành phần Dân Chúa được đón nhận như một ơn phúc làm cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội càng thêm phong phú.
Trong ý định khôn ngoan và nhân lành cùng với sự quan phòng kỳ diệu, Thiên Chúa đã chọn các môn đệ Chúa Kitô tại Việt Nam, cho gia nhập đoàn dân thánh “hăng say làm việc thiện” (Tt 2,14; x. Ep 4,17-24; Cl 3,5-8) để thực hiện kế hoạch cứu độ tất cả mọi người trên quê hương này. Trong hoàn cảnh lịch sử nhiều đổi thay của dân tộc Việt Nam, các môn đệ Chúa Kitô luôn trung thành với niềm xác tín ấy và nỗ lực sống đúng theo tư cách Dân Thiên Chúa, để từ đó, bằng nhiều cách thức bổ sung cho nhau, họ cùng thực thi điều đã quyết tâm là sống và loan báo Phúc Âm để phục vụ sự sống và sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người. Ý thức về ơn gọi làm Dân Thiên Chúa sẽ giúp các tín hữu làm chứng cho một Giáo Hội hiện diện trên đất nước này không như một nhóm người xa lạ, hay như một cộng đồng tự cô lập theo một thứ chủ nghĩa chủng tộc hẹp hòi, nhưng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trao tặng dân tộc Việt Nam.
 b. Thân Mình Chúa Kitô
(5) Dân Thiên Chúa  trong Tân ước còn được gọi là Thân Mình Chúa Kitô, một hình ảnh tuyệt vời cho thấy rõ chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội, được biểu hiện trong sự kết hợp bất khả phân ly với Chúa Kitô là nguyên lý sống còn của Giáo Hội (x. 1 Cr 15, 3-14; Gl 1, 9). Chính Chúa Kitô “trong hy tế thập giá, đã sinh ra Giáo Hội như Hiền Thê và Thân Thể của Người,” đã yêu thương cứu chuộc Giáo Hội bằng giá máu cực thánh (x. 1 Pr 1,19; 1 Cr 6,20), không ngừng thánh hóa và làm cho Giáo Hội nên một với mình, và trao ban chính Thịt Máu mình cho Giáo Hội (x. Ep 5,25, 35; 1 Cr 12, 27). Như thế, bí tích Thánh Thể chính là trái tim của Nhiệm Thể, là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.”
Sống nhờ Thánh Thể và sống trong Nhiệm Thể, mỗi tín hữu phải làm tăng triển mối tương quan của từng người với Chúa Kitô là Đầu, đồng thời cũng phải làm sinh động mối tương quan giữa các chi thể với nhau trong tình bác ái, yêu thương. Trong các cộng đoàn Kitô hữu, mầu nhiệm này soi sáng cho những nỗ lực hiệp nhất giữa người giáo dân với các chủ chăn cũng như với nhau, đồng thời thúc đẩy cộng đoàn tín hữu học biết trân trọng và khích lệ việc sử dụng cách hữu hiệu những đoàn sủng được trao ban vì lợi ích của toàn Thân Mình là Giáo Hội của Chúa Kitô.
 c. Đền thờ của Chúa Thánh Thần
(6) Giáo Hội luôn xác tín Chúa Thánh Thần chính là linh hồn, là nguyên lý tác sinh và tác động trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Theo cách diễn tả của thánh Phaolô, cộng đoàn Dân Chúa được xây dựng để trở nên ngôi Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, (x. 1 Cr 3,16-17; 6,19; Rm 8,9) được trang hoàng bằng muôn vàn ân điển (x. Rm 12,6-8; 1 Cr 12,4-11, 27-30; Ep 4,11-13). Đồng thời, “Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất, làm phát sinh và thúc đẩy đức ái. Cũng chính Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của công cuộc phúc âm hóa mới trong thời đại chúng ta.” Như thế, mọi hoạt động của Giáo Hội tại Việt Nam hoàn toàn đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hằng thánh hóa các tín hữu và đem lại hiệu quả cho những nỗ lực bé nhỏ của con người. Chính Ngài làm cho Giáo Hội tại Việt Nam được hợp nhất trong đức tin và hiệp thông trong đức mến, được luôn kiên vững trong niềm hy vọng để quảng đại dấn thân vào công cuộc thăng tiến các thực tại trần thế. Cũng chính Ngài làm cho Giáo Hội tại Việt Nam nên bén nhạy trước những dấu chỉ thời đại trong lịch sử.
Là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, nhờ tình yêu Thiên Chúa đã được đổ đầy trong lòng họ (x. Rm 5,5; 8,5-17), các môn đệ Chúa Kitô trung thành bước theo Thần Khí, (x. Gl 5,25) luôn nỗ lực vươn đến sự thánh thiện chính là sự hoàn thiện của đức ái.
Như thế, các tín hữu Việt Nam tin nhận Giáo Hội xuất phát từ Thiên Chúa, được thông hiệp vào mầu nhiệm tình yêu vô biên tuyệt đối giữa cung lòng Ba Ngôi chí thánh là nguồn cội, là khuôn mẫu và cùng đích của toàn thể Giáo Hội.
 
 PHẦN II
 HƯỚNG ĐI MỤC VỤ
Trên cơ sở những suy tư thần học đã được trình bày trong phần I, phần II đưa ra một số đề nghị mục vụ nhằm biến suy tư thành hành động cụ thể, góp phần xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ như mục đích chính của Đại hội Dân Chúa.
 
 A. MẦU NHIỆM
(33) I. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ 1 : CỦNG CỐ MỐI HIỆP THÔNG GIỮA TÍN HỮU VỚI THIÊN CHÚA
 1. Định hướng
Để bày tỏ khuôn mặt Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Việt Nam cần quan tâm đến việc tăng trưởng và đào sâu mối hiệp thông của mỗi tín hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi phải trở thành mẫu mực cho đời sống Giáo Hội, được thể hiện qua mối tương quan hiệp nhất và yêu thương giữa các tín hữu với chủ chăn cũng như giữa các tín hữu với nhau. Ở tâm điểm của mối hiệp thông sâu xa này là bí tích Thánh Thể, vì “không có cộng đoàn Kitô hữu nào có thể được xây dựng mà không đặt nền tảng và trung tâm nơi việc cử hành Thánh Thể” (Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 33). Nhờ cử hành Thánh Thể, ta đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời mình, được Lời Người nuôi dưỡng, Mình và Máu Người ban sức mạnh, và biến đổi chúng ta thành Thân Mình Người là Giáo Hội.
 2. Ưu tiên mục vụ
a) Cử hành Thánh Thể: Giáo dân Việt Nam vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp là trung thành với việc dâng lễ mỗi Chúa nhật. Tuy nhiên các cộng đoàn cần cử hành Thánh Thể cách ý thức, tích cực và sống động hơn.
b) Ân sủng bí tích phải được phát huy trong đời sống. Lời Chúa phải trở thành ánh sáng soi chiếu và hướng dẫn đời sống tín hữu trên mọi bình diện : cá nhân, gia đình, cộng đoàn, xã hội.
 3. Kế hoạch thực hiện
a) Các linh mục phải dành nhiều thời giờ và năng lực hơn cho việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý. Khuyến khích và tạo điều kiện giúp anh chị em tín hữu trực tiếp đọc, học hỏi, chia sẻ Thánh Kinh.
b) Tạo điều kiện và sử dụng những phương pháp thích hợp để giúp cho mọi thành phần Dân Chúa thấm nhuần giáo lý và học hỏi những hướng dẫn của Huấn Quyền.
c) Cố gắng duy trì và cổ võ việc cầu nguyện chung trong gia đình.
 d) Vai trò của giáo lý viên: các giáo phận cần cung cấp những khóa đào tạo thường xuyên cho giáo lý viên, giúp họ chu toàn bổn phận quan trọng là giáo dục đức tin cho thế hệ trẻ.
 
 
 
 
 
 
 2. Chiều kích Kitô học trong Mầu nhiệm Giáo Hội
 a. Cấu Trúc Thần-Nhân
(7) Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình khi “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14; cũng x. Gl 4,4). Tương tự như thế, Giáo Hội Chúa Kitô cũng mang cấu trúc thần-nhân, có đặc tính “vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách.” Trong cấu trúc đó, “yếu tố nhân loại qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình qui hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai.” Vì thế, Giáo Hội không phải là một thực thể duy linh thuần túy thiêng liêng cũng không là một cộng đồng thuần túy nhân loại như các tổ chức chính trị hay kinh tế xã hội. Giáo Hội là một thực thể đặc thù, trong đó cái hữu hình là dấu chỉ và dụng cụ của cái vô hình, còn cái vô hình được nhập thể trong cái hữu hình. Vì thế, các bí tích và tổ chức phẩm trật trong Giáo Hội thuộc về bản chất của Giáo Hội do chính Thiên Chúa thiết lập, chứ không chỉ là một tùy thể ngoại tại hay do con người khởi xướng. Và chính mối “tương quan chặt chẽ giữa yếu tố vô hình và yếu tố hữu hình của sự hiệp thông Giáo Hội đã làm cho Giáo Hội nên như bí tích cứu độ.”
 b. Tính Bản Địa và Hội Nhập Văn Hoá
(8) Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã thật sự hòa nhập vào nền văn hóa Do thái. Người đã sống như bất cứ người Do thái nào khác, từ lối hành xử theo phong tục tập quán đến cung cách sinh hoạt hằng ngày, chỉ khác một điều là Người đã đưa vào đó Tin Mừng là chính bản thân Người để mang lại ý nghĩa mới và vĩnh cửu cho nền văn hóa đó. Thật vậy, Con Thiên Chúa nhập thể được biết đến qua tên gọi “Giêsu người làngNazareth” (x. Lc 4,16; Mt 2,23). Người sinh ra trong một gia đình và có cả một gia phả, (x. Lc 3,23-38; Mt 1,1-17) Người lớn lên và chia sẻ cùng một vận mệnh với quê hương đất nước, Người đến trong lịch sử nhân loại và chấp nhận trọn vẹn phận người, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15; Pl 2,7).
Theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Nhập thể, đặc tính bản địa luôn gắn liền với sự hiện diện của Giáo Hội trong từng địa phương và trong lòng mỗi dân tộc trên thế giới. Thật vậy, “người Kitô hữu không khác với người khác về ngôn ngữ, tập tục. . . .” Cũng thế, Giáo Hội tại Việt Nam có thể và phải giữ gìn cũng như phát huy những nét đặc thù của Việt Nam, miễn sao không đánh mất bản chất là Giáo Hội của Chúa Kitô. Đây cũng là một trong những phương thức truyền giáo khả thi và có hiệu quả mà Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu rất quan tâm. Giáo Hội tại Việt Nam nỗ lực khám phá những giá trị cao đẹp trong nền văn hóa dân tộc, đồng thời cố gắng làm cho những giá trị đó được diễn tả “trong lời kinh tiếng hát, trong cử hành phụng vụ, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong suy tư và ngôn ngữ thần học.”
 c. Đồng hành với người dân Việt trong mọi biến cố và thăng trầm của lịch sử
(9) Khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã đồng bàn với ông Lêvi và những người thu thuế, (x. Lc 5,29) đồng thuyền với các môn đệ trên mặt hồ Galilê nhiều gió bão, (x. Mc 4,37-38) và đồng hành với hai môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24,13-31) để làm họ bừng cháy lửa mến yêu và hy vọng (x. Lc 24,32).    
Cũng thế, Giáo Hội đồng hành với nhân loại trong từng trạng huống lịch sử, chia sẻ trách nhiệm trong các lãnh vực văn hóa, xã hội và cả kinh tế, chính trị, để đem vào đó Tin Mừng có sức biến đổi và thăng tiến con người. Trong ánh sáng đó, Giáo Hội tại Việt Nam nhận ra rằng quê hương là chiếc nôi trong đó ơn gọi Kitô hữu tăng trưởng, và người tín hữu sống đức tin trong tinh thần đồng hành với mọi người anh chị em trong cộng đồng dân tộc: “Tinh thần đồng hành của chúng ta là tinh thần nhập thể của Chúa Giêsu Kitô. Đồng hành như những thành viên thật sự của cộng đồng dân tộc, chứ không phải như những kẻ xa lạ. Đồng hành không phải để tranh giành quyền lực, nhưng để cùng với Chúa Kitô và như Chúa Kitô, trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa và của nhân loại.” Thật vậy, Giáo Hội tại Việt Nam mong muốn và nỗ lực đồng hành với mọi người, nhất là những ai đang đau khổ, vì xác tín rằng chính Thiên Chúa đang hiện diện trong họ  (x. Mt 28,28). Để được như thế, phải học để biết “nhìn tha nhân theo quan điểm của Chúa Giêsu Kitô.” Như thế, khi nỗ lực sống mầu nhiệm Nhập Thể, Giáo Hội tại Việt Nam sẽ tỏ bày cho mọi người Đấng mà họ đang kiếm tìm trong nỗi khát khao sâu kín, không phải theo kiểu “áp đặt đức tin của Hội Thánh trên người khác,” nhưng tìm cách biểu thị sự hiện diện của Con Thiên Chúa nhập thể khi sống theo linh đạo của Kinh Lạy Cha, khi tuân hành Hiến Chương Nước Trời và thực thi Luật yêu thương của Chúa Kitô.
 d.  Cộng đoàn Vượt Qua và Lữ Hành
(10) Giáo hội sẽ không khác gì một tổ chức nhân loại, nếu không được mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu chiếu soi. Thật vậy, Giáo Hội được khai sinh từ cạnh sườn của Đức Kitô bị đâm thâu. Nhờ thập giá, Người đã phá đổ mọi bức tường ngăn cách và làm cho chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa. Khi phục sinh, chính Người qui tụ các môn đệ tản mác và ban Thánh Thần cho các ông (x. Ga 20,22). Trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt qua, Giáo Hội nhận biết mình đã được ban cho một Tin mừng duy nhất là Tin mừng của Đức Kitô chịu đóng đinh, và tất cả phải nhờ Người mới được cứu độ. Chỉ mình Người mới làm cho đau khổ và cả cái chết trở thành con đường dẫn tới sự sống.
Có Đấng phục sinh là đấng cứu độ duy nhất, (x. Cv 4,10-12; Gl 1,7-9) Giáo Hội tin vào sự chiến thắng của ân sủng trên tội lỗi, tình yêu trên thù hận (x. Rm 5:20; 8:37). Nhờ vị Thượng Tế đã trải qua đau khổ để nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu, (x. Dt 4,15-16; 5,7-9) GH biết rằng những đau thương của mình sẽ được biến đổi khi được kết hợp với hy tế của Đức Kitô (x. Rm 8,18-19). Vì thế, dù không thiếu những khó khăn trở ngại, thử thách và cả bách hại, Giáo Hội tại Việt Nam vẫn tiến bước trong an bình và tín thác. Trong gian khổ, các môn đệ của Chúa Kitô vẫn hân hoan vì được chia sẻ cùng một số phận với Thầy mình (x. 1 Pr 4,13-14; 2 Tm 2,8-13; Pl 1,29; Mt 5,11-12). Thật vậy, khi được liên kết với Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, thì không một đau khổ nào của bất kỳ một phần tử nào trong Giáo hội, lại không được thánh hóa và có giá trị cứu độ. Tuổi già, bệnh tật và những thử thách của mọi Kitô hữu vẫn luôn có giá trị trong hy tế thập giá của Chúa Kitô và có thể trở thành mối phúc lành cho toàn Giáo hội. Chứng từ của biết bao vị tử đạo và chứng nhân trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam minh chứng quyền năng Thiên Chúa được bày tỏ trong những mỏng dòn của phận người. Những chứng từ đó giúp chúng ta ngày một xác tín vững chắc hơn rằng, “Trái tim của mọi hoạt động mục vụ cũng như mọi hình thức hoạt động tông đồ là sự kết hiệp với Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.”
Với xác tín đó, giữa lòng thế giới, Giáo Hội luôn tiến bước như chứng nhân của niềm hy vọng cánh chung hướng đến trời mới đất mới (x. Kh 21,1-4; 2 Pr 3,13). Sống trong lịch sử nhưng Giáo Hội của Chúa Kitô không dừng lại để định cư hay xây dựng thành trì ở trần gian này, trái lại không ngừng vươn tới Nước Trời. Dù vậy, Giáo Hội không hề coi thường những thực tại nhân sinh, nhưng cùng với mọi người tích cực xây dựng trần thế theo đường hướng của Tin mừng, chuẩn bị cho lòng người tiếp nhận Nước Trời. Giáo Hội tin rằng mọi nỗ lực nhằm xây dựng và phát triển phẩm giá con người, sự tự do, tình huynh đệ… tất cả sẽ được biến đổi khi “Chúa Kitô trao lại cho Chúa Cha Nước vĩnh cửu và phổ quát,” “tràn đầy tình thương, công lý và bình an.” Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô chính là tương lai của Giáo Hội, một “tương lai huy hoàng và vững chắc. Người là hy vọng, là cùng đích của ta.”
(34) II. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ 2 : HỘI NHẬP VĂN HÓA
 1. Định hướng
Trong mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa đã thật sự hòa nhập vào nền văn hóa Do thái, đồng thời Người đưa vào đó Tin Mừng là chính bản thân Người, để mang lại ý nghĩa mới và tính vĩnh cửu cho những gì Người đã đón nhận. Cũng thế, Giáo Hội tại Việt Nam trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp trong nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, Giáo Hội nỗ lực đưa những giá trị cao đẹp của văn hóa đó vào lời kinh tiếng hát, cử hành phụng vụ, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong ngôn ngữ, suy tư thần học.
 2. Ưu tiên mục vụ
a) Trân trọng, học hỏi, giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như trong các tôn giáo bạn.
b) Tiến hành cuộc đối thoại sinh động giữa Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và nền văn hóa dân tộc cũng như với các tôn giáo.
 3. Kế hoạch thực hiện
a) Trong việc đào tạo chủng sinh, giáo lý viên, văn hóa Việt Nam phải được đưa vào chương trình học. Cũng vậy, cần phải dành cho việc tìm hiểu các tôn giáo bạn một chỗ đứng trong chương trình đào tạo nhân sự cho Giáo hội tại Việt Nam.
b) Thúc đẩy việc nghiên cứu, tìm kiếm hạt giống Lời Chúa trong văn hóa dân tộc Việt Nam.
 c) Đầu tư nhân lực và tài lực cho việc phát huy nền thần học, phụng vụ, tu đức phù hợp với những sắc thái tích cực trong văn hóa ViệtNam.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top