Sứ Vụ - Missio
Hội Thánh tại Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị bước vào Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Bản Đề cương Năm Thánh 2010 có tựa đề "Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp Thông - Sứ vụ" cũng đã viết xong. Đề cương xác định Giáo Hội là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.
Có người hỏi tôi nên nói Giáo Hội là sứ vụ hay Giáo Hội là truyền giáo hay Giáo Hội là thừa sai? Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của từ missio là từ gốc của những ý này
1. Ý nghĩa của chữ missio.
1.1. Tầm nguyên.
Tiếng Latin missio dt. nghĩa là "việc sai đi, gởi đi, phái đi" (do đt. mittere nghĩa là sai đi, gởi đi,... hình thức cổ nhất có lẽ là *smittere, không rõ xuất nguyên) [1].
Trong Tân Ước, missio ám chỉ việc Đức Kitô được Chúa Cha sai đến thế gian (Ga 5,24; 17,3), cũng như việc Chúa Kitô Phục Sinh sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội (Lc 24,49; Ga 15,26). Kế đó, nó được áp dụng vào việc Chúa Kitô sai các tông đồ và Hội Thánh đi rao giảng Phúc Âm (Mc 16,15; Mt 28,19; Cv 1,8). Có thể nói được là từ đầu cho tới thế kỷ 15, thần học hiểu chữụ missio theo nghĩa tổng quát này [2]. chữ này bị thu hẹp lại. Một đàng có người dùng chữụ missio để chỉ việc giảng cấm phòng đại phúc ở các họ đạo, cách riêng ở vùng thôn quê [3]. Đàng khác, từ năm 1598, có người dùng tiếng missio vào việc giảng đạo cho dân ngoại [4]. Như vậy, missio là một công tác chuyên biệt, chứ không còn bao trùm tất cả các hoạt động của Hội Thánh nữa: missio áp dụng cho hoạt động của Giáo Hội ở các miền ngoại đạo, còn apostolat (việc tông đồ) hay pastoral (việc mục vụ) dành cho hoạt động tại nơi đã theo đạo. Từ lúc đó, chữ này có nhiều thay đổi theo thời gian [5].
Theo Từ Điển Anh Việt Công Giáo của PX. Nguyễn Đình Diễn: Mission dt. (1) Nhiệm vụ, sứ mệnh; (2) Sự sai đi, sự sai phái, sự thừa phái; (3) Chức vụ; (4) Việc truyền giáo, sự truyền giáo; (5) Nhóm truyền giáo, hội truyền giáo; (6) Họ lẻ (nơi không có linh mục) [6]; (7) Tuần đại phúc, tuần phòng (do một cha giảng). tt. (8) (thuộc) truyền giáo.
Gần đây, có nhiều người đòi xét lại vấn đề, bởi vì hạn chế tiếng missio vào hoạt động truyền giảng [7] Phúc Âm cho dân ngoại là làm thu hẹp tất cả sự súc tích của tiếng missio trong Tân Ước. Theo ý kiến này, cần phải tìm tiếng nào khác chính xác hơn để thay tiếng missio khi nói về việc truyền đạo cho dân ngoại. Có lẽ vì vậy mà từ sau công đồng Vatican II đã xuất hiện một từ ngữ khác đó là Evangelisatio. Thậm chí danh xưng của Bộ Truyền Giáo (Propaganda Fide: Truyền Bá Đức tin) cũng thay đổi thành Bộ Truyền Giảng Phúc Âm Cho Các Dân Tộc (Evangelisatio Populorum).
1.2. Missio theo thông điệp Redemptoris Missio [8].
Theo giáo huấn của RM (số 30, 33 và 34), Hội Thánh chỉ có một sứ mệnh duy nhất là truyền giảng Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Giêsu để mọi người có thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, yêu mến và tin theo Chúa. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng và hoàn cảnh, sứ mệnh đó được phân biệt ra ba công tác khác nhau tuy luôn liên quan mật thiết với nhau:
1) Đối tượng và hoàn cảnh thứ nhất là các cộng đoàn Công Giáo đang sống đức tin cách thành tín, nhưng đức tin của họ vẫn cần phải được bồi dưỡng và vun tưới cho thêm sâu đậm. Sứ mệnh của Hội Thánh thực hiện trong môi trường này gọi là công tác mục vụ (pastoral care).
2) Đối tượng và hoàn cảnh thứ hai được RM gọi là hoàn cảnh "nửa nạc nửa mỡ" (intermediary situation). Đây là hoàn cảnh của các nhóm tín hữu vì những thay đổi văn hóa xã hội quá dồn dập và xa lạ với tinh thần Phúc Âm, cuộc sống bị giằng co và chi phối trăm đường. Do đó, đức tin của họ bị lung lay, có khi trở thành nguội lạnh. Sứ mệnh của Hội Thánh trong môi trường đặc thù này gọi là công tác tân Phúc Âm hóa (new evangelization), nhằm củng cố đức tin của những người đang lung lay và làm cho trở nên sống động, có sức soi sáng và hướng dẫn cuộc đời trong mọi môi trường sống.
Cũng có những hoàn cảnh khó khăn đến độ gây ra khủng hoảng đức tin nặng nề hơn và do đó có những tín hữu coi như hoàn toàn mất đức tin, sống xa cách Chúa, chạy theo những tâm thức hoàn toàn xa lạ với tinh thần Phúc Âm. Thậm chí, có những tín hữu không còn coi mình là con cái Hội Thánh, chê bỏ, chống đối các giáo huấn của Hội Thánh và ngay cả Hội Thánh. Trong trường hợp này, công tác tân Phúc Âm hóa trở thành công tác tái Phúc Âm hóa (re-evangelization).
3) Đối tượng và hoàn cảnh thứ ba là các dân tộc, các nhóm người, hay các môi trường khoa học và văn hoá xã hội, trong đó Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài còn xa lạ, chưa được biết và chưa được chấp nhận hay chỉ được biết cách lơ mơ và tại đó chưa có một cộng đồng Kitô trưởng thành. Sứ mệnh của Hội Thánh trong hoàn cảnh và môi trường này gọi là công tác truyền giáo (mission "ad gentes").
Chúng ta có thể tóm lược các thuật từ trong giáo huấn này như sau:
1.3. Tóm lại.
- Missio theo nghĩa hẹp được dùng để chỉ việc truyền giáo (missio ad gentes) thường được diễn tả bằng các cụm từ: hoạt động truyền giáo (activas missionalis), công bố Phúc Âm, công bố tông đồ, vun trồng Giáo Hội, mở mang nước Chúa, khuếch trương vương quốc Chúa Kitô, truyền bá đức tin, huấn giáo cho người chưa biết, làm cho dân ngoại trở lại,...tức là những hoạt động nối dài các sứ mệnh Thần Linh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến người ngoài Giáo Hội. Ý tưởng này đã được phác họa trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội và được quảng diễn thêm ở AG 2. RM số 41 định nghĩa: "Việc bộc lộ hay là việc tỏ hiện dự án của Thiên Chúa, cùng với việc làm hoàn tất dự án này trên thế giới cũng như trong lịch sử" (xem AG 9-18).
Nói cách khác: Việc truyền giáo là "Tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội đang đi khắp thế gian để thực hiện chức vụ rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô". Việc truyền giáo khác với các việc mục vụ và đại kết, nhưng vẫn có liên hệ mật thiết với chúng (xem AG 6).
- Missio theo nghĩa rộng được dùng để chỉ toàn thể hoạt động của Hội Thánh (missio Ecclesiae) phải nhắm tới đó là việc thực thi sứ mệnh (mission) duy nhất mà Đức Kitô đã ủy thác cho các tông đồ: Đấng đã được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó (x. Sắc lệnh Ad Gentes [9], số 5). Theo nghĩa này, hiện nay chúng ta có chữ đồng nghĩa với nó là Evangelisatio (tạm dịch là Phúc Âm hóa) [10], là chữ đã được dùng phổ biến trong Giáo Hội kể từ sau Tông huấn Evangelii Nuntiandi [11]. Chữ này diễn tả một thực tại phong phú, phức tạp và năng động gồm: (1) Công bố Chúa Kitô cho những người chưa biết Ngài (Kerygma); (2) Truyền giảng Lời Chúa; (3) Trình bày giáo lý; (4) Cử hành các bí tích; (5) Tự canh tân; (6) Thăng tiến con người... Tóm lại, Evangelisatio bao gồm mọi điều tiềm tàng trong "missio Ecclesiae". EN số 18 định nghĩa Evangelisatio là: "Đem Phúc Âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Phúc Âm, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới". Đưa Phúc Âm vào lòng người, vào cách suy nghĩ, cách hành động của con người, đưa Phúc Âm vào các lãnh vực hoạt động như xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế... Nói cách khác là đem các giá trị Phúc Âm thấm nhuần vào trong các thực tại trần thế như men ở trong bột.
2. Ý nghĩa của các thuật từ sứ mệnh, sứ vụ, truyền giáo, truyền đạo, thừa sai.
2.1. Sứ mệnh (使命) dt.: đồng nghĩa với sứ mạng, nhưng nhiều từ điển không có thuật từ này, mà chỉ có thuật từ sứ mệnh.
Sứ (使): Đã giải nghĩa chữ này trong bài Thiên sứ [12], ở đây xin nói thêm: Sứ chỉ có một chữ Hán: 使, nhưng chữ này có hai âm trong tiếng Việt tùy theo văn mạch: đọc là sứ nếu là danh từ và sử nếu là động từ. Sứ dt. (1) Người vâng mệnh trên đi làm một việc gì: sứ thần, sứ giả (người được sai đi) [13]. (2) Viên chức được phái đi làm việc ở nước ngoài: công sứ, khâm sứ (vị được vua hay chính phủ sai đi làm đại biểu). (3) Vâng mệnh của chủ nhân mà ứng phó với người ngoài. (4) Nhận làm một việc khó khăn nguy hiểm. (5) Những vị thuốc để làm truyền tống điều độ cho phương thuốc: tá sứ. Chữ sứ 使là chữ Hán nhưng đã hóa Nôm, ví dụ khi nói: sứ trời hay đi sứ Trung quốc. Sử: đt. (1) Dùng: sử dụng. (2) Sai khiến: sử nữ. (3) Có tác dụng: giá chi bút hấn sử hảo. (4) Giúp tạo nên: sử nhân cao hứng (làm cho người khác vui). (5) Nếu: giả sử. Chữ sử使 này khác với chữ sử 史 (lịch sử) có nghĩa là ghi việc nước đã qua.
Mệnh (命): dt. (1) Cái do trời định: mệnh vận. (2) Sự sống: sinh mệnh. (3) Sai khiến: mệnh lệnh. đt. (4) Đặt tên: mệnh danh. (5) Trốn khỏi nơi cư trú: vong mệnh. (6) Tự nhận lấy: tự mệnh bất phàm (tự cho mình là hay nhất). (7) Tước phong cho vợ quan: mệnh phụ, thụy mệnh. (8) Mấy cụm từ: mệnh bút (bắt đầu viết); mệnh cung (theo tử vi rút thẻ mà phải mệnh cung còn gọi là bột cung thì phải coi chừng sắp gặp tai nạn); mệnh môn (huyệt giữa hai nội thận, nơi phát xuất sức sống theo Đông y). Mệnh là chữ Hán Việt nhưng cũng đã hóa Nôm. Những từ ghép có chữ mệnh đứng sau có thể đọc là mạng hay mạnh, ví dụ: phụng mệnh, phụng mạng; sứ mệnh, sứ mạng; định mệnh, định mạng, vua Minh Mệnh, vua Minh Mạng, vua Minh Mạnh. Trái lại: Mệnh lệnh, mệnh hệ (số phận phải chết) không thể đọc là mạng lệnh, mạng hệ được.
Sứ mệnh (使命):
- Nghĩa thông thường: (1) Lệnh truyền quan trọng được giao để ra đi thực hiện. (2) Nhiệm vụ quan trọng và khó khăn. Từ này thường có ý nghĩa thiêng liêng.
- Nghĩa Công Giáo: thuật từ dùng để dịch từ missio, nói về mệnh lệnh được sai đi của Đức Kitô, của Chúa Thánh Thần hay của Giáo Hội...
2.2. Sứ vụ (使務) dt.: Là thuật từ mới do người Công Giáo Việt Nam đặt ra, các từ điển ngoài Công Giáo chưa có thuật từ này. Thuật từ "Sứ vụ" do thầy PX. Trịnh Văn Phát (nay là linh mục đang ở tại Úc) sử dụng đầu tiên để dịch thuật từ "Actes des Apostres", thuật từ "sứ ngôn" để dịch chữụ "prophète" và thuật từ "sứ đồ" để thay cho "tông đồ"... trong công trình dịch thuật bộ VOCABULAIRE DE THÉOLOGIE BIBLIQUE (Cerf, Paris, 2èr Edition, 1971) từ tiếng Pháp sang tiếng Việt cùng với 50 chủng sinh dưới sự hướng dẫn của linh mục viện trưởng Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt từ 1973-1976. Hai bản dịch Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn và Nhóm CGKPV thường dùng thuật từ "sứ vụ" theo nghĩa "sứ mệnh" [14]. Sau này, cha GB. Hồng Phúc [15] lại dùng thuật từ "sứ vụ" để dịch chữ "ministère" và "sứ vụ tông đồ" để dịch chữ "apostolat". Trong khi đó, các dịch giả của Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II và Bộ Giáo Luật (HĐGMVN) vẫn dùng thuật từ "sứ mệnh /sứ mạng" để dịch chữ "missio". (Từ điển của cha Gouin [16] dịch rất đúng là: sứ sự (使事) = mission, nhưng ngày nay người ta đã quên không dùng thuật từ này nữa!). Hiện nay, nhiều tác giả cũng thích dùng thuật từ "sứ vụ" theo nghĩa "sứ mệnh /sứ mạng" và hầu hết các từ điển Công Giáo đều dùng nó để dịch nghĩa chữ "mission", nhưng chưa có một định nghĩa riêng biệt nào cho thuật từ sứ vụ. Trong bài viết vào tháng 6 (2009) vừa qua [17] chúng tôi đã giải nghĩa hai chữ sứ, vụ và đã mạo muội đưa ra một định nghĩa Công Giáo cho thuật từ này:
- Nghĩa thông thường: Theo mặt chữ thì sứ vụ có nghĩa là "việc được giao để ra đi thực hiện", đồng nghĩa với sứ mệnh: "lệnh truyền quan trọng được giao để ra đi thực hiện" đã nói trên.
- Nghĩa Công Giáo:
- Nghĩa hẹp: Việc truyền giảng Phúc Âm và thiết lập nhiều cộng đoàn giữa những người chưa thuộc về Giáo Hội.
- Nghĩa rộng: Ơn gọi nền tảng của Giáo Hội để trở thành bí tích phổ quát của ơn cứu chuộc.
2.3. Truyền giáo (傳教) đt., tt., dt.:
Truyền có hai chữ Hán: 傳, 椽. Ở đây là chữ傳, nhưng chữ này có hai âm trong tiếng Việt tùy theo văn mạch: đọc là truyện nếu là danh từ và truyền nếu là động từ. Truyện: dt. (1) Chú giải kinh điển: Kinh truyện. (2) Thuật lại cuộc sống: Danh nhân truyện. (3) Tiểu thuyết: Thuỷ Hử truyện. (4) Nghĩa Nôm: nói chuyện với nhau: truyện trò. Truyền: đt. (1) Chuyền dịch: truyền nhiễm. (2) Chuyển từ đời này sang đời khác: gia truyền. (3) Chia sẻ sự hiểu biết: truyền đạo. (4) Lan đi: truyền khai. (5) Giúp lan tràn: truyền bá. (6) Ra hiệu cho biết: mi mục truyền tình (con mắt đưa tình). (7) Gọi ra toà: truyền phiếu. tt. (8) Thế hệ kế thừa: truyền nhân.
Giáo (教): Đã giải nghĩa chữ này trong bài Giáo lý viên [18], ở đây chỉ xác định chữ giáo (教) lấy nghĩa (2) Hệ thống các giáo lý giảng về quan hệ giữa người và Đấng Tạo Hóa: Tông giáo.
Truyền giáo (傳教)
- Nghĩa thông thường: Truyền đạo, truyền bá tôn giáo [19].
- Nghĩa Công Giáo:
- Nghĩa hẹp: Giới thiệu Phúc Âm cho người chưa biết Chúa và đưa họ vào Hội Thánh Chúa qua việc dạy giáo lý, cử hành các bí tích nhập Đạo và gia nhập cộng đoàn.
- Nghĩa rộng: (1) Truyền giảng Đức Kitô và Phúc Âm của Ngài; (2) Thiết lập Giáo Hội địa phương, bởi vì Giáo Hội là dụng cụ của Nước Chúa; (3) Cổ võ những giá trị của Nước Chúa (như: đối thoại; thăng tiến con người; dấn thân xây dựng công lý và hòa bình; giáo dục và săn sóc người đau yếu bệnh tật; giúp đỡ người nghèo); (4) Sau cùng Hội Thánh cũng thi hành sứ mệnh của mình khi cầu nguyện khẩn nài cho Nước Chúa mau đến trong thế gian (xem RM 20).
- Vài nhận xét về việc dùng thuật từ sứ vụ và truyền giáo: (Các số ghi sau mỗi ví dụ dưới đây là số đoạn trong bản Đề cương Năm thánh 2010):
1) Sứ vụ theo nghĩa rộng, trong một số trường hợp, không thể thay thế bằng truyền giáo theo nghĩa rộng. Ví dụ: "Chỉ có một sứ vụ duy nhất khởi phát từ Chúa Cha" (23); "Giáo Hội phát sinh từ sứ vụ và vì sứ vụ" (23); "Sứ vụ toàn diện" (25); "Giáo Hội không có sứ vụ điều khiển và tổ chức xã hội trần thế" (29); "Tự bản chất Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo", "toàn thể Giáo Hội là truyền giáo" (AG 35).
2) Sứ vụ theo nghĩa rộng, trong một số trường hợp, có thể thay thế bằng truyền giáo theo nghĩa rộng. Ví dụ: "Giáo Hội sứ vụ"; "Sứ vụ của Giáo Hội" (23); "sứ vụ của Giáo Hội tại Việt Nam đang thực thi tại đây và lúc này" (23); "mỗi Giáo Hội địa phương đều là Giáo Hội truyền giáo" (24).
3) Sứ vụ theo nghĩa hẹp có thể thay thế bằng truyền giáo theo nghĩa hẹp với vai trò làm danh từ (tùy ngữ cảnh có thêm chữ "việc", "công cuộc"), và ngược lại. Ví dụ: "Giáo Hội tại Việt Nam ngày càng biểu lộ rõ nét hơn tình liên đới hiệp thông trong những trao đổi mục vụ, thần học, truyền giáo, và cả những trợ giúp vật chất dành cho các Giáo Hội trong vùng" (19); "Bất cứ ở đâu, sự hiệp thông suy yếu thì chứng từ và công việc truyền giáo của Giáo Hội bị suy giảm" (22). "Đối với Giáo Hội, 'sứ vụ là hoạt động có tính chiêm niệm và là chiêm niệm mang tính hoạt động'... hầu thực thi các khía cạnh của sứ vụ tốt đẹp hơn" (25); "Đối thoại: phương pháp thi hành sứ vụ" (30).
4) Thuật từ “Sứ vụ” không thể thay thế thuật từ “truyền giáo” với vai trò làm tĩnh từ hay động từ. Ví dụ: tt. "cánh đồng truyền giáo" (1); "Giáo Hội vốn mang đặc tính truyền giáo tự bản chất" (23); "tấm lòng truyền giáo" (36); đt. "mỗi Giáo Hội địa phương... không thể không truyền giáo" (24).
Các nhận xét này có thể minh họa như sau:
* Nói thêm:
- Như đã giải thích trong bài Thừa tác viên, theo chúng tôi nên dùng tác vụ thay vì sứ vụ khi nói: Sứ vụ tiên tri (26), Sứ vụ tư tế (28), Sứ vụ mục tử (29).
- Tránh dùng từ sứ vụ theo nghĩa hẹp (=sứ mệnh) khi không thực sự cần thiết. Ví dụ: "Chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân là trách vụ gắn liền với sứ mệnh truyền giáo, và cần được lưu tâm đặc biệt trong bối cảnh ngày nay" (43) so với câu: "Chính mầu nhiệm Đức Kitô Nhập Thể và Thánh Thần sáng tạo sẽ là khuôn mẫu cho phương pháp mới trong sứ vụ truyền giáo" (30). Chúng tôi nghĩ rằng viết sứ mệnh truyền giáo thì dễ hiểu hơn là sứ vụ truyền giáo.
2.4. Truyền đạo (傳道):
Đạo có các chữ Hán này: 盗 (盜), 導 (导), 蹈, 稻, 道. Ở đây là chữ 道, nghĩa là: (1) Đường đi: sạn đạo (đường ván bắc bên sườn núi). (2) Trên lối đi: đạo bất thập di (vật đánh rơi bên đường không ai lượm). (3) Hướng đi: Hoàng hà cải đạo (sông Hoàng hà đổi hướng chảy). (4) Lối làm việc, ăn ở: dưỡng sinh chi đạo; đạo cao nhất xích, ma cao nhất trượng (nhân đức bằng một thước thì sức cám dỗ bằng một trượng). (5) Giáo lý: Khổng Mạnh chi đạo; đạo nghĩa. (6) Chủ thuyết Lão Tử về sau được Trang Tử thần bí hóa: Đạo giáo; đạo quan (chùa đạo Lão - khác với miếu của Khổng, và tự của Phật, Hồi); đạo sĩ; đạo cô; (7) Chủ thuyết Khổng Tử đã cải biến đời Tống. (8) Nói, lời nói: đạo đạt (bày tỏ cho biết ý kiến); tân tân lạc đạo (đắc ý nói mãi). (9) Mê tín: hội đạo môn (các hội kín). (10) Nét vạch vẽ: họa nhất điều tà đạo (vẽ một đường xiên). (11) Từ giúp đếm các vật dài hoặc thời gian lâu: nhất đạo hà; nhất đạo đề (Một con sông; một cái đê). (12) Cứ tưởng là. (13) Phiên âm Dalton: Đạo-nhĩ-đốn. (14) Mấy cụm từ: đạo mạo ngạn nhiên (làm ra vẻ đàng hoàng nghiêm chỉnh); đạo lâm chỉ (giấy có mặt láng bóng); đạo thính đồ thuyết (chỉ nghe nói vu vơ không “thật kiến minh tri”). Nghĩa Nôm: (1) Đoàn người đi đường: đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri; (2) Tông giáo: Đạo Phật; Đạo Thiên Chúa. (3) Ra vẻ trang trọng: đạo mạo.
Đạo giáo coi đạo như nguyên lý tiến triển của sự vật, quy luật hoạt động của vũ trụ. Kinh Dịch có câu "Nhất âm nhất dương chi vị đạo: Một âm một dương gọi là đạo”. Một âm một dương tức là hai khí âm và dương tác động lẫn nhau, gọi là đạo tức là động lực thúc đẩy sự hình thành và chuyển hóa của vạn vật. Đạo cũng là hướng đi của con người, tức đạo lý làm người. Cũng ở Kinh Dịch có câu "Thánh nhân chi tác dịch dã... lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa: Thánh nhân đặt ra dịch lý... dựng đạo trời gọi là âm với dương, dựng đạo đất gọi là mềm với cứng, dựng đạo người gọi là nhân với nghĩa" (Thuyết quái truyện).
Theo đạo Lão, đạo có thêm một ý nghĩa khác. đạo được coi là nguồn gốc vũ trụ. Đạo Đức Kinh viết: "Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo: Có một vật gì đó, sinh ra cả trời đất, lặng lẽ, trống không, đứng riêng biệt không đổi thay, tuần hoàn không biết mỏi, có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không rõ tên là gì, gọi nó là đạo. Đạo là một nguyên lý huyền diệu, không thể nói thành lời. "Đạo khả đạo, phi thường đạo: Đạo (lời) mà nói ra được, không phải là đạo thường" (tức là đạo chân chính không biến đổi). Chúng ta có thể nói đạo là lời sáng tạo. (Trong khuôn khổ bài này chúng tôi tạm không thể triển khai thêm, vì chữ đạo có ý nghĩa quá sâu rộng).
- Nhận xét về việc dùng thuật từ truyền đạo và truyền giáo: Thuật từ truyền đạo đúng hơn thuật từ truyền giáo nhiều. Vả lại có truyền đạo mới có việc hành đạo, đi đạo và sống đạo. Đây là một hệ thống thuật từ rất hay, vì không ai nói truyền giáo rồi nói với người ta hành giáo, đi giáo và sống giáo cả.
2.5 Thừa sai (承差): dt., tt.
Thừa (承): vâng chịu; người trên ban cho, kẻ dưới nhận lấy: thừa vận (chịu vận trời), thừa ân (chịu ơn) [20].
Sai (差): (1) Lầm lỡ: sai lầm; (2) Khác: sai biệt, sai dị; (3) Phái đi: sai khiển; (4) Đặt vào chức: sai sử; (5) Việc làm kiếm tiền: sai sự.
Thừa sai (承差):
- Nghĩa thông thường: (từ cổ) (1) Vâng làm việc người trên sai phái; (2) Người làm việc trong làng do quan lại, chức dịch sai phái: các thừa sai lo việc thuế [21].
- Nghĩa Công Giáo: Nhà truyền giáo.
- Nghĩa hẹp: Theo Công Đồng Vaticanô II, thừa sai (nhà truyền giáo) phải là: (1) Người được tách rời, nghĩa là được đại diện để thi hành một hoạt động chuyên biệt; (2) Được Bản Quyền Giáo Hội sai đi; (3) Phải ra đi, nghĩa là mang Giáo Hội đến những nơi chưa có Giáo Hội; (4) Đến nơi xa, không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa địa lý, nhưng theo nghĩa thiêng liêng: đi từ một nơi Giáo Hội đã được vun trồng đến một nơi ngoại giáo, nơi mà Giáo Hội còn vắng mặt và phải được vun trồng; (5) Để truyền giảng Phúc Âm như một sứ giả chân chính và thi hành mọi công việc của một thừa sai [22].
- Nghĩa rộng: Người được Đức Giêsu Kitô sai đi để truyền giảng Phúc Âm cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ của Chúa. Là bất kỳ ai, đặc biệt là người Kitô hữu, họ là những người dùng lời nói, chữ viết, cử chỉ, thái độ, nghi lễ, đời sống chứng tá và công trình nghệ thuật để giới thiệu hay làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm cứu độ cho người khác.
- Nhận xét về việc dùng thuật từ sứ vụ và thừa sai: Trong khi Giáo Hội tại Trung Quốc thời xưa sử dụng thuật từ "khiển sứ" (như Hội Thừa Sai gọi là Khiển Sứ Hội), thì Giáo Hội tại Việt Nam dùng thuật từ "thừa sai", từ Hán Việt này thể hiện trung thực nguyên nghĩa của chữ missio (được sai đi) hơn là thuật từ "sứ vụ" và "truyền giáo". (Giáo Hội tại Trung Quốc hiện nay cũng dùng thuật từ “truyền giáo” để dịch chữ mission).
3. Kết luận.
Mô hình Giáo Hội nhìn dưới ba khía cạnh "Mystery, Communion, Mission" xuất hiện lần đầu tiên trong một văn kiện của huấn quyền là tông huấn Christifideles Laici [23] khi nói về phẩm giá, sự tham gia và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội. Sau đó được tông huấn Pastores Dabo Vobis [24] nhắc lại khi nói về căn tính của linh mục. Giáo Hội tại Việt Nam cũng chọn mô hình này là chủ đề cho bản Đề cương Năm thánh 2010: "Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp Thông - Sứ vụ". Theo ngữ cảnh của bản đề cương, thuật từ sứ vụ được hiểu như là "The Church as mission", mission theo nghĩa rộng của thuật từ này, tức là "toàn thể hoạt động của Hội Thánh phải nhắm tới đó là việc thực thi sứ mệnh (mission) duy nhất mà Đức Kitô đã ủy thác cho Hội Thánh".
Bên ta đã quen với thuật từ truyền giáo, như chúng ta thường nghe nói: "bản chất của Giáo Hội là truyền giáo", "mọi Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo", vv ... nhưng nếu hỏi: Linh mục có phải là nhà truyền giáo hay không hoặc linh mục có phải là thừa sai hay không, thì câu trả lời có lẽ sẽ không thống nhất rồi! Nhiều người không hiểu missio là truyền giáo, vì thực tế là thuật từ truyền giáo chưa đảm trách được hết ý nghĩa của chữ missio. Nếu như vậy, Chúng tôi cho rằng "Church - mission" nên dịch là "Giáo Hội - Sứ Vụ" hoặc "Giáo Hội - Sứ Mệnh" hơn là "Giáo Hội - Truyền Giáo" hay "Giáo Hội - Thừa Sai".
Nếu chúng ta vượt qua mô hình "The Church - Mystery, Communion, Mission" và chọn mô hình "The Church - Mystery, Communion, Evangelization" thì rất tốt. Nhưng khi ấy chúng ta sẽ dịch Evangelization là gì? - Việc truyền giảng Phúc Âm, truyền bá Phúc Âm, Phúc Âm hóa hay truyền giảng Phúc Âm hóa?
------------------------------------------------------------------------------------
[1] xem: www.etymonline.com. La ngữ missionem (dt. missio) chỉ việc sai đi, còn người được sai đi là missus, apostolicus (tông đồ). Trong tiếng Anh và Pháp mission: việc sai đi, còn missionary, missionaire: người được sai đi, thừa sai.
[2] Ví dụ xem Thomas Aquino, S. Theol. Ia q. 43 a. 1
[3] Ví dụ thánh Vinh Sơn Phaolô lập dòng mệnh danh là Congregatio Missionis. Hiện nay, Giáo Luật vẫn sử dụng chữ missio với nghĩa "giảng tuần đại phúc", xem GL. 770.
[4] Như thánh Ignatiô Loyola, José Acosta và Tôma Chúa Giêsu.
[5] Trong lãnh vực ngoại giao: "nhóm người được gởi đi nước ngoài với việc thương mãi hay chính trị" (có từ 1626). Trong tiếng Anh của người Mỹ, đôi khi dùng "an embassy"’ (1805). Trong lãnh vực quân sự: "cuộc phát xuất của một phi thuyền hay một chiến dịch quân sự" (có từ 1929, trong tiếng Anh của người Mỹ) sau được nới rộng cho các phi vụ không gian (1962), do đó có thành ngữ "mission control" (1964). Trong lãnh vực kiến trúc: Tên của một kiểu đồ dùng nội thất và kiến trúc: "mission revival style", được kể là mô phỏng theo kiểu đồ dùng nội thất (nguyên thủy là cái ghế trong nhà thờ San Francisco) của các thừa sai Tây Ban Nha đi sang Bắc Mỹ (California), được chính thức dùng từ 1900.
[6] Có thể thêm nghĩa: (6b) Giáo đoàn (khu vực truyền giáo chưa có hàng giáo phẩm): Mission de la Cochinchine: Giáo đoàn Đàng Trong, Mission de Tonkin: Giáo đoàn Đàng Ngoài.
[7] Chúng tôi cho rằng không chỉ RAO giảng Phúc Âm như rao vặt, cũng không thể chỉ LOAN báo Tin Mừng như loan đi một tin nào đó, mà phải truyền giảng cho người ta.
[8] Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế) do ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 07/12/1990, sau đây xin viết tắt là RM.
[9] Sắc lệnh Ad Gentes (Truyền Giáo) của CĐ. Vaticanô II, sau đây xin viết tắt là AG.
[10] Chữ Evangelisatio có nguồn gốc từ phong trào canh tân của Tin Lành vào tk. 19 dùng để nói lên việc công bố Phúc Âm cho người Công Giáo Nam Âu, nghĩa là kêu gọi họ chuyển sang Tin Lành, dần dần chữ này đồng nghĩa với chữ "missio: sứ mệnh truyền giáo". Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân sử dụng chữ này như là một phần bổ túc cho thuật từ "thánh hóa": They exercise the apostolate in fact by their activity directed to the evangelization and sanctification of men and to the penetrating and perfecting of the temporal order through the spirit of the Gospel (AA 2); There are innumerable opportunities open to the laity for the exercise of their apostolate of evangelization and sanctification (AA 6). Evangelisatio với ý nghĩa là rao giảng Phúc Âm được Công Đồng sử dụng lần đầu trong Sắc Lệnh Truyền Giáo:"Missions" is the term usually given to those particular undertakings by which the heralds of the Gospel, sent out by the Church and going forth into the whole world, carry out the task of preaching the Gospel and planting the Church among peoples... Được gọi chung là “việc truyền giáo” tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội đang đi khắp thế gian để thực hiện nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội vào các dân tộc...(AG 6). ĐTC Phaolô VI sử dụng chữ này với hai nội dung chính là truyền bá Phúc Âm (hoạt động truyền giáo cho lương dân) và Phúc Âm hóa (hoạt động tông đồ cho giáo dân) (xem Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 18), do đó có người không đồng ý dịch là loan báo Tin Mừng, truyền bá Phúc Âm hay Phúc Âm hóa, mà phải dịch là "truyền bá Phúc Âm hóa".
[11] Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Phúc Âm) của ĐTC Phaolô VI ban hành ngày 08/12/1975, sau đây xin viết tắt là EN.
[12] Xem BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, Số 09/2006, tr. 104. Cũng xin nói thêm: chữ sứ trong từ chuối sứ, hoa sứ, (sứ: 喯), cũng như từ đồ sành sứ (sứ: 瓷) là những chữ Nôm.
[13] Cuốn Giúp đọc Nôm và Hán Việt của cha Antôn Trần Văn Kiệm giải nghĩa chữ sứ là "sai đi làm công tác", khiến người ta ngộ nhận sứ là động từ, nhưng khi tác giả cho ví dụ là sứ giả, rõ ràng vẫn là danh từ.
[14] Nhưng cũng có chỗ lại dùng thuật từ "sứ vụ" để dịch chữ "ministère" (x. Cv 1,25), "sứ vụ tông đồ" "apostoli facta" (x. 2 Cr 12,12).
[15] Hồng Phúc, CSsR, ĐIỂN NGỮ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO, 1996.
[16] Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANẵAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
[17] Xem bài Thừa Tác Viên trong BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT Số 06. 2009, tr. 104.
[18] x. BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, Số 07/2008, tr. 109.
[19] Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[20] Xem bài Thừa Tác Viên trong BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT Số 06. 2009, tr. 104.
[21] Xem Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957 và Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[22] Xem AG 23-27.
[23] Tông huấn Christifideles Laici (Kitô Hữu Giáo Dân) do ĐGH Gioan Phaolô II ban hành ngày 30/12/1998: Chương I-III.
[24] Tông huấn Pastores Dabo Vobis (Những Mục Tử Như Lòng Mong Ước) do ĐGH Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/03/1992: Số 12.
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 3 (1): Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Tài liệu học hỏi Năm Thánh: bài 6(1): Vai trò của Kitô hữu giáo dân trong Giáo Hội -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh 2010: Việt Nam Hình Thành, Phát Triển và Trưởng Thành (phần mở 2) -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (2): Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tham luận của giới ca đoàn