Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa

Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa

 

1.1 Giáo Hội ý thức mình là Dân Thiên Chúa
 
A. Phần trình bày
 
“Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x.Cv 10,35). Tuy nhiên Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế Ngài đã chọn dân Ít-ra-en làm dân của Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần. Tuy nhiên những điều ấy chỉ là hình bóng của giao ước mới là hoàn hảo hơn sẽ được ký kết trong Chúa Kitô. Chính giao ước mới trong máu Ngài. Ngài kêu gọi một dân gồm những người Do Thái và lương dân (GH 9). Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, mang trách nhiệm thừa sai và phục vụ, khơi nguồn từ ba chức năng đó.
 
– Tư tế: khi gia nhập dân Thiên Chúa nhờ đức tin và Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta tham dự vào ơn gọi tư tế. Chúa Kitô đã tạo nên những tư tế cho Chúa Cha từ dân tộc mới... những người được thánh tẩy, được Thánh Thần xức dầu, để trở thành tư tế thánh thiện (x. GH 10).
 
– Ngôn sứ: khi dân thánh vĩnh viễn gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh và đào sâu hiểu biết về đức tin, họ trở thành chứng tá cho Chúa Kitô giữa thế giới này.
 
– Vương đế: Chúa Kitô thực hiện vương quyền của Ngài khi lôi kéo mọi người đến với Ngài nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Kitô là vua và là Chúa của vũ trụ, đã trở thành tôi tớ của mọi người, Ngài “không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Vì vậy với Kitô hữu “cai trị là phục vụ” (GH 36). Dân Thiên Chúa thể hiện phẩm tính vương đế khi sống ơn gọi phục vụ.
 
Hội Thánh là dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không cứu độ con người cách riêng lẻ, nhưng đã qui tụ họ thành một Dân. Ý thức này, phải thúc đẩy chúng ta rũ bỏ chủ nghĩa cá nhân trong đời sống đức tin, và sống tinh thần cộng đoàn nhiều hơn. Mỗi người có một trách nhiệm nhưng tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chung.
 
(Trích “Hội Thánh trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa” trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, trang 88-89)
 
B. Phần hỏi – đáp
 
1-H. Khi tự giới thiệu mình như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội muốn nói lên điều gì?
T. Khi tự giới thiệu mình như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội muốn khẳng định mình là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và thiết lập qua giao ước mới và vĩnh cửu trong máu Đức Kitô.
 
2-H. Là Dân của giao ước mới, Giáo Hội có những đặc điểm nào?
T. Là Dân của giao ước mới, Giáo Hội có những đặc điểm này:
- Một là có thủ lãnh là Đức Kitô;
- Hai là có được phẩm giá và tự do của những người con Thiên Chúa;
- Ba là có điều răn mới là yêu thương như Đức Kitô;
- Bốn là có sứ mạng trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian;
- Và năm là có định mệnh gắn liền với Nước Trời.
 
3-H. Chúng ta gia nhập Giáo Hội bằng cách nào?
T. Chúng ta gia nhập Giáo Hội nhờ lòng tin vào Đức Kitô và nhờ phép Rửa tội.
 
4-H. Khi gia nhập Giáo Hội, chúng ta được tham dự vào những chức vụ nào của Đức Kitô?
T. Chúng ta được tham dự vào những chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô.
 
5-H. Đâu là phẩm giá và quyền căn bản của người Kitô hữu?
T. Phẩm giá và quyền căn bản của người Kitô hữu là được làm con cái Thiên Chúa và được hưởng tự do của người con.
 
C. Phần gợi ý trao đổi
 
1. Không có ơn gọi làm người Kitô hữu ngoài Giáo Hội: một Kitô hữu đơn độc, riêng lẻ là một điều mâu thuẫn. Khẳng định này, theo bạn, có chính xác không? Vì sao?
 
2. Thánh Lêô Cả đã thốt lên: “Hỡi Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình!” (PL 54,192) Là Kitô hữu, đối với bạn, có ý nghĩa gì ?
 
3. Có người cho rằng càng biết ít về lề luật và giáo lý càng được tự do sống theo sở thích. Theo bạn, đó có phải là tự do của người con cái Thiên Chúa, tự do mà Đức Kitô ban tặng không?

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top