ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010

1. Quá trình hình thành Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010?

Để cử hành Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) không chỉ tổ chức lễ Khai Mạc và Bế Mạc trọng thể tại Sở Kiện-Hà Nội và La Vang-Huế, nhưng còn triệu tập Đại Hội Dân Chúa tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận TP. HCM. Để chuẩn bị cho Đại Hội này, ngay từ đầu Năm Thánh, HĐGMVN đã phổ biến Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, mời gọi mọi thành phần Dân Chúa cùng học hỏi, suy tư về Giáo Hội. Từ những ý kiến đóng góp của các giáo phận và dòng tu, các đoàn thể tông đồ và nhiều cá nhân, HĐGM đã cho biên soạn Tài Liệu Làm Việc cho Đại Hội Dân Chúa. Dựa trên tài liệu này, các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa trên cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội tại Việt Nam ngày nay. Những đề nghị này được đúc kết lại và gửi đến cho HĐGM. Dựa trên những đề nghị này và toàn thể quá trình làm việc trong suốt Năm Thánh, HĐGMVN đã công bố Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010.

2. Thư Chung 1980 đã nói đến đường hướng mục vụ : Hội Thánh vì loài người và Hội Thánh trong lòng dân tộc, để dẫn đến điểm chủ yếu là Giáo Hội hòa mình vào trong xã hội; nay với Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa, với tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, thì dường như Giáo Hội thấy cần phải có nhiều tiếng nói hơn nữa trong nhiều lãnh vực?

Nếu điểm chủ yếu của Thư Chung 1980 là Giáo Hội hòa mình vào trong xã hội, thì hòa mình để làm gì? Ngoài tác phẩm mang tính chuyên môn cao là cuốn Giêsu Nazareth, thì hai cuốn sách mới nhất của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là Muối cho đời và Ánh sáng cho trần gian. Hai tựa đề này nhấn mạnh huấn lệnh của Chúa Giêsu : “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14). Đó chính là ơn gọi và sứ mệnh của Giáo Hội. Mãi mãi là thế, đồng thời phải thực hiện sứ mệnh đó cách cụ thể trong từng hoàn cảnh sống của thời đại. Ngày nay, trước sự lan tràn của cái gọi là “văn hóa sự chết” (x. Sứ Điệp Đại Hội Dân Chúa, số 6), Giáo Hội thấy cần thể hiện chức năng làm muối men và ánh sáng bằng cách kêu gọi mọi người cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

3. Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa nhắc đến lời nhắn nhủ của Đức Bênêđictô XVI: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Đức cha có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa này?

Trong lời nhắn nhủ của Đức Bênêđictô XVI, trước khi đi đến kết luận “Là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, thì ngài đã đưa ra một định nghĩa về người công giáo tốt. Đó là người sống yêu thương, liêm chính, quý trọng công ích. Một con người sống như thế trong một đất nước thì đương nhiên là người công dân tốt rồi. Phúc cho đất nước nào có những công dân như thế. Nếu một đất nước trì trệ và chậm phát triển, đó là vì có quá nhiều công dân xấu, những công dân thay vì sống yêu thương thì chỉ gieo rắc hận thù, thay vì sống liêm chính thì tham nhũng hối lộ, thay vì quý trọng công ích thì tìm cách chiếm đoạt của công làm của riêng cho bản thân, gia đình và phe nhóm của mình. Còn nếu có nhiều công dân sống yêu thương, liêm chính và quý trọng công ích, thì dứt khoát đất nước đó sẽ phát triển toàn diện và vững bền.

4. Thư Chung 2010 đã được in và phát hành rộng rãi trên 26 giáo phận, xin Đức cha cho biết kế hoạch triển khai và học hỏi Thư Chung sẽ được tổ chức như thế nào?

HĐGMVN gửi Thư Chung này đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa với ước mong “mỗi giáo phận, dòng tu, giáo xứ, gia đình, sẽ triển khai thành những hành động và việc làm cụ thể trong đời sống đức tin, góp phần thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay cách thiết thực và hiệu quả” (Thư Chung 2010, số 48). Thư Chung cung cấp cơ sở lý thuyết và đưa ra những định hướng mục vụ cùng với những đề nghị, rồi mỗi giáo phận sẽ triển khai cụ thể theo hoàn cảnh của mình.

5. Giáo phận TP.HCM sắp tiến tới Công nghị giáo phận vào khoảng tháng 11.2011. Thư Chung này sẽ tác động như thế nào?

Chắc chắn Thư Chung này sẽ là nền tảng cho Công nghị giáo phận. Cách nào đó, có thể nói mục đích của Công nghị giáo phận là đưa tinh thần và nội dung của Thư Chung vào trong đời sống của giáo phận về mọi lãnh vực. Để được như thế, cần có một số bước căn bản như (1) giới thiệu Thư Chung cho mọi người biết; (2) mời gọi mọi người suy nghĩ xem nên áp dụng thế nào trong gia đình, giáo xứ, dòng tu của mình; (3) góp ý cho Công nghị giáo phận để cùng nhau thực hiện. Đây là công việc quan trọng và đòi hỏi sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa. Nhưng chính ở đó, chúng ta thể hiện hình ảnh Giáo Hội hiệp thông và tham gia mà HĐGMVN mời gọi.

Ngày 11-05-2011

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top