Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2 (1): Giáo Hội là một với Giáo Hội Phổ Quát

Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2 (1): Giáo Hội là một với Giáo Hội Phổ Quát

 

2.1 Giáo Hội Việt Nam ý thức mình là một với Giáo Hội phổ quát
và với các Giáo Hội địa phương khác
 
A. Phần trình bày
 
Mỗi cộng đoàn Giáo Hội địa phương không được phép khép lại với chính mình nhưng cần liên kết với các cộng đoàn khác, cụ thể là với những giáo xứ và giáo phận khác. Mối hiệp thông này được diễn tả cách tuyệt vời qua từ ngữ “các Giáo Hội chị em” được sử dụng lần đầu tiên trong Hội nghị khoáng đại lần thứ ba của FABC [Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu]. Sau khi nói đến mối hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương tại châu Á trong việc cầu nguyện với nhau và cho nhau, học hỏi những thành công cũng như thất bại của nhau, chia sẻ với nhau những mối quan tâm chung về thần học cũng như mục vụ, hỗ trợ nhau về nhân sự cũng như vật chất, các giám mục Á châu đã tóm tắt những hoạt động đó trong một câu: “càng ngày chúng ta càng trở nên những Giáo-Hội-Chị-Em đích thực trong một gia đình duy nhất là Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô.”[1]
 
Đồng thời mỗi Giáo Hội địa phương phải liên kết với Giáo Hội duy nhất và phổ quát; có thế mới thực sự sống tính duy nhất Công giáo (catholica unitas) của Giáo Hội Chúa Kitô ... Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, Giáo Hội duy nhất và phổ quát hiện diện trongngoài các Giáo Hội địa phương. Điều này có nghĩa là Giáo Hội phổ quát không chỉ đơn thuần là tổng số các Giáo Hội địa phương gộp lại. Nhưng mỗi Giáo Hội địa phương đã là “một thực tại đầy đủ và toàn diện của mầu nhiệm hiệp thông trong Chúa Kitô, và Giáo Hội phổ quát là sự hiệp thông của tất cả những mối hiệp thông đó, là Giáo Hội của các Giáo Hội.”[2] Nói theo cách diễn tả quen thuộc và nổi tiếng của Henri de Lubac thì “Giáo Hội là toàn thể trong từng phần: duy nhất trong số nhiều, và tất cả trong mỗi phần.”[3] Sự hiệp thông đó được diễn tả cách hữu hình qua tập đoàn tính của các giám mục mà đứng đầu là giám mục của Rôma. Quyền bính của giám mục Rôma không thể chỉ được nhìn như quyền bính về mặt luật pháp đối với các Giáo Hội địa phương, nhưng trước hết và trên hết phải được nhìn như “ưu quyền về mục vụ nhằm phục vụ tính duy nhất đức tin và sự sống của toàn thể Dân Thiên Chúa.”[4] Giây liên kết này bảo đảm cho tính Tông đồ và Công giáo đích thực của mỗi Giáo Hội địa phương, đồng thời bảo đảm rằng một Giáo Hội địa phương sẽ không bao giờ rời xa cấu trúc căn bản mà Đấng Sáng lập đã ban cho Giáo Hội.[5]
(Nguyễn Khảm, “Đi Tìm Một Cách Thế Hiện Diện Mới của Giáo Hội tại Châu Á,” trang 13-15)
 
B. Phần hỏi-đáp
 
1-H. Giáo Hội Phổ Quát có phải là tổng số các Giáo Hội địa phương gộp lại không?
T. Không, chỉ có một Giáo Hội duy nhất và phổ quát hiện diện trong từng Giáo Hội địa phương và trong toàn thể các Giáo Hội địa phương. Mỗi Giáo Hội địa phương đều có đủ tính chất của một Giáo Hội và toàn thể các Giáo Hội địa phương là một với Giáo Hội phổ quát.
 
2-H. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát cũng như với nhau được thể hiện như thế nào?
T. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát được thể hiện qua sự hiệp thông giữa các giám mục với với Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh và nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội toàn cầu.
 
3-H. Giáo Hội Việt Nam hiệp thông với Đức Giáo Hoàng như thế nào?
T. Giáo Hội Việt Nam luôn hiệp thông bền chặt với Đức Giáo Hoàng, sẵn sàng tiếp nhận những hướng dẫn của ngài với tinh thần vâng phục, sốt sắng cầu nguyện cho ngài và cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
 
4-H. Giáo Hội Việt Nam vâng phục quyền bính phổ quát của Đức Giáo Hoàng theo ý hướng nào?
T. Giáo Hội Việt Nam vâng phục quyền bính phổ quát của Đấng kế vị thánh Phêrô không như quyền bính về mặt luật pháp đối với các Giáo Hội địa phương, nhưng trước hết và trên hết như “ưu quyền về mục vụ nhằm phục vụ sự hiệp nhất của đức tin và đời sống của toàn thể Dân Thiên Chúa.”
 
5-H. Giáo Hội Việt Nam hiệp thông như thế nào với các Giáo Hội địa phương tại châu Á?
T. Giáo Hội Việt Nam liên kết với các Giáo Hội địa phương tại châu Á trong việc cầu nguyện với nhau và cho nhau, học hỏi và chia sẻ với nhau những mối quan tâm chung về thần học cũng như mục vụ, hỗ trợ nhau về nhân sự cũng như vật chất.
 
C. Phần gợi ý trao đổi
 
1. Bạn biết gì về tổ chức và hoạt động chính của Toà Thánh?
 
2. Bạn biết gì về tổ chức và hoạt động chính của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC)?
 
3. Quyền bính của Đức Giáo Hoàng phải được hiểu như thế nào?
 
[1] “Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC,” For All the Peoples of Asia, Vol. I, 54.
[2] FABC’s Theological Advisory Commission, “Theses on the Local Church,” Being Church in Asia, 11.
[3] Henri de Lubac, The Splendor of the Church, (New York: Sheed & Ward, 1956), 105.
[4] Ecclesia in Asia, số 24.
[5] Xem “Asian Colloquium on Ministries in the Church”, For All the Peoples of Asia, Vol. I, 73. Để tìm hiểu về vị trí và quyền bính của Đức Giáo Hoàng trong viễn tượng Giáo Hội học về hiệp thông, có thể đọc Hermann Josef Pottmeyer, Towards a Papacy in Communion: Perspectives from Vatican Council I and II, (New York:Crossroad, 1998); Jean Marie Tillard, The Bishop of Rome, (Wilmington, Del:Micheal Glazier, 1983). 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top