Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh 2010: bài 5 (1) Hiệp thông trong Kinh nguyện và Thánh Thể

Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh 2010: bài 5 (1) Hiệp thông trong Kinh nguyện và Thánh Thể

 

5.1 Hiệp thông trong Kinh nguyện và Thánh Thể
 
A. Phần trình bày
 
Sự hiệp thông của các tín hữu đầu tiên được biểu lộ qua việc chuyên cần cầu nguyện. Các tín hữu phải có sự đồng tâm nhất trí với nhau mới có thể hiệp thông trong kinh nguyện, vì thiếu sự đồng tâm nhất trí này, lời kinh ca ngợi Thiên Chúa của họ sẽ mất đi ý nghĩa tôn giáo, trở nên giả tạo và không thể hài lòng Thiên Chúa. Vì thế mà thánh Phaolô đã xin Thiên Chúa làm cho giáo đoàn Roma “được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Giêsu Kitô đòi hỏi. Nhờ đó, [họ] có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là thân phụ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 15, 5-6). Lời nguyện của thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ lại lời nhắn nhủ của Đức Giêsu trong Tin Mừng: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em “tâm đồng ý hiệp” cầu xin bất cứ điều gì, Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18, 19). Hơn nữa, Đức Giêsu còn đòi hỏi chúng ta phải giao hoà với anh chị em trước khi dâng lễ vật lên Thiên Chúa (Mt 5, 23-24).
 
Sự hiệp thông của các tín hữu còn được biểu lộ, nuôi dưỡng và tăng trưởng nhờ các Bí tích đức tin, bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy và không ngừng được xây dựng nhờ Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là suối nguồn và đỉnh cao của cộng đoàn Kitô hữu. Sự hiệp thông trong Giáo Hội không bắt nguồn từ bên ngoài như cuộc họp mặt trong đời sống xã hội mà “từ bên trong và từ bên trên”; do đó, không làm nên một tập thể nhưng trở thành “một Dân, một Thân Mình.”
 
Chính vì Giáo hội liên kết chặt chẽ với Thánh Thể như thế mà các nghị phụ trong Thượng Hội Đồng khóa đặc biệt năm 1985, một đàng nhấn mạnh rằng hiệp thông là “ý tưởng nền tảng và trung tâm” để hiểu về Giáo hội; đàng khác kêu gọi đào sâu một nền Giáo hội học mang chiều kích Thánh Thể (Eucharistic Ecclesiology).
 
B. Phần hỏi-đáp
 
1- H. Sự chuyên cần cầu nguyện cho thấy cộng đoàn tín hữu đầu tiên là cộng đoàn thế nào?
T. Sự chuyên cần cầu nguyện cho thấy cộng đoàn tín hữu đầu tiên là cộng đoàn đồng tâm nhất trí với nhau.
 
2- H. Tại sao sự chuyên cần cầu nguyện cho thấy cộng đoàn tín hữu đầu tiên có sự đồng tâm nhất trí với nhau?
T. Vì thiếu sự đồng tâm nhất trí này, các tín hữu khó có thể họp lại mà cầu nguyện và nếu có, thì lời kinh ca ngợi Thiên Chúa của họ cũng mất hết ý nghĩa, trở nên giả tạo và không thể hài lòng Thiên Chúa.
 
3- H. Giáo Hội liên kết chặt chẽ với Thánh Thể như thế nào?
T. Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của đời sống Giáo Hội. Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô liên kết Giáo Hội vào hy lễ thập giá của Ngài. Nhờ đó, Giáo Hội được tràn đầy ân sủng, được thanh luyện và đổi mới.
 
4- H. Thánh Thể có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội Việt Nam?
T. Thánh Thể đã nên nguồn sức mạnh cho Giáo Hội Việt Nam trong mọi lúc, nhất là khi gặp khó khăn và bách hại.
 
5- H. Các tín hữu Việt Nam gắn bó với Thánh Thể như thế nào?
T. Phần đông các tín hữu Việt Nam yêu mến Thánh Thể. Họ sốt sắng tham dự thánh lễ và siêng năng chầu Thánh Thể, nhưng Thánh Thể chưa thực sự trở nên sức mạnh cho họ trong đời sống thường ngày.
 
C. Phần gợi ý trao đổi
 
1. Sự hiệp thông trong Giáo Hội không bắt nguồn “từ bên ngoài” như cuộc họp mặt trong đời sống xã hội mà “từ bên trong và từ bên trên”; do đó, không làm nên một tập thể nhưng trở thành “một Dân, một Thân Mình.” Thế nào là bắt nguồn từ bên trong và từ bên trên? Theo bạn, ghi nhận này có tầm quan trọng như thế nào?
 
2. Theo bạn, kinh nguyện chung trong gia đình hoặc giáo xứ quan trọng và cần thiết như thế nào? Làm sao để bảo tồn và phát triển việc cầu nguyện chung này?
 
3. Theo bạn, các tín hữu Việt Nam cần phải làm gì để Thánh Thể thực sự trở nên sức mạnh trong đời sống thường ngày?

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top