Sự trải nghiệm thú vị
TGPSG-- Trải qua thời gian 2 tháng đi tình nguyện của tôi. Bất giác trong đầu, tôi tự hỏi: “Bản thân mình cảm thấy như thế nào?” Ngồi trầm ngâm một lúc thì tôi cảm thấy mình may mắn hơn vì được trải nghiệm, được làm việc ở 2 lầu khác nhau.
Đầu tiên, tôi được chia vào làm ở khoa cấp cứu, làm được khoảng 2 tuần. Sau đó, tôi được chuyển lên lầu 9B để giúp, vì càng ngày càng có nhiều người bị nhiễm covid nên bệnh viện phải mở thêm nhiều lầu để đón bệnh nhân. Khi biết một ca 4 người phải tách ra, các thầy và các sơ rất vui, sẵn sàng xung phong nên đường như đã tiếp thêm nghị lực, tinh thần dấn thân, thoát ra khỏi sự an toàn, bao bọc trước đó mà tôi có được.
Vì ở khoa cấp cứu, tôi được làm chung với các chị, được các chị quan tâm, chăm sóc, nhắc nhở thường xuyên nên tôi cảm thấy rất an tâm. Bên cạnh đó các bác sĩ, điều dưỡng cũng rất tận tình, dễ thương, giúp đỡ và hướng dẫn chúng tôi từng chút một và luôn miệng nói: “Nếu các Sơ thấy mệt thì cứ ra ngoài, đừng cố ép mình ở trong đây nhé!” Những điều nhỏ bé như thế đấy, nhưng khiến tôi lưu luyến khi phải chuyển đi.
Ở khoa cấp cứu toàn là những bệnh nhân nặng, đa số do có bệnh nền và nằm bất tỉnh trên giường bệnh. Tôi chẳng thể nào nói chuyện hay là được nghe những lời tâm sự của họ cả. Bỏ tất cả lại, tôi chuyển lên lầu 9. Nhớ lại ngày đầu tiên vào ca, tôi phải thốt lên với Sơ làm cùng ca rằng: “Sơ ơi, quá khác biệt với khoa cấp cứu nơi con vừa trải qua 2 tuần”.
Lầu 9 là lầu cao nhất của bệnh viện, nên các bệnh nhân ở đây rất khỏe, thậm chí họ cũng không có triệu chứng nào, và khi đã lên được lầu 9 các bệnh nhân sẽ sớm được về với gia đình của mình. Vì đây là nơi cao nhất nên những buổi trưa và chiều rất nóng và rất dễ mệt. Công việc ở đây có phần thoải mái và nhẹ nhàng hơn vì chỉ có lau nhà, dọn rác, phát cơm. Thỉnh thoảng mới thay ga giường, thay tã, xúc cơm cho các ông bà đã cao tuổi không còn sức để tự mình ngồi dậy và làm được. Ở tuổi vẫn còn trẻ mà tôi đã được chứng kiến sự sống, cái chết gần nhau và thường xuyên như thế này có lẽ đây là một trải nghiệm cực kì đáng quý.
Ở khoa cấp cứu, mỗi bệnh nhân đều nằm bất động, có lẽ họ bất lực vì muốn níu giữ nhiều thứ: sự nghiệp, danh vọng, tiền tài, gia đình… và đặc biệt là sức khỏe…nhưng giờ còn lại gì? Chỉ còn đếm từng ngày mà mình có thể nhìn thấy qua đôi mắt cố gắng mở hé, đếm từng ngày mà họ có thể nghe được và thở được dù cho họ được thở qua máy. Qua được 1 ngày, 2 ngày là đã may mắn lắm rồi.
Còn lầu 9, họ chờ ngày được xuất viện với nhiều niềm vui, sự hy vọng hiện lên trong ánh mắt. Dường như những ngày ở trong bệnh viện này là thời gian để họ nhìn lại cuộc đời mình, nhìn lại chính mình vì đã sống quá tất bật, vội vã để mưu sinh trong cuộc sống. Tôi đã cảm nhận được dường như họ có sự đổi mới trong cách nghĩ, việc làm và cử chỉ. Họ biết quan tâm mọi người xung quanh hơn: như là hay xin đi phát cơm từng phòng giúp các Sơ, còn những chú khỏe mạnh thì xin được lau nhà.
Chiều chiều các bệnh nhân hay qua phòng nhau để cùng trò chuyện, thăm hỏi, động viên nhau. Một hình ảnh rất đẹp, lần đầu tiên tôi cảm nhận được rằng tất cả mọi người ở đây họ đều rất chân thành. Họ sống thật với tất cả những gì mình có. Ai có đồ ăn và đồ dùng mà người nhà gửi lên cũng đem chia sẻ với người khác. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh ấy. Chẳng phải đây là thiên đàng hay sao khi mọi người luôn biết nghĩ cho nhau. Họ sống rất vui vẻ, không tư lợi, không lợi dụng để chuộc lợi cho bản thân như cuộc sống trước kia của họ. Nơi đây họ mong chờ từng ngày để được về với gia đình, người thân. Dù cho món ăn ngày hôm đó không hợp khẩu vị, tầm thường chỉ với rau luộc và những khúc cá kho, họ vẫn cố gắng ăn trong sự thoải mái, vui vẻ. Mặc dù trước kia họ sống trong nhung lụa, được ăn những món đắt tiền.
Ở dưới khoa cấp cứu, bệnh nhân không nói được nhưng thấy đôi mắt lúc nào cũng ướt trên khuôn mặt tiều tụy, ốm yếu, họ có nhiều điều muốn nói, muốn tâm sự, muốn gửi gắm nhưng chỉ thốt ra những giọt nước mắt không tên. Tôi chỉ biết động viên họ: “Cô ơi, chú ơi cố lên! Rồi có ngày cũng sẽ khỏe lại thôi ạ.” Nhưng trong lòng tôi biết chắc rằng tỉ lệ khỏe lại của họ chỉ là 2/10 thôi. Rồi tôi cũng âm thầm lặng lẽ rời đi mà mắt rưng rưng.
Còn trên lầu 9 thì sao? Họ nói được nên tôi có cơ hội được nghe tất cả những lời tâm sự của bệnh nhân. Họ rất dễ thương và tế nhị, mỗi lần muốn nói chuyện với tôi là họ sẽ bịt kín khẩu trang của mình lại, vì chắc rằng họ cũng không muốn có thêm nhiều người phải khổ sở giống họ, họ có trái tim biết nghĩ cho người khác và cũng là một bài học và mẫu gương sống động cho tôi. Khi được nghe tâm sự, mỗi người một hoàn cảnh riêng nhưng họ lại có một hy vọng, một ước muốn chung đó là được khỏe lại và về với gia đình. Họ khuyên chúng tôi nhiều cách để giúp mình tránh bị nhiễm giống họ. Từ đó tôi đã biết sức khỏe của mình đang có là một kho báu mà nhiều người ngày nay đang rất cần, họ có nhiều tiền đến đâu cũng không thể mua được. Họ tốt thật, sự chân thành của họ khiến tôi phải nhìn lại mình là một tu sĩ, nhưng mình đã sống được như vậy hay chưa?
Trước kia tôi từng gượng ép bản thân ăn những món mình không thích với thái độ khó chịu, ép buộc nhưng khi nhìn thấy một bà lão đang cố gắng ăn đến hạt cơm cuối cùng với câu nói luôn trên môi: “Cho bà ăn hết cơm nghen, bà rất muốn khỏe để được về với con cháu”. Tự nhiên lúc ấy tôi muốn khóc, khóc vì mình được quá nhiều mà không biết trân trọng, khóc vì tôi cảm nhận được trong cơ thể gầy còm ốm yếu ấy của bà lại có một trái tim rộng lớn, tươi trẻ, còn với tôi – một con người trẻ mà trái tim đang hao mòn vì những tính toán cho tương lai, nhỏ nhen vì chỉ biết nghĩ những cái lợi cho mình trước.
Có lẽ dù ở khoa cấp cứu hay lầu 9B cũng thế, những con người đang khao khát sự sống cách mãnh liệt và sống trọn giây phút hiện tại mà họ đang có. Nên đó không phải là sự khác biệt giữa khoa cấp cứu và lầu 9B mà đúng hơn, đó là sự khác biệt giữa tôi – một con người trẻ nhưng mang trái tim héo tàn, nhỏ bé qua năm tháng với những người bệnh nhân lầu 9B – những người lớn tuổi nhưng với một con tim rộng lớn, đang khao khát sự sống.
Nguyệt Nga - Thỉnh Sinh Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly