Người linh mục trong bộ đồ bảo hộ nơi bệnh viện dã chiến
TGPSG -- Dù bên ngoài cũng mặc đồ bảo hộ giống những người khác ở đây, các linh mục luôn ý thức mình là mục tử đang chăm sóc những người được giao phó, trước hết là về sự sống đời đời và phần rỗi các linh hồn.
Khi được hỏi linh mục là ai, có nhiều quan điểm được đưa ra, nhưng tôi rất thích cách nhìn của Cha Andrew Greeley - một nhà xã hội học: “Linh mục là người để người khác tìm đến”.
Quả thực, linh mục là người cho người khác tìm đến để chia sẻ, tìm đến để được an ủi và được chữa lành những vết thương, tìm đến để được nâng đỡ những lúc yếu đuối...
Người linh mục luôn sẵn sàng đón tiếp tất cả mọi người tìm đến với ngài. Nhưng chắc chắn linh mục cũng luôn là người ra đi, tìm và gặp gỡ. Ra đi khỏi vùng an toàn của bản thân để tìm và gặp Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện; tìm và gặp gỡ anh chị em qua đời sống phục vụ; tìm và gặp chính bản thân bằng đời sống chứng nhân.
1. Linh mục - con người cầu nguyện
Trong các tài liệu hướng dẫn của Giáo hội, cũng như trong ngày lãnh nhận tác vụ, các linh mục ý thức trước hết mình là con người cầu nguyện. Đây là lời mời gọi có nhiều thách đố trong nhịp sống hiện đại, đời sống linh mục bộn bề với công việc mục vụ và đặc biệt là trong hoàn cảnh không thuận lợi như khi đi thiện nguyện nơi các bệnh viện. Tuy thế, trong chuyến thiện nguyện tại bệnh viện Ung Bướu 2 - Thủ Đức, tôi đã gặp những khoảnh khắc thật đẹp của các linh mục - những con người cầu nguyện.
Buổi tối mỗi khi lên sân thượng để ngồi ngắm Sài Gòn về đêm, tôi thấy có một vài linh mục thường đi dạo với tràng chuỗi trong tay. Dù không gian chật chội và sau những ca trực có phần mệt mỏi, nhưng các cha vẫn luôn duy trì thói quen tốt lành này.
Tôi còn ấn tượng với khoảnh khắc của một linh mục, mỗi khi xuống xe để vào trong bệnh viện bắt đầu ca làm, đều ghé qua chỗ hướng về nhà xác của các bệnh nhân covid. Cha lặng lẽ làm dấu, đọc kinh và cầu nguyện. Rồi cha cũng lặng lẽ ban phép lành cho những người đã qua đời. Mỗi lúc tan ca trực và đi dạo dọc theo khuôn viên bệnh viện để chuẩn bị lên xe, tôi thường gặp được khoảnh khắc tuyệt vời như thế. Tôi lắng xuống, nhìn lại và thấy bản thân còn vô tâm, chưa quan tâm đủ đến chiều sâu của mục vụ. Tôi quá háo hức với những bệnh nhân đang điều trị nơi các phòng bệnh, nhưng dường như lại quên những người đã qua đời. Tôi vẫn tin rằng ngoài cuộc sống đời này còn có cuộc sống đời sau và đó mới là cuộc sống đích thực của mỗi con người. Nhưng từ ngày đi đến bệnh viện cho đến lúc gặp khoảnh khắc tuyệt đẹp này của cha Tuấn, tôi chỉ chú ý đến những người đang được điều trị nơi bệnh viện. Qua hành động âm thầm của cha, tôi ý thức hơn về một Hội thánh hiệp thông và bổn phận cầu nguyện cho những người đã qua đời, dù họ là ai.
Những khi bắt gặp những giây phút cầu nguyện của các linh mục, tôi cảm nhận các cha đang thấm nhuần lời dạy của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho các linh mục:
“Các linh mục sẽ chia sẻ những thống khổ của người dân. Trong cầu nguyện, chúng ta xin ơn để cảm nhận và cảm nếm Tin Mừng, để Tin Mừng có thể làm cho chúng ta “nhạy cảm” hơn trong cuộc sống... Chúng ta có thể xin ơn để cùng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cảm nếm mật đắng của tất cả những người thông phần thập giá của Người, và ngửi mùi hôi tanh của khổ đau - trong bệnh viện dã chiến, trong xe lửa và tàu thuyền chen chúc với mọi người. Hương thơm của lòng thương xót không che giấu mùi hôi thối này. Thay vào đó, bằng cách xức dầu cho nó, nó đánh thức niềm hy vọng mới.”
2. Linh mục - con người của phục vụ
Trong cầu nguyện cùng với sự nhạy cảm mục vụ và thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, các linh mục ở đây cũng cho thấy các ngài là những người sẵn sàng dấn thân phục vụ.
Đa số người tín hữu Công giáo Việt Nam cũng như tôi thường quen với hình ảnh các linh mục với một dấu hiệu bên ngoài như chiếc cổ côn hay chiếc áo chùng thâm mà khi nhìn vào sẽ biết đó là linh mục. Nhưng khi là một thiện nguyện viên nơi bệnh viện dã chiến thì các linh mục không còn dấu hiệu bên ngoài để mọi người có thể nhận biết.
Tuy nhiên, dù bên ngoài cũng mặc đồ bảo hộ giống những người khác ở đây, các linh mục luôn ý thức mình là mục tử đang chăm sóc những người được giao phó, trước hết là về sự sống đời đời và phần rỗi các linh hồn. Các ngài luôn sẵn sàng đi đến với các bệnh nhân để xức dầu, rửa tội, giải tội hay cử hành nghi thức an táng.
Chính trong hoàn cảnh đặc biệt này, có nhiều sáng tạo mục vụ được các linh mục đưa ra. Các cha trong đoàn thường thông tin với nhau về các bệnh nhân công giáo, và căn dặn các thiện nguyên viên khi nào có bệnh nhân cần xức dầu, giải tội hay bệnh nhân được Chúa gọi về thì liên lạc với các linh mục làm cùng ca trực, các cha sẵn sàng đi đến dù là ngày hay đêm.
Ngoài ra, các linh mục thường xuyên thăm viếng mục vụ ở các phòng bệnh nhân khi có thể, tạo điều kiện cho họ liên lạc với người thân trong gia đình qua điện thoại.
Bên cạnh việc mục vụ của một linh mục, các linh mục cũng hăng say trong công việc của một thiện nguyên viên. Các cha không ngại làm những việc bình thường như dọn rác, lau nhà, đưa thức ăn đồ uống cho bệnh nhân, gấp và trải tấm ra các giường bệnh, thay đồ áo và cắt tóc cạo râu cho các bệnh nhân. Những ngày đầu tiên khi bắt đầu công việc, các cha cũng chia sẻ về một vài khó khăn khi làm một số việc không quen và trong một môi trường mới mẻ.
Môi trường mục vụ lúc này không còn là nơi giáo xứ hay chủng viện nhưng là bệnh viện dã chiến. Những người làm chung cũng không chỉ là những tu sĩ hay tín hữu công giáo nên đòi hỏi một sự cố gắng và từ bỏ nhiều hơn so với trong công việc mục vụ bình thường. Chính qua sự từ bỏ này các cha như đang thực hiện lời mời gọi ra đi: “Tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Chúa Giêsu là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với các vùng ‘ngoại vi' đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG 20).
Đáp lại lời mời gọi này, các linh mục cũng từng ngày ra đi khỏi chính bản thân mình, bỏ bớt những nhu cầu của bản thân để dành sự quan tâm không chỉ cho các bệnh nhân nơi bệnh viện mà còn với cả anh chị em trong đoàn. Các cha không ngại nhận trách nhiệm làm trưởng đoàn, thăm hỏi động viên các thành viên trong đoàn, nhất là với anh chị em bị lây nhiễm và cách ly. Hơn thế nữa, các cha cũng quan tâm đến đời sống hằng ngày như bổ sung thêm cho anh chị em các loại trái cây, nước uống, thức ăn.
Khi nhìn vào sự tận tụy và trách nhiệm trong công việc của các linh mục với tinh thần từ bỏ, tôi nhớ đến bài giảng của Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong đó ngài nhấn mạnh:
“Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn… Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông.”
Hơn thế nữa, trong khi quan sát các linh mục phục vụ, tôi cảm nhận được các cha đang sống lời của Đức Phaolô VI:
“Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
3. Linh mục – chứng nhân của Tin Mừng
Trong thời kỳ giãn cách xã hội và đặc biệt là khi vào bệnh viện dã chiến để làm thiện nguyện viên, các linh mục không có những buổi chia sẻ Lời Chúa trong các Thánh lễ. Các cha cũng không thể đứng lớp giáo lý hay sinh hoạt với các hội đoàn. Tuy vậy, các ngài vẫn thi hành vai trò ngôn sứ và là chứng nhân của Tin Mừng.
Các linh mục là chứng nhân trong sự trao ban chính mình khi chấp nhận ‘bị ăn” như tấm bánh: trao ban sức lực, thời gian và hiện diện bên các bệnh nhân mà các ngài đang chăm sóc.
Trong khi chăm sóc bệnh nhân, các cha thực hiện các phương pháp trị liệu đơn giản như vỗ nhẹ lên lưng các bệnh nhân, đồng thời cũng dặn các thiện nguyên viên khác chịu khó làm như vậy khi có thể vì theo các bác sĩ, những động tác đó làm cho các bệnh nhân dễ thở hơn, giúp cho tiến trình điều trị được tốt hơn.
Những việc này được các cha thực hiện trong niềm vui của sự trao ban với xác tín lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Niềm vui của Chúa Giêsu - Mục tử nhân lành - không phải là niềm vui cho riêng mình, nhưng là niềm vui cho người khác và với người khác - niềm vui thực sự của tình yêu. Đây cũng là niềm vui của linh mục. Linh mục được biến đổi bởi lòng thương xót mà ngài tự do ban tặng.”
Sự trao ban niềm vui của các linh mục cho các bệnh nhân cũng như những thiện nguyên viên khác còn thể hiện qua sự vui tươi lạc quan trong những việc bình thường hàng ngày.
Dù là linh mục, nhưng các cha gần gũi và chia sẻ với mọi người như những người bạn, người anh. Các cha vẫn tạo dáng chụp hình như những người còn tuổi teen nên khoảng cách giữa các cha với các thiện nguyện viên khác không xa lạ mà rất đỗi thân thương.
Qua những cử chỉ thân thiện, các cha như tái khẳng định lại hình ảnh của linh mục theo Công đồng Vaticanô II: “Được tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người để lo việc Thiên Chúa, hầu dâng những hiện vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với anh em.”
Trong một tháng ngắn ngủi vừa qua, các linh mục thiện nguyện đã hiện diện như những anh em cùng với các thành viên khác trong đoàn thiện nguyện viên, để lại nhiều kỉ niệm và luyến lưu. Đây là một tháng đầy ý nghĩa, nhiều niềm vui và dấu ấn khó quên dù không thiếu những khó khăn thử thách.
Xin tạ ơn Thiên Chúa cùng với các linh mục và mọi người vì những hồng ân Ngài ban tặng suốt hành trình thiện nguyện. Tôi tin rằng mọi người trong đoàn luôn ghi nhớ hình ảnh các linh mục trong chuyến thiện nguyện lần này với một niềm vui, dù có chút tiếc nhớ.
Xin mượn lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi tới các cha lời cảm ơn:
“Cảm ơn anh em vì những lúc, với cảm xúc tuyệt vời, anh em đã ôm lấy tội nhân, chữa lành vết thương, sưởi ấm trái tim và thể hiện sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của người Samari nhân hậu. Không có gì cần thiết hơn điều này: khả năng tiếp cận, sẵn sàng để gần gũi với anh chị em đau khổ của chúng ta.
Thật mạnh mẽ biết bao tấm gương của một linh mục sống giây phút hiện tại và không bỏ mặc vết thương của anh chị em! Nó phản ánh trái tim của người mục tử gia tăng hương vị thiêng liêng để nên một với đoàn chiên.
Một mục tử không bao giờ quên rằng mình đến từ đoàn chiên và bằng cách phục vụ đoàn chiên, vị mục tử ấy sẽ tìm thấy và thể hiện căn tính thuần khiết và đầy đủ nhất. Điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng một lối sống đơn giản và khổ hạnh, từ chối các đặc quyền không liên quan đến Tin Mừng.”
Khi ghi lại những cảm nhận về các linh mục trong đoàn, chấm phá một vài nét về người linh mục với bộ đồ bảo hộ trong chuyến thiện nguyện lần này, bản thân người viết không nhằm tô hồng các cha nói riêng hay các linh mục nói chung.
Đây là những ghi nhận cá nhân, những suy tư giúp bản thân nhìn vào những nét đẹp của các linh mục trong mục vụ thiện nguyện để chính sửa bản thân mỗi ngày: Từng ngày cố gắng hơn trên bước đường trở thành một linh mục của Chúa vì biết rằng “cuộc sống linh mục không phải là một nghề nghiệp, nhưng là một hiến dâng, một sứ mệnh”. Để rồi trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, bản thân mình có thể thốt lên được như thi hào Rabindranath Tagore: “Tôi nằm ngủ và mơ thấy cuộc đời là niềm vui. Tôi thức giấc và nhìn thấy cuộc đời là bổn phận. Tôi hành động và… ô kìa, bổn phận chính là niềm vui!”
Sài Gòn 21/09/2021
Hoàn Phạm - Hội Thừa Sai Việt Nam (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly