Ngày Đức Bà hóa giải mối đe dọa  của người Thổ

Ngày Đức Bà hóa giải mối đe dọa  của người Thổ

Ngày Đức Bà hóa giải mối đe dọa  của người Thổ

TGPSG / Aleteia -- Đây là một chiến thắng khác của kinh Mân Côi. Tại Vienne, huyết mạch của Tây Âu, các lực lượng châu Âu đã chống lại được cách lạ lùng cuộc xâm lăng của người Thổ. Cùng ngày ấy, Rôma đang cử hành lễ kính Thánh Danh Đức Maria.

Vào thế kỷ thứ 14, người Thổ đã đặt chân lên vùng đất châu Âu ngay cả trước khi chiếm được đế chế Byzantin vào năm 1453 khi thành Constantinople thất thủ. Họ đã ở đó, xâm chiếm vùng Bancăng, Hy Lạp, tiến đến Hungari, Rumani, bất chấp sự kháng cự, thường là kiên trìanh dũng, của người dân địa phương.

Nhưng sau thời gian đầu hốt hoảng, các vua chúa kitô giáo lại đã chấp nhận tình trạng này, chừng nào nó chưa trực tiếp đe dọa họ. Thậm chí khi có cơ hội, họ lại còn tận dụng nó, như trường hợp nước Pháp, khi liên minh với người Hồi giáo, họ vừa chống lại được sự bao vây đáng lo của vương triều Habsbourg, vừa tìm được lợi lộc kinh tế khi buôn bán với người Thổ.

Chính sách ích kỷ với tầm nhìn hạn hẹp này đã bị tông tòa Rôma nhiều lần phản kháng nhưng không kết quả. Năm 1571, việc hình thành khối liên minh theo ý muốn của Đức Piô V nhằm chống lại mối đe dọa của vua Thổ Selim II đè nặng lên Địa Trung Hải và biển Adriatique, đúng là đã dẫn đến một chiến thắng hải quân không ngờ vào ngày 7 tháng 10 - chiến thắng mà Đức Giáo hoàng cho là nhờ sự can thiệp mang tính quyết định của Đức Mẹ Mân Côi, trước thành Lépante, trong vịnh Côrintô. Tuy nhiên kinh nghiệm này đã không trở thành bài học cho kitô giới, đang chia rẽ hơn bao giờ hết.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Hơn một thế kỷ sau, không những chẳng có gì thay đổi tất cả còn tệ hơn nữa khi châu Âu bị chiến tranh tàn phá, trở miếng mồi ngon cho những tham vọng lãnh thổ đối chọi nhau. Ngay cả Hoàng đế Tây Ban Nha, rồi người anh em họ của ông vua nước Pháp, và cả vua nước Anhnhững họ hàng của nhau... cùng những người khác nữa, đều chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, chứ không màng đến một kitô giới mà họ khẳng định đều là những người bảo vệ, ít nhất là trên lý thuyết...

Đang khi đó, từ lâu, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại phát xuất từ phía người Thổ. Trong lúc vua Thổ trẻ Mehmet 4 chỉ quan tâm đến 4000 phụ nữ trong cấm cung, đến vườn thượng uyển và săn bắn, thì viên tể tướng Kara Mustapha lại bị dày vò vì những tham vọng bá quyền của mình, y như cha vợ ông ta trước đó, đã thành công vào năm 1669 trong việc chiếm đảo Crète do người Venise bảo vệ, bất chấp sự can thiệp của người Pháp. Ông ta muốn chắc chắn là người Ốttôman sẽ đặt ách cai trị vững vàng lên Trung Âu, điều mà đế chế Hồi giáo chưa từng làm được. Và một hoàn cảnh thuận lợi đã mở ra cho ông ta. Khi một phần dân theo đạo Cải cách, Hungary đã nổi loạn chống lại ý định của Hoàng đế Leopold I, người muốn đưa nước này trở lại Công giáo.

Cuộc vây hãm thành Vienne kéo dài  hai tháng vì tham vọng của tể tướng Hồi giáo.

Một bộ phận những người nổi loạn này tìm được sự ủng hộ từ vua Pháp, Louis 14, chính ông vua này cũng đang có chiến tranh với nước Áo. Khi mở thêm một mặt trận thứ hai về phía đông, nước Pháp sẽ gây khó khăn cho hoàng đế Léopold I, nhưng vì sự ủng hộ của Pháp dành cho phe nổi loạn Hungari cũng chỉ mang tính lý thuyết hơn là thực tiễn, những người nổi loạn này bèn quay về phiá người Thổ. Là một cường quốc quân sự, đế chế Hồi giáo này có phương tiện để giúp đỡ họ, nhưng với một điều kiện: quốc gia tự do mà họ sẽ dựng lên phải ở dưới quyền bảo hộ của người Thổ. Vậy mà phe nổi loạn vẫn cứ chấp nhận. Cần phải có thời gian họ mới hiểu ra là họ đang "cõng rắn cắn gà nhà", bất chấp những lời cảnh báo của Đức Giáo hoàng Innocent XI đang rất lo lắng.

Tiến về Vienne

Lo lắng là phải! Quả vậy, đầu mùa Hè năm 1683, tể tướng Kara Mustapha bỗng lộ rõ ý định thật sự của mình: tiến về Vienne. Phải đè bẹp nhà Habsbourg nước Áo để đảm bảo an ninh cho những đường biên giới mới chiếm được của Thổ Nhĩ kỳ ở Hungari và vị vua sultan Thổ đã sẵn sàng trả giá cho điều đó. Đội quân Thổ tiến về thủ đô nước Áo đã lên đến 110.000 người, gần gấp đôi lực lượng mà hoàng đế Léopold có thể huy động;  hơn nữa vua Léopold đã chọn rời thành phố Vienne cùng với triều thần để tới trú ẩn tại Linz.

Để bảo vệ Vienne, chỉ còn 11 trung đoàn kéo đến vừa đúng lúc thành phố bị bao vây hoàn toàn, cộng với 60.000 dân thành phố, được một đội pháo binh mạnh gồm 400 họng súng hỗ trợ. Liệu bằng ấy có đủ để cố thủ trong khi chờ viện binh của công tuớc xứ Lorraine, đã bị người Thổ đánh bại tại hồ Balaton, cùng với viện binh của xứ Saxe và xứ Bavaria, và nhất là viện binh của vua Ba Lan, Jean Sobieski, người đã quen đánh nhau với người Ốttôman, được tông tòa Rôma trả mọi chi phí?

Phải nhiều tuần lễ họ mới đến nơi và thành Vienne, nơi lương thực đang dần thiếu thốn, lại bị công binh Thổ tự do hoành hành, bằng cách gài mìn vào các điểm yếu trong tường thành, triệt hạ những lớp phòng thủ của thành.

Cuộc bao vây thành Vienne kéo dài tới 2 tháng, là do lòng tham của viên tể tướng Thổ. Ông ta mong rằng dân trong thành vì kiệt lực, sẽ đầu hàng, điều này cho phép quân ông ta không bị suy suyển, nhưng nhất là ông ta sẽ được hưởng toàn bộ chiến lợi phẩm, trong khi nếu phải mở cuộc tấn công, thì ông sẽ phải chia phần cho bộ binh Thổ. Những sự quanh co như thế sẽ có hậu quả nặng nề vì chúng cho phép quân tiếp viện rộng thời gian đến nơi.

Thành lũy Đức Bà

Người dân đang bị bao vây đói khát trong thành không hề biết điều này. Chẳng ai biết được quân đội Lorraine, Bavaria, Saxon và Ba Lan có tới được hay không, nếu không dựa vào chính sức lực đang cạn dần của mình. Có ai đó đã ý thức được tầm quan trọng của sức mạnh đạo đức trong vụ việc này: chính là tu sĩ dòng Phanxicô Marc d'Aviano, cha giải tội của vua Léopold, người đã không theo phò vua khi hoàng đế đi trốn. Nếu dân thành Vienne mất lòng tin thì họ sẽ đầu hàng, nhưng nếu họ có quyền mất niềm tin vào sự tiếp cứu của con người thì họ lại không hề nghi ngờ sự cứu giúp của Chúa Trời. Lúc đó, vị tu sĩ đã hứa họ sẽ thắng trận nếu họ vững lòng tin vào Thiên Chúa bất chấp mọi bất lợi và nếu họ chạy đến với Đức Mẹ Mân Côi, thành trì của Kitô giáo. Còn gì khác hơn nữa để làm trong một thành phố bị bao vây, nơi người ta bắt đầu phải ăn đến thú nuôi?

Đức Bà đã không bỏ châu Âu, cho dù vua chúa ở đây sống trong tội lỗi.

Thế là người ta kiên trì đọc kinh cầu nguyện, bởi vì chiến thắng, theo lời Cha d'Aviano, thuộc về những ai phó mình trong tay Chúa. Nhưng chưa thấy hiệu quả. Ngày 12 tháng 8, quân Thổ chiếm được bờ hào ngoài và tàn sát hàng trăm lính phòng thủ, lực lượng không thể thay thế. Đầu tháng 9, đạn dược gần như đã cạn kiệt và các đồn lũy có vẻ như sắp thúc thủ trong lúc đại pháo Thổ đang nghiền nát Vienne dưới làn đạn. Dưới cái nhìn của con người thì đã đến lúc kết thúc. Không nhận được một tin tức cứu viện nào đến từ Sobieski, Charles xứ Lorraine và những người khác nữa. Tuy nhiên người ta vẫn liên lỉ cầu nguyện với Nữ Vương Chiến Thắng.

Quân Thổ tháo chạy

Cuối cùng, ngày 11 tháng 9, người ta cũng biết tin viện binh sắp đến, họ đang ở bên kia cánh rừng vùng Vienne, khiến những người bị vây hãm lấy lại hy vọng. Chúa nhật ngày 12, các cánh quân công giáo tiến hành trận đánh quyết định ở Kahlenberg, miệng hô vang "Chúa cứu chúng ta" và đến chiều tối, theo đà tiến quân, lính khinh binh của vua Sobieski chiếm được doanh trại của viên tể tướng và số của cải khổng lồ chất đống tại đó. Toàn bộ quân Thổ đã tháo chạy.

Vienne, huyết mạch của châu Âu, đã không thất thủ - một thảm họa khiến phương Tây có thể rơi vào tay Hồi giáo đã không xảy ra. Năm 1686, người Thổ buộc phải rút lui khỏi pháo đài của họ ở Buda, rồi trong những năm tiếp theo, phải rút khỏi toàn bộ bình nguyên Hungari và vùng Transylvanie, để cố thủ trong những vùng đất Bancăng mà họ đã chiếm được trước đó. Đối với đế chế Ốttôman, đây là khởi đầu của sự lụi tàn, chậm chạp nhưng không ngừng, cho đến khi sụp đổ ngay vào đầu thế chiến I. Đức Bà đã không bỏ châu Âu, cho dù vua chúa ở đây tội lỗi.

Có một chi tiết không thể lầm lẫn được: đó là ngày 12 tháng 9,  cũng là ngày người ta cử hành lễ Thánh Danh Đức Maria tại Rôma. Khi nhận ra chính Đức Trinh Nữ đã chọn ngày này để can thiệp cứu giúp, Đức Giáo Hoàng Innocent XI vào năm sau đó đã quyết định cho cử hành ngày lễ này trong toàn bộ thế giới công giáo.

Anne Bernet (Aleteia)
Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

Top