Đọc kinh Mân Côi liên gia, nối kết tình nghĩa gia đình, bà con lối xóm
TGPSG - “Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương. Và tràn lan gai góc vướng trên con đường”.
Mỗi năm khi tháng 10 về - tháng Mân Côi Đức Mẹ, các khu giáo trong giáo xứ Phú Bình tổ chức đọc kinh Mân Côi luân phiên gia đình, rước Đức Mẹ đến các gia đình. Mỗi gia đình vinh hạnh được đón tiếp Đức Mẹ đến thăm. Đây là nét đẹp trong truyền thống sinh hoạt đạo đức của giáo xứ. Tôi cũng không nhớ rõ việc đọc kinh Mân Côi gia đình trong giáo xứ này có từ bao giờ. Có lẽ từ khoảng những năm 1990, thời cha cố Đĩnh, cha cố Niệm.
Đọc kinh Mân Côi gia đình từ đó đến nay vẫn được duy trì hằng năm. Ai cũng cảm thấy vui, luôn phấn khởi hào hứng qua những giờ kinh như thế. Gia đình nào được Đức Mẹ đến thăm nhà, thì chuẩn bị rước tượng Đức Mẹ về nhà mình từ 15g, chuẩn bị đèn sáng, dọn nhà cửa cho tươm tất. Các ông trùm khu giáo thì điều động, tổ chức đọc kinh, chủ sự nguyện kinh.
Thật quý hóa biết bao, giữa thời buổi kinh tế phát triển, cuộc sống vội vã ở thành phố Sài Gòn như ngày nay, truyền thống này vẫn còn đó. Dù rằng những năm sau này, bầu khí bà con đọc kinh không còn xôm tụ, rôm rả, người tham dự không đông đến nỗi ngồi tràn ra ngoài sân như chục năm trước. Nhất là sau 2 năm nghỉ đọc kinh liên gia vì đại dịch Covid 19, năm nay người tham gia cũng ít hơn nhiều.
Ngày nay, nhiều người đi làm không được về sớm, công nhân tăng ca, làm thêm, không thể về trước 19g để tham dự. Cha mẹ trẻ thì lo đưa đón con đến các lớp học thêm buổi tối, các bạn trẻ sau giờ làm thường la cà quán xá, ăn uống, tán gẫu với bạn bè, bàn chuyện công ty, chuyện đời tư. Người già thì đa phần đau bệnh, đi lại khó khăn, nên con cháu không muốn cho ông bà mình đi đọc kinh tối.
Đọc kinh, không phải đọc làu làu các kinh cầu, nhưng là cùng nhau suy niệm qua các mầu nhiệm Mân Côi, lắng nghe Lời Chúa theo phụng vụ hôm đó, suy niệm và cầu nguyện.
Đối với tôi, đọc kinh gia đình Mân Côi tháng 10 là một “ký ức vui vẻ” của tuổi thơ. Hồi đó hạnh phúc lắm khi ông bà ngoại còn sống bên con cháu, luôn đôn đốc con cháu đọc kinh. Ông bà chuẩn bị mọi thứ cho buổi tối đọc kinh tối đến nhà mình. Thú thật, ngày đó và cả bây giờ, tôi vẫn là kẻ “biếng nhác kinh sách”. Nhưng vẫn cảm thấy “vui vẻ “, khi được sống trong bầu khí đạo đức, đậm tình nghĩa lối xóm. Mỗi gia đình chuẩn bị nước uống để mời bà con hàng xóm sau giờ kinh. Dù chỉ là nước trà tươi thôi cũng đủ ấm áp tình xóm ngõ gần gũi thắm thiết.
Từ đó, tôi thích nhìn việc đọc kinh tối dưới góc nhìn gia đình. Qua giờ kinh mọi người gặp gỡ nhau, mọi thành viên trong gia đình, bà con xóm ngõ hỏi thăm nhau, quan tâm nhiều hơn đến nhau. Mỗi người cùng cầu nguyện cho nhau.
Qua việc suy niệm các mầu nhiệm vui- thương - mừng - sáng, ta thấy được những trạng huống cuộc đời mình và của từng gia đình trong thánh ý Chúa.
Thật vậy, các vị chủ chăn luôn nhắc nhở về giờ kinh Mân Côi: Đức Giáo Hoàng Piô X khẳng định: “Nếu các con muốn cho gia đình mình hạnh phúc thì hãy lần chuỗi với nhau mỗi buổi tối”.
Đức Giáo Hoàng Piô XI huấn dụ: Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào chúng tôi cũng lần chuỗi.
Chính khi gia đình có chuyện buồn, chuyện vui, có con em học hành thi đậu tiến bộ, cũng như chúng ta mệt mỏi, hay khi gia đình có người đau bệnh. Chúng ta xin Mẹ Maria dạy sống lòng cậy trông tín thác vào Chúa. Có lẽ hình ảnh Đức Mẹ đẹp nhất, sáng nhất chúng ta tìm thấy trong trang Tin Mừng là “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.”(Lc 2.19)
Vì ai trong chúng ta cũng vậy, có khi gặp những đau buồn chán nản, không thể đứng vững được, nhiều khi ca thán oán trời, trách người và đức tin lung lay chao đảo. Vì chúng ta thường không chấp nhận những“sự khó”xảy ra trong đời mình như Đức Mẹ.
Hơn nữa, việc cùng suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi là chúng ta nhìn ngắm, học theo gương Đức Mẹ. Vì Mẹ cũng đã trải qua khổ đau như chúng ta. Và như thế, chính Đức Mẹ trở thành trường dạy cho ta sống đức tin, đức cậy và lòng mến.
Xin Đức Mẹ chỉ dạy và nâng đỡ chúng con trong cuộc đời, để chúng con luôn là môn đệ trung tín của Chúa Giêsu Kitô như Mẹ.
“Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương. Và tràn lan gai góc vướng trên con đường”.
Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại
-
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 - Đón nhận tính dễ bị tổn thương -
Đức Mẹ Hồn xác lên Trời -
Đức Trinh Nữ Maria có giọng nói như thế nào ? -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 10 - Nhận biết những nhu cầu -
Cầu nguyện với Nữ Vương Hòa Bình tại Sài Gòn -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 09 - Được người cao niên chúc phúc -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 08 - Suy đi nghĩ lại trong lòng -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 07 - Thinh lặng -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 06 - Ngợi khen Thiên Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Mười cách để nhận biết Đức Maria là Mẹ của chúng ta
-
Đức Mẹ sông Mê-Kông: Hương thơm đồn xa -
Niềm Vui Cùng Mẹ Maria đón mừng Chúa Giáng Sinh -
Đức Mẹ hồn xác lên trời & Đức Mẹ ngủ -
Hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu -
“Hãy để Mẹ ngủ” là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích -
Ngày Đức Mẹ hiện ra ở Mỹ -
Mẹ Maria dạy ta cách cầu nguyện -
Tràng Chuỗi Mân Côi của Má -
Mẹ Maria lên trời