Họ đạo Gò Vấp: Một chặng đường phát triển

Họ đạo Gò Vấp: Một chặng đường phát triển

WGPSG -- Vào lúc 18g chiều thứ bảy 16/01/2010 Họ đạo Gò Vấp vui hẳn lên. Các đoàn thể đồng phục chỉnh tề cùng với 98 con em trong họ đạo quần áo thật đẹp làm thành dàn chào đón Đức Cha Phêrô, Giám mục phụ tá TGP.TPHCM về thăm mục vụ và ban Bí tích Thêm Sức.

Trong phần đầu lễ, ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ, đại diện cho Cộng đoàn Dân Chúa Họ đạo gởi đến Đức Cha Phêrô lời chào mừng và đã giới thiệu giáo xứ với lược sử về Họ đạo Gò Vấp.

Ông cho biết: theo tài liệu của Giáo phận Sài Gòn, Họ đạo Gò Vấp là một trong 23 Họ đạo tính đến năm 2010 được trên 100 năm hình thành. Gò Vấp được thành lập từ năm 1857 tính đến nay đã là 153 năm.

Ngay từ năm 1857, Gò Vấp mới chỉ là một điểm truyền giáo với 75 giáo dân. Năm 1888, giáo điểm Gò Vấp được nâng lên thành Họ đạo nhưng vẫn chưa có linh mục phụ trách. Đến năm 1897, Cha L. Lambert được cử về làm Cha sở tiên khởi của Họ đạo Gò Vấp.

Hơn 100 năm trước đây, sinh hoạt của Họ đạo đã thấm nhuần lòng đạo. và được nhiều người biết đến. Theo báo Nam kỳ địa phận viết thì “Gò Vấp là địa danh tuy là nhỏ mọn trong Nam kỳ lục tỉnh, nhưng chẳng phải là nhỏ mọn đâu, vì bởi nơi đây sinh ra Đấng Thầy Cả Thánh, đó là Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu, linh mục tử đạo, người làng Hanh Thông xã, Gò Vấp, Gia Định, chịu tử đạo ngày 07/04/1861 tại Mỹ Tho.” và ngày 19/06/1998 Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Cha Thánh lên hàng Hiển Thánh. Đây chính là điểm son, là hạt giống tốt đã nảy sinh mà kết quả là Họ đạo Gò vấp đã có được như ngày hôm nay.

Riêng đối với thánh đường của Họ đạo sau ba lần thay đổi địa điểm. Đến năm 1933 mới cố định ở vị trí như hiện nay. Trong suốt thời gian dài 70 năm sau đó, thánh đường cũng đã được tu sửa nhỏ nhiều lần. Thời Cha sở Nicôla Huỳnh Văn Nghi là Cha sở từ 1961 đến 1965 nhà thờ được sửa lại phần mặt tiền.

Ngày 15/12/1993, Cha Tôma Nguyễn Văn Khiêm về nhận Cha sở Họ đạo và là Cha sở thứ 18 của họ đạo cho đến hôm nay. Ngày 09/03/1997 cha Tôma đã cho động thổ xây dựng nhà thờ mới. Sau gần 10 năm trời ròng rã xây dựng, ngôi Thánh đường được hoàn thành. Lễ khánh thành đã được tổ chức vào ngày Chúa nhật 28/01/2007 với Nghi thức Cung hiến Thánh đường, Thánh hiến Bàn thờ và Thánh lễ Tạ Ơn khánh thành Nhà thờ mới do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Tổng Giám mục Giáo phận chủ sự.

Hiện nay, Họ đạo Gò Vấp có 1.185 gia đình công giáo, số giáo dân là 3.632 và một số lượng lớn sinh viên và người di dân công giáo cư trú trên địa bàn họ đạo. Có 7 khu xóm bao quanh nhà thờ, mang 7 danh hiệu Đức Mẹ cao quí làm bổn mạng, đó là các khu xóm Đức Mẹ Chúa Trời, Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Xuống Ơn, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Phù Hộ, Đức Mẹ Hằng Cứu Gíup, các khu xóm được Cha sở linh hướng qua việc sùng kính Đức Mẹ một cách sốt sắng. Hơn nữa, nhà thờ được vinh dự nhận thánh nữ Anna là bổn mạng, đó là vị thánh quan thày duy nhất trong 200 giáo xứ của giáo phận mà nhà thờ Gò Vấp vinh dự nhận làm quan thầy.

Điều đáng chú ý cho ngôi thánh đường này, như Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống trong lần thăm mục vụ Họ đạo đã nói: “Nhìn lên trần nhà thờ, chúng ta có thể lần chuỗi Mân Côi bằng mắt.”

Về sinh hoạt trong họ đạo, có các đoàn thể như Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Huynh đoàn Đaminh, Hội các Bà Mẹ Công giáo, Ca đoàn Anna, ca đoàn Cecilia, Hội người cao tuổi, đội ngũ Giáo lý viên... và hơn 300 em Thiếu nhi được tổ chức học giáo lý hằng tuần vào các ngày Chúa nhật, sau thánh lễ buổi sáng dành riêng cho thiếu nhi.

Nay Họ đạo Gò Vấp còn giữ lại được những kỷ vật qúi gía là tượng Chúa chịu nạn (trên cung thánh), tượng Đức Mẹ (ở hội trường), tượng Thánh Anna (trước mặt tiền nhà thờ) và 3 quả chuông (trên tháp chuông).

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô đã tạo một bầu khí thật là gần gũi với thiếu nhi. Ngài đến hàng ghế các em ngồi, trao đổi với các em về ngày trọng đại của các em, để các em hiểu thêm ý nghĩa của việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Ngày hôm nay chính là ngày các em có một kỷ niệm đẹp nhất trong đời, ngày lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Đức Cha cũng đã khen ngợi Gò Vấp đã có sự thay đổi đáng kể theo thời gian, ngài cũng nêu các mặt thuận lợi và khó khăn của Họ đạo là: gần nơi thương mại (chợ Gò Vấp), gần các trường học (trường Đại học Công Nghiệp) nên có các sinh viên công giáo các nơi đến học tập, đồng thời cũng có giáo dân từ các nơi khác đến làm ăn sinh sống, nên chắc chắn số giáo dân di dân đó cũng cần được nâng đỡ, cần được giúp đỡ về tinh thần. Do đó, công tác mục vụ ở đây cần phải được quan tâm. Đức Cha cũng cám ơn và mong mỏi Hội đồng mục vụ, các đoàn thể và giáo dân cố gắng dành nhiều thời gian cộng tác với Giáo Hội, với giáo xứ; nhất là trong việc giáo dục Nhân Bản Kitô giáo cho thiếu nhi.

Các linh mục đã từng làm Cha sở Họ đạo:
1. Linh mục L. Lambert (1897 - 1899)
2. Linh mục D. Dessaume (1899 - 1916)
3. Linh mục Tôma Nguyễn Khoa Thi (1916 - 1918)
4. Linh mục Phaolô Lê Văn Mười (1918 - 1922)
5. Linh mục J. M Bùi Công Thích (1922 - 1927)
6. Linh mục Giacôbê Huỳnh Công Quận (1928 - 1934)
7. Linh mục Giuse Nguyễn Tri Thơ (1934 - 1937)
8. Linh mục Grabiel Phan Văn Thọ (1937 - 1940)
9. Linh mục Maurice Bạch Văn Lê (1940 - 1946)
10. Linh mục Phaolô Bạch (1946)
11. Linh mục Micae Nguyễn Văn Học (1946 - 1953)
12. Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Trung (1953 – 1960)
13. Linh mục Phêrô Trần Văn Thông (1960 - 1961)
14. Linh mục Phêrô Trần Viết Thọ (1961)
15. Linh mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi (1961 - 1965)
16. Linh mục Phanxicô X. Trần Ngọc Dương (1965 - 1974)
17. Linh mục Clêmentê Nguyễn Văn Thạch (1974 - 1993)
18. Linh mục Tôma Nguyễn Văn Khiêm (15/12/1993 - đến nay)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top