Gx. Bình An : Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 25 Thường Niên – Năm A

Gx. Bình An : Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 25 Thường Niên – Năm A

Chúa Nhật 25 Thường Niên – Năm A
(Mt 20, 1-16a)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô

theo Thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.

Khoảng giờ thứ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ : “Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho!”. Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả tiền công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước hết.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ thứ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: “Mấy người đến sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Bài chia sẻ của linh mục Chánh xứ Bình An

Dụ Ngôn Thợ Làm Vườn Nho

- Sau khi nghe một số dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để mặc khải Nước Trời,

- Chứng kiến cảnh chàng thanh niên giàu có rầu rĩ rút lui khi Chúa Giêsu kêu gọi anh bán tất cả tài sản, phân chia cho người nghèo rồi đến theo Chúa,

- Kinh ngạc trước lời tuyên bố của Đức Giêsu : “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”,

Phêrô lên tiếng hỏi Thầy : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì ?”

Trước câu hỏi quá vụ lợi này, Chúa Giêsu điềm tĩnh hứa với các Tông Đồ : “Thầy bảo thật anh em : anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ ngự trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội, và được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (Mt 19, 28-30). Câu trả lời chi li cặn kẽ ấy, chắc làm cho các Tông Đồ hả dạ lắm : giàu có và vinh quang quyền lực đến nơi rồi ! Phần thưởng được gấp bội Thầy không chỉ hứa cho các Tông Đồ, mà cho tất cả những ai theo Ngài.

Để các Tông Đồ không quá phấn khích mà đi lạc hướng, Chúa Giêsu phán dụ ngôn các người thợ được kêu vào làm vườn nho.

Vào mùa hái nho ở Do Thái, người muốn có việc làm thường ra đứng ở ngã ba, ngã tư đường từ tảng sáng mong có người thuê mướn mình. Chủ vườn nho mà tính toán hơn thiệt có lẽ chỉ nhìn người xem ai khỏe ai yếu, chỉ nhìn mặt trời xem sớm hay muộn mà trả giá !

Thế giới hôm nay quy định 00 giờ 00 là lúc kết thúc ngày cũ, và bắt đầu ngày mới. Do Thái xưa thì lại khác : lúc mặt trời lặn là lúc kết thúc ngày cũ và bắt đầu ngày mới. Chính vì thế mà luật giữ ngày Sabát và cả lịch Phụng vụ ngày nay cũng bắt đầu ngày mới từ chiều hôm trước. Tính ngày thì thế, tính giờ thì lại bắt đầu từ lúc mặt trời mọc. Từ lúc mặt trời mọc (tảng sáng) tới lúc mặt trời lặn được chia ra 12 giờ :

- Giờ thứ nhất lúc tảng sáng : tức lúc 6 giờ sáng

- Giờ thứ ba : 9 giờ sáng

- Giờ thứ sáu : 12 giờ trưa

- Giờ thứ chín : 15 giờ chiều

- Giờ thứ mười một : 17 giờ chiều

- Giờ thứ mười hai : 18 giờ tối

Mặt trời càng lên càng cao thì người thợ đứng đường càng lo vì không ai thuê mướn mình thì phải đói, vợ con nheo nhóc.


Giữa thế giới văn minh hiện đại ngày nay, các ông chủ công ty, xí nghiệp có trong tay những máy móc tinh xảo. Một chiếc máy làm thế cho cả trăm cả ngàn người, đang dồn nhiều người vào tình trạng thất nghiệp, đói khổ. Dụ ngôn ông chủ vườn nho tốt bụng lại càng hợp thời, hợp cánh hơn nữa. Giới chủ phải học nơi dụ ngôn này bài học nhân ái.

Ông chủ vườn nho thật là tốt bụng, giờ nào ông cũng ra đường, người nào ông cũng nhận. Ông tốt đã vậy, lại còn tinh tế nữa. Cuối ngày, ông đã làm cái chuyện lạ đời là sai đầy tớ gọi thợ để trả công, bắt đầu từ người vào vườn muộn nhất dần lên tới những người vào làm vườn sớm nhất, và trả đồng loạt mỗi người một đồng. Cách làm này đã khiến những người vào vườn lúc tảng sáng bộc lộ cái tính người hẹp hòi của mình : “Chúng tôi chịu nắng nôi suốt ngày mà ông kể những người mới chỉ làm có một giờ bằng chúng tôi ư ?” Thế là ông chủ có dịp cho họ một bài học nhớ đời : “Hay bạn thấy tôi tốt bụng mà đâm ra ghen tức”. Nếu cứ theo thói thường mà trả công cho người vào làm vườn từ tảng sáng đến người vào muộn nhất, thì tất cả đã vui vẻ về cả rồi, còn đâu để chứng kiến lòng thương của chủ đối với những người vất vưởng cả ngày ở ngã ba, ngã tư muốn làm việc mà không có người thuê.

Suy như thế là chúng ta mới chỉ để dụ ngôn soi dọi đời thường mà thôi. Thực sự còn hơn thế nữa : Chúa Giêsu còn dùng dụ ngôn này để mặc khải Nước Trời. Vườn nho là Hội Thánh mà Thiên Chúa là chủ. Cửa vườn luôn rộng mở. Giờ nào Chúa cũng nhận, người nào Chúa cũng thương. Người thì gia nhập Hội Thánh ngay từ lúc đầu đời, người thì vào lúc trung niên, có người mãi lúc về già, thậm chí có kẻ mãi tới lúc gần nhắm mắt, xuôi tay mới biết Chúa. Thiên Chúa tình thương thưởng cho kẻ trước người sau mỗi người một đồng. Một đồng đây là Nước Trời, cõi phúc, sự vui mừng nơi Thiên Chúa, là chủ của chúng ta. Nếu dùng dụ ngôn yến bạc (Mt 25, 14-30) mà soi dọi vấn đề này thì càng rõ và sáng hơn nữa. Người lãnh 5 yến, sinh lời được 5 yến khác, kẻ lãnh 2 yến làm lời được 2 yến khác. Chúa cho họ cả vốn lẫn lời, cộng với một phần thưởng như nhau là sự vui mừng đời đời của chủ. Nước Trời, cõi phúc là ơn nhưng không Chúa ban, chứ không phải công lênh con người. Phần thưởng này được sắm bằng giá máu của Ngôi Lời Nhập Thể nên chẳng có chi sánh được. Ơn ban còn rộng mở cho cả những kẻ chưa biết Chúa, nhưng chịu khó ăn ở ngay lành, hay cho kẻ chưa biết Chúa mà có dịp may được chết vì đạo.

Tất cả là Hồng ân Chúa ban. Con người của chúng ta phải biết sống trong ơn với nghĩa, chớ tranh công sắp bậc làm gì kẻo hóa ra bội nghĩa phụ tình với Chúa.

Một đứa bé mỗi khi quét nhà, lau bàn ghế, rửa chén đĩa thường được mẹ thưởng một đồng để khích lệ. Thế là em bày lẽ tính công. Đã một tuần mẹ bệnh nằm trong phòng chẳng thấy tính toán chi cả. Tối thứ Bảy hôm ấy, khi bưng cháo cho mẹ, em để tấm giấy nhỏ trên đĩa lót tô cháo ghi rõ rệt : Tuần rồi con quét nhà 7 lần, lau bàn ghế 7 lần, rửa chén đĩa 14 lần mẹ ạ !

Bà mẹ giật mình sửng sốt nhưng rồi bình tĩnh viết vào mặt sau tấm giấy mấy chữ run run : “Mẹ cưu mang con 9 tháng 10 ngày, sinh nặng đẻ đau, 3 năm bú mớm, nuôi dạy con bấy lâu nay, công ấy con chưa tính với mẹ!" Đọc mấy dòng chữ của mẹ, đứa con xụt xịt khóc.

Lm. Chánh Xứ Bình An
Giuse Trịnh Văn Viễn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top