Gx. Bình An: Suy niệm Lễ Thánh Gia Thất

Gx. Bình An: Suy niệm Lễ Thánh Gia Thất

Lễ Thánh Gia Thất
(Lc 2, 22-40)

22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

***

Bài chia sẻ

Ngôi Lời nhận xác phàm nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, sinh làm người cư ngụ giữa nhân loại 33 năm. 3 năm cuối dành cho việc loan báo Tin Mừng, chọn gọi 12 Tông đồ thành lập Hội Thánh và chịu chết sống lại để thực hiện việc cứu rỗi nhân loại. Như vậy suốt 30 năm Ngài sống với Đức Maria và Thánh Giuse trong gia đình Nazareth.

Sự kỳ diệu đượm nét huy hoàng của giây phút truyền tin và mang thai Ngôi Lời của Đức Trinh Nữ Maria cuối cùng lại là lý do khởi đầu những cơn lốc ập vào gia đình Nazareth: Thánh Giuse định tâm kín đáo ra đi vì nghi ngờ sự ngang trái của Đức Maria. May thay Giuse đã tỉnh táo nhận được mộng báo để biết việc này là do Chúa Thánh Thần và can đảm ở lại thi hành sứ mạng làm chủ gia đình Nazareth.

Nazareth là một gia đình gồm toàn những thành viên ưu tuyển của Thiên Chúa. Người con trongcung lòng Đức Maria lại là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, thế mà gia đình nay lại chẳng được biệt đãi một hồng ân ngoại thường nào. Giuse và Maria lặn lội về quê khai sổ nhân danh và vì nghèo khó không thuê được nơi trọ nên phải tìm tới chỗ các mục đồng canh giữ đàn vật ban đêm để sinh con giữa tiết đông buốt giá.

Giữa cảnh bi đát nghiệt ngã ấy lại rực lên những nét huy hoàng:

- Các mục đồng được tin báo kéo đến viếng thăm.
- Các Thiên thần đến tung hô chúc tụng.
- 3 nhà Đạo sĩ từ phương đông được ngôi sao lạ dẫn đường tới triều bái và dâng tiến lễ vật.

Việc nhập thể dẫn đến việc nhập thế. Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người thật thì việc tuân phục lề luật là điều đương nhiên.

Theo sách Lêvi 12, 1-8:

- Người đàn bà mang thai sinh con trai thì mắc nhơ bẩn trong 7 ngày. Ngày thứ 8, đứa trẻ được cắt bì rồi phải đợi thêm 33 ngày nữa để cho máu người mẹ được thanh tẩy.
- Người đàn bà sinh con gái thì mắc nhơ bẩn 14 ngày, rồi phải đợi 66 ngày nữa để máu người mẹ được thanh tẩy xong.

Hết thời gian thanh tẩy thì dù sinh con trai hay gái, cha mẹ cũng phải đưa con lên Đền thờ để các tư tế dâng tiến con trẻ trước tôn nhan Thiên Chúa và cử hành nghi thức thanh tẩy cho cả mẹ lẫn con.

Tại sao người đàn bà mang thai sinh con và cả đứa con sinh ra cần được thanh tẩy?

Theo quan niệm thời ấy, người đàn bà mang thai, sinh con là bị mất mát sinh lực, cần một thời gian để tái lập sự thanh khiết và liên kết lại với nguồn sống là chính Thiên Chúa.

Theo sách Xuất hành 13,1-2 thì con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa, phải dâng cho Chúa. Trường hợp Samuel là một điển hình. Bà Anna vợ Encana khi được Chúa cho sinh Samuel, lúc cai sữa xong thì hai ông bà đã đem con dâng cho Chúa trong Đền thờ và Samuel ở luôn tại đó với tư tế Hêli. Nếu muốn chuộc con về thì phải dâng lễ vật như bò, một cặp chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Bốn nhân vật hiện diện trong lúc Chúa Giêsu được dâng tiến trong đền thờ: Maria, Giuse, Simêon và Anna. Đây là hiện thân của những người công chính trước tôn nhan Chúa, thiết tha trông chờ Đấng Cứu Tinh đến. Những người đã vui mừng thấy lúc kết thúc mãn nguyện thôi chờ đợi:
- Maria đã được báo tin mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần và lời xin vâng đã khép lại thôi chờ đợi và thường mở ra một tương lai mới nơi Con Thiên Chúa trong lòng mình là Đấng Cứu Độ thế gian.

- Giuse khi được mộng báo, vẫn im lặng nhưng chắc vui mừng với sứ mạng lo lãnh đạo gia đình Nazareth.

- Simêon không phải là một tư tế nhưng là người đạo đức luôn mong mỏi chờ đợi Đấng Cứu Tinh. Thánh Thần đã thôi thúc ông lên đền thờ và đã soi sáng cho ông nhận ra Con Trẻ Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian, là ánh sáng muôn dân, là vinh quang Israel dân Chúa. Ta hãy nghe bài ca Nuncdimittis của Simêon chúc tụng Thiên Chúa:

"Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
(Lc 2,25-32)

Đây là một suy tư thần học trọng tâm của bài Phúc Âm này. Càng đọc kỹ, chúng ta càng thấy rõ phải có Chúa Thánh Thần chỉ dạy Simêon mới có thể cất lên những lời như thế.

- Anna - một ngôn sứ nhưng đã ẩn mình nơi Đền thờ hằng ngày ăn chay cầu nguyện trông chờ Đấng Cứu Tinh. Là một chứng nhân thinh lặng nhưng khi gặp trẻ Giêsu thì Anna cũng đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa và nói về trẻ Giêsu cho những người mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Israel.

Gia đình:

Là một hình ảnh nồng ấm sinh động, là đầu mối đầy sức quy tụ và hiệp thông đang được dùng để chỉ Giáo Hội toàn cầu là gia đình của Thiên Chúa. Giáo phận cũng được gọi là gia đình giáo hội địa phương, từng gia đình tín hữu cũng được gọi là giáo hội tại gia.

Gia đình là một trường học cơ bản:

Con cái, cháu chắt là các học trò trong trường học cơ bản này. Cha mẹ, ông bà đúng là thầy dạy cho con cháu học ăn, học nói, học gói, học mở: học làm người. Cha mẹ còn chuyển giao đức tin cho con cháu để chúng không chỉ thành người mà còn nên con Thiên Chúa.

Gia đình là chủng viện đầu tiên:

Ông bà cha mẹ còn là người huấn luyện và hướng dẫn con cháu để cống hiến cho Chúa những ơn gọi linh mục, tu sĩ hiến thân làm việc trong vườn nho Chúa.

Gia đình là vương quốc tình yêu:

Người ta đã phỏng vấn hàng ngàn gia đình trẻ để tìm ra câu định nghĩa hay nhất về gia đình. Câu định nghĩa được chọn: Gia đình là vương quốc tình yêu. Luật lệ, nguyên tắc sống và việc cư xử của mọi thành viên trong gia đình là tình thương mến. Tình yêu sẽ làm cho người cha trở thành ông vua hiền chứ không phải là bạo chúa. Tình yêu sẽ làm cho người mẹ là hoàng hậu nhân từ chứ không trở thành Từ Hy thái hậu. Nếu gia đình là vương quốc tình yêu thì con cháu không dại gì bỏ gia đình để lao vào những nơi đầu đường xó chợ.

Gia đình là đơn vị truyền giáo hữu hiệu:

Có những họ đạo phát triển sinh động ngày nay đã được khởi đầu bằng sự có mặt của một vài gia đình Công Giáo. Ý họ thì chỉ tìm đất sống, nhưng ý Chúa lại dùng họ dần dần quy tụ và hình thành nên những họ đạo trù phú làm đơn vị truyền giáo cho cả một vùng rộng lớn.
Thánh gia thất là một gia đình mẫu mực cho mọi gia đình chúng ta noi gương bắt chước:

- Trong mọi tình huống phải tìm đâu là ý Chúa và khi đã biết được ý Chúa thì hãy thưa hai tiếng "Xin vâng".

- Hãy tuân phục lề luật: luật tự nhiên được khắc ghi trong lương tâm ngay lành, luật tình yêu của Thiên Chúa, và nguyên tắc sống cho sự khôn ngoan của loài người. Chúng ta giữ luật thì luật sẽ gìn giữ chúng ta.

Xin Thánh gia thất đổi mới các gia đình Công Giáo chúng con để trong tình yêu mến, chúng con thực hiện sự hiệp thông chan hòa, thánh hóa bản thân và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa.

Linh mục Chánh xứ Bình An
Giuse Trịnh Văn Viễn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top