Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật IV Mùa Vọng năm B

Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật IV Mùa Vọng năm B

Trong tình hình rối ren năm 736 TCN: các vương quốc phía Bắc (Damas và Samari) tìm xâm chiếm các vương quốc phía Nam (Giuda và Jerusalem). Vua Akhat của nhà David ở phía Nam lo xoay trở mọi cách chống đỡ, duy có một điều quên là không trông cậy vào Thiên Chúa. Isaia được sai đến trấn an nhà vua phải vững lòng tin cậy, nếu không sẽ không thể đứng vững. Isaia bảo vua Akhat cứ xin Thiên Chúa một dấu lạ để bảo đảm điều ấy. Akhat nói: “Tôi không xin vì tôi không dám thử Chúa”. Nói thế cho ra vẻ đạo đức chứ vua đã tự phụ quyết không lùi bước rồi.

Biết thế, Isaia nổi giận tuyên bố: sẽ có một dòng dõi khác của nhà David đến cứu dân Chúa thay cho đường lối sai lầm của nhà vua

"Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!
Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,
mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?
Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.”
(Is 7,13-14)

Emmanuel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Vậy người con của thiếu nữ Sion không chỉ đến để ban phúc lành hay thực hiện việc giải phóng dân tộc mà là Thiên Chúa hiện diện giữa dân của Ngài.

Lời tiên báo của Isaia mà chúng ta vừa nghe được trở nên rõ ràng hơn bởi lời sấm của tiên tri Mika 5,1:

“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.”

Hai lời tiên tri về người phụ nữ sinh con này rõ ràng tiên báo Đấng Messia trong tương lai.

Đến thời đến buổi, Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài:

“Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận".

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1,26-38)

Sứ thần Gabriel:

Theo từ ngữ Do Thái, Gabriel có nghĩa là Thiên Chúa mạnh mẽ. Gabriel đã được Thiên Chúa sai đến 3 lần:

- Để giải thích thị kiến cho Daniel (Dn 8,16).
- Để báo tin cho Zacaria biết hồng ân to lớn là Elizabeth vợ ông sẽ thụ thai, sinh con trai và phải đặt tên là Gioan (Lc 1,19).
- Báo tin cho Đức Maria sẽ thụ thai, hạ sinh con trai và đặt tên là Giêsu.

Một chi tiết cần được ghi nhận:

Việc bà Elizabeth thụ thai, hạ sinh con trai được Gabriel báo cho Zacaria chứ không báo cho bà Elizabeth. Việc Đức Maria thụ thai hạ sinh con trai thì lại được Gabriel báo cho Đức Maria chứ không báo cho thánh Giuse. Phải, trong trường hợp của ông bà Zacaria – Elizabeth thì Zacaria là nhân vật chính, còn trong trường hợp của Đức Maria thì thánh Giuse không can dự. Chính vì thế mà khi sự việc Maria mang thai diễn ra, Giuse chẳng hiểu nổi, nghi ngờ và định tìm cách trốn chạy. Cũng may mà Giuse đã nhận được lời mộng báo và sẵng sàng nhận trách nhiệm cha nuôi của Chúa Giêsu để công trình nhập thể của Ngôi Lời được xuôi thuận. Chi tiết này cũng đã hé mở cho chúng ta thấy sự trinh khiết của Đức Maria trong việc mang thai.

Không phải chỉ có thánh Giuse bối rối không hiểu nổi vấn đề mà ngay cả Đức Maria khi được Gabriel báo tin “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ con trai”, Đức Maria cũng đặt vấn đề ngay: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”.

Vào cái thời đất rộng người thưa xa xưa ấy, các bộ tộc lại giải quyết mọi xung đột bằng sức người, trước nhu cầu gia tăng dân số, căn cứ vào lời Thiên Chúa hứa cho dòng dõi Abraham đông như sao trời, nhiều như cát biển (St 15,5), trinh khiết bị đồng hóa với son sẻ. Gái không chồng (trinh khiết) là một điều tủi hổ, có chồng mà không con (son sẻ) lại là điều nhục nhã hơn nữa.
Bà Rakhen thấy mình không sinh con cho Jacob thì ghen với chị và nói với Jacob: “Cho tôi có con đi không thì tôi chết mất!”, Jacob nổi nóng: “Tôi đâu có thay quyền Chúa là Đấng đã không cho bà sinh đẻ!” (St 30,1-2). Và khi Thiên Chúa đã thương cho bà Rakhen sinh con trai, bà vui mừng nói: “Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục của tôi” (St 30,23).

Dũng sĩ Giptac cần quân Israel chiến đấu với quân Ammon đã khấn rằng nếu được thắng trận khi về ai là người ra đón đầu tiên thì nó thuộc về Thiên Chúa. Ông thắng trận trở về và người đầu tiên ra hớn hở đón ông chính là người con gái yêu quý của mình. Ông xé áo mình tuyên bố:

"Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha ! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA và không thể rút lại được." Cô thưa với ông: "Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì ĐỨC CHÚA đã cho cha trả thù được con cái Am-mon, kẻ thù của cha". Cô lại nói với cha: "Xin cha cho con điều này là hoãn cho con hai tháng để con đi lang thang trên các núi đồi, mà khóc cho đời con gái của con” (Tl 11,35-37)

Đối với dân Israel, trinh khiết hay son sẻ là một nỗi tủi nhục vì không được dự vào phần thưởng (Tv 127,3), cũng như không được hưởng sự chúc lành là hoa trái của lòng dạ sinh con (Tv 128,3-6).

Khấn giữ mình đồng trinh, Đức Maria đã tự chấp nhận thân phận tủi nhục. Toan tính riêng của Đức Maria lại được Thiên Chúa dùng để chuẩn bị một cung lòng thanh khiết cho việc Ngôi Lời nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần. Từ đây, trinh khiết đã được nhìn bằng nhãn quan mới và được tôn trọng. Đức Maria là người duy nhất trong Tân Ước được tôn phong là “Trinh Nữ Vương”.
Một điểm khác nữa cần được ghi nhận để suy tư: các bà vợ của các tổ phụ thời Cựu Ước đều là các phụ nữ son sẻ và được ơn sinh con lúc tuổi già như: Sarah vợ của Abraham (St 11,30), Rebecca (St 25,21), Rakel (St 29,3). Elizabeth cũng sinh Gioan Baotixita lúc tưổi đã già, Đức Maria Đồng Trinh đã sinh hạ Chúa Cứu Thế. Một thông điệp đã được sáng lên và truyền đi:

- Đây là hồng ân nhưng không của quyền năng Thiên Chúa tình thương.
- Thiên Chúa chúc phúc cho lòng dạ son sẻ và trinh khiết để lòng dạ son sẻ và trinh khiết cống hiến hoa quả tốt lành nhất cho công trình của Thiên Chúa.
- Tất cả là công trình của Thiên Chúa.

Câu trả lời vắn tắt của Gabriel đã giải tỏa tất cả:

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”.

Khi biết đó là ý định và chương trình của Thiên Chúa, Đức Maria đã mau mắn đáp lời:

"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".

Thiên Chúa trung thành, chẳng bỏ rơi ai. Đang lúc mấy người đàn bà son sẻ trong Cựu Ước cảm thấy thân phận tủi nhục, tự coi đời họ như vô dụng thì Thiên Chúa lại thực hiện nơi họ những việc lạ lùng. Cả trong trường hợp Đức Maria tự nguyện chấp nhận thân phận trinh khiết, bị coi là tủi hổ thì Thiên Chúa lại chọn và coi Ngài như điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình nhập thể của Ngôi Lời.

Giữa cái mênh mông của trời đất, giữa cái diệu vợi của linh thiêng, lắm lúc chúng ta thấy đời mình chẳng là chi. Giữa những thách đố cam go, với khả năng tinh thần vật chất hạn hẹp, chúng ta cảm thấy đời mình như vô vị. Hãy đặt mình trong tác động của Chúa Thánh Thần để khám phá ra chương trình và tiếng gọi của Thiên Chúa trên đời ta. Chúng ta bắt chước Đức Maria thưa hai tiếng “Xin vâng” và kiên tâm chờ đợi: Nhất định Chúa sẽ đến!

Linh mục Giuse Trịnh Văn Viễn
Chánh xứ Bình An

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top