Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật II Mùa Vọng năm B

Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật II Mùa Vọng năm B

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm B
(Mc 1, 1-8)

(1) Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa : (2) Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. (3) Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
(4) Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. (5) Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
(6) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. (7) Ông rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

Bài chia sẻ

“Hãy mở một con đường cho Đức Chúa
Hãy sửa lối cho thẳng để Người đi”

I. Những sứ giả tiêu biểu dọn đường cho đấng Thiên Sai

1. Tiên tri Êlia

Mở sách ngôn sứ Malakhi, chúng ta thấy Lời Thiên Chúa hứa: sứ giả của Giao Ước mà mọi người mong đợi đang đến. Thiên Chúa sẽ sai người đi trước dọn đường:

“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1)

Một người tiêu biểu trong số các sứ giả mà chúng ta muốn nêu ở đây là Êlia:

“Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23)

Từ đất Tisbê, tả ngạn sông Jordanô, Êlia ra hoạt động tại vương quốc Israel dưới các triều vua Akhab (874-853), Akhazya (853-852) và Yoram (852-841).

Hoàng hậu Izebel vợ vua Akhab vời mấy trăm thày pháp xứ Phenici tới Israel tổ chức tế thần Melkart dưới danh nghĩa chung là Baal. Người Israel tế lễ cho cả thần Baal và Javê. Êlia đứng lên phản đối:

Vua Akhab đi đón Êlia và lúc gặp nhà tiên tri, vua nói:

"Tên mang họa cho Israel, nhà ngươi đấy phải không?" (1V 18,17)

Êlia thẳng thắng đáp:

“Tôi không mang hoạ cho Israel, nhưng chính là ngài và nhà thân phụ ngài” (1V 18,18)

Êlia đối diện với 400 thày pháp Baal và thách thức họ cầu khẩn xem thần họ thờ có đến nhận lễ vật của họ không! Họ đã thất bại, còn Thiên Chúa của Êlia đã dùng lửa nhận của lễ ông dâng.

Êlia chiến thắng và tiêu diệt chúng ở suối Kison.

Đến thời vua Akhatgia: vua té từ lan can xuống và bị đau ốm liệt giường. Ông lại sai sứ giả đi và bảo:

"Các ngươi hãy đi thỉnh ý Baal Dơvúp, thần của Écrôn, để xem ta có thể qua khỏi cơn bệnh này không?" (2V 1,2)

Thiên Chúa lại sai Êlia:

"Hãy chỗi dậy, lên gặp các sứ giả của vua Samari, và bảo họ: Ở Israel không có Thiên Chúa hay sao, mà các anh lại đi thỉnh ý Baal Dơvúp, thần của Écrôn ? Vì thế Đức Chúa phán thế này: Ngươi sẽ không xuống khỏi giường mà ngươi đã lên nằm, vì thế nào ngươi cũng phải chết." (2V 1,3-4)

Sứ giả về trình lại và vua hỏi:

"Người đã lên gặp các ngươi và nói với các ngươi những lời đó, ăn mặc thế nào?"

Họ thưa: "Đó là một người mặc áo da lông, đóng khố da thú."

Vua nói: "Đó là ông Êlia người Tisbê!" (2V 1,7-8)

Sau này, Êlia được đem lên trời trong cơn gió lốc và người ta tin rằng ông chưa chết, sẽ trở lại ngày Đấng Thiên Sai quang lâm.

Sứ điệp của Êlia là:

- Chỉ có Javê là Thiên Chúa, các thần Baal là hư ảo. Tôn thờ cả hai là sai quấy.
- Javê là Thiên Chúa phổ quát không có biên cương.
- Javê là Thiên Chúa của thiên nhiên (1V 17,1).
- Javê là Thiên Chúa công bằng.

2. Một vị ngôn sứ ẩn danh

Trong số những người lưu đày ở Babylon có sứ ngôn Êdêkien. Ông quả quyết sau khi đám dân bị lưu đầy biết hối cải thì họ sẽ được trở về tái thiết quê hương trong công bằng. Cuộc hồi hương sẽ ra sao? Cái huy hoàng của dĩ vãng có được khôi phục không? Chính lúc ấy, một ngôn sứ ẩn danh cất tiếng. Sấm ngôn của vị tiên tri ẩn danh này được ghi chép và được gán cho là của Isaia từ đoạn 40-55, cũng được gọi là đệ nhị Isaia.

Chúa Nhật II mùa Vọng, năm B, ở bài đọc I, chúng ta được nghe phần mở đầu của những chương này.

Người ta khám phá ra 3 điều mới quan trọng trong sứ điệp của ngôn sứ ẩn danh này:

a) Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện ở giữa đám dân bị lưu đày, chuẩn bị cho họ không chỉ mộng trở về tái thiết quê hương, phục hồi uy quyền, mà còn để đưa ơn cứu độ cho toàn thế giới:

"Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Giacóp,
để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất." (Is 49,6)

b) Sách đệ nhị Isaia

Mà thực sự là của một ngôn sứ ẩn danh cũng được gọi là sách “an ủi”. Từ an ủi xuất hiện ngay ở câu đầu tiên:

“Thiên Chúa anh em phán: Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (Is 40,1)

An ủi là một tư tưởng mới. Trong Kinh Thánh, an ủi không phải là một lời khuyên đức nhẫn nhục hay thụ động chờ đợi. Thiên Chúa ban cho con người sức mạnh để chu toàn sứ mạng cao cả mà có khi đầy gian khó.

c) Như chúng ta nghe trong bài đọc I:

“Hỡi kẻ loan Tin Mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao.
Hỡi kẻ loan Tin Mừng cho Giêrusalem,
hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.

Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giuđa rằng:

"Kìa Thiên Chúa các ngươi!"
Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng” (Is 40,9-10)
Chữ “Tin Mừng” xuất hiện ở đây lần đầu tiên trong Kinh Thánh và sau này găn liền với 4 sách Phúc Âm.

3. Gioan Tẩy Giả

Isaia 40,3-5 có chép rằng:

“Có tiếng hô:
Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,
giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta.
Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.
Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện”

Bài Tin Mừng Chúa Nhật II mùa Vọng năm B xác nhận:

“Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” (Mc 1,4-5)

Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita) là con của Dacaria và Elizabeth. Mẹ của ông là chị họ của Đức Maria. Ông được một hồng ân đặc biệt là được khỏi tội nguyên tổ ngay khi còn trong lòng mẹ, khi Đức Maria đang mang thai Chúa Giêsu tới thăm bà Elizabeth. Gioan Tẩy Giả sinh trước Đức Giêsu khoảng 6 tháng và có sứ mạng tiền hô dọn đường cho Đức Giêsu xuất hiện (Lc 1,5-25).

Hình ảnh Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú đúng là hình ảnh của tiên tri Êlia. Lưu truyền Do Thái tin rằng Êlia chưa chết và sẽ trở lại khi Đấng Thiên Sai quang lâm- chính vì thế mà khi Gioan xuất hiện, các tư tế và Lêvi đến hỏi: “Ông có phải là Êlia không?” (Ga 1,21)

Êlia đã không đích thân trở lại mà Gioan Tẩy Giả là Êlia mới trong giai đoạn mới. Trong giai đoạn mới này, Gioan kêu gọi mọi người sám hối cõi lòng, chịu phép rửa bằng nước tại sông Jordanô.
Phép rửa của Gioan là phép rửa bằng nước. Từ ngàn xưa, nước vẫn là biểu tượng của sự sống và sự thanh khiết. Lãnh phép rửa bằng nước là một cách bày tỏ tâm hồn sám hối để cầu ơn tha thứ. Đó là dấu chỉ phát xuất từ một phía: phía con người. Đức Giêsu cũng đến để chịu phép rửa của Gioan ở sông Jordanô nhưng Ngài lại đứng về phía Thiên Chúa, cũng dùng dấu chỉ ấy để ban ơn tha thứ. Đó là máng thông chuyển ơn cứu độ phát xuất từ sự chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô. Nước rửa bây giờ chỉ còn là dấu chỉ, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới con người và đổi mới mọi sự.

II. Những bài học mà các ngôn sứ dạy chúng ta

1. Khi vua Akhatgia té lầu nằm liệt, ông sai người đi thỉnh ý Baal Dơvúp xem mình có qua khỏi cơn bệnh này không? Thiên Chúa sai Êlia cảnh báo: “Ở Jerusalem không có Thiên Chúa hay sao mà các ngươi lại đi thỉnh ý Baal Dơvúp?”

Rất nhiều người Công Giáo trong những tình huống ngặt nghèo bệnh tật cũng đang đi cúng vái khắp nơi để mang tội thất trung với Thiên Chúa. Hãy kíp sám hối để khỏi chết trong tội thất trung của mình.

2. Trong cảnh bị lưu đày thống khổ, dân Israel chỉ ngóng được về tái thiết quê hương và mong phục hồi thời vàng son dĩ vãng! Chúa sai vị sứ ngôn ẩn danh mở lòng mở mắt cho họ biết nhìn xa trông rộng, chuẩn bị họ đem ơn cứu rỗi tới tận cùng trái đất.

Trong mọi tình huống ngặt nghèo, người Kitô hữu chúng ta phải để cho Chúa khai trí mở lòng: không chỉ luyến tiếc dĩ vãng, than vãn hiện tại mà quên đi sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi hạng người không loại trừ ai.

3. Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta điều gì? Tin Mừng Luca 3,10-14 ghi rõ:

Đám đông hỏi ông (Gioan) rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy".

Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình".

Phần chúng ta phải làm gì? Giữa lòng Hội Thánh, và trong Thần Khí, Thiên Chúa sẽ chỉ dạy chúng ta.

Linh mục Chánh xứ Bình An
Giuse Trịnh Văn Viễn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top