Gx. Bến Hải: Vầng trăng yêu thương

Gx. Bến Hải: Vầng trăng yêu thương

WGPSG -- Cái nóng bức của Sài Gòn đã làm tôi chợt nhớ lại những mùa Trung thu đã qua đi. Vào các năm gần đây, thời tiết không được như ý muốn của mọi người, trong đó có các em Thiếu nhi. Trước hoặc sau ngày Trung Thu là những cơn mưa rào và có khi là những cơn mưa bất chợt kéo đến trước giờ các em rước đèn. Trung Thu năm nay cũng vậy, ban ngày thời tiết thật đẹp, bầu trời xanh trong với từng đám mây lang thang lẩn khuất xa xa dưới bóng Thánh Giá nhà thờ Bến Hải và nắng gắt hơn bao giờ hết.

Hôm 11/09/2011, sau Thánh lễ chiều, tiếng trống ếch, trống lân mời gọi tất cả các em thiếu nhi Bến Hải không phân biệt lương giáo vui rước đèn mừng Tết Trung Thu. Tuy nhiên, cơn mưa bụi tối nay làm cho chương trình rước đèn Trung Thu phải thay đổi. Các em đón Chị Hằng tại hội trường của nhà thờ Bến Hải. Hội trường nhà thờ trở nên chật chội hơn với khoảng một ngàn em và các phụ huynh. Ánh trăng vằng vặc chiếu giãi khắp nơi, vàng rực rỡ trên sân khấu yêu thương của Gia đình Thiếu nhi Bến Hải. Lũy tre làng ẩn hiện, tiếng trống lân và ánh sáng đủ mọi loại đèn đung đưa nhè nhẹ theo tay lắc của các em như những đom đóm lập lòe trong đêm tối của miền quê còn lấm láp đất bùn mùi hương cói, mùi ngai ngái của rau muống. Nhộn nhịp của tuổi thơ được chăm chút hôm nay êm ái với vòng tay mẹ, dẫn dắt bởi tay cha, đong đưa với các anh chị huynh trưởng, giáo lý viên cùng niềm vui chung của Bến Hải.

Bầu khí hân hoan của các em vui Tết Trung Thu với chương trình văn nghệ do các em thủ diễn kết thúc hòa điệu cùng nhịp vỗ tay reo vang của các em thiếu nhi vì sắp được phá cỗ trông Trăng. Hơn một ngàn phần quà được trao tận tay các em. Dư âm hương vị của những miếng bánh ngọt vui Tết Trung thu của các em thiếu nhi làm ai trong chúng ta chẳng nhớ lại những câu chuyện xưa thật là xưa, thật huyền thoại, thật mơ mộng cho dù bây giờ đã lớn nhưng câu chuyện cổ tích như vẫn còn vằng vặc mơ màng như ánh trăng đêm rằm năm nay.

Câu chuyện kể rằng: “Hằng năm, Tết Trung Thu đến với chúng ta vào Rằm tháng Tám Âm lịch. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn màu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh Trung Thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy. Các trẻ em đón Tết có những đèn xếp, đèn lồng sặc sỡ thắp sáng kéo nhau thành từng đoàn vui reo ca hát, tối tối cùng nhau nhởn nhơ, cùng đi đường này ngõ khác. Và khi rằm tới, có những đám múa lân rầm rộ, ngoài Bắc gọi là múa sư tử, với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Vậy Tết Trung Thu là tết gì? Trung Thu là giữa mùa Thu. Tết Trung Thu như tên gọi, đến với chúng ta đúng giữa mùa Thu, mùa mát mẻ đẹp đẽ nhất trong năm với trăng trong gió mát.

Theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Nguyên năm đó, vào đêm Rằm tháng Tám, trời thật là đẹp, trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây. Thấy cảnh đẹp của đất trời, nhà vua ngự chơi ngoài thành tới mãi trời khuya. Lúc đó, có một ông già đầu bạc phơ trắng như tuyết, chống gậy tới bên nhà vua. Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế. Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi:

- Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không?

Nhà vua liền trả lời:

- Có.

Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, còn một đầu giáp mặt đất. Tiên ông đưa nhà vua trèo lên cầu vồng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, một vẻ đẹp khác xa nơi trần thế. Có những nàng tiên nữ nhan sắc với những xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, đẹp như những bài thơ, nhảy múa theo những điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn hồng ngàn tía. Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông lại đưa nhà vua trở lại cung điện. Về tới trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung Quảng và những giờ phút đầy thơ mộng nhà vua đã qua ở nơi đây. Để kỷ niệm cái ngày du Nguyệt điện, nhà vua đặt ra Tết Trung Thu. Trong ngày Tết này, người ta uống rượu thưởng trăng, và vì vậy, Tết này còn được gọi là Tết Trông Trăng. Câu chuyện với những mơ mộng so với đời thường thăng hoa ru cháu, ru con vào mộng đẹp của đêm rằm. Ông bà cha mẹ uống rượu thưởng trăng, con cháu nhấm nháp chén chè ngọt lãng quên đời thường.”

Tiếng hát rộn ràng và tiếng nói bi bô của các em, tiếng tập nói của trẻ thơ dâng lên Thiên Chúa tiếng lòng sâu sắc: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có chàng cuội già, ôm một mối mơ….”

Ước mong tất cả trẻ thơ của mọi miền đất nước và trên toàn thế giới có thật nhiều đêm trăng cổ tích, được các cha mẹ chăm lo việc học hành và cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Top