Gx. Bến Hải: Giáo họ Antôn mừng bổn mạng

Gx. Bến Hải: Giáo họ Antôn mừng bổn mạng

WGPSG -- Đúng 17g30, ngày 13.06.2011, tiếng hát hoan ca vang vọng thánh đường gíao xứ Bến Hải mừng kính thánh Antôn Pađôva của ca đoàn giáo họ thánh Antôn. Rất đặc biệt, ca đoàn này chỉ tập họp vào dịp lễ bổn mạng.

Trong lời đầu lễ, cha xứ giới thiệu sơ nét về cuộc đời thánh Antôn Pađôva, linh Mục tiến sỹ Hội Thánh, mà giáo họ thánh Antôn đã nhận Ngài làm bổn mạng. Tháng sáu tháng Thánh Tâm Chúa, Giáo hội long trọng mừng kính và suy niệm rất nhiều về Tình Thương của Thiên Chúa. Chính do Tình thương Cứu độ của Thiên Chúa mà các Lễ kính các Thánh trong tháng nói lên Tình Thương yêu của Thiên Chúa với nhân loại. Ở các nước phương Tây, nhất là ở Pháp và Ý hầu như nhà thờ nào cũng trưng ảnh tượng thánh Antôn Pađôva, mọi người tôn sùng và kính Ngài rất mạnh mẽ. Ngài nhập dòng Phanxicô và sống rất khiêm tốn bé mọn, Ngài làm việc tại một nhà tế bần, hằng ngày chuyên quét dọn nhà cửa. Trong một dịp lễ phong chức linh mục ở Ý, cha giảng lễ đột xuất bị ốm, cha Giám tỉnh chỉ định Ngài lên bục giảng. Thật bất ngờ vì không chuẩn bị gì cả, nhưng bài giảng của Ngài hôm đó thu hút và gây xúc động mọi người, vì Ngài uyên thâm về Kinh Thánh lẫn Thần học. Nhận ra ơn Chúa nơi Ngài, Bề trên dòng cử Ngài đi rao giảng khắp vùng nước Ý và Pháp, lôi kéo được nhiều người về với Chúa.

Giáo họ thánh Antôn thuộc giáo xứ Bến Hải nhận thánh nhân là bổn mạng và lễ mừng kính Ngài hằng năm vào ngày 13 tháng 6 được tổ chức rất trọng thể. Trước đó, sau Thánh lễ chiều Chúa nhật, tất cả giáo dân trong giáo họ tề tựu trước ảnh Ngài, tĩnh tâm và suy gẫm mọi việc đã làm trong năm, khấn xin và tạ ơn Ngài những ơn Ngài ban cho.

Đặc biệt hôm nay, cùng hiệp dâng Thánh lễ do cha xứ Bến Hải chủ tế còn có quý cha Antôn Huỳnh Đầy - Bề trên dòng Thánh Tâm Huế; ngài cũng nhận thánh nhân là bổn mạng, cha Giuse Trần Văn Hiển - dòng Don Bosco - Giám đốc Học viện, cha Mátthêô Lê Văn Dũng, Quản lý nhà dòng Thánh Tâm, và cha Đaminh Hoàng Văn Chỉ - chính xứ Lộc Tấn, một huyện gần biên giới Campuchia thuộc Gíao phận Phú Cường đồng tế.

Trong bầu khí trang nghiêm và cung kính, với lòng xúc động bồi hồi tuy là giọng Huế nhưng rất dễ nghe; được phép cha xứ, cha Antôn Huỳnh Đầy đã giảng thuyết hùng hồn về thánh Antôn, bổn mạng của ngài và của giáo họ thánh Antôn trong Tình Yêu Thiên Chúa, qua đó con người nếu biết nhận ra Tình yêu của Ngài thì dù ở quốc tịch nào, tôn giáo nào, hội dòng nào, giới nào, hoặc ngay cả trong gia đình, mọi người sẽ nhận ra Thiên Chúa ở cùng mọi người. Mọi chuyện dù lớn, dù nhỏ hay bất đồng sẽ thắm đượm Tình yêu Chân lý Cứu độ.

Thánh lễ kết thúc trong bài ca mừng thánh Antôn hay làm phép lạ như trong lời chúc mừng và phép lành của cha xứ: Không có mưa trước Thánh lễ để mọi người đến đông đủ dự lễ và cũng dứt cơn mưa sau Thánh lễ để mọi người ra về. Ước gì mỗi ngày nhà thờ đông hơn đúng như lòng mong ước của thánh nhân khi xưa, rất nhiều người tuốn đến nghe Ngài giảng thuyết về Thiên Chúa và Tình Yêu.

Sơ nét về giáo họ thánh Antôn

Nhìn trên bản đồ theo chiều ngang từ giáo họ Louis, giáo họ Antôn ở vị trí thứ hai: đông nam giáp giáo họ thánh Louis, đông bắc giáp giáo họ Mân Côi, tây bắc hướng về nhà thờ. Số giáo dân hiện nay lên tới 450 nhân danh, chưa kể số nhập cư không kê khai.

Con số ban đầu khi thành lập xứ, khoảng trên dưới 70 người, từ một trại định cư ở Hố Nai, nay là giáo xứ Bắc Hải, thuộc Gíao phận Xuân Lộc, theo cha cố Giuse Maria Nguyễn Kế Phú đến đây. Trước khi di cư, là giáo dân cũ ở xứ An Toàn, xã Kiến Thuỵ, tỉnh Kiến An, Địa phận Hải Phòng. Vì là con chiên cũ, nên mới theo ngài về đây. Con số hiện nay, gần một nửa là những người từ các nơi khác, các người nhập cư, xin ghi tên vào sổ họ.

Tên gọi giáo họ Antôn, đã nhiều lần thay đổi, trải qua nhiều thời kỳ; cha tiên khởi Giuse Maria Nguyễn Kế Phú gọi là Khu An Toàn, vì gốc lúc ở miền Bắc là làng An Toàn. Sau một thời, lại gọi là Khu Hai, vì ở vị trí thứ Hai trong bốn Khu. Đến thời cha Gioan Baotixita Nguyễn An Hoà, gọi là khu giáo Antôn, vì nhận thánh là bổn mạng. Đến khi cha Vinh sơn Trần Văn Hoà về nhậm xứ, đã có quy chế Hội đồng Giáo xứ nên vẫn sử dụng tên gọi khu giáo. Khi cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái về, tên gọi Hội đồng Giáo xứ đổi theo Nội quy Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của Giáo phận, do Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn ký duyệt năm 2002 đã thống nhất tên gọi xưa kia là khu giáo nay gọi là giáo họ.

Khi xưa, nơi quê hương cũ, gốc An Toàn, Kiến An, Hải Phòng trong “Sắc Ông Thánh Antôn”, được Đức Giám mục Giuse Trương Cao Đại, OP, Giám mục Hải Phòng phê duyệt có câu rằng: “A-vê Maria đầy Ga-ra-xi-a, sắc Ông Thánh Antong, Họ An Toàn...” đã được giáo họ thánh Antôn nhận làm bổn mạng, hằng năm lễ mừng kính vào ngày 13 tháng 6; nội dung khuyến giáo dân trong họ hãy thương yêu nhau, dạy cách tổ chức trong họ: đặt ra một ông Trùm - một ông Trùm Kẻ Liệt - một ông Trương đồng nhi nam - một bà Trương đồng nhi nữ; và cũng dạy cách làm việc của mỗi vị, thí dụ: “Khi trong họ có ai phải liệt lào, thì ông Trùm Kẻ Liệt phải đến hỏi thăm cùng mời Thầy Cả...”

Căn cứ vào Sắc ấy, làng nước xưa kia ở đất Bắc, khi ly hương vẫn không quên cội nguồn, mang vào đây cách tổ chức, sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt xã hội. Quan Lý-đạo Trùm, lệ xưa thế nào, thì nay duy trì thế ấy: quyền lợi, nghĩa vụ của các chức sắc, của mỗi người dân họ, rất tỷ mỷ, rất chặt chẽ. Các việc hôn-tang-tế (theo cách nói của phong tục Việt Nam), ông Trùm, ông Trưởng, ông bà Trương, phải làm sao, được hưởng quyền lợi gì...hậu sinh chúng tôi, thời gian qua đã làm theo, “ngoan đạo” như vâng lời những giáo điều. Đến hôm nay, khi nhắc nhớ đến thời ấy, cảm nhận của người nghe, có thấy một niềm thân ái, một kỷ niệm êm đềm?

Nghe các vị cao niên kể rằng: khi có tang, nhà hiếu phải báo cho hàng họ, còn gọi là “trình họ”, một chai rượu, cành cau. Bước tiếp theo, ông Trùm nổi trống “họp họ” và quanh mâm cơm nhà hiếu để cùng nhau cắt đặt công việc. Người đi khiêng, gọi là “triều công”.

Với người quá cố, tuỳ theo chức tước, công lao, sẽ được hưởng quyền lợi, rất tỷ mỷ, đến độ được đi mấy lá cờ. Như vậy gọi là “bậc”.

Lệ làng còn đặt ra các bậc, lệ mua bán “phẩm hàm”, để trong lúc này đây, hòng mà hưởng nhờ “bậc mấy”...Mục đích ấy, để tạo nguồn tài chánh cho xây dựng, kiến thiết, sinh hoạt trong Họ. Suốt thời gian dài, thời cha Giuse Maria Nguyễn Kế Phú (1956 – 1964) sang cha kế nhiệm Gioan Baotixita Nguyễn An Hoà (1964 – 1992), sinh hoạt trong hàng khu vẫn còn ảnh hưởng lề nếp cũ.

Đó là truyền thống phong tục xưa. Ôn cố tri tân. Nay với hoàn cảnh mới, tất cả truyền thống nề nếp xưa; cái gì phù hợp thì giữ lại; cái gì không hợp thời đã được xóa bỏ. Nội quy mới đã được sử dụng trong giáo xứ, Ban Điều hành giáo họ hiện nay tương đối trẻ và làm việc với ý tưởng là phục vụ. Ban Điều hành giáo họ hiện thời:

• Ô Trưởng giáo họ- Antôn Bùi Văn Thông,

• Ô Phó giáo họ - Antôn Nguyễn Văn Tịnh,

• Ô Phụ trách Giới trẻ: Antôn Bùi Văn Giỏi;

• Bà Quản - Maria Hà Ngọc Bích;

• Bà phụ trách Caritas - Maria Đỗ Thị Khuôn.

Nguyện xin cùng thánh Antôn ban cho chúng con biết sống âm thầm cầu nguyện, không khoe khoang, không phô trương; nhiều khi chúng con muốn được người đời để ý đến những công việc tốt lành của mình, nhưng ít ai muốn chú ý. Ðó là lúc chúng con chạy đến cầu xin thánh Antôn giúp chúng con vui lòng chấp nhận, và chú tâm đến những gì chúng con có thể đem lại cho đời, hơn là nhận được từ người đời.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top