Giáo xứ Trung Mỹ Tây: GĐPTTTCG hành hương Năm Thánh

Giáo xứ Trung Mỹ Tây: GĐPTTTCG hành hương Năm Thánh

WGPSG -- Thực hiện kế hoạch mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng xứ đoàn (Xđ) Trung Mỹ Tây trong Năm Thánh Lòng Thương Xót (LTX) 2016, sau Thánh lễ sáng thứ Bảy 11.6.2016, lúc 6g00, hai chiếc xe đã lăn bánh đưa những người con của hội đoàn Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo xứ hành hương tượng đài Chúa Kitô Vua núi Tao Phùng, Vũng Tàu. Trên xe, ông Xđ trưởng đã thông báo cha chánh xứ kiêm linh hướng Xđ và cha phó cùng bận công tác mục vụ nên không thể tham dự, đồng thời ngỏ lời chào mừng các Đv cùng thân nhân tham dự chuyến hành hương với chủ đề “Thánh Tâm Chúa Giêsu - Vua giàu Lòng Xót Thương”.

Ban Tổ chức đã trao tận tay mỗi thành viên khẩu phần điểm tâm gồm gói xôi còn nóng hổi và chai nước tinh khiết. Sau khi ăn sáng, đoàn bắt đầu dâng những lời kinh cầu nguyện cho chuyến đi được bình an tốt đẹp, nghe lược sử về tượng Chúa Kitô Vua núi Tao Phùng, và sau đó là phần sinh hoạt ca hát, kể chuyện… liên tục trên suốt quãng đường hơn 100 Km tới thành phố biển Vũng Tàu.

Lúc 9g30, xe đã đưa đoàn tới bến đỗ ngay đường vào mũi Nghinh Phong, Ô Quắn. Bước xuống xe, chúng tôi bồi hồi nhớ lại sự kiện đầu những năm 70 của thế kỷ 20, giáo xứ Vũng Tàu do linh mục Nguyễn Minh Tri cai quản đã dự định xây một tượng đài Chúa Giêsu cao 10 mét với bệ tượng cao 5 mét tại đây. Công việc được khởi sự từ năm 1972 nhưng đến 1973 phải tạm ngưng thi công vì có đơn khiếu nại của Giáo hội Phật giáo nói rằng đây là vùng đất của họ. Nhiều cuộc họp thương lượng giữa hai bên tôn giáo diễn ra với sự chủ trì của chính quyền, kết quả đã dẫn đến thoả hiệp kết ngày 16/02/1974. Theo đó, Giáo hội Phật giáo toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn Giáo hội Công giáo thì xây dựng các công trình trên núi Nhỏ (Tao Phùng) với diện tích 10 hecta.

Xoay người nhìn hướng ngược lại, tượng Chúa Kitô Vua sừng sững uy nghi trên đỉnh núi với cánh tay dang rộng, mặt hướng ra biển Đông. Công trình hoàn thành giai đoạn 1 thì xảy ra sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 nên phải ngưng lại. Do không có ai quản lý nên xảy ra tình trạng người dân khai thác đá tràn lan dưới chân núi. Thời điểm này, bức tượng đã bị hoang phế và xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, cuộn cáp đồng chống sét cũng bị mất trộm. Năm 1992, sau nhiều lần Toà Giám mục Xuân Lộc đề nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn cho phép linh mục Trần Văn Huyên - quản xứ Vũng Tàu - được tiếp tục công việc sửa chữa, tu bổ lại tượng Chúa Kitô vua trên núi Nhỏ. Ban Xây dựng do linh mục Tổng đại diện Đa Minh Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban, giáo dân Công giáo trong và ngoài nước góp công, góp của.

Bước qua đường Hạ Long, đoàn đã dành vài phút để chỉnh trang trang phục trước khi khởi hành tiến lên với Chúa. Đập vào mắt chúng tôi là những bậc đá với nhiều du khách lên xuống nườm nượp. Đường đi lên tượng đài dài trên 500m với 811 bậc thang bằng đá rộng từ 5-10m. Dọc đường có những trạm dừng để du khách có thể nghỉ chân, uống nước và ngắm cảnh. Hai bên đường là những bức tượng, phù điêu… với bia đá kể lại một số sự tích trong Cựu và Tân Ước.

Núi Tao Phùng cao 176 mét so với mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt và gió to, nắng lớn. Vì vậy, tượng đài không thể giữ lại thiết kế như ban đầu năm 1972 mà đã phải thiết kế lại cả về qui mô, kết cấu. Vật liệu hầu hết lấy từ trong nước, trừ xi măng trắng nhập ngoại. Cát, sỏi khai thác dưới sông Đồng Nai, đá cẩm thạch lấy từ hòn Non Nước (Đà Nẵng). Khó khăn lớn nhất là việc chuyển hàng ngàn tấn vật liệu lên đỉnh núi.

Cả đoàn vẫn tiếp tục tiến bước, văng vẳng đâu đó tiếng hát hòa theo gió biển của một đoàn viên (Đv) cao niên: “Ôi đường xa quá Hôréb cao con hết hơi ôi Chúa con thật hết hơi rồi...”. Nhưng xa thì xa, cao thì cao nhưng đôi chân từng người vẫn thẳng tiến tuy cũng có lúc phải dừng lại đôi chút để xoay người ngắm cảnh biển Đông và hít thở cơn gió biển mát rượi lấy thêm sinh khí.

Đoàn đã đến gần tượng đài và sau khi quan sát địa điểm thuận lợi đã quyết định tụ họp tại tượng đài Pietà để cùng dâng lên Thiên Chúa những lời kinh, tiếng hát và gắn bia lưu niệm tại đây. Trời nắng gắt, từng giọt mồ hôi nhỏ xuống từng chân tơ kẽ tóc nhưng lời kinh tiếng hát vẫn vang lên trước con mắt có phần tò mò của những du khách không cùng đạo giáo.

Sau đó, đoàn tiến về phía tượng đài Chúa Kitô Vua, Theo thiết kế xây dựng, dự trù móng của tượng sâu 6 mét nhưng móng tượng đài khi xây dựng phải sâu hơn. Khi đào móng xây dựng, người ta phát hiện hệ thống công sự do Pháp xây dựng kiên cố từ cuối thế kỷ 19 và hiện nay di tích còn lại là 2 khẩu súng thần công trưng bày lộ thiên, được mang lên từ hệ thống công sự này.

Tượng Chúa Kitô Vua có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan cùng một lúc. Tượng được xây dựng năm 1974 và hoàn thành năm 1994. Khi bức tượng được xây xong, bắt đầu được mài tỉ mỉ từ cao xuống thấp, mài đến đâu thì giàn giáo được gỡ đến đó. Có chuyện kể rằng trước khi giàn giáo được gỡ hết, có một vị linh mục cao tuổi đã cố gắng trèo lên và kịp ôm hôn mặt Chúa, trở thành người đầu tiên và duy nhất có được phúc lành này. Năm 2012, bức tượng đã được xác lập kỷ lục “Tượng Chúa Kitô lớn nhất châu Á”.

Tại đây, những Đv sức khỏe yếu ngồi nghỉ tại những ghế đá ẩn mình dưới bóng mát tàng cây sau tượng, những Đv khỏe quyết tâm chinh phục một độ cao mới. Sau khi leo lên hết 133 bậc cầu thang xoắn ốc chúng tôi đã lên tới khoảng không gian lộ thiên chỉ đủ chỗ cho 1-2 người trên vai tượng Chúa. Vươn vai hít thở một hơi dài, mỗi người trong chúng tôi đều dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã làm nên những việc lạ lùng qua bàn tay con người và thành tâm nguyện cầu những điều mong ước riêng vì tương truyền nơi đây mọi điều ước chân chính sẽ trở thành hiện thực. Vài bạn trẻ còn lách người chui ra lỗ hổng trên 2 ống tay để phóng tầm mắt quan sát, chụp hình toàn cảnh thành phố Vũng Tàu và một phần biển Đông.

Rời khỏi khu vực tượng đài, những mệt mỏi lúc ban đầu đã được xua tan với những nụ cười mãn nguyện dù mồ hôi vẫn thấm ướt vai áo, vẫn tuôn ra trên trán gây xon xót con mắt trên đường xuống núi. Đoàn lại lên xe ra khu du lịch Long Cung dùng bữa trưa, nghỉ ngơi và tắm biển. Những mái đầu xanh bên những mái đầu bạc cùng chia sẻ cho nhau những đồ ăn, thức uống, những tiếng cười, những trò chơi đùa vui sảng khoái.

Chia tay thành phố Vũng Tàu vào lúc 16g00, chương trình sinh hoạt lại tiếp tục trên xe với những bài hát Karaoke, với những bài hát cộng đồng và những mẩu chuyện vui với tiếng cười rôm rả. Gần về tới thành phố đoàn đã một lần nữa dâng lời kinh tiếng hát cảm tạ Thánh Tâm Chúa đã ban cho chuyến đi được bình an tốt đẹp. Đại diện các toán cũng cám ơn Ban Tổ chức và nêu ra những ưu khuyết điểm qua chuyến đi. Cuối cùng, ông Xđ trưởng đã thay mặt BCH tiếp thu các ý kiến, cám ơn quý ân nhân đã đóng góp và tham dự chuyến đi, cám ơn tài xế đã đảm bảo tay lái an toàn để đi đến nơi về đến chốn.

Được biết thêm, trước đó vào lúc 19g30 ngày 20/05/2016, Xđ cũng đã tổ chức cho các Đv hành hương tại thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm giáo xứ Chợ Cầu - 30/7 Nguyễn Văn Quá, Đông Hưng Thuận, Q.12 - là nơi hành hương của giáo hạt Hóc Môn. Tại đây, đoàn đã được BCH Xđ Chợ Cầu tiếp đón và được cha chánh xứ kiêm linh hướng Giuse Trần Thanh Công chủ sự giờ chầu Thánh Thể.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top