Giáo xứ Thị Nghè: Đem tình yêu lên cao nguyên

Giáo xứ Thị Nghè: Đem tình yêu lên cao nguyên

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,17) 

Chiều tối sau ngày mừng Sinh Nhật Chúa Hài Nhi Giêsu, khi những ánh đèn muôn màu của các hang đá vừa sáng lên, đoàn chúng tôi đã sẵn sàng lên đường đến Kontum, nơi có đồng bào sắc tộc Sêđăng đang chờ đợi.

Sau khi đọc kinh và lãnh phép lành của linh mục (Lm) chánh xứ Phêrô, Lm phụ tá Giuse đã cùng chúng tôi trực chỉ lên cao nguyên. Suốt 14 giờ đồng hồ trên xe, từ nơi phố thị náo nhiệt đầy ánh sáng, đến những đoạn đường vắng tanh không có ánh đèn, chỉ có sương mù dầy đặc và cái lạnh thấu xương, chúng tôi đã đến điểm hẹn với các nữ tu Dòng Phaolô Đà Nẵng.

Để có thể đem những món quà đến với các làng dân ở sát tận chân núi mà xe lớn không vào được, chúng tôi phải bám chặt vào yên xe của các tình nguyện viên chở vào nơi tập trung cách đường lộ khoảng 2 cây số để phát quà. Vậy mà chúng tôi vẫn cảm thấy sợ khi đôi lúc chiếc xe nhảy chồm lên như một con ngựa chứng trên con đường đất đỏ lồi lõm, lên lên xuống xuống cao chót vót. Gần cuối đường là một cái cầu bằng các thanh sắt ráp sơ sài đến nỗi nó kêu răng rắc khi xe gắn máy chạy qua.

Với sự tiếp tay của các tộc trưởng, gọi tên từng người theo danh sách mà họ đã ghi sẵn, những món quà mang đầy tình yêu của quý Lm nhà xứ, ban Caritas và bà con họ đạo chẳng mấy chốc đã trao hết veo. Có vài nhà chỉ có con nít ra nhận quà vì người lớn đã đi làm hết. Nơi đây, họ làm đủ thứ việc với tiền công rẻ mạt, chẳng hạn như đi nhặt đậu cả ngày chỉ có 10.000 đồng... Có một phụ nữ chưa đầy 40 tuổi mà đã có 7 đứa con, đứa nhỏ nhất còn địu trước bụng. Hỏi con đông quá làm sao nuôi, chị nói ba "Đứa" (ám chỉ Ba Ngôi Thiên Chúa) cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, không từ chối. Các trẻ thích nhất là tụ tập quanh các điểm phát bong bóng, phát bánh, phát vòng cổ và vòng tay.

Trên con đường trở về nhà Dòng để dùng bữa trưa và chuẩn bị quà cho các làng tiếp theo vào lúc 2 giờ chiều, nhìn những miếng đất rẫy xanh rộng bạt ngàn hai bên con đường, chúng tôi hỏi có phải là của dân làng trồng không, họ nói của những 'ông đi xe hơi', dân chỉ làm công thôi. Cuộc sống của 16 làng dân ở thôn Dakring, Konhring thật cơ cực, có 7 làng có người thân mắc bệnh phong ở cùng gia đình còn lành lặn. Trong 4 nữ tu phụ trách ở đây, có một vị là bác sĩ thường chăm sóc và hướng dẫn dân tránh bệnh, nhưng do thói quen sống nên có nhiều người chẳng những không hết bệnh mà còn để bị hoại tử mất tay và chân. Có gia đình trẻ tuổi, bởi cách ăn uống kém vệ sinh mà cha mẹ chết sớm vì ung thư bao tử, để lại những đứa con nheo nhóc.

Với số dân làng đông đúc, mà chỉ có 4 người, các nữ tu phải năng động và biết chia thời gian thật khoa học mới có thể đảm đương nổi việc phục vụ. Thường trong các ngày phục vụ, hai nữ tu phải đi vào các làng từ lúc trời vừa hừng sáng và trở về Dòng lúc trời tối đen vì không có đèn đường. Ngoài ra, các nữ tu còn chăm lo cho hơn 60 em thiếu nhi ở trong nhà dòng về nhân bản, giáo lý, dạy kèm chương trình học ở trường v.v... Mỗi tháng các em chỉ về nhà một ngày, đóng tượng trưng 100.000 đồng một tháng mà có em còn không có tiền đóng. Căn nhà nguyện bằng gỗ, một phòng y tế và các dãy phòng ở đơn sơ đều được xây dựng trên miếng đất mà dân cho nhà Dòng mượn để chăm lo cho các em.

Giảng trong Thánh lễ lúc 1 giờ trưa dành cho đoàn bác ái, cha Giuse dẫn giải Phúc Âm của thánh Gioan là Phúc Âm nói về tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm để cứu chuộc cho nhân loại. Tình yêu của Ngài đã trổ sinh tình yêu hiến dâng của các nữ tu trong việc phục vụ. Và sự hy sinh không quản ngại xa xôi vất vả trong 2 đêm 1 ngày của đoàn khi mang tình yêu của người phố thị lên cho anh chị em trên cao nguyên. Nguyện cho tình yêu từ Chúa Hài Đồng sẽ kéo dài và trải rộng khắp nhân gian.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top