Giáo xứ Thạch Đà: Khai trương "Bữa Cơm Bác Ái"

Giáo xứ Thạch Đà: Khai trương "Bữa Cơm Bác Ái"

WGPSG -- Vào hồi 11g00 ngày thứ Ba 21-2-2012, giáo xứ Thạch Đà đã khai trương “Bữa Cơm Bác Ái” dành cho người nghèo, cơ nhỡ trong giáo xứ cũng như khách vãng lai.

Được biết, việc làm từ thiện này đã được cha Chánh xứ GB Nguyễn Xuân Đức gợi ý, được Hội Bác Ái của giáo xứ tán thành, được các nhà hảo tâm cũng như Mạnh Thường Quân nhiệt tình ủng hộ. Hội Bác Ái với gần 200 hội viên tự nguyện đóng góp hội phí hằng tháng để lấy kinh phí phát gạo và nhu yếu phẩm cho những gia đình nghèo, đang gặp khó khăn trong giáo xứ. Qua quá trình mấy năm trước, giờ đây số lượng quà phát cho người nghèo đã lên tới con số trên 100 phần quà mỗi tháng. Số lượng người được nhận quà mỗi năm gia tăng thì số lượng hội viên Hội Bác Ái, những nhà hảo tâm cũng tăng theo, hầu đáp ứng cân bằng cho công việc đầy tình nhân ái này.

Hôm nay, “Bữa Cơm Bác Ái” đã được khai trương, và chỉ trong một tiếng đồng hồ, 170 phần cơm đã được các bà mẹ trong các đoàn thể của giáo xứ nấu và chế biến ngay tại hoa viên giáo xứ từ sáng tinh mơ. Các bà mẹ đã phân chia đều đặn từng hộp cơm đầy ứ, bốc khói với 4 món ăn: thịt gà kho, đậu đũa xào thịt heo, canh bí đao, cà rốt hầm xương được chứa từng món riêng biệt để trong một túi ni lông lớn. Người nhận cứ việc xách về hay dùng tại chỗ.

Vui mừng và hài lòng nhất có lẽ là cha Chánh xứ. Lưng áo cha ướt đẫm mồ hôi, với nét mặt rạng rỡ tươi cười, ngài đi từ chỗ này đến chỗ khác để động viên những người phục vụ, để ý từng món ăn, cách sắp xếp của nhà bếp.

Sau cùng, đồng hồ cũng đã điểm 11g00 trưa. Cha tuyên bố lý do, đọc tên các nhà Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm đã đóng góp hiện vật cũng như hiện kim. Kết quả khởi đầu: 1 tấn gạo và 10 triệu đồng tiền mặt đang chờ để dành cho những bữa ăn kế tiếp vào đầu tháng 3 sắp tới.

Những thành quả mà giáo xứ đã đạt được trong thời gian qua cũng như hiện nay: Mầu nhiệm thay và cũng cảm động thay! Cha xứ cùng Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã trao tận tay những người nhận phần cơm bác ái. Người trao và người nhận đều vui và cảm động như nhau. Lời Chúa đã được thể hiện và đang lan tỏa khắp giáo xứ Thạch Đà: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt 13,16).

Cảm tạ Thiên Chúa từ những hồng ân hôm nay, trong hoàn cảnh này. Bởi vì nhìn vào thời đại ngày nay hình như sự hưởng thụ và vị kỷ đã như một “chất dinh dưỡng” nuôi sống con người. Qua thông tin đại chúng, từ nơi này đến nơi kia, tựu trung lại con người đối với nhau đã mất đi cái gọi là “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Ra ngoài đường, chỉ cần một va chạm nhỏ, qua vài tiếng nói qua lại, họ đã sẵn sàng đổ máu và coi như một chuyện đương nhiên phải xảy ra. Còn trong những căn phòng sang trọng, những nơi tràn ngập sự kích động của âm nhạc, của ánh sáng lung linh mờ ảo, người ta có thể “vứt” ra hàng tỉ bạc cho một cuộc chơi; có thể “vứt” đi năm bảy triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng cho một chai rượu ngoại… Vật chất đã nghiễm nhiên chiếm lĩnh tâm trí và tình cảm con người. Từ đó, sự vị kỷ và tha hóa như một chất xúc tác, như một “chất dinh dưỡng ngấm dần vào cơ thể con người để được tiếng là sành điệu… Chính vì thế, lòng nhân ái này thật đáng quý, thật đáng trân trọng. Bữa Cơm Bác Ái cần được nhân rộng thêm nữa để bù đắp cho những xa hoa, lãng phí của con người.

Cha Chánh xứ đã tuyên bố trong phần tuyên bô lý do: Đã có những vị ủng hộ từng ký thịt gà, từng mớ rau, bớt đi tiền lời buổi chợ ngày hôm đó để cùng nhau góp sức cho bữa cơm nhân ái này. Thật là:

“Miếng khi đói gói khi no,
Của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng”

Theo dự kiến của cha Chánh xứ cũng như Hội Bác Ái của giáo xứ cho biết: Bước đầu một tháng một lần để lấy kinh nghiệm. Thời gian tới, mỗi tháng có thể sẽ có hai lần, thậm chí bốn lần trong một tháng. Tạ ơn Chúa vì có bàn tay đỡ nâng và quan phòng phù trợ của Ngài. Ngày khai trương cũng thật là ấn tượng đáng cho chúng ta suy ngẫm trước lễ Tro một ngày. Đến đây, người viết chợt nghĩ đến hai câu thơ đã học thời niên thiếu:

“Ở đời muôn sự của chung
Sống không thác lại tay không có gì”

Bụi tro sẽ trở về tro bụi. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết bao điều về cuộc sống, về thân phận mong manh, chóng qua của kiếp người. Để kết thúc bài viết này, xin mượn lời của cổ nhân: “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý” (A. Einstein).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top