Giáo xứ Phú Lộc: mừng Tước Hiệu nhà thờ

Giáo xứ Phú Lộc: mừng Tước Hiệu nhà thờ

Giáo xứ Phú Lộc: mừng Tước Hiệu nhà thờ

TGPSG -- “Ôn cố tri tân. Biết ơn bậc tiền nhân và các linh mục chính xứ tiền nhiệm đã dày công vun đắp cho niềm tin của cộng đoàn nhỏ bé. Sau 50 năm, hồng ân Thiên Chúa tuôn tràn, giúp giáo dân sống chứng nhân Tin Mừng giữa vùng đất đa tôn giáo này.

Đó là cảm nghĩ của các thành phần dân Chúa giáo xứ Phú Lộc (giáo hạt Phú Nhuận, Tổng giáo phận Sài Gòn-TP.HCM) khi tổ chức lễ kính thánh Phaolô Lê Văn Lộc, tước hiệu của nhà thờ, vào sáng thứ Hai ngày 13.2.2023.

Thánh lễ của lòng biết ơn

Thánh lễ do linh mục (Lm) chính xứ Vinhsơn Phạm Văn Tính chủ tế. Đồng tế có các vị tiền nhiệm: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên, Lm Phêrô Phạm Văn Long. Hiện diện hiệp thông với cộng đoàn còn có Lm Giuse Cao Văn Ninh -Tu đoàn Nhà Chúa- (chính xứ Nguyễn Duy Khang, hạt Gia Định) và Lm Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Thu (đang nghỉ hưu nhà hưu dưỡng Chí Hòa, quận Tân Bình). Tham dự thánh lễ có Hội đồng Mục vụ giáo xứ, đại diện 5 giáo họ và giáo dân trong xứ.

Sau lời chào mừng và giới thiệu của Lm chính xứ, cộng đoàn bước vào phần phụng vụ Lời Chúa.  Bài đọc 1 trích sách Kn 3, 1-9 nói về việc “Chúa chấp nhận những hy sinh của người công chính như của lễ toàn thiêu”. Đáp ca Thánh vịnh 125 “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.”, Bài đọc 2: 1Cr 1,17-25) cho biết “Vì tiếng nói của Thập giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta.” Bài Tin Mừng theo Mt 10, 17-22 diễn tả “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết.”.

 

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Lm chính xứ Vinhsơn kể về hạt thóc giống phải vùi vào ruộng nước bùn lầy thì mới vươn thành cây lúa nặng trĩu bông... “Các thánh Tử Đạo Việt Nam đã chết không phải vì chống lại triều đình. Các ngài đã chết vì không chịu thỏa hiệp với thế gian. Người Công giáo muốn trung thành với Tin Mừng, muốn sống trọn vẹn Đức Tin thì bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà nghèo hơn là nhận đồng tiền phi nhân, bất nghĩa. Thà thiếu thốn còn hơn là đánh mất Đức Tin. Thà lao động cực khổ cách chân chính còn hơn chạy theo đồng tiền dễ dãi để chối từ Tin Mừng và Luật Chúa.”. Vị chủ tế nhấn mạnh: “Người Tử Đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình; chết cho quyền sống của con người nghèo khổ, bị áp bức... Ta hiểu “tử đạo” theo một nghĩa rộng. Đó là làm chứng cho Chúa bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cuộc sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta. Đó chính là cái nền tảng vững chắc để xây dựng tòa nhà Đức Tin... Mỗi người phải sống thế nào để xứng đáng là con cháu của những bậc anh hùng tử đạo.”.

Thánh lễ tiếp nối với kinh Tin Kính và phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau phép lành cuối lễ, ca đoàn cất cao tiếng hát tạ ơn, ngân vang giai điệu mến thương để cầu nguyện cho linh hồn tiên nhân, linh hồn linh mục Giuse Lại Văn Đoàn và linh mục Antôn Nguyễn Văn Toàn đã qua đời.

Cuối thánh lễ, cộng đoàn xúc động khi được nghe Lm Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Thu - nay đã 82 tuổi - kể về thời kỳ đầu dâng thánh lễ ngoài trời trên mảnh đất này, mừng vui có được ngôi nhà nguyện nhỏ để chuyển giao cho thế hệ kế tiếp. Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên nhắc lại những ngày đầu đời linh mục đến sống nơi đây, vẫn nhớ tên những giáo dân kỳ cựu đã đóng góp công sức xây dựng nền móng cho xóm đạo. Lm Phêrô Phạm Văn Long rời giáo xứ gần 20 năm rồi mà vẫn nhớ mặt những tín hữu của mình ngày ấy. Cha con vui vẻ cùng chụp những tấm ảnh kỷ niệm, nhớ về một thời vui tươi cùng nhau.

Dịp này, bà con giáo dân trong xứ cũng được tìm hiểu về tiểu sử của thánh Phaolô Lê Văn Lộc và noi gương vị thánh bảo trợ trong đời sống chứng tá mỗi ngày giữa đời.

Tiểu sử thánh Phaolô Lê Văn Lộc - linh mục tử đạo.

Cậu Phaolô Lê Văn Lộc sinh năm 1830 tại xã An Nhơn, phủ Tân Bình (nay là quận Gò Vấp, TP.HCM) trong một gia đình đạo đức. Mồ côi cha mẹ năm 10 tuổi, cậu được Lm chánh sở họ đạo Chợ Quán nhận nuôi dưỡng và gửi theo học Chủng viện Cái Nhum (tỉnh Vĩnh Long).

Năm 1843, Đức Giám mục Dominique Lefèbvre Ngãi gửi thầy Lộc sang học tại Chủng viện Penang (Malaysia). Về nước năm 1850, thầy dạy giáo lý cho người dự tòng và giúp phụng vụ tại Họ đạo Chợ Quán. Thầy Phaolô Lê Văn Lộc được thụ phong linh mục ngày 7.2.1857 tại Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), do Đức Giám mục Lefèvbre Ngãi truyền chức. Sau đó, tân linh mục được bổ nhiệm làm giám đốc coi sóc Tiểu Chủng viện tại Thủ Đức. Vì tình hình chiến sự bất an, Chủng viện phải dời về Thị Nghè (Gia Định). Hai năm sau, Chủng viện Thị Nghè phải tạm thời giải tán. Linh mục Lộc trốn tránh quanh vùng Sài Gòn và Gia Định, tiếp tục công việc huấn luyện các mầm non ơn gọi cho Giáo hội.

Mùa hè năm 1858, tàu chiến của Pháp đến Đà Nẵng. Vua quan tức giận càng thi hành lệnh bắt đạo gắt gao hơn vì hiểu lầm là người Công giáo tiếp tay cho thực dân. Lúc đó Lm Phaolô Lộc đang ẩn trú trong nhà một cựu chủng sinh. Một phụ nữ ngoại giáo bắt gặp và đi trình báo. Quan quân bao vây làng, lùng xét và bắt được linh mục Lộc vào ngày 13.12.1857. Khi ấy, ngài mới 27 tuổi.

Quan ngạc nhiên vì thấy đạo trưởng quá trẻ, học giỏi, đối đáp khéo léo. Quan tiếc người giỏi, hứa gả con gái, giúp cho làm quan nếu bỏ đạo. Nhưng Lm Phaolô Lê Văn Lộc vẫn kiên định Đức Tin, một lòng làm con Chúa, chấp nhận chịu mọi cực hình, chứ không bước qua cây thập giá.

Mùa xuân năm 1859, các tướng lãnh người Pháp quyết định chuyển hướng, đưa tàu chiến và quân lính vào chiếm tỉnh Gia Định theo cửa Cần Giờ. Các quan liền cấp tốc tấu trình về triều đình xin vua ban hành lệnh trảm quyết tử tội Lê Văn Lộc.

Vị anh hùng tử đạo bị hành quyết ngày 13.02.1859 tại pháp trường Trường Thi, khi vừa mới 29 tuổi và 2 năm thụ phong linh mục. Cuộc đời vị chứng nhân Đức Tin tuy ngắn ngủi, nhưng đậm đà tình yêu dâng hiến, phục vụ Giáo hội và tha nhân.

Chờ khi đêm xuống, giáo dân rước thi hài ngài về mai táng tại họ đạo Chợ Quán. Ngày nay, xương thánh nhân được tôn kính tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.

Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc được Đức Giáo hoàng Piô X nâng lên hàng Chân phước ngày 2.5.1909 và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên Hiển thánh ngày 19.6.1988. Lễ kính vào ngày 13 tháng 2 hằng năm.

Tiểu sử Họ đạo Phú Lộc

Năm 1972, Lm Bênêđictô Nguyễn Tri Phương là Lm chính xứ  Phú Nhuận, Hạt trưởng giáo hạt Phú Nhuận, kiêm phụ trách Truyền giáo trong Tổng Giáo phận. Ngài mua căn nhà số 111 Duy Tân làm Thí điểm Truyền giáo, đặt dưới sự bảo trợ của thánh Vinhsơn, trở thành xóm giáo Vinhsơn thuộc giáo xứ Phú Nhuận. Linh mục phó xứ Phú Nhuận Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Thu hàng tuần qua dâng lễ Chúa nhật cho một số giáo dân chung quanh.

Năm 1973, linh mục Bênêđictô Nguyễn Tri Phương mua tiếp căn nhà 109 Duy Tân để làm nhà xứ. Ba tân chức là Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên, Lm Antôn Nguyễn Đình Thục và Lm Giuse Lại Văn Đoàn mới được thụ phong linh mục, đến ở tại đây để lo việc truyền giáo.

Sau năm 1975, Lm Đaminh Tuyên về Phú Xuân, Nhà Bè và Lm Giuse Đoàn đi nước ngoài. Chỉ còn Lm Antôn Thục ở lại chăm sóc ngôi nhà thờ của hạt PHÚ Nhuận nhận thánh Phaolô Lê Văn LỘC làm tước hiệu, với tên gọi Phú Lộc, được sinh hoạt độc lập như các họ đạo khác.

Lm Barnabê Trần Cương Quyết được bổ nhiệm là chính xứ tiên khởi giáo xứ Phú Lộc từ ngày 19.2.1989 cho đến ngày 1.9.1999. Thấy nhà thờ nhỏ hẹp, ngài đã mua tiếp căn nhà số 113 Duy Tân và xây lên ngôi nhà thờ với kết cầu như hiện nay.

Đức TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm linh mục Phêrô Phạm Văn Long về làm chính xứ Phú Lộc từ ngày 2.9.1999 đến ngày 25.9.2003. Ngài thành lập Hội Các Bà mẹ Công giáo, lập Thừa Tác viên Thánh Thể, có nội quy Ca đoàn và phân chia năm giáo khu.

Lm Vinhsơn Trần Quốc Sử được Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn sai về làm chính xứ Giáo xứ Phú Lộc giai đoạn 27.9.2003 - 25.4.2008. Ngài đã nâng nền Cung Thánh, lợp mái chống dột, đặt làm Bàn thờ bằng đá.

Nối tiếp là linh mục Antôn Nguyễn Văn Toàn làm chính xứ Phú Lộc từ ngày 26.4.2008 đến ngày 2.8.2009. Ngài đã lắp hệ thống âm thanh mới, mời gọi giáo dân đến với Lòng Thương xót Chúa, tham gia công tác xã hội.

Ngày 19.8.2009, linh mục Vinhsơn Nguyễn Đức Dũng có bài sai về phụ trách giáo xứ Phú Lộc cho đến 18.7.2014. Khi nhà nước quy hoạch mở đường Duy Tân, linh mục Vinhsơn Dũng đã mở rộng không gian thờ phượng, xây lại nhà xứ cao như hiện nay.

Lm Anrê Trần An Hiệp được Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc bổ nhiệm đến chăm lo giáo xứ Phú Lộc (giai đoạn 18.7.2014 - 9.7.2018). Ngài đã thiết lập Legio Mariae, Caritas và Ban Truyền giáo, thường xuyên mở các lớp Tân tòng. mời các gia đình từng giáo khu đến với nhà thờ qua bữa ăn thân tình, gặp gỡ Ban Thường vụ giáo xứ hàng tuần, trao ủy nhiệm thư Hội đồng Mục vụ giáo xứ...

Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám quản Tông tòa giáo phận TP.HCM - có quyết định cử Lm Phaolô Nguyễn Vũ Thông về quản xứ Phú Lộc từ ngày 15.7.2018. Ngài đã chu toàn nhiệm vụ chính xứ đến ngày 20.8.2022, tổ chức rước kiệu, dâng lễ sáng ngày thứ bảy, xin xương thánh Tử Đạo, thánh hiến bàn thờ và đặt đúc chuông đồng.

Ngày 24.8.2022, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng bổ nhiệm Lm Vinhsơn Phạm Văn Tính về coi sóc giáo dân Phú Lộc. Vị chính xứ đương nhiệm đã hướng dẫn mọi người hiểu đúng về phụng vụ, quy tụ thêm lớp giáo lý thiếu nhi, khôi phục lại thánh lễ sáng các ngày trong tuần, đến dâng thánh lễ cho bệnh nhân.../.

Bài: Vinhsơn Vũ Đỗ Hoàng Tuấn (TGPSG)
Ảnh: Phêrô Lê Văn Thể

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top