Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình 2017
TGPSG -- Lại một lần nữa, chúng tôi đến vùng Xóm Mới để ghé thăm nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, là một trong bảy giáo xứ thuộc giáo hạt Xóm Mới cùng nằm trên con đường Lê Đức Thọ của quận Gò Vấp.
Đi qua cầu Cụt là đến nhà thờ. Ngôi thánh đường như nằm lặng lẽ trong một không gian rộng, tách biệt hẳn với khu phố đông đúc, ồn ào bên ngoài.
Chúng tôi được cha chánh xứ Giuse Bùi Văn Quyền đón tiếp. Mở đầu, cha dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh khuôn viên thánh đường. Cha vui vẻ trả lời những câu hỏi rất đỗi quen thuộc của chúng tôi:
Đất Sài Gòn bây giờ rất quí cha ạ. Thế mà khuôn viên nhà thờ này lý tưởng quá! Rộng rãi, tuyệt vời quá phải không ạ?
Khuôn viên nhà thờ thì có đến 5.000 mét vuông chị ạ! Nhưng phạm vi địa bàn giáo xứ chỉ trong khoảng một cây số, chiều dài thì tính từ cầu Cụt đến cầu Trường Đa.
Người ta nói “thừa giấy thì vẽ voi”. Sân nhà thờ cỏ mọc đầy, có vẻ xuống cấp, cha có kế hoạch xây dựng gì chưa?
Có chứ, nhưng không thể làm từng hạng mục (như sân nhà thờ, nhà giáo lý, nhà hài cốt...) mà phải làm “tổng thể”. Hiện nay, về cơ sở vật chất thì thiếu phòng giáo lý so với nhu cầu và sân cần được nâng để chống ngập... Giáo xứ cũng đang có kế hoạch nâng cao sân nhà thờ.
Để vào lòng nhà thờ, chúng tôi đi lên bậc cầu thang ở giữa, Hai bên cánh cũng có hai cầu thang cong. Chúng tôi trầm trồ khi thấy lòng nhà thờ rất rộng. Cha hớn hở giải thích:
Lòng nhà thờ trước kia chỉ có bốn dãy ghế dài, nay hai bên hành lang được nới ra, thế là được sáu dãy ghế. Rộng rãi nên ai dự lễ cũng được ngồi bên trong nhà thờ, không phải mưa nắng vì ngồi ở hành lang như lúc trước.
Thưa cha, nhà thờ thế này thì đáp ứng cho số giáo dân là bao nhiêu ạ?
Giáo xứ có 2.000 giáo dân nhưng số di dân và khách vãng lai cũng khoảng 2.000 người nữa. Giáo dân ở đây đa số làm công nhân, lao động phổ thông, cho thuê nhà trọ... với tầm nhận thức cũng vừa phải thôi!
Sự nhiệt thành sốt sắng của Giáo dân ở đây thế nào ạ? Nề nếp sinh hoạt có nói lên được tinh thần này không, thưa cha?
Cũng tốt lắm! Có hơn mười đoàn thể trong giáo xứ. Trong những đoàn thể này, có những thành viên hoạt động ở cấp giáo phận. Dù có đầy đủ các hội đoàn Công giáo tiến hành nhưng số thành viên từng hội đoàn cũng vừa phải, không đông lắm và giới trẻ của giáo xứ ẩn vào trong các đoàn thể đó.
Nhân lực trong giáo xứ rất đều. Hội Đồng Mục Vụ có 17 người, rất nề nếp, đa số là “cựu chủng sinh, tu sĩ”. Có bốn giáo khu, chỉ có trưởng khu và hai phó điều hành các vấn đề của một giáo khu (không có thư ký, thủ quĩ). Tất cả phục vụ với một tinh thần khiêm tốn.
Các đoàn thể họp hàng tháng. Nội dung huấn dụ là chủ yếu, Mỗi tháng cha chánh xứ thực hiện một chủ đề; ví dụ như tháng cầu nguyện cho các linh hồn thì nhắc nhở giáo dân nhớ đến lúc phải ra đi; tháng giêng Dương lịch giúp giáo dân hướng theo một tinh thần của Giáo hội...
Ngoài ra, cộng đoàn giáo xứ còn có một nề nếp rất đặc biệt, khi vào nhà thờ tham dự thánh lễ, giáo dân ngồi thứ tự từ ghế trên xuống ghế dưới, nghĩa là không phải cứ vào nhà thờ thì “muốn ngồi đâu thì ngồi”. Có 99 % thanh niên đi dự lễ tối Chúa nhật. Người ta nhìn thấy sự tươi trẻ của giáo xứ khi tham dự thánh lễ này.
Giáo xứ còn có một Hội Tình Thương, chuyên gánh vác những công việc nặng cho cộng đoàn như giữ xe, giữ trật tự, làm hang đá...
Trước đây, nơi này được coi là vùng ven Sài Gòn, vì cách trung tâm thành phố đến gần 15 cây số... nay, vấn đề truyền giáo ở đây còn “nóng bỏng” không ạ?
Vấn đề truyền giáo của cộng đoàn giáo xứ được nhấn mạnh qua việc giảng dạy giáo lý. Có hẳn một Ban Giáo lý gồm các cựu chủng sinh, tu sĩ, cùng sắp xếp thời gian, giờ dạy và điều hành công việc một cách nhịp nhàng. Giáo lý hôn nhân và dự tòng, một năm tổ chức được hai khóa, cố gắng tiếp nhận bất cứ ai xin học tùy theo hoàn cảnh của họ, nhất là hôn phối cho người nhập cư. Mỗi năm có đến trên 50 đôi cử hành hôn phối.
Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ở các giáo xứ cũng là một phần làm cho nhịp sống của cộng đoàn sinh động. Thiếu nhi ở đây thì sao ạ?
Có 700 em Thiếu Nhi Thánh Thể được quí sơ Đa Minh truyền giáo và Đa Minh Lạng Sơn giúp. Trong giáo xứ có một nhóm thiếu nhi cùng nhau lần hạt suốt tuần, bố mẹ cũng đi theo, thế là hình thành phong trào lần chuỗi Mân Côi rất sốt sắng. Từ đây, có thể giáo xứ sẽ có những giáo dân tốt lành trong tương lai.
Bước vào trong phòng khách của giáo xứ, chúng tôi được cha chánh xứ Giuse cho biết thêm về một số sinh hoạt nữa: Trong việc bác ái thì nổi bật nhất là hiến máu cứu người. Một năm có hai lần, mỗi lần là 100 ca. Còn việc chia sẻ thì có quà tết cho người nghèo; mùa Vọng cũng giúp vùng sâu vùng xa; mỗi năm hai lần cho giáo xứ khác đến quyên góp xây nhà thờ.
Hằng năm, cứ vào cuối tháng 11, cha xứ và Hội đồng Mục vụ đi viếng và đọc kinh cầu nguyện trước phần mộ của quí linh mục đã đảm trách việc mục vụ tại giáo xứ. Bổn mạng Giáo xứ là Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa nên cứ đến ngày Tết Dương lịch hằng năm, thì cung nghinh trọng thể Đức Mẹ. Rất đông giáo dân trong và ngoài giáo xứ đến tham dự. Ngày mừng Bổn mạng của các đoàn thể cũng rất hân hoan: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là Bổn mạng của Hội đồng Mục vụ; cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót tuyên hứa trang trọng trong một thánh lễ. Trong tháng hoa, khi rước kiệu, mọi người sốt sắng lần chuỗi Mân Côi và hát những bài thánh ca kính Đức Mẹ, cũng có kèn Tây để thêm phần trang trọng.
Dù giáo xứ có một nề nếp ổn định nhưng cha xứ vẫn còn thao thức về việc huấn luyện, giáo dục đức tin cho thiếu nhi. Cha mong phụ huynh hỗ trợ, vì hiện nay phụ huynh thường ưu tiên việc học văn hóa hoặc bận rộn vì chú ý đến việc khác hơn.
Vài hàng lược sử
Địa bàn giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình trước đây là đất của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn là chủ sở hữu. Từ cuối năm 1963 đã cho một số gia đình Công giáo chạy khỏi vùng mất an ninh về lánh nạn. Vì số giáo tăng dần nên năm 1965 Tòa Tổng Giám mục đặt là họ đạo Fatima và cử cha André Đại, chánh sở Hạnh Thông Tây phụ trách, đến dâng lễ mỗi sáng Chúa nhật. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Tòa Tổng Giám mục giao cho họ đạo Chợ Cầu quản lý về đất đai nơi đây và cử cha Phanxicô Xaviê Nhân lo về mặt thiêng liêng.
Ngày 17/6/1971, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã nâng họ đạo lên hàng giáo xứ với tên giáo xứ Fatima và bổ nhiệm cha Thomas Nguyễn Văn Thuyết làm chánh xứ tiên khởi. Giáo xứ hằng cầu mong được an lành cũng như luôn đặt dưới sự che chở của Mẹ Maria, nhất là hưởng ứng lời mời gọi cầu nguyện cho hòa bình thế giới của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI nên vào năm 1972, cha xứ Thomas đã xin Đức Tổng Giám mục Sài Gòn chấp thuận cho đổi tên thành giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình.
Theo dòng thời gian có các linh mục phụ trách mục vụ tại giáo xứ:
- Cha André Nguyễn Văn Đại (1965-1968). Cha André từ trần 12/02/1988, hiện mộ phần tại Đất Thánh giáo xứ Lái Thiêu.
- Cha Phanxicô Xaviê Vũ Văn Nhân (1969-1970). Ngài từ trần 24/6/1998, an nghỉ tại nghĩa trang nhà hưu dưỡng Phát Diệm (Xóm Mới).
- Cha Thomas Nguyễn Văn Thuyết (17/6/1971 đến 10/8/1975). Cha từ trần 12/3/1990, an nghỉ tại khuôn viên nhà thờ Gx. Nghĩa Mỹ, Phước Lý (Nhơn Trạch).
- Cha Phêrô Phan Anh Thụ (10/8/1975 - 17/02/1976). Cha từ trần 16/9/1979, an nghỉ trong nghĩa trang các Linh mục tại Chí Hòa.
- Cha Phêrô Vũ Văn Mạch (7/1976 - 10/1976). Cha từ trần 30/6/2001, an nghỉ tại nghĩa trang nhà hưu dưỡng Phát Diệm (Xóm Mới).
- Cha Giuse Nguyễn Hòa Nhã (18/10/1976 - 05/12/1999). Cha từ trần 13/02/2005, an nghỉ tại nghĩa trang nhà hưu các LM GP. Bắc Ninh (Thủ Đức).
- Cha Giuse Phạm Trung Thu (18/4/2000 - 06/11/2008). Hiện nghỉ bệnh.
- Cha Giuse Bùi Văn Quyền (từ 12/8/2009 đến nay 2017).
Dù có những lúc gián đoạn không có chủ chăn ở cùng, nhưng giáo xứ vẫn được các Mục tử yêu thương và đến giúp, do đó về mặt phụng vụ luôn được liên tục.
Lời kết
Cha chánh xứ Giuse ra đến tận cổng tiễn chúng tôi đi về với một nụ cười rất “hòa bình”. Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình có một cái tên rất hay, vừa mang danh xưng Đức Mẹ vừa chứa đựng nỗi khát khao của từng con người và mọi dân tộc trên toàn thế giới, đó là một nền hòa bình công chính. Ước mong nền hòa bình này có mặt trong gia đình, trong giáo xứ, trên đất nước Việt Nam và toàn thế giới nữa.
Vũ Loan - NSTM 1.2017 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ kính trọng thể Chúa Kitô Vua Vũ Trụ bổn mạng giáo khu II giáo xứ Nam Thái
-
Thánh lễ an táng linh mục Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh -
Mừng 50 năm hồng ân Ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh -
Ca đoàn Cecilia giáo xứ Tân Trang mừng lễ bổn mạng 51 năm -
Thánh lễ kính Thánh Cêcilia, bổn mạng ca đoàn Cêcilia giáo xứ Vĩnh Hòa -
Thánh lễ kính Thánh Cêcilia, bổn mạng ca đoàn Cêcilia thiếu nhi giáo xứ Nam Thái -
Giáo xứ Xóm Chiếu dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha cố Giuse Maria -
Giáo xứ Tam Hải khai mạc năm thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ (1955 - 2025) -
Giáo xứ Giuse hạt Phú Thọ kỷ niệm một năm cung hiến thánh đường -
Bản Tin 660 Giáo Xứ Chợ Đũi
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa