Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Mừng bổn mạng cha sở

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Mừng bổn mạng cha sở

WGPSG -- “Với danh hiệu “Tông đồ Viễn Đông”, Thánh Phanxicô Xaviê đã được Giáo hội trân trọng ghi nhận là nhà truyền giáo vĩ đại thứ hai sau Thánh Phaolô tông đồ”.

Hòa cùng niềm vui của Giáo hội, vào lúc 18g00 thứ Ba ngày 3/12/2013, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, giáo hạt Xóm Mới, đã diễn ra Thánh lễ mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của cha chánh xứ Đậu Nguyễn Hoàng Linh.

Hội đồng Mục vụ giáo xứ cùng đại diện các đoàn thể rước cha chánh xứ tiến vào thánh đường dâng Thánh lễ. Đầu lễ, cha chánh xứ nói: “Tôi xin ghi nhận những tình cảm mà anh chị em dành cho tôi nhân ngày lễ bổn mạng, xin cảm ơn tất cả mọi người, tôi mong rằng mọi người sẽ cùng tôi chung tay góp sức để giáo xứ ngày càng thăng tiến, thánh thiện và yêu thương nhau hơn nữa. Tôi rất cảm động, cũng vì tình thương mến dành cho tôi, mà các anh chị em khuyết tật của giáo xứ Lạng Sơn đã đến và chung niềm vui nhân ngày bổn mạng của tôi. Xin chân thành cảm ơn anh chị em”.

Trong bài chia sẻ Phúc Âm, cha chủ tế nói về Thánh Phanxicô Xaviê như sau: Ngài du học bên Pháp với ý định có một địa vị, một thế giá trong xã hội. Ngài học rất giỏi và thành công, chỉ tám năm sau khi được du học, ngài đã đỗ đạt cao và trở thành giáo sư nổi tiếng tại đại học Pháp. Phanxicô Xaviê có trí thông minh vượt trội và ngài luôn theo đuổi danh vọng thế tục.

Nhưng việc gì Thiên Chúa đã định, Người sẽ hướng dẫn con người theo ý định của Người đúng như lời Thánh Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Roma rằng: “Không ai hiểu được tâm tư của Chúa, cũng chẳng ai biết được ý định của Người. Đường lối của Người khác với đường lối của con người”. Thế là Thiên Chúa, qua Thánh Ignatiô Loyola, đã làm cho Phanxicô Xaviê thay đổi hoàn toàn, chỉ một lời Tin Mừng qua lời giảng của Thánh Ignatiô Loyola: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?”. Thiên Chúa đã biến đổi Phanxicô Xaviê trở thành khí cụ bình an của Ngài. Thánh nhân đã lãnh nhận sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và đem ánh sáng Phúc Âm cho người Ấn Độ. Cuộc đời ngài dành cho việc đi rao giảng Tin Mừng đầy nhiệt huyết và lòng say mê mang Tin Mừng đến cho mọi người để được ơn cứu rỗi.

Nét đẹp trong tinh thần truyền giáo của Thánh Phanxicô Xaviê phải kể đến trước hết, đó là thái độ từ khước danh vọng trần thế để được nhận lãnh gia tài vĩnh cửu, nhờ việc hoán cải những tâm hồn. Vì thế, ngài đã nghiệm thấu lời vàng từ người bạn thân là Thánh Inhatio Loyola. Khi đã chiến thắng được tham dục, ngài không ngừng sám hối theo Tin Mừng để diệt trừ tính kiêu căng trỗi dậy, nên ngài đã khuất phục trước cuồng vọng của xác thịt. Đây chính là bước khởi đầu quan trọng giúp ngài có thể tập trung, chú tâm tới việc cộng tác đắc lực trong việc cứu rỗi các linh hồn, làm cho Nước Chúa được rộng lan. Ngài về với Chúa ngày 3/12/1552 khi mới được 46 tuổi. Năm 1622, ngài được Ðức Giáo hoàng Piô X phong Thánh và đặt làm bổn mạng các nước truyền giáo.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, ông chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ, đại diện cho cộng đoàn dân Chúa, kính chúc cha chánh xứ luôn hồn an xác mạnh, đạo đức, thánh thiện, luôn chu toàn bổn phận đã được giao phó. Cộng đoàn kính tặng cha bó hoa tươi thắm mang theo tình cảm yêu thương và hiệp nhất của mọi người.

Đáp lời, cha chánh xứ chân thành cảm ơn mọi người. Cha mong muốn mọi người đều được mời gọi “Ra đi và rao giảng cho muôn dân” (Mt 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng và những người cùng làm việc với chúng ta. Vì sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hằng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô Xaviê mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác. Món quà lớn nhất của chúng ta là thời giờ, và Thánh Phanxicô Xaviê đã hy sinh thời giờ của ngài cho người khác. Cha nhấn mạnh lời thánh Phaolô: “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4, 1).

Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về trong niềm vui thánh thiện, bình an. Và anh chị em khuyết tật theo lời mời tha thiết của cha chánh xứ, đã ở lại cùng ăn tô bún chan hòa tình yêu thương.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top