Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (5)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (5)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (5)

Góp ý cho Năm thánh 2010:

DÂN CHÚA HIỆP THÔNG TRONG TÌNH BÁC ÁI VÀ GIÁO LUẬT (5)

Phần III: Hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu

Giáo Hội Việt Nam có trên 350 năm lịch sử. Năm 2010, Giáo Hội Việt Nam minh chứng mình đã trưởng thành, chẳng những trên giấy tờ, trên lý thuyết, nhưng trong thực tế.

Từ 1960, sau Công Đồng Vatican II, nhất là từ sau 1980, Giáo Hội Việt Nam đã và đang có những hoạt động liên đới với thế giới bên ngoài.

Hiệp thông với Tòa Thánh và với Hội Đồng Giám mục nhiều nước trên thế giới.

Từ 1990, có 16 phái đoàn Vatican sang “thăm hữu nghị” Việt Nam: đó là một biến cố hãn hữu trong Giáo Hội toàn cầu. Theo chúng tôi được biết, không có Giáo Hội địa phương nào được chiếu cố đặc biệt như vậy. Có lẽ nguyên nhân là những lý do chính trị: có phải vì Việt Nam chưa bang giao chính thức với Vatican? Nhưng bao nhiêu quốc gia khác cũng không có sứ thần Tòa Thánh, cũng chưa có bang giao với Tòa Thánh, nhưng không có những phái đoàn ngoại giao thường niên như ở VN (?).

Trừ một vài trường hợp đặc biệt, phái đoàn của Vatican thăm Việt Nam thường gồm các giáo sĩ không cao cấp thuộc Bộ ngoại giao Tòa Thánh và Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Theo chương trình được công bố, phái đoàn là khách chính thức của Nhà Nước, và những cuộc gặp gỡ, trao đổi chính thức với Hội Đồng Giám Mục (hay thường với Ban Thường Vụ HĐGMVN) theo chúng tôi hiểu có lẽ không phải là mục tiêu chính yếu. Vì từ trên hai chục năm nay, nghĩa là từ thời “mở cửa”, các Giám mục Việt Nam vẫn liên lạc tương đối thường xuyên với Vatican, hoặc trong các cuộc hành hương “ad limina” vẫn diễn ra đều đặn 5 năm một lần, hay trong các Đại Công nghị, hoặc trong các cuộc thăm viếng Roma của các giám mục, nhất là qua Giáo Luật quyển II, doạn IV, điều 449 (về quyền Tòa Thánh liên quan đến việc thiết lập HĐGM); điều 450, 450, 452-458 (về thành phần, nội qui và chương trình hoạt động); nhất là điều 451, 456 459 liên quan đến những mối liên hệ với Tòa Thánh94.

HIỆP THÔNG và CÔNG GIÁO & DÂN TỘC thường xuyên cho biết Giáo Hội Việt Nam có rất nhiều liên hệ với các Giáo Hội chẳng những ở Á châu, mà cả với nhiều Giáo Hội Âu châu, Mỹ Châu, Úc châu.

Hoàng Vinh Sơn

TPHCM, Lễ Tro 25.2.2009

 

Chú thích:

 

1 Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010, trong Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 160, tháng 4 năm 2008. tr. 41-52. Trích Nội quy, tr.43.

2 Tài liệu đã dẫn, tr. 42.

3 Tài liệu đã dẫn, tr. 45.

4 Tông Hiến Sacrae disciplinae leges, trong Bộ Giáo Luật 1983, bản dịch của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, 2007, tr.13.

Bộ Giáo Luật ban hành ngày 25 tháng 1 năm 1983. có hiệu lực từ ngày thứ nhất mùa Vọng 1983, Văn phòng Thư ký HDGMVN xuất bản và phát hành năm 2007 với Imprimatur ngày 25-8-2006, và được Hội Đồng Giám mục Việt Nam giữ bản quyền. Trong bài này, tác giả sẽ dùng bản dịch chính thức này, trừ khi bản dịch không diễn tả hết tư tưỡng hay mục đích của Nhà lập luật, hay hiệu lực của điều luật. Lúc đó chúng tôi xin phép dịch khác và trích thêm bản chính tiếng la tinh.

5 Tông Hiến Sacrae disciplinae leges, trong Bộ Giáo Luật 1983, tr.14.

6 Tông Hiến Sacrae disciplinae leges, trong Bộ Giáo Luật 1983, tr.14

7 Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 160, tháng 4 năm 2008. tr. 41-52. Trích Nội quy, tr. 44-45:

1)“Đại Hội Dân Chúa Việt Nam là cơ hội cho HĐGM kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với hàng Giáo phẩm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia, và Giáo Hội vì loài người, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Ki-tô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay”.

2)“Đại Hội Dân Chúa Việt Nam không những nhằm thể hiện sự hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, song còn nhằm cổ võ mọi thành phần trong Cộng đồng dân Chúa Việt Nam tại các Châu lục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tích cực tham gia thi hành sứ vụ của Giáo Hội vì sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại”.

8 Trích “Thư HĐGMVN gửi Cộng đồng dân Chúa về việc chuẩn bị Năm Thánh 2010”

9 Theo Hiến chế Lumen Gentium, 23, mỗi Giáo Phận là một Giáo Hội địa phương liên kết với Giáo Hội hoàn vũ “bằng sợi giây hợp nhất, yêu thương và an bình”. Sự hiệp thông trong tình bác ái đó, hiện hữu từ Giáo Hội sơ khai, một Giáo Hội duy nhất thánh thiện và tông truyền, nay được nhắc lại trong Công Đồng Vatican II, và trong Giáo Luật 369.

10 Isaia, 55, 1-2.

11Lumen Gengium, 21, 24; GL. 375.

12Lumen Gentium, 27;. Sắc lệnh Christus Dominus, 11-15

13 Ít nhất bằng cử nhân về Kinh Thánh, Thần học, Giáo luật hay thông thạo các môn đó (GL.378),

14 Chính nhẽ, chúng tôi phải ghi “linh mục và phó tế ” như trong các văn kiện thông thường của Giáo Hội. Nhưng so sánh với các Giáo Hội trên thế giới, các Giáo Phận Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng, số phó tế vĩnh viễn rất hiếm hoi.

Năm 2007, ở Âu châu có 10.926 phó tế và 198.279 linh mục, tỷ lệ 5,51%.

Mỹ châu 231.722 phó tế và 120.995 linh mục, tỷ lệ 17,95 % ;trong khi đó ở Á châu có 141 phó tế và 50.053 linh mục, tỷ lệ 0,28%. Chúng tôi không biết con số phó tế vĩnh viễn ở VN. Nếu có, không thấy được nhắc tới trong các văn kiện, và trong Thống kê của các Giáo Phận.

Chúng ta được biết, sứ vụ phó tế vĩnh viễn có từ thời các Tông Đồ, và rất phồn thịnh thời Giáo Hội sơ khai. Trong Giáo Hội công giáo Roma, sứ vụ mới dần dần biến mất. Công Đồng Vatican II phục hồi chức phó tế vĩnh viễn, không phải để tăng linh mục, nhưng để vĩnh viễn làm sứ vụ “phục vụ dân Chúa”. Phó tế vĩnh viễn trong Giáo Hội la tinh đuợc phép có gia đình. Sứ vụ của Phó tế vĩnh viễn, ngoài công tác mục vụ và giảng dạy, chú trọng nhiều đến công việc bác ái, nâng đỡ người bất hạnh (Lumen Gentium, 29; motu proprio Sacrum diaconatus ordinem ngày 18.6.1967; GL..1031 § 3)

15 Lumen gentium, 28; Christus Dominus, 7.

16 Ignatius, Thư gửi Cộng đoàn Magnesio 7, 1-2 ; thư gửi Cộng đoàn Êphêsô 3, 1 (xem thêm E.Finck, Le ministère de l’Unité, trong Eglises chrétiennes et Épiscopat, 1966, tr. 114-124.

17 Thư 14,4.

18 Sắc lệnh Christus Dominus, 11.

19 Không đến nỗi phải tự thú công khai, như một Giám Mục nọ trong một Hội nghị Toàn quốc:” Tôi là tướng không quân, một mình tôi phải làm hết …” Có lẽ vì thiếu tin tưởng đối với các linh mục, nên trong thực tế, ở một vài Giáo phận, cha Tổng đại diện địa phận ngài chỉ có vị chứ không có thực, cha quản lý địa phận chỉ không có, hay có nhưng không được quản lý tiền bạc, Hội đồng tài chính chưa bao giờ được nhắc tới mặc dầu Giáo Luật đòi hỏi, linh mục đoàn hình như chỉ được coi như vườn cảnh Tòa Giám Mục (theo một linh mục tâm sự)…

20 GL. 522. Giáo Luật 1983 nhấn mạnh đến danh từ stabilitas (cố định) và bỏ danh từ inamovilitas (bất di bất dịch) trong Giáo Luật 1917, 454. Cha xứ phải có thời gian “cố định ” để biết con chiên, để cùng với giáo xứ thực hiện những dự án dài hạn trong lãnh vực thiêng liêng cũng như trong lãnh vực vật chất. Tuy nhiên, Giáo Luật để Hội Đồng Giám Mục mỗi nước quyết định thời gian “cố định” dài ngắn bao nhiêu (GL. 522), thí dụ ở Bắc Phi, Bỉ, Canada, Pháp, Thụy sĩ, một số Nước Thái Bình Dương là 6 năm, ở một số nước khác Ấn Độ Dương là 5 năm. Thời gian do Hội Đồng Giám Mục ấn định có nghĩa là linh mục được quản xứ trong thời gian hạn định đó, nhưng nếu không có lệnh thuyên chuyển thì vẫn được tại chức một khóa nữa.

21 Chúng tôi được biết, có Giám Mục”treo chén” linh mục bằng miệng trong một cuộc họp, hay đôi khi đổi xứ linh mục như một hình phạt mà không tuyên bố lý do …

22Lumen Gentium 37; GL. 212, 213; GL. 212 § 2;.

23Lumen Gentium, 35-36

24 Sắc lệnh “de Activitate missionali Ecclesiae”, 15,19. 41

25 Hiến chế “Gaudium et Spes, 29-3; GL. 222 § 2.

26 Hiến chế Gaudium et Spes, 76; GL. 222 § 2; 227.

27 Chúng tôi nhận thấy ở một số địa phương, giáo dân vẫn chưa được hưởng các quyền lợi và tự do của con cái Chúa, con phải đeo “ách” không do Giáo Luật đặt ra, nhưng do những truyền thống xa xôi, lỗi thời, hay do cha xứ tự ý đặt ra. Thí dụ giáo hữu không được tham dự cỗ cưới của người thân trong gia đình nếu người đó không thi hành bí tích hôn phối trong nhà thờ…; giáo hữu đôi khi bị cha xứ “công khai rút phép thông công, nghĩa là không được phép xưng tội rước lễ (sic) vì không vâng lời cha xứ.

28 Chúng tôi sẽ bàn đến vai trò của giáo dân trong môi trường xã hội và chính trị, trong đoạn sau.

29 Xin phép trích một vài dòng của bài phát biểu của một chuyên viên đồng thời là Chủ tịch Ủy Ban Kế hoạch của Hội đồng Tông đồ giáo dân Hàn Quốc:

“Chủ nghĩa độc đoán nơi các linh mục.

Nhiều tín hữu giáo dân nói rằng, thái độ độc đoán của các linh mục là một trong những lý do gây nên mất sự hòa điệu giữa giáo sĩ và giáo dân (…) Tất cả các cuộc thăm dò nói trên rõ ràng đã cho thấy mối ưu tư của người giáo dân về những thái độ độc đoán của giáo sĩ - và chỉ ra rằng đó là điều đầu tiên cần được điều chỉnh trong đời sống linh mục tại Hàn quốc (…) Kể từ thập niên 1970, một số linh mục đã tham gia vào phong trào dân chủ và công bằng xã hội tại đất nước này. Sự đóng góp của các linh mục ấy trong việc thiết lập công bình xã hội và cải thiện tình hình tôn trọng nhân quyền đã được công chúng và giới trí thức Hàn quốc đánh giá rất cao – nhưng đồng thời sự kiện ấy cũng dấy lên những ý kiến thuận nghịch ngay trong nội bộ Giáo Hội ” (xem Hiệp Thông số 8/2000, tr. 311-315).

Gần đây một giáo dân, đi dự lễ trong một nhà thờ nọ, thấy cha xứ “khóa các cổng nhà thờ”, để giữ giáo dân trong vòng hai tiếng đồng hồ ! Thú thực, tác giả những dòng này không tin rằng sự kiện đó có thểxảy ra ở VN đầu thế kỷ 21 (!)”

30 Lumen gentium, 44

31 Thành viên các Dòng tu, tuy là giáo dân, nhưng có một vị trí pháp lý, được coi là một “bậc sống” (status vitae), tuy không thuộc về cơ chế phẩm trật (Lumen gentium, 44), nhưng thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội (GL. 207 §2), vì là một bậc sống được thánh hiến bằng lời khấn thực hiện các lời khuyên của Phúc Âm, sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục (GL.573).

32 Giáo Hoàng là Bề trên tối cao chính thức của tất cả các Dòng tu. Ngài là Bề Trên đối nội và đối ngoại của các Dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng. Những Dòng này do Ngài thiết lập hay phê chuẩn qua một nghị định hợp thức, và quản trị qua các Bộ của Tòa Thánh. Phần nhiều Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng được nhiều đặc ân miễn chuẩn, nhưng trong nhiều hoạt động bên ngoài, họ cũng phải tùng phục GMGP (GL.589).

33 Dòng thuộc Giáo phận trái lại do GMGP thiết lập (erectus) bằng một nghị định hợp thức - chứ không sáng lập - sau khi đã tham khảo ý kiến của Tòa Thánh (GL.579; 589).

34 Lumen gentium, 45 ; Sắc lệnh Christus Dominus, 35 ;Tông huấn Vita consecrata 1996 của ĐGH Gioan-Phaolô II, số 48-49; GL. 591; 593; 680.

35 GL. 678 -679.

36 Xin phép dịch “cura” là quan tâm, thay vì “chăm sóc” theo bản dịch Bộ Giáo Luật 1983.

37 J.Beyer, De novo jure circa vitae consecratae instituta et eorum sodales quaesita et dubia, Periodica de re canonica 75,1986, p. 547.

38 Sắc lệnh Christus Dominus, 33-34.

39 Tông huấn Vita consecrata. 48; Sắc lệnh Ad gentes, 18.

40 Sắc lệnh Ad gentes, 18; Gioan-Paulô II, thông hiệp Redemptoris Mater, 69.

41 Trong hầu hết các Giáo phận có Dòng Mến Thánh Gíá. Không phải vô tình mà các nữ tu các dòng bản xứ thường được gọi là “bà mụ (mẹ như Thiên Mụ), bà phước, dì phước”, còn các nữ tu các dòng nhập từ ngoại quốc được gọi là Sơ (Xơ). Còn các nam tu, nếu là linh mục thì gọi là “cha”, nếu không được gọi là “phe=frère”.

42 Thí dụ Giáo phận Saigon-Hochiminh, có 16 Dòng nam, 36 Dòng nữ, 10 Tu hội nam, 11 Tu hội nữ. Hầu hết các Dòng Tu và Tu hội nam và nữ gốc ngoại quốc đều có mặt ở Saigon (xứng đáng là “Vatican” ViệtNam).

43 Gần đây một Linh mục giáo sư nói đến những căn bệnh trầm kha trong Giáo Hội Việt Nam như “đạo sinh hoạt, đạo kính sợ, đạo luân lý, đạo thiêng liêng, đạo thực dụng…. Bệnh sáo ngữ, bệnh hình thức, bệnh đoàn lũ, bệnh chủ quan nơi tầng lớp giáo sĩ” (Trần trọng Viễn OP, Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công giáo tại Việt Nam, Chân lý 2004).

Tác giả nói đến đời sống đạo, nhiều khi lệch lạc, vì tinh thần Vatican II chưa thấm nhuần vào đời, vì ảnh hưởng cung cách giữ đạo kiểu Trung Cổ vẫn còn quá nặng trong mối liên quan Giáo sĩ và giáo dân, chức sắc và tín hữu.

44 Thông điệp “Deus Caritas est” của ĐGH Benedictô XVI.

45 Lumen Gentium 23; Christus Dominus 37-38;

46 Chỉ cần so sánh Sách Kinh Địa phận Hải Phòng, Thái Bình, Bùi Chu với Sách Kinh địa phận Hà Nội, hay Sách Nhật Tụng miền Nam.

47 Cả trong những kinh được sáng tạo gần đây. Thí dụ trong Năm Thánh Truyền Giáo 2001, người ta ngạc nhiên thấy mỗi giáo phận có một kinh Năm Thánh khác nhau (!). Về vấn đề danh từ, không hiểu tại sao ở Việt Nam vẫn “Giáo Hoàng hơn Giáo Hoàng” khi dùng danh từ “truyền giáo” trong khi sau Công Đồng Vatican II, danh từ đó đã được đi vào dĩ vãng. Bộ Truyền Giáo nay thành “Bộ Truyền Giảng (hay loan báo) Phúc âm cho các dân tộc”

48 Sắc lệnh Christus Dominus về Giám mục số 37,38.

49 Giáo Luật 449§2. Nền tảng pháp lý của HĐGM được Sắc lệnh Christus Dominus, số 38 chỉ định, tông thư Apostolos Suos 21.5.1998 quy định những nét chính, và Giáo Luật 1983, số 447-459

50 Trong mỗi nước, có những hiệp hội công giáo do tín hữu thành lập để làm các công tác tôn giáo, tông đồ hay từ thiện bác ái. Những hiệp hội ấy muốn thành pháp nhân công, hoạt động với danh nghĩa công giáo phải được giáo quyền “thiết lập” để có giá trị pháp lý. Những hiệp hội này có thể gồm các thành phần khác nhau (giáo sĩ, tu sĩ, linh mục). Muốn được hoạt động với danh nghĩa “công giáo”, phải được giáo quyền tức là HĐGM ra một nghị quyết “thiết lập”. Khi được chính thức công nhận, HĐGM cũng chuẩn y Nội quy (GL. 314), công nhận cấp lãnh đạo (GL.315), công nhận hay chỉ định linh hướng (GL. 317), kiểm tra tài chính (GL.319) vv. Các hiệp hội tư (GL.321-326) trái lại hoàn toàn độc lập với giáo quyền không hoạt động với danh nghĩa công giáo, không là một pháp nhân trong Giáo Hội, không thuộc diện hiệp hội công nói ở trên (GL. 312-320. Tuy nhiên, một hiệp hội tư có thể được công nhận nếu đáp ứng được những điều kiện của một hiệp hội công (GL.322 § 1). Giáo Hội khuyến khích, ủng hộ và nâng đỡ các tổ chức giáo dân hoạt động trong lãnh vực trần thế, với tinh thần Phúc Âm, (thí dụ công đoàn, tổ chức văn hóa, xã hội) để một mặt bảo vệ quyền tự do của người tín hữu, mặt khác tránh lẫn lộn đạo đời. (Gaudium et Spes 43). Tuy nhiên Giáo Luật (GL.327-329) cũng chân thành khuyến khích họ đưa “đạo vào đời” và cho trần tục được đượm đà tình Chúa.

51 Xem Hiệp thông số 11(năm 2002), tr. 52-70 về NỘI QUY các Ủy Ban đặc trách của HĐGMVN. Hàng năm, các Ủy Ban của HĐGMVN có báo cáo hoạt động và thành quả (thí dụ xem HIỆP THÔNG SỐ 37, (tháng 10-11), 2006, Tr.36-87; số 43, (tháng 9-10.2007), tr.14-89; số 49 (tháng 9-10. 2008) tr.11-84. }

52 Các đòi hỏi hiểu biết về giáo lý nhiều khi quá khác biệt, khiến người trẻ coi việc khảo giáo lý trước ngày cưới như việc “các cha hành giáo dân”.

53 Xem GL.1439.

54 Xem GL.447.

55 Không biết mấy ai biết danh tính của Chủ tịch HĐGM ? Nhiều người vẫn nghĩ rằng chủ tịch phải là Đ. Hồng Y ! Trong một cuộc họp trí thức công giáo có người than phiền là “các Đức Cha cứ kêu là thiếu nhân sự, nên đặt những vị thiếu chuyên môn làm công tác trong HĐGM, trong khi đó linh mục, tu sĩ, giáo dân không thiếu người có tài ! ”

56 Có bao nhiêu độc giả? Và có người hỏi: “nội dung có đáp ứng vai trò của một cơ quan ngôn luận chính thức của các Giám mục” ? Theo thiển nghĩ, Hiệp thông chưa đóng vai trò “hiệp thông”, chưa giúp tín hữu kể cả linh mục, tu sĩ, hiểu những vấn đề quan trọng trong Giáo Luật hiện hành..

57 Năm 2006

58 Hiến chế “Sacrosanctum concilium” về phụng vụ, 122-124.

59 Thánh lễ phải là bữa tiệc phục sinh để thánh hoá giáo dân (Sacrosanctum concilium,11, 47), nhưng nếu bàn thờ xa vời vợi, thì khó diễn tả ý nghĩa của bàn tiệc !

60 Hiến chế “Sacrosanctum concilium”, 44-45 ; GL. 1216. Công Đồng đề nghị thành lập Ủy ban đó trong Giáo phận cũng như trong mỗi quốc gia, có sự tham gia của các chuyên gia, kể cả giáo dân lỗi lạc trong các nghệ thuật đó.

Hiện nay trào lưu” hoành tráng”, trào lưu “bê tông” tràn vào Việt Nam như sóng vỡ bờ, không hiểu Ủy ban Phụng Tự và nghệ thuật thánh đã có chính sách ngăn ngừa những vụ phá phách các nhà thờ cổ rất đẹp, rất có giá trị về nghệ thuật ? đã nghiên cứu, lượng giá và hướng dẫn các Giáo phận, các giáo xứ trong việc xây cất chưa ?

61 Sacrosanctum concilium,119.

62 Lumen gentium. 14 – 16.

63 Giáo lý công giáo, số 846-847.

64 Lumen gentium, 15, 16.

65 Đọc Mth.12,46-49, Mc.3,31-35; Lc 19-21. Công Đồng, trong Hiến Chế Lumen Gentium (66-67), khuyến cáo những hình thức hay những quyết đoán có thể làm cho một số anh em Ki-tô-giáo coi là quá xa chân lý đức tin.

66 Lumen gentium, 37,

67 Xin đan cử một vài thông điệp về sự đóng góp, dấn thân trong lãnh vữc xã hội: Rerum novarum (Leon XIII); Quadragesimo anno (PiôXI); Menti nostrae (Piô XII); Pacem in terris (Gioan XXIII); Populorum progressio (Phaolô VI); Centesimus annus (Gioan Phaolô II); Deus caritas est (Benedictô XVI)….

68 Trong các nước này, giáo dân là những người điều hành các tổ chức bác ái và liên đới giúp phát triển nhân danh Giáo Hội, thí dụ ở Pháp, tổ chức Comité Catholique contre la Faim et pour le Développement (CCFD), Conférence St.Vincent de Paul, Secours Catholique, Coopération Missionnaire vv. Những tổ chức này đồng thời cũng là những tổ chức phi chính phủ (ONG) cùng với các tổ chức không công giáo khác tranh đấu bảo vệ nhân quyền, nâng đỡ phát triển, chống chiến tranh, chống đói nghèo, vì công lý và bác ái.

69 Lumen gentium, 32-33.

70 Benedictô XVI, thông điệp Deus caritas est, 25 a, b.

71 Gioan Phaol lô II, tông thư Pastores Gregis (10.10.2003), số 69.

72 “Hiện nay, toàn cầu hóa không có ích gì. Toàn cầu hóa không có ích gì cho người nghèo trên giới. Không có ích gì cho môi sinh. Không có ích gì cho việc ổn định kinh tế thế giới” Đó là tiếng than của Joseph E. Stigl.itz, giải Nobel Kinh tế, cựu phó chủ tịch Ngân Hàng thế giới, tác giả cuốn Globalisation and Its Discontents, N.Y.2002 = La grande Désillusion” (GD), Paris 2002, tr. 279. Tác giả, cố vấn kinh tế của tổng thống B.Clinton, là người chứng kiến chính sách bóc lột của tư bản thế giới, chính sách áp dụng ách nô lệ kinh tế trên các dân nghèo, đã từ chức phó chủ tịch Ngân Hàng thế giới, để tố cáo những bất công của lực lượng tư bản. Xem thêm cùng tác giả, The Roaring Nineties, NY. 2003. Toàn cầu hóa kinh tế là “toàn cầu hóa bần cùng”, như giáo sư Michel Chossudovsky minh chứng trong cuốn “La Mondialisation de la Pauvrete”, Montréal 1998.

73 Ba cơ quan kinh tế là Ngân Hàng thế giới (WB = BM), quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF = FMI) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO = OMC) là ba con bạch tuộc ngự trị trên thị trường thế giới: “trong các nước nghèo, giá phải trả rất cao: môi trường thiên nhiên bị tàn phá, tham nhũng tràn ngập đời sống chính trị, sự thay đổi quá nhanh chóng không cho các nước thích nghi về phuơng diện văn hóa… ” (Stiglitz La grande Désillusion, tr.33) Trong hầu hết các nước chậm phát triển, người nghèo càng ngày càng tăng, càng nợ nần và mức thu nhập càng ngày càng xuống đến mức phá sản. Cuộc khủng hoảng hiện nay (2008-2009) là con đẻ của một chính sách tư bản chỉ chú trọng đến lợi nhuận, mà quên con người, nhất là những con người nghèo cực, tức hơn một nửa nhân loại.

74 Theo Hiến pháp, số 59, “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí ”, nhưng hiện nay, cha mẹ các em vẫn phải trả học phí và các lệ phí khác, vì Hiến Pháp đã được sửa …

75 Xem Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á lần thứ VIII (8/8/2004), số 13.

76 Báo chí đang nóí rất nhiều tin về nguy hiểm này, dư luận phẫn uất, nhưng vẫn tiếp tục tái diễn năm này sang năm khác. Thí dụ Tuổỉ trẻ 14/6/2008: 70 container rác công nghiệp nhập cảng Hải Phòng; Tuổi trẻ 12/8/ 2008: 20 container rác về tới cảng Đà Nẵng; Tuổi trẻ 21/7/2008: 434 tấn phế liệu chứa rác độc hại nhập Đà Nẵng; Tuổi trẻ 12/8/ 2008: Thêm 20 container rác về tới Đà Nẵng; Pháp Luật 12/8/ 008, 434 tấn phế liệu chứa rác độc hại tới cảng Đà Nẵng v.v.. Theo Báo Tuổi Trẻ 04/03/2009: hàng ”núi” thùng phuy được bày bán tại nhiều quận huyện TP.HCM “một số không ít thùng phuy có nguồn gốc từ các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu, diệt cỏ... Nguy hiểm hơn, những thùng phuy này được các cơ sở mua bán súc rửa không đúng qui trình kỹ thuật... ”Thùng phuy mua từ các cơ sở này, nếu dùng đựng thực phẩm, nước uống thì nguy cơ bị nhiễm hóa chất độc hại là khó tránh khỏi”, theo các lực lượng kiểm tra.

77 Một tỉ dụ khi chúng tôi đang viết những dòng này. Theo Vietnam News ngày 25 tháng bảy 2008, trong 7 tháng đầu năm 2008, VN nhập 51,9 tỷ $USD, và xuất 36,9 tỉ US$. Theo ông Lê Minh Thuy, Tổng cục Thống Kê Nhà Nước, đến cuối năm 2008, tổng số nhập sẽ lên tới 87 tỉ US$, và xuất chừng 66,5 tỉ US$, Nhập siêu sẽ tới 20 tỉ US$. nghĩa là Việt Nam sẽ mắc nợ thêm 20 tỷ, trong khi nông dân bán thóc gạo mỗi năm không tới 4 tỷ … Mà nợ thì không sớm thì chầy phải trả!.

78 Hiến Pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, số 3.

79 Hiến chế Lumen gentium của Vatican II, 36.

80 Hiến chế Gaudium et Spes của Vatican II, 63, 66

81 Xin trích ý kiến của ĐGM Nguyễn văn Khảm trong bài Quan điểm Công giáo về trách nhiệm của Gio Hội trước các vấn đề x hội - VietCatholic News (20 Feb 2009 14:15) Hội thảo Quốc tế “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường”: “Nếu theo dõi các tuyên bố của các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo tại nhiều quốc gia, sẽ thấy các ngài lên tiếng về hầu hết các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị như chạy đua vũ trang, hòa bình tại Trung Đông, môi sinh… và những vấn đề khác. Những sự kiện trên khiến nhiều người đặt vấn đề: Tại sao Giáo Hội lại lên tiếng về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị? Sứ mạng của Giáo Hội lại chẳng phải là sứ mạng thiêng liêng sao? Khi can thiệp vào các vấn đề xã hội như thế, liệu Giáo Hội có thi hành đúng chức năng của mình không? Có gây tranh chấp với chính quyền dân sự không? Phải làm gì để giải quyết?”

Sau khi trình bày học thuyết xã hội của GHCG, tác giả kết luận:

“Là những người Việt Nam và là cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam lấy vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt làm vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của chính mình, và không có gì là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng Giáo Hội. Trong những năm qua, ý thức đó đã thúc đẩy Giáo Hội góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong khuôn khổ luật pháp cho phép, và còn muốn góp phần nhiều hơn nữa trong tương lai [Giáo Hội tại Việt Nam đã tích cực góp phần trong những chương trình xóa đói giảm nghèo, giáo dục trẻ đường phố, chăm sóc những người có HIV/AIDS… Giáo Hội còn muốn tham gia tích cực hơn nữa vào lãnh vực y tế và giáo dục học đường; tuy nhiên, cho đến nay, khuôn khổ luật pháp vẫn chưa cho phép Giáo Hội tham gia vào những lãnh vực trên]. Đồng thời Giáo Hội cũng ý thức rằng để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, Giáo Hội cần tiến hành cuộc đối thoại đa diện: đối thoại với Chính quyền là những người có trách nhiệm tổ chức, ổn định và xây dựng xã hội; đối thoại với các tôn giáo vốn là nền móng những giá trị đạo đức của dân tộc; đối thoại với văn hóa dân tộc là nguồn của những giá trị nhân văn đích thực và ngày nay đang có nguy cơ bị xói mòn; đối thoại với con người, nhất là người nghèo vốn vẫn chiếm đa số trong cộng đồng dân tộc. Cuộc đối thoại đó đòi hỏi Giáo Hội lắng nghe để có thể hiểu được tâm tư khát vọng của người dân, tâm tư được thể hiện bằng lời và nhiều khi bằng cả sự im lặng! Giáo Hội cũng ý thức rằng đây không phải là cuộc đối thoại dễ dàng do những thành kiến của lịch sử cũng như do sự khác biệt trong cách nhìn và cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Giáo Hội xác tín rằng đó là con đường tốt nhất phải đi để xây dựng sự hợp tác chân thành và đích thực nhằm xây dựng một xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn và xứng với phẩm giá con người hơn” …

82 Chỉ nam Apostolorum Successores, Città del Vaticano 2004, tr. 215-219..

83 Pastores gregis, Tông thư của ĐGH Gioan Phaolô II, 10.10.2003. Có thể xem Đề Cương Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới năm 2000, đăng trong Bản Tin Hiệp Thông số 1 năm 1998.

84Tông thư Pastores gregis, số 69.

85Tông thư Pastores gregis, số 67. Xem Thông điệp Deus caritas est 32-39; Hoàng Vinh Sơn, Chúa là Bác Ai (Thực hiện Thông điệp “Deus caritas est”, TPHCM 2006, tr. 14-59.

86 Thánh Augustino phát biểu một câu rất thâm thúy: “Nếu không có công lý thì Nhà Nước là gì nếu không là một phường trộm cướp lớn” ?(remota itaque justitia quid sunt regna nisi magna latrocinia ?). Xem Deus Caritas est, số 26-29.

87 Thư Roma, 13, 4- 5: ”Chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa, để giúp bạn làm điều thiện (…), Vì thế cần phải phục tùng, không phải vì sợ bị phạt, nhưng còn vì lương tâm”; Hiến chế Gaudium et Spes, 74.4.

88 Gaudium et Spes, 74.5

89 Gaudium et Spes, 76, 2-3.

90 Xem Gaudium et Spes, 75-76, 88-89

91 Xem Lumen gentium, 37; Gaudium et Spes, 75. ĐGH Gioan Phaolô, trong tông huấn về giáo dân Christifideles laici, 42, ca tụng những giáo dân dấn thân phục vụ đồng bào trong lãnh vực chính trị và lãnh nhận gánh nặng của trách nhiệm này.

92 Gaudium et Spes, 74; Christifideles laici, 42.

93 Xem Zenit 20.2.2008

94 Theo GL..451, các quy chế riêng của HĐGM phải được Tòa Thánh chuẩn y, trong đó có dự kiến các phiên họp khoáng đại của HĐGM, Ban Thường vụ, Văn phòng tổng thư ký, cũng như các chức vụ và các Ủy Ban. Sau mỗi phiên Đại Hội, Chủ tịch HĐGM phải gửi về cho Tòa Thánh bản phúc trình và các Sắc lệnh để Tòa Thánh chuyên nhận (GL. 456). Mỗi khi khởi xướng những hoạt động hoặc đề cập đến những vấn đề có tính cách quốc tế, HĐGM phải tham khảo ý kiến của Vatican (459).

 

Hoàng Vinh Sơn

Nguồn:  hdgmvietnam.org

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top