Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (2)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (2)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (2)

Góp ý cho Năm thánh 2010:

Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam (đề ngày 17.04.2009) gửi Cộng đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị Năm Thánh 2010 đã kêu gọi toàn thể Dân Chúa tham gia vào việc cử hành Năm Thánh bằng nhiều hình thức, trong đó có việc đóng góp ý kiến cho Ban Tổ chức Năm Thánh. WHĐ vừa nhận được bài góp ý của một độc giả gửi đến, xin đăng tải để cùng trao đổi và suy nghĩ trong tinh thần hiệp thông của Giáo Hội. Bài góp ý khá dài sẽ đăng trong 4 kỳ.

 

DÂN CHÚA HIỆP THÔNG TRONG TÌNH BÁC ÁI VÀ GIÁO LUẬT (2)

 

Dân Chúa ở Việt Nam đang phấn khởi sửa soạn Đại hội Dân Chúa trong chương trình Năm Thánh 2010.

Một trong mục tiêu căn bản của Đại hội là:

GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM:

Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ

“Chủ đề này được triển khai theo 3 chủ điểm lớn sau đây:

- Giáo Hội mầu nhiệm, với chức năng ngôn sứ và tư tế (mục vụ Thánh Kinh, Lời Chúa, giáo lý đức tin, Phụng tự, lòng đạo đức bình dân, kinh sách)

- Giáo Hội hiệp thông, với chức năng mục tử (mục vụ tổ chức và điều hành giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, các tổ chức mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo tương quan liên đới, đối thoại, hợp tác, đối nội, đối ngoại).

-  Giáo Hội sứ vụ, với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống dồi dào của mọi người, đặc biệt người kém may mắn, bị bỏ rơi (mục vụ truyền giáo, văn hóa giáo dục, y tế, bác ái xã hội, phát triển, di dân)”1.

Hình mẫu của hiệp thông, “Giáo Hội hiệp thông: đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu”2.

 Để thực hiện tốt đẹp Giáo Hội hiệp thông, Đại hội sẽ nghiên cứu những chức năng mục tử: mục vụ tổ chức và điều hành Giáo Phận, Giáo xứ, Dòng tu, Tu hội, các tổ chức mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo tương quan liên đới, đối thoại, hợp tác, đối nội, đối ngoại.”

Trong giai đoạn chuẩn bị Đại Hội, mọi thành phần Dân Chúa được tham khảo ý kiếncủa mọi thành phần dân Chúa … trước hết “nhằm giúp cho HĐGM phát hiện những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010. Đồng thời còn nhằm làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong các Giáo Hội địa phương cảm nhận rằng họ có liên hệ mật thiết với Đại Hội”3.

Trong bài góp ý chân thành này, chúng tôi mạo muội đề nghị dâng lên Đại Hội một khuôn vàng thước ngọc, trong đó có quy tắc thánh thiện và bác ái quy về việc thực hiện sự Hiệp thông trong nội bộ Giáo Hội Việt Nam, cũng như giữa Giáo Hội Việt Nam với Giáo Hội hoàn vũ: Khuôn vàng thước ngọc đó có danh hiệu mỹ miều là Văn Kiện Vatican II và Bộ Giáo Luật 1983.

Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Hiến Sacrae Disciplinae Leges ban hành bộ Giáo Luật mới ngày 25 tháng giêng 1983, “Bộ Giáo Luật rất cần cho Giáo Hội. Vì được tổ chức như một xã hội hữu hình, Giáo Hội cũng cần có những quy tắc: hoặc để phân định rõ rệt cơ cấu phẩm trật và cơ cấu tổ chức, hoặc để tổ chức cách xứng hợp việc thi hành các nhiệm vụ được Thiên Chúa trao phó… hoặc để điều chỉnh mối tương quan giữa các tín hữu với nhau dựa trên công bình và bác ái nhờ việc xác định và bảo đảm quyền lợi của cá nhân; sau hết để nâng đỡ, củng cố và cổ vũ những sáng kiến chung nhắm tới một đời sống Ki-tô-giáo càng ngày càng hoàn thiện hơn nhờ Giáo Luật”4.

Hiệp thông theo Giáo Luật là sống trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau như con cái sự sáng: “Giờ đây không còn được phép không biết luật nữa: các mục tử có được những quy luật chắc chắn để điều hành đúng đắn công việc mục vụ; từ nay mọi người có đủ tư cách để nhận biết quyền lợi và nhiệm vụ riêng mình, và cái lối làm theo ngẫu hứng được bịt lại; những lạm dụng xâm nhập vào đời sống kỷ luật Giáo Hội vì thiếu luật, có thể dễ dàng được tẩy trừ và ngăn chặn; và sau cùng, tất cả các việc tông đồ được thiết lập hay khởi sự, chắc chắn có được chỗ dựa để tiến triển và bành trướng, vì một trật tự phát huy lành mạnh là tuyệt đối cần thiết để cộng đồng Giáo Hội cường thịnh, thăng tiến và triển nở”5.

 Mấy dòng chính xác trên nói lên giá trị cơ bản của Giáo Luật trong việc thể hiện sự Hiệp thông cần thiết trong mối liên hệ hữu quan giữa các thành phần trong Giáo Hội. Nếu dân một nước cần “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” thì mọi tín hữu, từ người bé nhất trong Giáo Hội đến các mục tử, cũng phải biết và thực hành Giáo luật, không ai được phép làm việc theo ngẫu hứng, để mọi hoạt động của Dân Chúa diễn tả trung trực và chân chính các giáo huấn của Công Đồng Vatican II, nhất là Giáo Hội là Dân Chúa, và mọi quyền bính và phẩm trật chỉ là để phục vụ, cũng như giáo lý về Hiệp thông hỗ tương giữa các thành phần, cũng như về sự dấn thân của Dân Chúa vào phong trào Đại kết. Xã hội văn minh là một xã hội pháp quyền. Giáo Hội qua bao nhiêu thế kỷ cũng là một xã hội pháp quyền, có văn hóa, vì các phần tử nối kết với nhau trong trật tự, công bình và bác ái, nhờ những cơ chế được tồn tại và canh tân qua các thế hệ.

“Vì thế, các luật lệ của Giáo Luật tự bản tính đòi buộc phải được tuân giữ”. Vì “vô tri bất mộ”, Đức Giáo Hoàng kêu gọi tất cả mọi tín hữu “tìm hiểu và lĩnh hội tường tận những quy định” và “tuân thủ những quy tắc đã được đề xuất với một tâm hồn chân thành và thiện chí trong niềm hy vọng rằng kỷ luật canh tân của Giáo Hội sẽ lại khởi sắc, để phần rỗi các linh hồn càng ngày càng được cổ vũ, nhờ sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ MARIA, Mẹ của Giáo Hội”6.

Chương trình Hiệp Thông của Đại Hội 2010 là: “đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu”7.

Chúng tôi xin phép dành việc “đào sâu mối Hiệp thông với Thiên Chúa” cho nhà thần học vị vọng. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng những điều chúng tôi bàn sau đây cũng giúp dân Chúa hiệp thông mật thiết với Chúa là Tình Yêu, vì “đức vâng lời trọng hơn của lễ.” Trong những trang này, để đáp ứng lời mời gọi của Hội Đồng Giám mục Việt Nam8, chúng tôi chỉ xin suy nghĩ về ba khía cạnh:

1. Củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương;

2. Hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau;

3. Hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu.

Phần I

 Hiệp thông trong Giáo Hội địa phương

Giáo Hội Việt Nam hiện nay gồm 26 Giáo Phận. Mặc dầu là một thực thể Giáo Hội, mỗi Giáo Hội địa phương9, là một bộ phận Dân Chúa trao phó cho một mục tử tức là Giám Mục với sự cộng tác của linh mục đoàn (GL. 369). Trong Giáo Phận có ba thành phần: 1) Giám Mục; 2) Linh mục đoàn và phó tế; c) dân Chúa.

Sự hiệp thông của ba thành phần này là sức sống của Giáo Hội địa phương.

Giáo Luật cống hiến cho Chương trình Đại Hội 2010 đầy đủ chi tiết, chỉ cần biết khai thác trong khiêm nhu và chân thành. Đây không phải là một khám phá của chúng ta, mà là một “mâm cơm” đã dọn sẵn, chúng ta phải nghiên cứu thế nào để đáp ứng lời mời rất phụ tử của Thiên Chúa: “Hỡi những người đang khát, hãy đến, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua; mua rượu mua sữa, không phải trả tiền… Hãy chăm chú nghe Ta, thì các người sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị”10.

A. Hiệp thông giữa GM và dân Chúa nói chung:

 Trong Giáo Phận, Giám Mục không phải là đại diện Giáo Hoàng (như nhiều người còn lầm tưởng), nhưng là người nối nghiệp các Tông đồ11, ngài là mục tử được Chúa trao nhiệm vụ săn sóc đoàn chiên, như người cha nhân lành đến để hầu hạ con nhiên chứ không để được hầu hạ, biết con chiên, nhận biết tiếng chiên vì ngài là đại diện tình yêu Chúa Ki-tô12. Sứ vụ của Giám Mục là phục vụ (diaconia), phục vụ dân Chúa trong mọi lãnh vực của cuộc sống: phục vụ Tin Mừng trong công tác giảng dạy chân lý Cứu độ; phục vụ đời sống thiêng liêng qua các Bí tích; phục vụ đời sống thế trần qua việc bác ái. Trước hết với tính cách mục-tử là thầy tối cao trong Giáo Phận, nên Giáo Luật đòi Giám Mục phải thật giàu kiến thức về đạo, về Giáo-hội-học13 để chuyên cần dạy dỗ con chiên (GL.386; 762-780) và bảo vệ Đức tin; là cha thiêng liêng, ngài cầu nguyện và hoạt động cùng với dân thánh, thánh hóa mọi người bằng gương sáng đời sống bác ái, khiêm nhượng và đơn sơ (GL.387); là quản lý trung thành, ngài có trách nhiệm quản trị Giáo Phận về mọi phương diện, và có trách nhiệm đưa Bác ái và Tin Mừng đến mọi người trong địa giới, nhất là những anh chị em chưa biết Chúa, những người bất hạnh, những người vô gia cư v.v. (GL.383). Để chu toàn nghĩa vụ này, Giám Mục phải có mặt trong địa phận ít nhất 11 tháng trong một năm (GL.395) và thường xuyên kinh lý, thăm viếng các giáo xứ, các tổ chức, các đoàn thể tôn giáo, cũng như nhóm họp hội nghị Giáo Phận; Giám Mục thường xuyên làm mục vụ theo những cơ chế rõ rệt và với những cộng tác viên được chỉ định theo Giáo Luật: như linh mục đoàn (GL.369; 495, 499), Ủy ban Cố vấn (GL.502), Hội đồng tài chính (GL.492, 537, 1278, 1281, 1292), người quản lý Giáo Phận (GL. 494), tòa án đệ nhất cấp (GL.1420-1427), Hội đồng mục vụ gồm giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân để cộng tác với Giám Mục (Christus Dominus, 27; GL.511-515). Tuy là người có quyền lập pháp (GL. 91, 466), hành chính (GL.391, 1740-1752) và hành pháp (GL.1315), Giám Mục không được vượt quá những quyền hạn đã ghi trong Giáo Luật.

Vài nét chính của Công Đồng và Giáo Luật, chúng tôi vừa ghi ở trên, cho thấy Hiệp Thông trong Giáo Hội địa phương bắt nguồn từ Giám Mục, người có nhiệm vụ tạo mối hiệp thông đó trong đối thoại chứ không bằng quyền bính. Nhưng người mục tử không thể đối thoại nếu coi thường những cơ chế có tính cách cộng đồng (vì cộng đồng Dân Chúa là mạng lưới hữu hình của một xã hội thần linh và thiêng liêng – gọi là Giáo Hội hữu hình ở trần thế).

B. Hiệp thông giữa Giám mục và Linh mục14

Trong chương trình hiệp thông, qua những cơ chế pháp định, Giám Mục làm việc với những cộng tác viên, giáo sĩ hay giáo dân. Chính để cổ võ tinh thần hiệp thông, mà Giáo Hội nhấn mạnh đến truyền thống hiện hữu từ thế kỷ thứ 2, Giám Mục phải thảo luận, bàn hỏi các linh mục như cha bàn hỏi các con, như anh bàn hỏi các em, như bạn thân bàn hỏi người tri kỷ15. Đầu thế kỷ thứ hai vào năm 107-110, trong các thư gửi các Giáo Hội Magnesia, Ephêso, Smyrna, Thánh Giám mục Polycarpô, Giám mục Antiôchia, nhấn mạnh đến Giáo Hội như một gia đình thánh trong đó Giám Mục là người cha, linh mục đoàn như cộng đoàn các tông đồ, và các phó tế như những người thừa hành các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô cùng với Giám Mục và linh mục đoàn”. Theo Thánh Ignatiô, vị nối nghiệp trực tiếp các Tông đồ, Giám Mục (episcopos ) hợp nhất với linh mục đoàn, và mọi tín hữu phải hợp nhất với các Ngài để thực hiện Giáo Hội thánh thiện và duy nhất16. Thánh Cyprianô, Giám mục Carthage (249-258) cũng tuyên bố:“nguyên tắc của tôi là không tự ý làm gì, nếu không hỏi ý kiến các linh mục và nếu không được cộng đồng tín hữu đồng ý”17. Để thực hiện sự hiệp thông có tính cách hữu cơ đó, Giáo Luật hiện hành đặt ra những cơ chế cần thiết để dân Chúa được hưởng các hồng ân của Chúa chẳng những qua các bí tích, mà qua công tác mục vụ thân tình của những vị có chức thánh. Vì thế sự hiện diện đích thực và linh động của Linh mục đoàn (GL.369; 495 § 1; 499) là dấu hiệu sự có mặt của Thánh Linh trong Giáo Hội18. Giám Mục hiệp thông với linh mục, nhất là linh mục quản xứ, như với những cộng tác viên thân tình, như những cánh tay nối dài trong mục vụ cùng lo việc chung của Giáo Hội, như những môn đệ Chúa cộng tác với nhau trong tình huynh đệ vì cùng thông công một chức thánh.19

Riêng với linh mục quản xứ (cha xứ, cha sở), các ngài là mục tử một xứ đạo dưới quyền Giám Mục Giáo Phận (GMGP) và cùng chia sẻ với ngài sứ vụ của Chúa Kitô để giáo huấn, thánh hóa và quản trị đoàn chiên (GL.519 và sắc lệnh Christus Dominus, 30). Linh mục quản xứ được coi như cánh tay phải của Giám Mục trong mỗi xứ đạo; sứ vụ của ngài được Giáo Luật bảo vệ, nhất là trong những trường hợp “cách chức” hay “đổi xứ ”. Cha xứ một khi được Giám Mục cắt đặt ở giáo xứ nào, chính thức là “mục tử riêng” (pastor proprius) của cộng đồng giáo xứ đó, dưới quyền Giám Mục, trong “thời gian vô hạn định” (stabilitate gaudeat ad tempus indefinitum)20 nhưng Hội Đồng Giám Mục mỗi nước, vì lý do mục vụ, có quyền hạn định tùy nghi. Sự hiệp thông giữa cha xứ và Giám Mục trong chương trình mục vụ giáo xứ là một dấu hiệu hiệp nhất vì lợi ích của Dân Chúa. Giám Mục chỉ có thể cách chức cha xứ vì lý do rất nghiêm trọng, khi vị này bất lực trong công việc hay sự có mặt của ngài gây nguy hiểm cho giáo dân (GL.1740-1741). Trong những trường hợp trên, Giám mục phải khuyên nhủ và chỉ dụ cho đương sự tự ý xin từ chức, và nếu đương sự không chịu, thì phải có nghị quyết cách chức sau khi đã bàn hỏi với đại diện của linh mục đoàn (GL.1742-1747). Trong trường hợp đổi xứ, Giám Mục không có quyền tùy tiện đổi cha xứ, nhưng chỉ thuyên chuyển trong kỳ hạn được Hội Đồng Giám Mục quy định – thường thường 5 hay 6 năm (GL.522); Giám Mục có quyền thuyên chuyển ngoài kỳ hạn đó vì lý do quan trọng liên quan đến lợi ích các linh hồn. Trong trường hợp thuyên chuyển ngoài kỳ hạn do Hội Đồng Giám Mục quy định, Giám Mục phải giải thích trên văn bản lý do và yêu cầu sự đồng ý của cha xứ (GL.1748-1752). Về phương diện hành xử, Giám Mục chỉ có quyền “treo chén” linh mục khi có lý do hết sức nghiêm trọng, và tuân theo các quy định rất chặt chẽ trong Giáo Luật21 (GL.1333-1335 ).

Qua những trường hợp cụ thể trên, chúng ta thấy sự Hiệp thông Giám Mục và Linh mục là trục chính trong guồng máy của Giáo Phận. Chính nguyên lý hiệp thông này là căn bản của sự hợp nhất của linh mục đoàn trong mục vụ chung của Giáo Phận. Mỗi Giáo Phận phải có một Ủy ban linh mục đại diện linh mục đoàn, đa số do các linh mục bầu lên, để nâng đỡ Giám Mục trong công tác mục vụ (GL.495 -497). Ủy ban linh mục có quyền góp ý trong các công nghị Giáo Phận, Giáo Hạt (GL.463); một số linh mục trong Ủy ban linh mục (ít nhất 6 người), sẽ được Giám Mục chọn làm Ban Cố vấn Giáo Phận (GL.502). Vì không thi hành Giáo Luật, vô tình hay hữu ý, có những căng thẳng giữa Giám Mục và linh mục, và việc chuyển xứ đôi khi bị coi là hình phạt hơn là lợi ích các linh hồn.

Nguồn:  hdgmvietnam.org

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top