Covid - Những dấu ấn khó quên
TGPSG -- Nhớ lắm, thương lắm và yêu lắm những khoảnh khắc được phục vụ trong đợt Tình Nguyện lần IV này
Một tháng phục vụ tại bệnh viện Ung Bướu cơ sở II -Thủ Đức đã kết thúc. Chúng tôi về với cuộc sống thường nhật của đời linh mục, tu sĩ. Chắc hẳn ai trong chúng tôi cũng sẽ ghi nhớ mãi những dấu ấn thật khó quên trong mùa chống dịch này.
Người về nhưng lòng không về…
- Tôi nhớ như in những lúc chuẩn bị vào ca trực. Các bác tài xế luôn trực sẵn trước cổng khách sạn Minh Tâm Q10 để chở chúng tôi đến bệnh viện. Các bác cũng là những tình nguyện viên (TNV) tuyến đầu từ mùa dịch đến nay.
Bác Đông tài xế hãng xe Phương Trang chia sẻ:
"Tôi nghỉ lái xe 4 năm nay rồi. Tôi từ Quảng Nam vào đây làm TNV từ đầu cho đến giờ là 4 đợt rồi đó. Mình lớn tuổi rồi, không làm được gì, nhưng còn biết lái xe… Mỗi người góp một chút, mong sao cho dịch mau chấm dứt."
- TNV chúng tôi được chia thành nhóm, mỗi nhóm 5-6 người, các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng cũng chia như vậy. Mỗi ca làm 8 tiếng, khi vào ca trực, các thành viên cùng giúp nhau mặc đồ bảo hộ: người thì cắt băng keo, người thì viết tên, người thì bóc tấm Face Shield… chỉnh sửa cho nhau sao cho an toàn để bảo vệ được mình thì mới bảo vệ được người khác.
Nhớ lắm, thương lắm và yêu lắm...
Nhớ lắm…
Nhớ những buổi đầu thật bỡ ngỡ, ngu ngơ… Nhóm chúng tôi được phân công làm ở khu 7B, ca chúng tôi làm có 6 thành viên: 4 nữ tu, 1 thầy và thêm Thu Phương là TNV đợt trước ở lại. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của người đi trước, chúng tôi không lo ngại gì nữa.
Chúng tôi không phân biệt tôn giáo hay bằng cấp gì. Ai cũng cùng một lòng, chung một ý nghĩ là làm sao biết cách chăm sóc, phục vụ bệnh nhân cho tốt, có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho bệnh nhân hầu họ sớm phục hồi để trở về với gia đình. Chắc hẳn đó là tâm huyết của những TNV trong dịp đi chống dịch đợt IV này…
Nhớ... những ngày mưa, mưa rất to, nhưng vẫn không làm chùn chân những con người có trái tim quảng đại. Đôi chân không mệt mỏi của các TNV vẫn dấn bước đi đến với những con người đang cần sự hiện diện của họ, thay cho các thân nhân đáng lẽ phải túc trực bên cạnh, để dùng đôi tay nhân ái chăm sóc bệnh nhân …
Thương lắm...
Những lúc đến ca trực, tôi cùng đồng đội làm công tác làm vệ sinh, khử khuẩn, lau nhà... để làm giảm bớt nồng độ virus. Tôi nhìn thấy đâu đó trên khuôn mặt một số bệnh nhân có điều gì đó băn khoăn, lo lắng, bồn chồn… muốn nói, muốn sẻ chia… Khi làm công tác xong, hầu hết chúng tôi vào thăm các bệnh nhân để an ủi, động viên, khích lệ, hỏi họ cần gì, có khi gọi điện thoại cho họ gặp người thân...
Đến giờ ăn, chúng tôi phụ các anh chị điều dưỡng đút cơm, đút cháo cho những bệnh nhân không tự phục vụ được. Có lần tôi đến bên giường cô Nga giúp cô ăn cháo, thấy tay cô quờ quạng, huơ huơ lên như muốn gọi ai đó, tôi liền nắm lấy tay cô và nói: “Đến giờ ăn rồi, mình ăn thôi.” Ánh mắt cô nhìn tôi và gượng hỏi: “Sơ ơi! Mấy bữa nữa tôi mới được về nhà?” Tôi lặng người trước câu hỏi của cô. Tôi phải trả lời sao để cô an tâm, trả lời sao cho thỏa đáng lòng mong mỏi muốn trở về với gia đình, trả lời sao khi cô đang thở oxy nặng... đau lắm… thương lắm!
Tôi chỉ cười nhẹ để xóa tan nỗi buồn trong lòng cô và trong tim tôi. Tôi trấn an cô: “Dạ, cô cứ yên tâm điều trị bệnh rồi sẽ về nhà, xe đưa đón đến tận nơi, không mất đồng nào. Bây giờ, cô phải ăn để có sức khoẻ thì mới mau về nhà được. Cô phải cộng tác với các bác sĩ thì mới mau về nhà được nghen. Cố lên, cố lên nhé...!”
Tuy còn mệt mỏi nhưng cô cũng ráng nhoẻn được nụ cười trên đôi môi khô ráp. Tôi lấy khăn ướt lau khuôn mặt nhợt nhạt của cô, lau đôi tay gầy guộc rám nắng, chai sạm vì tần tảo mưu sinh cho gia đình...
Từ đó, tôi cưu mang sự nặng lòng của các bệnh nhân trong tim tôi và tôi chỉ biết cầu nguyện, dâng thao thức của họ lên cho Đấng luôn thấu hiểu và đáp ứng những khát mong của mọi tâm hồn đang cần đến Người.
Yêu lắm…
Yêu lắm những tháng ngày đầy kỷ niệm, những ký ức không thể nhạt phai... Yêu sao những con người mang đầy tình nghĩa, luôn mở rộng bàn tay trao ban cho người khác những nghĩa cử yêu thương, đôi khi chỉ là cái nắm tay được bao bọc bởi 3-4 lớp bao tay, hoặc cái xoa bóp, cái vỗ lưng cho bệnh nhân dễ thở. Yêu biết bao những lời động viên, khích lệ, trấn an, yên ủi các bệnh nhân...
Yêu lắm những người ở hậu phương đang chung tay cùng những TNV trực tiếp ở tuyến đầu bằng nhiều cách: luôn hướng lòng, dâng những hy sinh nhỏ bé để cầu nguyện cho chúng tôi, cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt. Và yêu lắm những tấm lòng hảo tâm đã rộng tay sẻ chia cho nhau những bó rau, những gói mì, những chai nước...
Chúng tôi biết ơn những người ở hậu phương với nhiều nghĩa cử cao đẹp và bằng mọi phương thế để xây dựng tình tương thân tương ái mang đậm tình người. Tôi mong ước “tình người” ấy vẫn còn trải rộng trên đôi tay, trên đôi chân, trong con tim và cả khối óc của từng người.
Nhớ lắm, thương lắm và yêu lắm những khoảnh khắc được phục vụ trong đợt Tình nguyện lần IV này. Những kỷ niệm ấy luôn được giữ mãi trong trái tim tôi.
Lời cuối
Lời cuối, tôi xin tri ân, biết ơn những bàn tay yêu thương, những đôi chân rảo bước, những con tim đong đầy tình người, hết lòng vì bệnh nhân, hết lòng vì nhau để giúp cho mọi người có một cuộc sống an bình, hạnh phúc hơn.
Cảm ơn mọi người đã cùng nhau chung tay góp sức cho đất nước Việt Nam nói chung và tại Thành phố Sài Gòn nói riêng được bình thường mới.
Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành, CMR. (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly