Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ

Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ

Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ

TGPSG -- Mỗi khi tôi chán chường, dễ bỏ cuộc hay lúc gặp khó khăn thì chính Người đã cõng tôi trên lưng, nâng niu và an ủi tôi.

Món quà từ gia đình

Trong buổi ăn cơm trưa với các chị em tại cộng đoàn học viện sau một buổi sáng đi học về, tôi với các chị em hí hửng ăn cơm thật nhiều và ngon lành để lấp đầy cái bụng đang đói meo.

Chợt trong bữa cơm, có một chị em đã kể về món quà mà chị ấy nhận được từ gia đình gửi xuống, đó là một chiếc túi đeo thổ cẩm mà lúc trước chị có may trên nhà, vì lúc đó chưa kịp lấy mà chị đã xuống Sài Gòn rồi.

Và giờ khi nhận được chiếc túi thổ cẩm đó chị rất là vui, cũng như chị rất biết ơn gia đình nhiều lắm vì đã gửi cho chị lúc chị đang cần.

Nhìn chiếc túi thổ cẩm đó của chị, tôi chợt nhớ đến món quà mà người mẹ hiền đã dành tặng cho tôi cách đây 14 năm. Đó là một chiếc khăn thổ cẩm để tôi có thể đắp giữa trời lạnh giá, với cái lạnh của núi rừng, khi tôi bắt đầu phải xa gia đình để đi học tại trường nội trú của nhà nước.

Chiếc khăn thổ cẩm

Chiếc khăn thổ cẩm, có lẽ sẽ còn xa lạ đối với những ai không phải là người đồng bào; nhưng không lạ lẫm gì với người đồng bào Tây Nguyên nói chung, và dân tộc Bana của tôi nói riêng.

Đối với buôn làng của tôi, nó được coi là một vật mang giá trị lớn lao, vì đa số người đồng bào chúng tôi, gia đình nào cũng phải có ít là một cái trong nhà.

Riêng tôi, chiếc khăn ấy là cả một khối tài sản tinh thần, là một món quà vô cùng giá trị và đầy ý nghĩa, vì ở đó đã chất chứa biết bao nhiêu kỷ niệm về tuổi thơ của anh chị em chúng tôi trong gia đình.

Giờ đây, mỗi khi được đắp lên mình chiếc khăn thổ cẩm ấy, lòng tôi lại thấy bồi hồi xao xuyến và nỗi nhớ gia đình lại tràn ngập trong tâm hồn tôi. Nhớ về bố mẹ đang phải gòng gánh những công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để có những bữa cơm nuôi sống gia đình.

Thời thơ ấu ở đại ngàn Tây Nguyên

Tôi sinh ra và lớn lên tại một buôn làng nhỏ trong một gia đình khó khăn gồm có 7 anh chị em nơi núi rừng Tây Nguyên đại ngàn.

Buôn làng của tôi sống rất xa thành phố Kon Tum nên việc thiếu ăn thiếu mặc trong buôn làng không còn lạ lùng gì nữa và gia đình tôi cũng không ngoại lệ.

Vì gia đình còn khó khăn nên khi thấy bố mẹ làm việc vất vả, các anh chị em chúng tôi không ai dám đòi hỏi bố mẹ điều gì.

Tôi đã từng cảm nhận được cái khó khăn ấy khi đi học về, mở nắp nồi ra mà không thấy một hạt cơm hay đồ ăn nào mà chỉ thấy củ mì luộc để ăn chống đói qua ngày. Tôi cầm lấy củ mì luộc vừa ăn vừa rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình của mình. “Tại sao gia đình tôi lại khổ thế này?”, đó là một câu hỏi luôn yên sâu vào tâm trí tôi lúc bấy giờ.

Không chỉ vậy, tôi cũng đã từng thấm cái lạnh cóng của miền núi rừng Tây Nguyên, lúc đó anh chị em chúng tôi phải ngủ chung trên một chiếc giường bé nhỏ trong một căn nhà ván gỗ mỏng và đắp chung một cái chăn không mỏng mà cũng không dày của bố mẹ dành dụm tiền để mua cho. Khi trời se lạnh, từng cơn gió lùa qua từng ván gỗ làm cho chúng tôi lạnh đến run người. Tuy có lạnh giá đó nhưng chúng tôi cảm nhận được tình thương mến thương mà các thành viên dành cho nhau.

Tuổi thơ trải qua biết bao nhiêu khó nhọc nên khi lớn lên tôi đã ý thức được mình cũng phải làm việc để phụ giúp gia đình.

Phụ giúp gia đình

Bắt đầu sang học cấp hai, tôi đã đi làm đổi công với các bạn trong làng như là làm cỏ mì, cuốc đất rẩy trồng mì, cuốc ruộng… để phụ giúp cho bố mẹ được phần nào về việc nương rẩy.

Những ngày không đi làm thì tôi ở nhà phụ mẹ trông đứa em trai út để mẹ có thể đi làm hoặc có khi tôi đi chăn bò với các anh và phải chăn ở rẩy xa vì gần làng sợ con bò ăn mì nhà người ta.

Tôi nhớ mãi có lần tôi và hai anh trai của tôi đang trên đường từ rẫy về nhà tầm khoảng bốn giờ hơn chiều thì trời đổ mưa rất to, lúc đó cả ba anh em chúng tôi chạy về thật nhanh nhưng vẫn bị ướt nhem hết cả. Tới nhà toàn thân tôi ướt sủng, chân tay run run với hàm răng cứ thế va vào nhau cầm cập.

Thấy vậy, mẹ đang ở trong nhà chạy ra và bảo tôi đi thay quần áo liền vì sợ sẽ bị cảm lạnh. Vào trong nhà tôi thấy mấy cái tô nhựa hay hai ba cái nồi nhỏ mà mẹ để hứng nước mưa rớt xuống, đúng là hình ảnh đó chẳng còn xa lạ gì với gia đình tôi.

Tôi thay đồ xong rồi ngồi với mẹ và các em bên bếp lửa củi thân thương ở một góc nhỏ của gia đình để chờ mẹ luộc cho chúng tôi bắp để ăn.

Khi thấy các con ngồi mà chân tay run run vì trời quá lạnh thì mẹ đi lấy cho chị em chúng tôi chiếc chăn mà chúng vẫn thường hay đắp để đắp trên người cho đỡ lạnh. Chiếc chăn mỏng đó cũng chẳng ăn thua gì với thời tiết “trời mưa gió rét” như ở quê tôi.

Buồn lòng khi thấy các con vẫn còn rất lạnh và có em trai của tôi đã khóc vì đã không chịu được cái lạnh đó, mẹ tôi đã chạy vào trong nhà đi lấy chiếc khăn thổ cẩm, mà mẹ vẫn giữ từ trước tới nay, đắp thêm cho chúng tôi để được ấm hơn. Chắc khi nhìn thấy chiếc khăn thổ cẩm đó thì ba em nhỏ của tôi thấy là lạ, nhưng tôi thì khác, tôi may mắn khi được chứng kiến nhiều khoảnh khắc khó quên với chiếc khăn thân thương này.

Chiếc khăn thổ cẩm mới

Chiếc khăn thổ cẩm – đây là một chiếc khăn mà mẹ tôi đã mua từ một cô ở làng bên bán với giá là chín mươi nghìn đồng. Ôi! Số tiền ấy trong khoảng thời gian gần hai mươi năm về trước còn là một điều quá xa xỉ với gia đình tôi, đó là một số tiền lớn.

Chiếc khăn cũ mà mẹ vẫn thường cõng anh chị em chúng tôi đã bị rách nhiều chỗ và bị mục nữa nên giờ phải mua cái mới.

Chiếc khăn thổ cẩm với những họa tiết, đường nét hoa văn thật đẹp mắt, gợi lên nét đẹp riêng của núi rừng Tây Nguyên và nó có chiều dài khoảng một mét rưỡi hoặc hơn, chiều rộng khoảng một mét, với tông màu chính là màu xanh đen và có những đường viền thổ cẩm trông rất đẹp.

Tôi biết để mua được chiếc khăn ấy bố mẹ tôi đã rất cực khổ, vất vả đi làm kiếm tiền không kể trời mưa nắng.

Có những ngày đi làm, bố mẹ về rất muộn với chân tay lem luốc bùn đất vì phải cuốc ruộng trên nương rẫy và trông rất đuối sức vì đã làm quá nhiều. Cho dù có mệt đó nhưng khi thấy các con bình an, khỏe mạnh thì bố mẹ đều nở nụ cười để chúng tôi được yên lòng.

Bố mẹ đã hy sinh quá nhiều cho gia đình, mỗi lần nhớ lại cảnh đó tôi lại thấy chạnh lòng, đôi mắt rưng rưng, xót xa cho gia đình và yêu bố mẹ nhiều hơn.

Mẹ tôi đã mua chiếc khăn ấy để dùng trong việc cõng hai em út khi hai em còn nhỏ, được nằm ngủ trên lưng mẹ không có gì cao quý hơn cả hay còn là cái khăn to để đắp cho chúng tôi khi ngủ.

Vì chiếc khăn có chiều rộng khoảng một mét nên khi muốn cỗng con thì mẹ lại gấp ở giữa để làm cho nó nhỏ lại. Và khi đắp cho chúng tôi khi ngủ thì mẹ sẽ mở to ra để đắp cho chúng tôi.

Chiếc khăn đã cùng mẹ gòng gánh các thiên thần bé nhỏ, cảm nhận được tiếng thở hổn hển, sự mệt mỏi và thấm đượm những giọt mồ hôi rơi xuống từ khuôn mặt hiền từ của mẹ hay lắng nghe tiếng khóc oe oe của thiên thần bé nhỏ đang trên lưng mẹ.

Chiếc khăn ấy vừa là chiếc khăn để cõng hay đắp lúc của các con nhưng cũng vừa là khăn lau mặt của mẹ mỗi lúc ra mồ hôi khi cõng các em từng ngày giờ trong đời mẹ. Thật là một hình ảnh cao quý mang giá trị tình mẫuu tử thiêng liêng.

Chiếc khăn đã đồng hành với mẹ trong suốt khoảng thời gian dài nên mẹ rất trân trọng và coi như kỷ vật vô giá không thể thiếu trong đời làm mẹ của mình.

Dù có quý trọng cái chiếc khăn ấy đến đâu nhưng rồi cũng đến ngày mẹ phải xa lìa nó.

Xa nhà

Ngày tháng trôi qua thật nhanh, thế là tôi cũng học xong cấp hai để bước vào cấp ba với nhiều niềm vui nổi buồn, những sự lì lợm dễ thương của tuổi học trò nhưng cũng xen vào đó là những lo lắng, buồn phiền cho cuộc sống xa nhà.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải đi học xa nhà – vì trước đó tôi chỉ đi học ở trường tại buôn làng của mình mà thôi. Thật vậy, việc xa nhà đối với tôi lúc bấy giờ thật khó khăn biết chừng nào, tôi đã quen với cuộc sống tại gia đình, tại buôn làng nên giờ phải xa nhà làm tôi thấy lo lắng rất nhiều.

Không chỉ riêng tôi, ngay cả gia đình tôi cũng vậy, họ thấy thật khó khi phải xa đứa con gái duy nhất của mình để tôi có thể học tập, mở rộng thêm kiến thức bên ngoài xã hội chứ không lì mãi trong buôn làng nhỏ bé.

Ngày thông báo nhập học cũng đến, trước khi tôi và gia đình chia tay nhau thì chúng tôi cùng ăn một bữa cơm gia đình tuy không có được “sơn hào hãi vị” nhưng lại chan chứa tình yêu thương của mọi người.

Món quà xa nhà

Thương con gái hết lòng, mẹ tôi đã lấy chiếc khăn thổ cẩm để tặng lại cho tôi, còn dặn dò tôi phải giữ cho cẩn thận, mỗi khi trời lạnh quá thì hãy lấy khăn để đắp thêm cho ấm – vì ở trong nội trú chúng tôi cũng có được nhận chăn, mền, gối nữa.

Nhận được món quà của mẹ mắt tôi rưng rưng, thế là những giọt nước mắt cứ thế lăn trên đôi má của tôi. Tôi đã khóc rất nhiều đến nỗi sưng hết cả mắt.

Thời gian cứ thế trôi, tôi đã dần quen với cuộc sống xa nhà. Lúc này, tôi sung sướng, vui mừng ngắm nhìn “tài sản” của mình, càng nhìn tôi lại càng thấy đẹp và yêu quý nó làm sao.

Khí hậu của mùa đông dần dần se lạnh, tôi lấy chiếc khăn của mẹ đắp lên người và cuộn mình trong đó, cảm giác ấm áp như đang có mẹ ở kề bên.

Mỗi lần nhớ nhà là tôi thường lấy chiếc khăn ra ngắm, tôi cảm nhận được rằng dù không thể gặp nhau một cách trực tiếp, nhưng bố mẹ, những người thân của tôi vẫn luôn ở bên tôi, điều đó chính là động lực để tôi cố gắng học hành không phụ lòng mọi người.

Hơi ấm còn mãi

Thế rồi theo năm tháng, chiếc khăn ấy đã không còn giữ được vẻ đẹp như lúc xưa mà thay vào đó từ màu xanh đen đã ngã sang một màu xám hơn. Tuy vậy, sự ấm áp của tình yêu thương gia đình vẫn luôn còn mãi. Chiếc khăn  như người đồng hành với gia đình, cùng mẹ cõng các con trên lưng trong thời ấu thơ, đồng thời cũng là người bạn tri kỷ của tôi, khi chứng kiến tôi lớn lên và trưởng thành như bây giờ. Nó vẫn nhẹ nhàng nhắc tôi nhớ về ký ức tươi đẹp khó quên để biết trân trọng, tạ ơn về những gì mình đã và đang lãnh nhận được từ Thiên Chúa và tha nhân.

Hiện tại, trên vùng của tôi cũng đã có sự tiến bộ, công việc làm ăn của mọi nhà được cải thiện hơn rất nhiều và việc mọi người mua bán những chiếc khăn thổ cẩm được phổ biến nhiều hơn nên việc mua một chiếc khăn thổ cẩm cũng không còn quá khó khăn như lúc trước.

Dẫu vậy, tôi vẫn thích chiếc khăn thổ cẩm ấy của mẹ, chiếc khăn không đơn thuần chỉ là dùng vào việc giữ ấm cho cơ thể hay là khí cụ để mẹ cõng con trên lưng nhưng mang lấy sứ mệnh cao cả hơn là bồi dưỡng tâm hồn tôi bằng những ký ức đẹp đẽ, ngọt ngào, làm cho tình yêu gia đình lại trở nên sống động.

Nhìn thấy chiếc khăn ấy, tôi vui sướng biết bao không phải vì được sở hữu nó nhưng đó là hiện thân của tình yêu gia đình, của tuổi thơ khó nhọc nhưng rất êm đềm.

Sự ấm áp của chiếc khăn mang lại không hệ tại ở chất liệu nhưng đó là hơi ấm của tình yêu, là món quà vô giá. Tất cả những điều ấy giúp tôi ý thức được rằng Thiên Chúa mới thực sự là cội nguồn của tình yêu và hạnh phúc. Những món quà vật chất chúng ta dành cho nhau thường mang một giới hạn nhất định nhưng quà tặng của Thiên Chúa thì luôn quý giá hơn cả, làm cho ta không còn cảm thấy cái lạnh giá của mùa đông hay khoảng cách biên giới mà là sự gần gũi đến lạ thường.

Chúa cõng tôi trên lưng

Giờ đây, tôi đã là một tu sĩ của Hội dòng Ảnh Phép Lạ và dù mỗi khi có đi ở các cộng đoàn đã có sẵn chăn, chiếu, mền, nhưng tôi vẫn luôn không quên mang bên mình chiếc khăn thổ cẩm ấy vì nó có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Chiếc khăn gợi cho tôi nhớ về bố mẹ và gia đình, nhớ về tuổi thơ đầy cơ cực, nhớ những ngày đông giá lạnh khi đi học xa nhà hay những thử thách khi tôi đang đi trên con đường dâng hiến.

Qua đây, tôi nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng siêu việt đầy tình yêu thương, luôn ở cùng tôi mỗi ngày trong suốt cuộc đời.

Mỗi khi tôi chán chường, dễ bỏ cuộc hay lúc gặp khó khăn thì chính Người đã cõng tôi trên lưng, nâng niu và an ủi tôi. Người luôn đồng hành và bước đi cùng tôi trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Ôi! Cuộc đời làm con Chúa thật thú vị dường bao.

Y Nay (TGPSG)

Top