Chia sẻ về Truyền Giáo
Đại hội Dân Chúa cuối tháng này chắc sẽ có nhiều gợi ý về Truyền giáo. Chia sẻ sau đây cũng là một gợi ý.
Nội dung chia sẻ gồm 3 phần vắn tắt. Tất cả đều được rút ra từ những tài liệu có uy tín và mới nhất:
I. Hành trang người truyền giáo
II. Mấy điều nên chú ý ở nơi truyền giáo
III. Đôi lời cảnh báo
***
I. Hành trang người truyền giáo
Người tông đồ thời nay nói chung và người truyền giáo thời nay nói riêng cần có sẵn trong mình 3 nguồn lực này:
a) Sự sống mật thiết với Kinh Thánh và Đức Kitô
Mật thiết với Kinh Thánh không chỉ là học hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh, mà chủ yếu là suy niệm Lời Chúa. Suy niệm này là gặp gỡ Chúa trong Lời Chúa, là lắng nghe Chúa từ Lời Chúa, là đón nhận sự sống thiêng liêng từ Lời Chúa, là để Lời Chúa biến đổi con người của mình. Suy niệm như vậy cần có một sự thinh lặng nội tâm sâu lắng.
Còn mật thiết với Đức Kitô là gặp gỡ Đức Kitô, là ở bên Đức Kitô, là bước theo Đức Kitô, là bắt chước Đức Kitô. Nói tắt một lời là: Có Đức Kitô trong mình. Mật thiết với Đức Kitô như vậy cần có một sự từ bỏ mình chân thực.
b) Một sự cởi mở đối với thời đại của mình
Người truyền giáo sống tinh thần nhập thế. Họ phải trân trọng, yêu thương con người, đất nước, địa phương mà họ được sai đến. Hiểu biết của họ phải sát cuộc sống. Thí dụ, họ phải biết cuộc sống con người Việt Nam hôm nay là rất phức tạp, chịu nhiều áp lực và biến chuyển mau lẹ. Tất cả không gian và thời gian cụ thể đó phải được người truyền giáo nắm bắt. Phải đồng hành, đồng cảm. Nếu người truyền giáo nói ngôn từ và các vấn đề mà người ta không hiểu và không quan tâm, thì người truyền giáo sẽ tự tách mình ra khỏi môi trường truyền giáo. Tự mình loại mình.
c) Một đời sống đức tin sâu sắc
Sống đức tin sâu sắc là nhìn con người và lịch sử bằng con mắt của Thiên Chúa. Không đánh giá theo hiện tượng bề ngoài, mà theo giá trị bên trong.
Sống đức tin là với đức tin mà sống tỉnh thức, biết phân định cái gì là đúng, cái gì là sai.
Sống đức tin là nhờ đức tin mà biết chọn cái gì là thánh ý Chúa.
Sống đức tin là nhờ đức tin mà sống phấn đấu, dấn thân cho điều lành, đẩy lùi điều xấu.
Như thế, hành trang người truyền giáo là một tu đức mạnh, một cởi mở rộng và một đời sống đức tin sâu.
II. Mấy điều cần chú ý ở nơi truyền giáo
a) Trước tiên, người truyền giáo để ý tìm những dấu chỉ của Nước Trời nơi mà mình truyền giáo. Chúng ta sẽ căn cứ vào kinh Tám Mối Phúc mà tìm. Với quan sát, chúng ta sẽ khám phá thấy nhiều điều mới lạ. Đó là dấu chỉ của Nước Trời lại được thấy nơi nhiều người ngoài Công giáo. Khó nghèo, hiền lành, khát khao điều tốt, biết thương xót người, khiêm tốn và trong sạch. Khám phá đó cho phép chúng ta tin là Nước Chúa đang toả rộng ra ngoài ranh giới Hội Thánh. Nếu không tế nhị, người truyền giáo lại xoá những gì Chúa đang làm, và thay thế vào đó những luật lệ vô bổ. Dứt khoát làm thế là sai.
b) Người truyền giáo để ý nghiên cứu xem sẽ phải làm thế nào, để người ta đọc được và thấy được Tin Mừng nơi Hội Thánh Công giáo.
Nếu họ tiếp xúc với chúng ta, với Hội Thánh, mà họ không cảm được chút gì là thiện cảm với đạo Công giáo, thì chúng ta nên tự xét mình lý do tại sao. Nếu tại ta, tại Hội Thánh, thì chúng ta phải sửa.
c) Trong truyền giáo, chúng ta nên để ý nhiều đến những tiếp xúc cá nhân. Rất nhiều trường hợp, tiếp xúc cá nhân sẽ mang lại nhiều thành công, miễn là người truyền giáo mang sẵn trong mình đủ hành trang đã nói trên đây. Nhiều tiếp xúc cá nhân đã giúp người truyền giáo tái Phúc Âm hoá chính mình.
III. Đôi lời cảnh báo
Tình hình truyền giáo tại Việt Nam hôm nay có ánh sáng và cũng có bóng tối.
Vì nhiều lý do khác nhau, tại nhiều nơi uy tín Hội Thánh đang bị giảm sút, chỗ đứng của Hội Thánh đang bị xuống thấp. Có nơi tình hình khá trầm trọng.
Nhiều người theo đạo. Nhưng cũng nhiều người bỏ Hội Thánh. Hiện tượng đáng ngại nhất là tại rất nhiều nơi, niềm tin vào hàng giám mục và linh mục đang bị lung lay.
Đó là những sự thực đau lòng. Ta nên coi đó là những cảnh báo của Chúa. Cảnh báo chủ yếu là kêu gọi chúng ta suy nghĩ lại về ơn gọi truyền giáo của chúng ta.
Ơn gọi truyền giáo đã được chúng ta đáp ứng thế nào? Thành thực mà nói, thiếu sót nặng nhất của chúng ta không phải là không hội thảo, xây cất và làm việc từ thiện, mà là thiếu hồn truyền giáo, thiếu lửa truyền giáo, thiếu hành trang truyền giáo, thiếu sáng kiến “ra khơi”.
Năm Thánh Việt Nam là dịp Chúa thanh luyện Hội Thánh Việt Nam chúng ta. Xin hãy khiêm tốn đón nhận ơn thanh luyện. Xin hãy quảng đại cộng tác vào ơn thanh luyện. Xin hãy thanh luyện trong tinh thần tháng 11 phụng vụ, tức là trước những chân lý trọng đại về sự Chúa phán xét và thiên đàng, hoả ngục.
Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa vì ơn thanh luyện rất quý, rất cần cho chúng con.
+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 3 (1): Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Tài liệu học hỏi Năm Thánh: bài 6(1): Vai trò của Kitô hữu giáo dân trong Giáo Hội -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh 2010: Việt Nam Hình Thành, Phát Triển và Trưởng Thành (phần mở 2) -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (2): Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam