Ca đoàn Têrêsa Châu Bình: Hướng tới vẻ đẹp thanh khiết của thánh ca
TGPSG -- Tại Việt Nam, có những ca đoàn đang tìm hiểu và cố gắng đạt được vẻ đẹp thanh khiết của thánh ca phụng vụ, trong số này có ca đoàn Têrêsa Châu Bình - là ca đoàn thiếu nhi của Giáo xứ Châu Bình, Giáo hạt Thủ Đức, Tổng Giáo phận Sài Gòn.
SINH HOẠT THƯỜNG KỲ
Ca đoàn Têrêsa là một trong 12 ca đoàn của Giáo xứ Châu Bình, phụ trách hát trong các Thánh lễ cử hành vào lúc 18g thứ Năm, 17g30 thứ Bảy và 7g15 Chúa nhật hằng tuần.
Hiện ca đoàn có khoảng 50 ca viên, tuổi từ 9 đến 20. Ban Điều hành ca đoàn gồm Ban Quản lý và Ban Chuyên môn. Ban Quản lý có Trưởng ban, Phó ban và Thư ký. Ban Chuyên môn gồm có Ca trưởng và các Trưởng bè, Trưởng Đệm đàn, Trưởng Xướng kinh.
Ca đoàn tập hát vào tối thứ Năm, thứ Bảy, ngay sau giờ lễ cho đến 20g. Chiều Chúa nhật sẽ có thêm giờ tập riêng cho các ca viên mới hoặc tập tăng cường cho những dịp lễ trọng đại.
Ngoài ra, ca đoàn còn có những “sinh hoạt tình cảm” đặc biệt như: đi chúc Tết Cha xứ, Cha phó, Thầy xứ, gia đình ca viên và ân nhân; đi dã ngoại Hè; đi hát lễ cưới của các anh chị trong Ban Điều hành; đọc kinh và hát lễ tại gia, lễ an táng của người thân ca viên…
Việc tập luyện của ca đoàn được thực hiện định kỳ hằng tuần, hằng tháng, hằng năm với lịch biểu tổng quát theo năm Phụng vụ như sau:
- Tập luyện cho mùa Vọng và mùa Giáng Sinh ngay từ sau lễ Bổn mạng Têrêsa của ca đoàn (ngày 1/10);
- Sau mùa Giáng Sinh thì tập hát lễ Tết;
- Sau Tết thì tập cho mùa Chay và Đại lễ Phục Sinh;
- Sau lễ Phục Sinh liền tới “một tràng” Chúa nhật đặc biệt: Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Chúa Ba Ngôi, và Lễ Mình và Máu Chúa Kitô,
- Sau đó thì lại ráo riết chuẩn bị cho lễ Bổn mạng, rồi sau lễ Bổn mạng lại tiếp tục đến mùa Vọng và mùa Giáng Sinh của năm Phụng vụ mới.
Nhiều khi sợ tập không kịp, ca trưởng còn chu đáo hát mẫu và thu âm riêng từng bè gửi cho các ca viên tập thêm tại nhà, rồi tăng thêm số buổi tập và tăng thêm thời gian của một buổi. Ca trưởng Giuse cho biết: “Đôi lúc, gần những dịp lễ lớn, sau khi tập hát xong, từ ca trưởng đến ca viên, ai nấy cũng đều phờ phạc, mệt mỏi, nhưng đồng thời cũng lại cảm thấy rất đáng bõ công, pha lẫn chút hãnh diện.”
Một ca viên chia sẻ:
“Bởi vì em rất thích hát nên những ngày đi tập hát hoặc đi hát lễ, em không mang tinh thần mệt mỏi, mà chính những ngày đó mang lại cho em niềm vui và sự hào hứng vì được gặp lại bạn bè và sắp được biết thêm về kiến thức âm nhạc. Chung quy, em tham gia ca đoàn không chỉ là trách nhiệm mà còn vì ca đoàn mang đến rất nhiều màu sắc cho cuộc sống hằng ngày của em.”
ĐƯỜNG HƯỚNG
Dù chẳng có tài năng gì đặc biệt - các em tự nhận định - nhưng các thành viên trong ca đoàn luôn cố gắng phấn đấu hát tốt nhất có thể, để làm cho âm nhạc trong thánh lễ trở nên xứng hợp với cử hành mầu nhiệm thánh. Các em cũng mong ước sao cho khi nghe thấy tiếng hát của ca đoàn, người nghe, dẫu có là người ngoại giáo hay người không hiểu tiếng Việt, dẫu chỉ nghe thấy âm thanh mà không nhìn thấy khung cảnh nhà thờ, vẫn sẽ liên tưởng ngay đến nhà Chúa.
Tuy là ca đoàn thiếu nhi nhưng các em vẫn có khả năng hát đầy đủ 4 bè theo biên chế ban hợp xướng tiêu chuẩn: soprano (nữ cao), alto (nữ trầm), tenor (nam cao), bass (nam trầm). Các em chọn lối hát nhẹ nhàng, du dương, chất chứa tất cả tâm tư tình cảm quy hướng về Thiên Chúa với ước mong sao cho lời ca nguyện sẽ tạo ra một bầu khí thánh thiêng, nơi mọi người có thể chìm đắm vào và cầu nguyện.
Anh Giuse Mai Tiến Dũng - ca trưởng đương nhiệm - cho biết:
“Những ngày đầu ca đoàn chỉ hát được một bè vì các em vẫn còn ‘vô tư’ trong cách hát, chưa vững nhịp điệu và cao độ. Lâu dần, các em ‘cảm nhạc’ nhiều hơn, tự tin hơn và hát ngày càng vững chắc hơn. Và cứ thế, nhờ ơn Chúa, ca đoàn đã hát được các tác phẩm hợp xướng nhiều bè với nhiều biên chế khác nhau, từng bước trau chuốt giọng ca với tiếng đàn, kể cả những chi tiết nhỏ bé nhất.”
Anh Dũng cho biết thêm:
“Cho đến nay, thành tựu to lớn mà ca đoàn đạt được là sự khen gợi và ghi nhận của đại gia đình ca viên giáo hạt Thủ Đức, nhất là lời khen gợi của quý linh mục dành cho ca đoàn trong những đêm giao lưu thánh ca Giáng Sinh của giáo hạt. Vượt hơn sự mong đợi, ca đoàn vinh dự được mời tham gia hát 5 bài trong đêm ca nguyện ‘Tâm tình hiến dâng’ được tổ chức bởi Lumière năm 2020.”
TÂM TÌNH
Được hỏi về tâm tình của mình khi tham gia ca đoàn, một ca viên chia sẻ:
“Em vô ca đoàn cũng được gần 6 năm rồi nên có lẽ thứ em thấy ấn tượng nhất chính là quá trình trưởng thành và phát triển của ca đoàn. Hồi đó, em nhớ chúng em hát lễ cũng chỉ như bao ca đoàn thiếu nhi khác. Nhưng từ lúc anh Dũng làm ca trưởng em mới thấy có nhiều sự thay đổi rõ rệt của ca đoàn: anh Dũng cho tụi em thử ‘những phong cách’ khác nhau, cho tụi em tiếp xúc, làm quen và cảm nhận được cái hay của thánh nhạc, của Bình ca... Em thấy bình yên khi nghe.”
Một ca viên khác cho biết:
“Ca đoàn mang lại cho em rất nhiều kiến thức bổ ích về phụng vụ cũng như về kiến thức nhạc lý. Em cảm thấy ca đoàn đã và đang biến đổi, phát triển đúng theo con đường thánh nhạc mà Giáo Hội hướng tới.”
Trả lời cho câu hỏi: “Động lực nào giúp cho ca đoàn Têrêsa Châu Bình luôn tràn đầy nhiệt huyết hăng say phục vụ?”, ca trưởng Giuse Mai Tiến Dũng đương nhiệm đã đưa ra 2 động lực:
“Động lực thứ nhất thuộc về tự nhiên: Chúa ban cho ca viên niềm đam mê và khả năng về âm nhạc. Khi gặp điều kiện thuận lợi, niềm đam mê và khả năng thiên phú sẽ phát triển và từ đó tạo cho người ta một mối liên kết gắn bó về mặt chuyên môn.”
“Động lực thứ hai là lý do thuộc về siêu nhiên: tâm tình của một thụ tạo với Đấng Tạo Hóa, và của một người con với Cha trên trời - dù có phải mệt mỏi một chút cũng không sao cả, vì Chúa sẽ trả công cho những hy sinh này, như lời Kinh Tiền Tụng: Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ.”
“Mà thậm chí cho dù Chúa có không trả công đi nữa thì chúng con vẫn muốn cất tiếng hát ngợi khen Chúa, đơn giản là vì Chúa là Đấng Tạo Thành, là Đấng đã yêu thương chúng con trước. Tập mệt thì có mệt, cũng có khi chán nản, nhưng ai nấy đều ý thức mình đang phục vụ cho Chúa, cho Giáo Hội, nên vẫn có thể bỏ qua ý nghĩ tiêu cực ‘thôi hát vậy được rồi, tập nhiều làm chi’, để mau mắn hướng đến tâm tình tích cực, sẵn sàng chịu thương chịu khó, cố gắng làm hết sức có thể: Được ca tụng Chúa là một hồng ân cơ mà, sao con có thể than thở khi vất vả được, cứ còn sức là còn hát thôi!”
Với các cựu ca trưởng, họ cảm thấy tự hào khi thấy ca đoàn ngày một phát triển, ngày càng hát hay hơn và nghe thánh thiện hơn.
Quả thực, vào những dịp quan trọng của giáo xứ, rất dễ dàng thấy được hình ảnh các ca đoàn cất cao tiếng hát trong những bộ đồng phục rất đẹp và rất trang nghiêm. Nhưng ai cũng biết rằng, đằng sau những hình ảnh đẹp ấy là cả một quá trình dày công khổ luyện, chất chứa bao nỗi buồn vui khi sinh hoạt chung với nhau, cũng như những hi sinh vì lợi ích chung của tập thể. Với các em ca viên nhí, ngoài lịch học dày đặc ở trường lớp, các em còn có lịch học thêm các môn khác ngoài xã hội, học giáo lý và tham gia các sinh hoạt thiếu nhi, rồi luyện tập với ca đoàn và hát lễ.
Cũng như các ca đoàn khác, ca đoàn Têrêsa Châu Bình đã trải qua những tháng ngày khổ luyện. Để có được một giờ hát lễ tâm tình, mỗi ca viên phải dành ít nhất hai giờ tập luyện trong ngày, hai hoặc ba ngày trong tuần theo lịch sinh hoạt chung của ca đoàn. Thậm chí, vào các thánh lễ lớn hay sự kiện trọng đại, ca đoàn phải dành nhiều thời gian tập luyện hơn, có khi tập trước nhiều tháng. Với lịch làm việc cường độ cao, các ca viên phải ý thức giữ gìn sức khỏe và giọng hát.
LƯỢC SỬ
Ca đoàn Têrêsa được sinh ra trong dòng lịch sử đầy thăng trầm của Giáo xứ Châu Bình
Theo sử liệu thì Giáo xứ Châu Bình xuất hiện sau biến cố di cư năm 1954. Vào thời điểm ấy, một số giáo dân từ Bùi Chu và Thái Bình đi đến vùng Thủ Đức, nơi có những trại định cư. Những ngày đầu, số giáo dân còn ít, khoảng 25 - 30 gia đình, nên đã sát nhập vào khu 4 của Giáo xứ Tam Hà (nơi đã có các giáo dân gốc Hà Nội).
Năm 1956, linh mục (Lm) Đa Minh Maria Trần Đình Thủ CRM, Bề Trên sáng lập Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (trước đây gọi là dòng Đồng Công), là người gốc Bùi Chu - Thái Bình, cũng đến vùng Thủ Đức sinh sống và định cư ngay sát khu 4. Một số gia đình theo Lm Đa Minh di cư vào Nam đã xin ngài thành lập một giáo xứ riêng. Lm Đaminh bèn cử Lm Giuse Phạm Quang Thiều CRM. chịu trách nhiệm chăm lo đời sống đức tin cho số giáo dân này. Ngày 3-8-1956, Lm Giuse Phạm Quang Thiều CRM đã đệ đơn lên các cơ quan cấp cao (Phủ Tổng Ủy Di Cư, Tỉnh trưởng Gia Định và Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn) xin được tách khỏi khu 4 Tam Hà để thành lập một trại định cư mới với tên gọi: ấp Tam Châu, xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định.
Đồng thời Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn cũng chấp thuận cho thành lập Giáo xứ mới với danh xưng: Giáo xứ Mẫu Tâm Châu Bình, nhận Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là Bổn mạng. Đức Giám mục Sài Gòn Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã chính thức giao cho Lm Đaminh Maria Trần Đình Thủ CRM - Bề trên Dòng Đồng Công (Mẹ Chúa Cứu Chuộc) - phụ trách giáo xứ. Vào ngày 8-12-1956, lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo xứ Châu Bình chính thức được thành lập.
Suốt 66 năm qua, Giáo xứ đã trải qua 12 thời kỳ chánh xứ và quản nhiệm. Hiện nay, linh mục hánh xứ là Cha Gioan Bosco Phạm Văn Phương, CRM.
Trong dòng lịch sử của giáo xứ như thế, ca đoàn Têrêsa là ca đoàn thiếu nhi, được thầy Đaminh Phạm Thuyên thành lập vào năm 1975 dưới thời Lm chánh xứ Gioan Maria Vũ Long Toàn CRM. Tính đến năm 2022, ca đoàn Têrêsa đã chạm cột mốc 47 năm tuổi và trải qua hơn 10 đời ca trưởng.
Thuở ban đầu, ca đoàn thiếu nhi được thành lập để hát tất cả các lễ chiều trong tuần, trong khi đó ca đoàn chính của xứ thì phụ trách tất cả các lễ sáng. Sau đó, ca đoàn thiếu nhi chỉ phụ trách hát lễ chiều thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và sáng Chúa nhật. Đến thời điểm này, ca đoàn chỉ còn phụ trách ba thánh lễ mỗi tuần.
LỜI KẾT
"Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya” (Tv 92, 2-3).
Với khát mong có thể sinh lời từ nén bạc Chúa trao và nhằm lan tỏa vẻ đẹp của thánh nhạc phụng vụ đến cho mọi người, ca đoàn Têrêsa Châu Bình vẫn cố gắng hoàn thiện bản thân ngày một phát triển hơn trong ơn gọi phục vụ của người ca viên và trong hồng ân của Chúa. Các em trong ca đoàn luôn tin tưởng rằng, âm nhạc Công giáo nói chung và thánh nhạc trong phụng vụ nói riêng luôn có sức cuốn hút lạ kỳ với những bản nhạc du dương trầm bổng hướng người hát và người nghe đến một trạng thái bình yên.
MVTT Hạt Thủ Đức (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa
-
Chuyến đi tĩnh tâm của ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức - Kỷ niệm 50 năm thành lập (1974 – 2024) -
Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cầu nguyện cho Các Đẳng Linh hồn -
Ban Caritas hạt Tân Định mừng kính Thánh Bổn mạng Martin de Porres 2024 -
Ban Caritas Giáo hạt Xóm Mới mừng lễ Bổn mạng, 4-11-2024 -
Tưởng nhớ các Linh hồn trong Luyện tội -
Thánh lễ kính Thánh Martino De Porres, mừng bổn mạng Caritas Giáo hạt Thủ Thiêm -
Đóng góp cho “Quỹ Bác ái Xã hội – Caritas” của Tổng Giáo phận -
Giới Doanh nhân Công giáo TGPSG: Trao Học bổng Tôma Thiện đợt II/2024
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc