Bố mẹ ‘rối hôn phối’, con cái còn làm được chuyện gì?

Bố mẹ ‘rối hôn phối’, con cái còn làm được chuyện gì?

Bố mẹ ‘rối hôn phối’, con cái còn làm được chuyện gì?

TGPSG -- Câu chuyện kể về một cậu thanh niên một ngày nọ nhận ra được sự thật rằng bố mẹ cậu “rối hôn phối”. Giữa lúc tâm trạng còn đầy rẫy những hoang mang, cậu cầu nguyện và tự hỏi: “Bố mẹ rối hôn phối, con cái còn làm được chuyện gì?”

"Rối hôn phối" là cụm từ chỉ tình trạng do ly dị tái hôn hay kết hôn ngoài luật Hội Thánh. Theo kỉ luật của Hội Thánh Công  giáo cho đến nay thì các trường hợp rối hôn phối không được lãnh nhận Bí tích Giải tội và Thánh Thể; không được lãnh Bí tích Xức dầu nếu không có dấu hiệu ăn năn thống hối khi nguy tử. Tình trạng này xem ra thật khó khăn, thế mà bố mẹ cậu lại trong tình trạng “rối hôn phối” ấy. Bố mẹ rối hôn phối là chuyện “bí mật lớn” mà cậu và các anh chị em cậu chỉ mới được biết trong mấy năm trở lại đây khi tất cả đã trưởng thành.

Kí ức tuổi thơ của cậu là những tháng ngày sống hạnh phúc, bình yên dưới một mái nhà bố mẹ, bà ngoại và 4 anh chị em mà cậu là người con thứ hai.

Là một gia đình Công giáo, lại sống trong một xứ đạo toàn tòng thuộc giáo phận Xuân Lộc nên có thể nói cậu được hun đúc một đời sống đạo đức từ gia đình và xứ đạo. Những năm đầu thập niên 90, khi internet chưa có thì mỗi buổi tối, các trẻ em trong xóm thường tụ tập nhau tại các sân đất rộng để cùng nhau chơi trốn tìm, tạt lon hay đuổi bắt,…Dẫu chơi vui là thế nhưng cứ đúng 19h30 là anh em cậu lại bị mẹ cầm roi đuổi về để đọc kinh tối chung với gia đình. Cứ thế mà trở thành một thói quen ăn sâu vào sinh hoạt thường ngày của cậu.

Hằng ngày cứ mỗi sáng sớm lúc 4g30 là các anh em cậu lại bị gọi dậy để đi lễ. Có những hôm đi lễ về sớm là cậu và lũ trẻ trong xóm lại chơi đá banh hoặc đi bắt dế sớm rồi mới về đến nhà để chuẩn bị đi học.

Bị bắt đi lễ hoài như vậy, nhiều khi cậu cũng bực bội mà hét lên: “Sao bố mẹ không đi mà cứ bắt con đi hoài vậy”. Câu nói bộc phát ra trong bực bội khi ấy cậu chẳng nghĩ gì nhiều.

Có lẽ hồi nhỏ bị bố mẹ bắt đi lễ nhiều, bị đọc kinh nhiều nên lớn lên cậu đòi… đi tu. Khi cậu bắt đầu học đại học cũng là lúc cậu xin tìm hiểu ơn gọi tại một dòng tu. Cậu cũng không còn nhớ lúc đó bố mẹ cậu vui hay buồn nhưng chính bố mẹ cậu đã vào xin cha xứ giấy giới thiệu để được nhận vào giai đoạn tìm hiểu của nhà dòng.

Có thể bố mẹ cậu biết rằng con đường tu trì chẳng dễ dàng gì và tuổi trẻ cũng hay thay đổi nên bố mẹ cậu cũng chỉ động viên rằng cứ vừa học đại học vừa tìm hiểu nhà dòng, khi nào học xong rồi tính tiếp.

Thời gian 4 năm đại học trôi qua, rồi cũng đến ngày tốt nghiệp, cậu phải quyết định: hoặc là lên giai đoạn Tiền Tập viện hoặc là đi làm. Trong suốt thời gian vừa học vừa tìm hiểu ơn gọi, cậu đã có quyết định cho mình: Cậu sẽ tiếp tục con đường tu trì.

Thế nhưng, điều cậu không thể ngờ được là lúc này bố mẹ cậu kịch liệt phản đối việc cậu đi tu. Lý do đưa ra là vì lý do kinh tế gia đình. Suốt 4 năm đại học, gia đình phải vay vốn để cho cậu ăn học. Nay tốt nghiệp ra trường rồi nếu cậu đi tu thì ai sẽ trả số nợ đó?

Thêm nữa, đúng vào năm ấy, kinh tế gia đình bị khủng hoảng do dịch heo tai xanh. Cậu còn nhớ sáng mồng hai Tết, bầy heo nhà cậu nuôi bị nhiễm bệnh tai xanh lăn đùng ra chết. Khi đó, phải năn nỉ lái buôn thu mua với giá rẻ mạt.

Gia đình là nguồn động viên ơn gọi lớn lao nhưng đôi khi gia đình cũng là một rào cản lớn nếu không thể vượt qua. Cậu mất một tuần để suy nghĩ về con đường ơn gọi, về trách nhiệm của cậu với gia đình. Và cậu quyết định tạm dừng ơn gọi để đi làm trong vài năm để trả nợ. Sau đó kinh tế ổn định cậu sẽ đi tu lại.

Cậu trình bày quyết định rời khỏi cộng đoàn với tất cả lý do và dự tính. Cậu xin được ở lại cộng đoàn thêm một tuần để tìm kiếm chỗ trọ mới ngoài cộng đoàn.

Cha bề trên tôn trọng quyết định của cậu và ngài nói sẽ sẵn sàng đón nhận cậu quay trở lại cộng đoàn bất cứ khi nào cậu trở về. Đồng thời, vì quý trọng ơn gọi, ngài đề nghị sẽ xin ân nhân trợ giúp cậu về tài chính.

Và quả thật, hai tuần sau đó, cha bề trên gửi cho cậu một số tiền xin được từ các ân nhân để trợ giúp cậu trả một phần của khoản nợ thời sinh viên. Như giải tỏa được khúc mắc ngăn trở việc tiếp tục ơn gọi, cậu trở về gia đình báo tin cho bố mẹ biết quyết định của cậu về việc sẽ tiếp tục ơn gọi. Tưởng rằng sẽ được vui mừng nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ nhưng một cuộc tranh luận căng thẳng nảy ra.

Cậu chất vấn lý do gì mà bố mẹ không ủng hộ cậu đi tu, mặc dầu khó khăn về tài chính mà bố mẹ đưa ra trước đó phần nào đã được giải quyết. Chính lúc này, bố mẹ với nói ra lý do thật sự mà bố mẹ muốn ngăn cản cậu đi tu: Bố mẹ sống với nhau nhưng không có phép Hôn phối. Bố mẹ đã dò hỏi một số linh mục thì các vị ấy cho biết rằng bố mẹ không có phép Hôn phối thì con cái đi tu cũng không được vì trong hồ sơ cá nhân ngoài giấy chứng nhận Rửa tội và Chứng nhận Thêm Sức của cá nhân thì cần có Chứng thư Hôn phối của bố mẹ.

Khi ấy, bố mẹ mới cho cậu biết rằng bố cậu năm 18 tuổi đã từng kết hôn và làm phép Hôn phối tại nhà thờ với một người phụ nữ. Sống chung được chưa đầy một năm thì không hòa hợp nên chia tay. Bố cậu bỏ lên Đồng Nai làm ăn sinh sống và gặp mẹ cậu, còn người phụ nữ kia ở vậy cho đến nay.

Bấy giờ, cậu mới xâu chuỗi lại được tất cả những thắc mắc trong quá khứ: tại sao gia đình cậu ở với bà ngoại mà không ở với nội - đó là vì họ nội không nhìn nhận mẹ cậu là con dâu vì sợ sẽ bị liên lụy“ dứt phép thông công”; tại sao bố mẹ cậu đi lễ nhưng không rước lễ và chưa bao giờ cậu thấy bố mẹ đi xưng tội,...

Bố mẹ đã một vài lần làm hồ sơ để gỡ dây Hôn phối cũ nhưng không thể vì phép Hôn phối trước đó đã thành sự và người phối ngẫu vẫn còn sống. Thế là bố mẹ cậu chấp nhận sống trong kỉ luật của Giáo Hội nhưng vẫn giữ nếp sống đạo và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho con cái.

Nghe được sự thật về tình trạng “rối hôn phối” của bố mẹ, cậu vừa thương bố mẹ, vừa bối rối về con đường tu trì của cậu. Cậu cầu nguyện và tự hỏi: “Bố mẹ rối hôn phối, con cái còn làm được chuyện gì?”

Cậu đem sự thật này trình bày với cha bề trên và ngài nói cần thêm thời gian để tham khảo các chuyên gia giáo luật trong Hội dòng để có câu trả lời chính xác nhất.

Sau cùng, câu trả lời của cha bề trên làm cậu vui mừng khôn xiết kể: Đối với Hội dòng, việc rối hôn phối của bố mẹ không có bất kì ảnh hưởng đến ơn gọi tu trì của con cái. Như được gỡ khỏi một mối ưu tư nặng nề, bố mẹ cậu vui mừng và hết sức ủng hộ việc cậu đi tu. Cậu xin được trở lại cộng đoàn và tiếp tục sống đời dâng hiến.

Về phần bố mẹ, dẫu có được vơi nhẹ nỗi lòng nhưng nỗi mặc cảm vì không được xưng tội, rước lễ vẫn cứ đau đáu trong lòng, nhất là khi bố mẹ cậu tuổi cũng đã về già, chỉ mong được chết trong ơn nghĩa Chúa. Cậu biết được những nỗi lòng đó của bố mẹ nhưng cũng chẳng thể làm gì khác ngoài việc cầu nguyện và an ủi bố mẹ vững lòng cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa.

Người viết cũng chính là nhân vật cậu thanh niên trong câu chuyện này. Tôi được mời gọi kể lại câu chuyện này để nhìn lại hành trình ơn gọi của mình và sự quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi một tuần trước khi tôi được phong chức Phó tế.

Quả thật, Chúa quan phòng luôn yêu thương và chăm sóc Dân Người. Chúa chẳng bao giờ thử thách con người quá sức. Sau hơn 35 năm Chúa đặt để bố mẹ tôi trong tình trạng rối hôn phối, Chúa đã cất bố mẹ tôi ra khỏi tình trạng ấy và trở lại sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh. Tháng 4 năm 2022 vừa qua, bố mẹ tôi cho biết người phối ngẫu cũ của bố tôi đã qua đời, do đó sợi dây Hôn phối cũ không còn và bố mẹ tôi đã được cử hành Nghi thức Hôn phối.

Ngày tuyên khấn đầu, ngày tuyên khấn trọn đời của tôi, bố mẹ tôi có mặt trong Thánh lễ nhưng không được rước lễ. Nhưng trong ngày tôi chịu chức Phó tế sắp tới đây, tôi sẽ được thấy bố mẹ tôi Rước Chúa rồi.

Không có gì, kể cả tình trạng rối hôn phối, có thể tách chúng ta ra khỏi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Cứ tin tưởng, tín thác vào Người, Người sẽ ra tay.

Minh Hiếu

           

Top