Bài tham luận của ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, GP. Mỹ Tho

Bài tham luận của ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, GP. Mỹ Tho

GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
theo MÔ HÌNH HIỆP THÔNG của BA NGÔI THIÊN CHÚA

 

Ý tưởng hiệp thông là một ý tưởng cơ bản và nồng cốt nhất của Giáo Hội học Công đồng Vatican II, là chìa khóa để có thể thấu hiểu thần học của Hiến chế Giáo Hội và canh tân khoa Giáo Hội học theo đúng tinh thần của Công đồng [1].

Bài này chỉ nhấn mạnh “nền tảng Ba Ngôi học” của mầu nhiệm “Giáo Hội hiệp thông”, mục đích đưa ra một hướng dẫn thần học chắc chắn, dựa trên Kinh Thánh, Giáo phụ và Huấn quyền cho sự canh tân Giáo Hội tại Việt Nam. Mục tiêu của bài này, dù xây dựng trên truyền thống, cố ý mở ra cho những suy nghĩ và áp dụng cụ thể sinh động mà không sợ trệch đường.

Thiên Chúa là “Tình yêu”, tình yêu không thể là một sự đơn độc buồn tẻ, mà là “những tương quan yêu thương, những hành vi yêu thương”. Nơi Thiên Chúa, những tương quan ấy, những hành vi ấy hiện thực và trọn vẹn đến nỗi là những “Ngôi vị” cụ thể mà Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mà mỗi người Kitô hữu chúng ta đều tin và tuyên xưng, biết và yêu mến nhờ đức tin Phép Rửa.

Ba ngôi Thiên Chúa là “sự Hiệp thông Tình yêu” sâu xa đến nỗi không còn là Ba, mà là Một . Chúng ta chỉ có một Thiên Chúa, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các Ngôi vị hướng về nhau, đến với nhau, gắn bó với nhau, tự hiến cho nhau, ở trong nhau và nên một với nhau.

Giáo Hội được sinh ra bởi “Tình yêu Ba Ngôi”, sống trong Tình yêu ấy, nhờ Tình yêu ấy và cho Tình yêu ấy. Giáo Hội bắt nguồn từ mầu nhiệm “Hiệp thông Ba Ngôi” và hành trình hướng về sự “Hiệp thông Ba Ngôi”. Hiến chế Giáo Hội viết : “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất (Plebs adunata) do sự Duy nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG, 4 ).

I. GIÁO HỘI LÀ MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

1. Hiệp thông theo chiều đứng và chiều ngang

Khi tuyên xưng Giáo Hội là “Mầu nhiệm hiệp thông”, ý niệm hiệp thông không là một ý niệm đơn nghĩa, nhưng phải được hiểu trước hết theo “chiều đứng”, rồi mới theo “chiều ngang”[2]. Thiếu chiều đứng, không có Giáo Hội theo nghĩa Kitô giáo, mà chỉ còn là một “tập thể” như những tập thể trần gian khác. Hiệp thông trước hết là “Hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi” : trong Chúa Thánh Thần chúng ta nên một với Chúa Giêsu, và nhờ Chúa Giêsu chúng ta nên một với Thiên Chúa. Rồi mới đến chiều ngang là “nhờ kết hợp với Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, chúng ta nên một với nhau, làm thành Giáo Hội, “Thân Thể mầu nhiệm” của Chúa.

Đối với Giáo Hội, hiệp thông luôn là một “ân sủng”. Chính vì thế mà Chúa Giêsu tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha : “Con không những cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21). Giáo Hội không ngừng đón nhận ân sủng đó từ Thiên Chúa. Đó là “Ơn thông hiệp”, là Thánh Thần Tình yêu và Hợp nhất, là Hoa trái của sáng kiến Tình yêu Cứu độ của Chúa Cha, được trao ban cho chúng ta trong “Mầu nhiệm Vượt qua” của Chúa Kitô.

Nhờ “Phép Rửa”, chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm Khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, cùng chết với Chúa và cùng sống lại với Người[3]. Trong Phép Rửa, Chúa Thánh Thần vừa là tác nhân tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô, như ghép cành nho vào “Cây nho”, để chúng ta nên một với Chúa trong mầu nhiệm Vượt qua. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng là “Hồng Ân Cứu độ”, là Ơn tha tội, là “Sự sống mới” làm cho chúng ta trở nên con người mới, là “Thần Khí Phục Sinh”, làm cho chúng ta cùng sống lại với Chúa Kitô, và là Tình yêu hiệp thông làm cho chúng ta nên một với nhau. Chúng ta nên một do ý muốn cứu độ của Chúa Cha, nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, trong ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, và chúng ta làm thành Giáo Hội.

Nhờ “Bí tích Thánh Thể”, chúng ta càng được hiệp thông sâu xa hơn nữa với Chúa Kitô, được thông phần “Mình và Máu” Người[4]. Chính Người trở nên lương thực thần linh, nên “Bánh Sự Sống” nuôi dưỡng chúng ta. Mọi Kitô hữu đều sống bằng sự sống của Chúa Kitô, và nhờ đó trở nên chi thể của “Thân Mình” Người là Giáo Hội. Cử hành Thánh lễ là cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người. Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng ra đi với Chúa Kitô hướng về Chúa Cha.

2. Hiệp thông hữu hình và vô hình

Hiệp thông Giáo Hội vừa là vô hình, vừa là hữu hình[5]. Khía cạnh vô hình, chính là sự hiệp thông của mỗi người với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông với những người được cùng chia sẻ bản tính thần linh của Thiên Chúa (divinae consortes naturae[6]). Ngoài sự hiệp thông vô hình, còn có “hiệp thông hữu hình” trong “Giáo lý các Tông đồ”, trong “đời sống Bí tích” và trong “phẩm trật Hội Thánh”.

Bộ mặt hữu hình rõ rệt nhất là “Cộng đồng các tín hữu”, là Tập thể các Kitô hữu, những người môn đệ của Chúa Giêsu, những con người tin và bước theo Chúa Giêsu, được tổ chức theo “phẩm trật”. Phẩm trật trong Giáo Hội được Chúa Giêsu lập ra, để phục vụ và hướng dẫn Giáo Hội. Phẩm trật không đi ngược với sự hiệp thông, trái lại được Chúa Thánh Thần sử dụng để hoàn toàn phục vụ sự hiệp thông.

Toàn thể Giáo Hội đều được tham gia vào ba chức năng “Tư tế, Tiên tri và Vương đế” của Chúa Giêsu. Nhưng có những người được kêu gọi để tham dự cách đặc biệt hơn, đó là các thừa tác viên được nhận lãnh Bí tích Truyền chức thánh. Họ được tham dự “tư cách làm đầu” của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha là người kế vị Thánh Phêrô được Đức Kitô đặt làm đầu toàn thể Giáo Hội[7], là “đầu mối hiệp thông” trong Giáo Hội phổ quát. Giám mục là những người tiếp nối sứ vụ các Thánh Tông đồ, là “đầu mối hiệp thông” trong giáo phận được trao phó cho các ngài.

Cả hai bộ mặt hữu hình và vô hình của Giáo Hội đều phải được lưu tâm đúng mức theo thánh ý của Thiên Chúa, mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Giữa hữu hình và vô hình, có một tương quan hết sức mật thiết. Cái hữu hình diễn đạt và chuyển tải sự hiệp thông vô hình. Cơ chế của Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ phục vụ ân sủng, là dấu chỉ Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, dấu chỉ của “sự tiệp thông Ba Ngôi”.

Mỗi Kitô hữu được sinh ra làm con cái Thiên Chúa trong lòng Mẹ Giáo Hội nhờ Lời Chúa và các Bí tích và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như lời thánh Phaolô : “Phàm ai được Thần Khí hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 14). Mỗi Kitô hữu đều được xức dầu Thánh Thần khi nhận lãnh Bí tích Rửa tội, để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Và nhờ Chúa Kitô mà họ gặp gỡ trong các Bí tích, họ được tràn đầy Thần Khí yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con.

Giáo Hội là “Hiệp thông các thánh[8]”, chính là vì những người chịu Phép Rửa đều được thông phần, được chia sẻ cùng một Thánh Thần. Họ đều được uống cùng Thần Khí độc nhất[9] là “Nước sự sống chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu” (Ga 19, 34). Và cùng với Chúa Thánh Thần, họ được nhận lãnh muôn vàn ân huệ khác nhau, là những đặc sủng để phục vụ ích chung của cộng đoàn[10].

II. GIÁO LÝ TRUYỀN THỐNG CỦA GIÁO HỘI VỀ HIỆP THÔNG

Để mỗi người chúng ta có thể nắm vững giáo lý truyền thống của Giáo Hội về mầu nhiệm hiệp thông (Koinonia, Communio), chúng ta phân biệt ba bình diện :

1. Thông phần cùng một Thần Khí (Communio Sancti)

Bình diện thứ nhất được khoa thần học gọi là “Communio Sancti”, là sự “thông phần cùng một Thần Khí” hay là “sự Hiệp thông trong Chúa Thánh Thần” [11]. Chúng ta nên một với Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ Chúa Giêsu nên một với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là “Môi Sinh”, là nơi chúng ta được kết hợp với Chúa Giêsu và Chúa Cha. Ngài là “môi sinh vô hình trong môi sinh hữu hình là Giáo Hội”, nên được các thánh Giáo phụ gọi là “linh hồn của Giáo Hội”. Chính nhờ vậy mà Giáo Hội trở nên nơi gặp gỡ, nơi con người được tiếp xúc và kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa.

2. Thông phần “các thực tại thánh” (Communio sanctorum)

Bình diện thứ hai được gọi là “Communio sanctorum”, là sự thông phần các “thực tại thánh”, sự hưởng nhờ các Bí tích, đăc biệt là được ăn cùng một Bánh, uống cùng một Chén trong Bí tích Thánh Thể[12] . Nhiệm cục cứu độ của thời Tân Ước là “nhiệm cục Bí tích” : Thiên Chúa cứu độ chúng ta trong Giáo Hội qua những “dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu là các Bí tích. Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta qua các Bí tích.

Ngoài các Bí tích ra, Giáo Hội học Công đồng Vatican II còn nhấn mạnh đến “Lời Chúa” được công bố trong Giáo Hội. Chính nhờ lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh mà chúng ta được tiếp xúc với Chúa Thánh Thần là tác giả thần linh của sách Kinh Thánh.

3. Hiệp thông các thánh (communio sanctorum fidelium)

Bình diện thứ ba được gọi là “Communio sanctorum fidelium”, là “sự hiệp thông giữa các thánh hữu”. Các tín hữu Kitô được Phaolô gọi là “thánh hữu”, vì họ đã chịu Phép Rửa, đã được thanh tẩy, được trở nên công chính nhờ “Thần Khí thánh hóa” mà họ đã lãnh nhận. Mọi Kitô hữu đều được tháp nhập vào Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại. Họ là một với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, nên họ là một với nhau, làm thành một Thân Thể Duy nhất là Giáo Hội.

Sự hiệp thông này không giới hạn vào những người còn sống tại thế, mà còn là sự “Hiệp thông với triều thần thánh trên trời”, với các linh hồn còn chịu đau khổ trong luyện ngục [13].

4. Tương quan mật thiết giữa ba bình diện

Ba bình diện nêu trên, tuy phân biệt, nhưng không tách rời nhau, trái lại còn “gắn kết” với nhau, bình diện này tựa trên các bình diện kia. Thần Khí như gió muốn thổi đâu thì thổi, nhưng trong nhiệm cục cứu độ dành cho con người, cần phải có những dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu do Chúa Giêsu lập ra là các Bí tích để thông ban Thần Khí cho chúng ta.

Giáo Hội là “Cộng đồng các tín hữu” gắn bó với nhau, kết hợp với nhau, nhưng không phải bởi một tình bằng hữu thuần túy tự nhiên, hoặc một khế ước “thuần túy xã hội” (contrat social), nhưng là một “Dân Thánh”, được quy tụ bởi “Tình yêu Ba Ngôi”, được kết hợp với Thiên Chúa và nối kết với nhau nhờ “Hồng ân Thánh Thần” mà họ lãnh nhận qua Lời Chúa và các Bí tích.

5. Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương

Sự hiệp thông nói trên làm thành Giáo Hội của Chúa Kitô, Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Giáo hội ấy “tồn tại” (subsistit in) trong Giáo Hội Công giáo, do Đấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển[14]. Giáo Hội phổ quát đó hiện diện cách trọn vẹn trong từng Giáo Hội địa phương (Giáo phận)[15].

“Cộng đồng phụng vụ” được quy tụ dưới sự chủ tọa của giám mục là dấu chỉ và là đầu mối của “sự hợp nhất của Giáo Hội địa phương”[16]. “Cộng đoàn Thánh Thể tại địa phương” là Giáo hội Duy nhất nhờ một Thần Khí và một Thân mình Duy nhất “Chỉ có một tấm Bánh, và tấ cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân thể” (1 Cr10, 17). Là Giáo Hội thánh thiện nhờ quyền năng thánh hóa của cùng một Thần Khí. Là Giáo Hội Công giáo vì biểu hiện sự viên mãn của mầu nhiệm Chúa Kitô, hiện diện và hoạt động trong lịch sử để hòa giải mọi người và mọi loài với Chúa Cha. Là Giáo hội Tông truyền vì tiếp nối Truyền thống các Tông đồ và đảm nhận “sứ vụ các Tông đồ” mà Chúa Kitô đã trao phó[17].

Chúng ta có thể nói, theo một nghĩa loại suy[18], về sự hiệp thông của các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội Rôma và sự hiệp thông giữa các Giáo Hội với nhau. Đức Thánh Cha là người kế vị Thánh Phêrô, đứng đầu “Tông đồ đoàn”, cũng là người đứng đầu “Giám mục đoàn”, và sự hiệp thông này làm thành Giáo Hội phổ quát. Nhưng không được quan niệm Giáo Hội địa phương có trước, và Giáo Hội phổ quát chỉ là “tổng số các Giáo Hội địa phương”. Chính Giáo Hội của Chúa Kitô là Giáo Hội phổ quát sinh ra các Giáo Hội địa phương và hiện hữu trong các Giáo Hội địa phương. Công thức tín lý “Ecclesia in et ex Ecclesiis” (Giáo Hội trong và từ các Giáo Hội) phải được bổ sung bằng một công thức tín lý khác là “Ecclesiae in et ex Ecclesia” (các Giáo Hội trong và bởi Giáo Hội)[19].

III. MỘT VÀI DẤU NHẤN CẦN THIẾT ĐỂ TRÁNH NHỮNG TƯ TƯỞNG CỰC ĐOAN VỀ HIỆP THÔNG

Một từ ngữ trong Thần học Công giáo cần được nhấn mạnh, để đức tin của chúng ta luôn là đức tin Tông truyền, đó là chữ và. Chữ và là một từ nối kết, chứ không là một từ phân ly.

1. Duy nhất và Đa dạng

Khi nói đến sự hiệp thông trong Giáo Hội, chúng ta đề cập đến “tính Duy nhất” và “sự Đa dạng”[20]. Không có sự chọn lựa giữa Duy nhất và Đa dạng, không có sự mâu thuẩn giữa Một và Nhiều. Nếu quá nhấn mạnh đến sự Duy nhất, chúng ta dễ rơi vào rập khuôn và đồng nhất, bấy giờ môi trường giáo xứ hay giáo phận có thể bóp chết các sáng kiến, dập tắt các đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Nếu quá nhấn mạnh tới sự đa dạng, chúng ta có thể rơi vào sự hỗn loạn và chia rẽ.

Hơn bao giờ hết, ở đây Giáo Hội phải là “hình tượng” của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ có một Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Con không phải là Chúa Thánh Thần. Chúa Cha cũng không phải là Chúa Thánh Thần. Nhưng cả Ba Ngôi ở trong nhau và là Một với nhau.

2. Hòa điệu và Tương phản

Một chữ và khác cần nhấn mạnh là chữ và giữa hai chữ hòa điệu và tương phản (harmonie et contraste). Trong hiệp thông có hòa điệu và tương phản đi đôi, hay chỉ có hòa điệu mà không có chút tương phản nào ? Nếu dùng triết lý Đông phương, chúng ta sẽ bảo rằng không có gì thuần âm, cũng không có gì thuần dương. Nếu chỉ có âm, thì không có hòa điệu, mà nếu chỉ có dương thì cũng không có hòa điệu. Âm và Dương là hai điều tương phản, và hòa điệu giữa âm và dương là hòa điệu giữa những điều tương phản.

Nếu nhấn mạnh hòa điệu mà coi thường tương phản, thì chúng ta sẽ rất sợ những tương phản, những quan điểm trái ngược, mà có khi chúng ta đồng hóa với sự chống đối và nghĩ rằng như thế là không còn sự hiệp thông. Nếu quá nhấn mạnh tương phản, chúng ta trở thành những người chỉ thích nói ngược, và như thế sẽ không góp phần xây dựng được điều gì, mà chỉ phá đổ. Ở đây ta hãy ứng dụng triệt để câu nói của Đức Thánh Cha Gioan XXIII : Duy nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì còn nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự (In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas[21]).

3. Rồi và Chưa

Từ ngữ và cũng cần phải nhấn mạnh trong biện chứng “rồi và chưa” (déjà và pas encore) trong Thần học. Giáo Hội Chúa Kitô có thực sự là Giáo Hội hiệp thông, là Dấu chỉ , là Hình tượng của sự “Hiệp thông Ba ngôi” không ? Rồi và Chưa. Nhờ và trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thực sự đã là “Mầu nhiệm hiệp thông”, là Môi sinh Tình yêu, là nơi gặp gỡ tốt nhất, sâu xa nhất giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau.

Nhưng Giáo Hội cũng còn đang lữ thứ, đang hành trình hướng đến hiệp thông. Khía cạnh chưa này rất rõ khi chúng ta nhìn vào các thành viên của Giáo Hội. Nhiều thành viên còn rất xa Chúa và xa nhau. Thân phận người Kitô hữu vẫn là thân phận tội lỗi, mặc dù đã được công chính hóa nhờ ân sủng vì đã tin vào Đức Giêsu Kitô. Các thành phần dân Chúa còn phải cố gắng rất nhiều để có thể bước theo Chúa Giêsu trên con đường Vượt qua của Người. Bao lâu Giáo Hội còn tại thế, thì Vượt qua và Hiệp thông vẫn còn kèm theo nhau : chúng ta kết hợp với Chúa để Vượt qua với Người, rồi nhờ Vượt qua với Người chúng ta lại kết hợp mật thiết hơn với Người.

Quá nhấn mạnh khía cạnh rồi, chúng ta sẽ thất vọng khi nhìn thấy những rạn nứt, chia rẽ, xung đột trong lịch sử Giáo Hội, và ngay trong hiện trạng mà chúng ta đang sống. Hãy lưu ý khía cạnh chưa, để chúng ta vừa là những con người thực tế, vừa không ngừng nỗ lực vươn lên, vừa cầu xin “Ơn Thông hiệp” là Thánh Thần Tình yêu mà chắc chắn Thiên Chúa ban cho ta, mỗi lần ta cầu xin. Nhấn mạnh khía cạnh chưa là hướng tới cái “sẽ đến”, hướng tới tương lai, lòng tràn ngập hy vọng, vì tin tưởng vào Tình yêu của Thiên Chúa, Tình yêu lớn hơn tội lỗi và mạnh hơn tử thần.

IV. NHỮNG Ý NGHĨA KHÁC NHAU CỦA TỪ HIỆP THÔNG

Hiệp thông là một ý niệm rất phong phú về nội dung, nên có thể dùng một số từ ngữ khác, diễn tả những khía cạnh khác nhau, mà khía cạnh nào cũng đều có những hệ luận quan trọng cho đời sống tu đức của người Kitô hữu và công việc mục vụ của Giáo Hội.

1. Hiệp thông là “Thông phần” (participatio)

Trước hết hiệp thông là “Thông phần”. Tất cả chúng ta đều được ăn cùng một Bánh, uống cùng một Chén, thông phần vào “Mình và Máu Thánh Chúa”, thông phần Hy tế thập giá của Chúa Kitô[22]. Tất cả chúng ta đều được thông phần cùng một Thần Khí, được uống cùng một thứ Nước Sự Sống là Thần Khí, vì chúng ta đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một Thân Thể[23]. Trong Thần Khí, chúng ta được thông phần Sự Sống của Chúa, Anh Sáng của Chúa, Tình yêu của Chúa, Sức mạnh của Chúa.

Chữ thông phần nhấn mạnh sự hiện diện tích cực của chúng ta. Chúng ta được tham gia, chúng ta có phần, chúng ta dự phần. Chữ thông phần nhấn mạnh quyền lợi và trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta thông phần cùng một Bánh, làm nên một Thân Thể. Chính chúng ta làm nên Thân thể ấy, chứ không phải ai khác, dĩ nhiên với điều kiện là chúng ta gắn bó và nên một với Chúa và với nhau. Tất cả chúng ta đều phải tích cực tham gia xây dựng Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Giáo Hội phải được tổ chức thế nào, để mọi người đều có thể tham gia.

2. Hiệp thông là “Chia sẻ” (partage, sharing)

Hiệp thông còn có nghĩa là “chia sẻ”. Nghi lễ Bẻ Bánh (Fractio Panis) trong Giáo Hội sơ khai, chính là Bí tích Thánh Thể, là “Bánh bẻ ra” để chia sẻ cho mỗi người chúng ta, là Thân Mình của Chúa Kitô “tự hiến” cho chúng ta. Phaolô viết : “Chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17).

Vì hiệp thông là chia sẻ và được chia sẻ cùng một của ăn là chính Chúa, chia sẻ cùng một Tình yêu và Sự Sống của Chúa, nên đường hướng mục vụ của chúng ta phải nhấn mạnh khía cạnh “liên đới, chia sẻ cho nhau” những gì mình có, thậm chí là chính bản thân mình. Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2004 “Giáo Hội sống mầu nhiệm Thánh Thể” nhấn mạnh khía cạnh này trong đời sống của Giáo Hội[24].

3. Hiệp thông là “Kết hợp với” (Communio : Cum-Unio)

Ý nghĩa cơ bản nhất và thẳm sâu nhất của từ hiệp thông là “yêu mến”, là “gắn bó với nhau” là “kết hợp”, là “nên một với nhau”. Mục vụ hiệp thông là mục vụ nối kết, là “cùng nhau suy nghĩ và hành động”, là “đối thoại và cộng tác với nhau”.

Yêu thương luôn là một hành vi nối kết, nhưng đồng thời cũng là một hành vi khai phóng, khơi dậy tự do. “Hãy yêu nhau và để cho nhau tự do”. “Hãy yêu nhau và tôn trọng tự do của nhau”. “Hãy yêu nhau và hun đúc tự do cho nhau”. “Hãy yêu nhau và làm cho nhau tự do”.

Thiên Chúa yêu chúng ta, Ngài dựng nên chúng ta tự do. Chúng ta đã làm mất tự do và trở thành nô lệ khi phạm tội. Vì yêu thương ta, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến giải cứu ta, và làm cho chúng ta trở thành những người con tự do của Ngài. Ngài ban Thánh thần Tình yêu, Thần Khí nghĩa tử , để chúng ta có thể kêu lên : “Abba, lạy Cha” (x. Rm 8, 15). Tình yêu của Thiên Chúa mời gọi tình yêu của con người (Amor amorem invocat). Tình yêu của con người là tình yêu đáp lại Tình yêu.

4. Phân biệt giữa từ Hiệp thông và Hiệp nhất

Khi kêu gọi hợp nhất, Phaolô nhấn mạnh tối đa đến sự Duy nhất của Giáo Hội trong một Thần Khí Duy nhất : “Chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4, 4). “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa” (Ep 4, 5). “Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 6).

Công đồng Vatican II coi Giáo Hội như Bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất toàn thể nhân loại[25][1].

Khó mà có sự phân biệt hết sức rõ ràng giữa hai giữa hai ý niệm “Hiệp nhất” (Hợp nhất) và “Hiệp thông”. Nhưng dù sao cũng nên phân biệt, để tránh những đòi hỏi quá đáng đối với Giáo Hội còn đang lữ thứ, và có một cái nhìn “động” (dynamique) thay vì quá “tĩnh” ( statique) về Giáo Hội.

Hiệp thông là một “tiến trình”, một “vận hành” của tình yêu bao gồm sự “hướng về nhau” (tương hướng), “giao lưu với nhau” (tương giao), “kết hợp với nhau” (tương hợp), “hiện diện trong nhau” (tương tại). Hiệp thông không gì khác hơn là yêu nhau và gắn bó mật thiết với nhau. Chúa Thánh Thần là “Ngôi Vị Tình yêu” nối kết Chúa Cha và Chúa Con mật thiết đến nỗi là một “Bản Thể Duy Nhất”. Chúa Thánh Thần được Chúa Cha và Chúa Con ban cho ta là “Thần lực Tình yêu”, nhờ đó ta yêu mến, kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa và với nhau.

Hiệp nhất là một trạng thái, là kết quả của tiến trình, của hành vi yêu nhau : “là một với nhau vì yêu nhau”. Trạng thái này nhấn mạnh tới sự “Duy nhất”, “Thống nhất” ngược với tình trạng chia rẽ, phân hóa, tan rã do thiếu tình yêu, của tập thể nhỏ như gia đình hay lớn hơn như xã hội, dân tộc, kể cả tập thể tôn giáo như giáo xứ, giáo phận… Hiệp nhất là một trạng thái bình an, ổn định, đoàn kết, vì không có sự chống đối, xung đột, không có hận thù ghen ghét…

Chúng ta nhấn mạnh tới sự hiệp nhất trong Giáo Hội, vì đó là điều Chúa Kitô ước muốn, điều Người tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha. Đó cũng là mục đích của sứ vụ của Người : “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không phải thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 51–52). “Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12, 32).

Nhưng dù có nhấn mạnh sự hiệp nhất tới đâu đi nữa, chúng ta không được quên rằng, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi (Nhất Thể Tam Vị), và là Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất (Tam Vị Nhất Thể). “Sự hiệp thông Ba Ngôi” phải là mẫu mực, là mô hình của Giáo Hội.

KẾT LUẬN

Theo quan điểm đức tin Kitô giáo, Tình yêu và Chân lý luôn đi với nhau, tựa vào nhau. Tình yêu phải chân thực, nếu không thì không phải là tình yêu. Không có một tình yêu gian dối. Thiên Chúa là Tình yêu chân thực, nơi Ngài không hề có sự gian dối. Chính sự thật về Tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta được tự do : “Nếu các ông ở lại trong Lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi ; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32-33).

Chúa Giêsu là “Lời của Thiên Chúa Tình yêu”, “Chúa Thánh Thần là Hơi thở của Thiên Chúa Tình Yêu”. Thiên Chúa Tình yêu, Lời và Hơi thở của Thiên Chúa Tình yêu là Một. Một ở đây không chỉ là con số, mà là sự viên mãn của tình yêu, của hạnh phúc và sự sống.

Ba Ngôi Thiên Chúa là Cội nguồn đầu tiên của loài người và của Giáo Hội, Ba ở đây cũng không chỉ là con số, mà là sự “giao lưu”, sự “trao đổi kỳ diệu”, là “sự viên mãn của cái nhiều”, là những “tương quan tình yêu và sự sống”, là sự “chu lưu của tình yêu và sự sống”. Ba Ngôi Thiên Chúa cũng là Quê hương cuối cùng của loài người và của Giáo Hội.

Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa ở trần gian, làm sao cho mọi người sinh hoạt trong Giáo Hội , đều cảm thấy như “ở nhà mình” : “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep2, 19).

Giáo Hội là Hình tượng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Làm sao mọi người có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa khi nhìn vào Giáo Hội ! Sự hiệp thông mật thiết giữa các thành phần dân Chúa là bằng chứng chắc chắn nhất và là dấu chỉ hữu hiệu nhất[26] : “Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

 

+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Giám mục Giáo phận Mỹ Tho

-------------------------------------------

Nota bene: Hy vọng bài tham luận đã nói lên được một phần nào ý nghĩa thần học của mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Sự hiệp thông này còn bao hàm một số khía cạnh khác cụ thể hơn như : Tương quan giữa các thành phần Dân Chúa mà Đức cha Long Xuyên sẽ trình bày vắn tắt. Một khía cạnh cụ thể khác là “Đối thoại Đại kết và đối thoại Liên tôn” sẽ được Đức cha phụ tá Xuân Lộc trình bày.

[1] x. Vatican II,LG 4 8 ; DV 10 ; GS 32 ;UR 2-4 ; 14-15; 17-19 ; 22 ; Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects deL’Église comprise comme communion, 28. 05. 1992, no 1; 2 ; 3.

[2] x .Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects deL’Église comprise comme communion, 28. 05. 1992, no 3.

[3] x. Ibid. no 5

[4] x. Ibid. n0 5 ; 10.

[5] x. Ibid. no 4 ; Vatican II, LG 7

[6] x. 2 Pr 1,4.

[7] x.Mt 16,8

[8] x. Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects de L’Église comprise comme communion, 28. 05. 1992, no 6 ; Vatican II, LG 4

[9] x. 1 Cr 12,14.

[10] x. 1 Cr 12, 4-11.

[11] x. Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects de L’Église comprise comme communion, 28. 05. 1992, no 6

[12] Ibid. no 5 ; 10 ; 11

[13] x. Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects de L’Église comprise comme communion, 28. 05. 1992, no 6 ; 10 ; 14..

[14] x. Vatican II, LG, 8.

[15] x. Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects de L’Église comprise comme communion, 28. 05. 1992, no 9 ; 14.

[16] Ibid. no 14.

[17] x. Bruno Forte, The Church icon of The Trinity, ST. Paul Publications 1990, p. 90

[18] x. Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects de L’Église comprise comme communion, 28. 05. 1992, no 7 ; 8.

[19] Ibid. no 7 ; 9 ; Vatican II,CD 6 ; 11 ; LG 23.

[20] Ibid. no 15 ; 16 ; Vatican II, LG no 13 ; 23 ; 44 ; CD 8.

[21] x. Vatican II, GS 92 ; IOANNES XXIII, Litt. Enc. Ad Petri Cathedram, 29 iunii, 1959 : AAS 55 (1959), p. 513.

[22] x. 1Cr 10,16

[23] x. 1Cr 2,13.

[24] x. HĐGMVN, Giáo Hội sống mầu nhiệm Thánh Thể, Thư chung 01.10.2004, số 9.

[25] x. Vatican II, LG 1.

[26] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo, “Xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội là chìa khóa của việc truyền giáo”, Libreria Editrice vaticana 6.12.2010

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top