Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 66

Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY

Tin Mừng Chúa nhật thứ VI Phục Sinh, năm B, đưa chúng ta vào một tương quan mới với Đức Giê-su qua đoạn trích diễn từ ly biệt của Đức Giê-su trong Ga 15,9-17 khi Chúa nhắn nhủ các môn đệ : “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.

Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem “ở lại trong tình thươngcủa Đức Giê-su và “tuân giữ các điều răn của Người có nghĩa là gì và tương quan với nhau thế nào.

I. Ở lại trong tình thương của Đức Giê-su

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật này (Ga 15,9-17) là phần tiếp nối dụ ngôn “cây nho và cành nho” (Ga 15,1-8) chúng ta đã nghe trong Chúa nhật V Phục Sinh vừa qua, cho thấy mối tương quan mật thiết và sống còn của các môn đệ với Đức Giê-su : “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5), cùng với cụm từ “ở lại trong Thầyđược lặp lại nhiều lần (Ga 15,4ab.5.6.7).

Động từ ở lại, me-nô (μένω) được tác giả Gio-an sử dụng 40 lần trong sách Tin Mừng, với nhiều nghĩa như ở lại, tiếp tục, đứng vững, tồn tại hoặc chờ đợi. Trong chương 15, động từ me-nô (μένω) xuất hiện 10 lần với nghĩa ở lại : Đức Giê-su ở lại trong các môn đệ (c.4) và các môn đệ ở lại trong Đức Giê-su (cc. 4.5.6.7), cũng như cành nho ở lại (được dịch là gắn liền) với thân nho (c.4) và lời của Đức Giê-su ở lại trong các môn đệ (c.7) ; các môn đệ ở lại trong tình thương của Đức Giê-su (c.9.10).

Còn động từ yêu mến, a-ga-pa-ô (ἀγαπάω) và danh từ tình thương a-ga-pê (ἀγαπη) được lặp đi lặp lại đến 9 lần trong bài Tin Mừng Chúa nhật này (cc. 9abc.10ab.12ab.13.17). Điều này cho thấy Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải gìn giữ và sống thật mối tương quan tình thương với Chúa và với nhau, theo khuôn mẫu của mối tương quan giữa Đức Giê-su và Chúa Cha, chứ không phải theo cách của thế gian : “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy” và “Như Thầy đã yêu thương anh em”.

Lòng yêu mến ấy phải được gìn giữ và sống bằng việc tuân giữ lời của Đức Giê-su và các điều răn của Người : “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21). Động từ “giữ”, tê-re-ô (τηρέω) hiểu là lưu tâm, gìn giữ, duy trìtuân phục. Như vậy, “có” là đón nhận và “giữ” là thực thi, là sống điều răn của Thầy.

Người môn đệ ở lại trong tình thương của Đức Giê-su không chỉ theo cách thụ động, mà còn phải thể hiện cách tích cực qua việc tuân giữ các điều răn của Người (c.10a), hay nói cách khác, người môn đệ ở lại trong tình thương của Chúa khi tất cả đời sống và sứ vụ của mình được xác định bởi điều răn của Chúa. Đức Giê-su là khuôn mẫu cho các môn đệ trong việc tuân giữ điều răn của Chúa Cha và ở lại trong tình thương của Chúa Cha (c.10b).

II. Tuân giữ các điều răn của Đức Giê-su

Điều răn Đức Giê-su truyền cho các môn đệ phải tuân giữ là “hãy yêu thương nhau”. Điều răn này được khai triển rất cụ thể trong các câu 12-17. Tác giả đã mở đầu và kết thúc đoạn văn bằng cùng một cụm từ : “Anh em hãy yêu thương nhau” (c.12 và c.17).

Thật ra, lệnh truyền “yêu thương nhau” ở đây sự tiếp nối chủ đề “yêu thương” đã được đề cập trước đó rồi (cc. 9-10) : các môn đệ phải yêu thương nhau, vì Chúa đã yêu thương họ trước (c.12). Điều quan trọng là ở đây, Đức Giê-su cho các môn đệ biết đến lượt họ phải thực hành giới răn yêu thương.

- Điều răn phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương (cc. 12-14) chính là điều răn mới Đức Giê-su đã nói trong bữa Tiệc Ly : Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau (Ga 13,34). Các môn đệ phải yêu thương nhau bằng một tình yêu bền vững không suy giảm vì sắc thái của động từ a-ga-pa-ô (ἀγαπαω) ở đây diễn tả một hành động liên tục.

- Tình yêu thương của Đức Giê-su đã thiết lập một mối tương quan mới giữa Người với các môn đệ (cc. 15-16) ; không phải là tương quan “chủ - tớ” mà là tương quan “bằng hữu”, phi-los (φίλος). Các môn đệ là những “bạn hữu” mà Đức Giê-su đã hy sinh cả mạng sống mình vì yêu thương họ.

Kết luận

Qua bài tìm hiểu trên, chúng ta rút ra những bài học sau đây :

- Lệnh truyền của Đức Giê-su được áp dụng cho tất cả những ai muốn trở nên môn đệ của Người, cho cả chúng ta hôm nay nữa, vì chúng ta mang danh là Ki-tô hữu. Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Từ nay Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa … Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu Ki-tô hữu có nghĩa là bạn hữu của Đức Ki-tô, Chris-ti-a-nos (Χριστιανός).

- Là Ki-tô hữu, chúng ta phải yêu thương anh em bằng chính tình thương mà Chúa đã yêu thương chúng ta. Chúng ta sẽ không làm được điều này nếu không ở lại trong tình thương của Đức Giê-su như chính Người đã nói : “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

- Làm môn đệ của Chúa Ki-tô, chúng ta phải ở lại trong điều răn của Chúa tức là tuân giữ, sống và thực thi các giới răn mà trên hết là giới răn yêu thương như lời thánh Phao-lô khẳng định : “Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8) và “Yêu thương là chu toàn lề luật vậy” (Rm 13,10).

- Sau hết, xin Chúa ban cho chúng ta cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi sống trong lề luật của Chúa, để chúng ta có thể thốt lên như tác giả Thánh vịnh : Lạy Chúa, con vui thú với mệnh lệnh của Ngài và hết lòng yêu mến” (Tv 119,47).

Và xin Chúa ban cho chúng ta niềm xác tín của tác giả Thánh vịnh rằng :

Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái,

chẳng còn lo gặp chướng ngại nào.

Lạy CHÚA, con đợi trông ơn Ngài cứu độ,

mệnh lệnh Ngài, con vẫn thực thi.

Thánh ý Chúa, trọn bề tuân giữ,

hồn mến yêu hâm mộ chẳng rời.

Đường con Chúa rõ mười mươi,

huấn lệnh, thánh ý, con thời vâng theo. (Tv 119,165-168)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top