Bài 134: Kinh Lạy Cha theo Tin Mừng Luca I Dưới ánh sáng Lời Chúa
TGPSG -- Tin Mừng theo thánh Luca 11,1-4
Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy ; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
Tin Mừng thánh Luca chương 11 mở đầu bằng việc Đức Giê-su cầu nguyện và sau đó Người dạy các môn đệ cầu nguyện. Thánh Luca giới thiệu khá mơ hồ rằng Đức Giê-su đang “ở nơi kia” để cầu nguyện, thì “có một người trong nhóm môn đệ’ đã nhìn thấy Người cầu nguyện. Có lẽ ông cảm nhận được một vẻ đẹp, một sức sống, một niềm vui kín đáo và sâu lắng, và ông muốn trải nghiệm như Đức Giê-su nên đã lên tiếng “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Ước muốn của môn đệ vang vọng lại chính ý muốn của Đức Giê-su, Đấng đã đến thế gian để gọi mời tất cả những ai tin, có cơ hội nên đồng hình đồng dạng với Người chính là Con Một Thiên Chúa (x. Rm 8,29). Thật vậy, Người là con Đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa là Cha của Người cũng là Cha của chúng ta (x. Ga 14,6 ; 20,17), và nhờ chính Thần Khí Thiên Chúa, chúng ta được thúc đẩy cầu nguyện như Người Con, với Người Con mà thân thưa cùng Thiên Chúa : “Ap-ba, Cha ơi ” (Rm 8,14-17 ; Gl 4,4-7).
Chúa Giê-su đã mời các môn đệ bước vào đường lối cầu nguyện của Người, thân thưa đúng đắn mọi điều giúp quy hướng về Chúa Cha trong mọi thực tại đời sống. Chúng ta cùng đọc lại nội dung lời kinh theo hai tác giả Tin mừng :
Mát-thêu 6,9-14 : “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
|
Lu-ca 11,2-4 : “Lạy Cha,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” |
Trên đây là “lời cầu nguyện” chính Chúa Giê-su dạy cho môn đệ. Trong cả hai bản văn, tuy có khác nhau nhưng lời kinh đều được chia thành hai phần. Trong phần đầu, người môn đệ được mời gọi hướng về Chúa Cha để khẩn nài Cha hoàn tất kế hoạch cứu độ yêu thương cho loài người. Còn trong phần thứ hai, người môn đệ học cầu xin Chúa Cha tặng ban sự sống, ơn tha tội và thoát khỏi mọi cám dỗ của ác thần.
Vì thế, có nhiều tranh luận về nội dung “Kinh Lạy Cha” : bản văn dài của Mát-thêu và bản văn ngắn của Lu-ca, bản nào là bản gốc, bản viết đầu tiên ? Thật gay go để xác định tính lịch sử biên soạn. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng thánh Mát-thêu là một người Do-thái viết Tin Mừng cho người Do-thái, không giống như thánh Lu-ca, một người gốc dân ngoại loan Tin Mừng cho dân ngoại. Đối với một người Do-thái, Chúa là Thiên Chúa duy nhất, là Đấng sáng tạo, là “Thiên Chúa ở trên trời”, cho nên Mát-thêu gọi “Cha là Đấng ngự trên trời” thì hoàn toàn dễ hiểu. Hơn nữa, với giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho ông Mô-sê trên Núi Xi-nai (x. Xh 20,1-17), mọi người phải quy hướng về ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là “giữ và thực hành các huấn lệnh của Người”. Vì thế, đối với thánh Mát-thêu, nguyện cho “ý Chúa được thể hiện” là một yếu tố quan trọng trong bất kỳ lời cầu nguyện nào của người tín hữu Do-thái. Từ các nhận xét trên, có trường phái nghiên cứu cho rằng thánh Lu-ca đã truyền lại cho Hội Thánh hình thức nguyên thủy của Kinh Lạy Cha.
Dù sao, chúng ta thấy có một sự thật kiên định trong mặc khải của Tin Mừng : Lời Thiên Chúa muốn truyền cho chúng ta qua Chúa Con đã được con người viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Các tác giả Tin Mừng sống vào một thời điểm nhất định, trong một cộng đồng nhất định, và mỗi người đều có tính cách, quan điểm và trực giác lòng tin khác nhau. Nhưng Thánh Thần của Thiên Chúa đã tác động trên các ông và đảm bảo thông điệp truyền đạt cho chúng ta thực sự phát xuất từ Thiên Chúa. Là “Thân mình Chúa Ki-tô”, chúng ta được mời gọi quy hướng về “Chúa Cha” trong lời cầu nguyện và trong đời sống của những người con.
Chúa Cha là Đấng đã tạo dựng nên tất cả chúng ta theo hình ảnh Người và giống như Người (x. St 1,26-28), chính Người là Đấng đã làm cho chúng ta trở thành những hữu thể sống động nhờ đón nhận “hơi thở sự sống” của Người tức là Thần Khí (x. St 2,4b-7), và Chúa Cha còn muốn cho Thần Khí sự sống lớn lên trong mỗi người con trai và con gái của Thiên Chúa (x. Ga 1,12-13 ; 3,3-8 ; 20,19-23). Nếu cách diễn đạt ban đầu của thánh Mát-thêu “Lạy Cha chúng con”, ám chỉ cộng đồng Ki-tô hữu hướng về Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất, thì cách diễn đạt của thánh Lu-ca “Lạy Cha” giản dị hơn, ngầm mở ra cho toàn thể nhân loại sẽ được quy tụ thành một gia đình duy nhất mà Thiên Chúa là Cha chung. Mỗi người Ki-tô hữu đã được Chúa Cha kêu gọi qua Chúa Con để sống trọn vẹn ơn gọi làm con Thiên Chúa. Lời thân thưa “Lạy Cha” còn nhắc nhở chúng ta về một Thiên Chúa rất gần và luôn hành động trong cõi lòng, trong cuộc sống của chúng ta, như Chúa Giê-su thường dặn dò : “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,6). Như vậy, Chúa Cha ngự trên trời cao theo Mát-thêu là Đấng ở rất gần bên con người theo cách trình bày của Lu-ca.
Gọi Thiên Chúa là “Cha” giúp chúng ta tái khám phá mình là con trẻ hằng được Cha chăm sóc. Vì thế, Chúa Giê-su dạy chúng ta khi cầu nguyện, hãy hướng về Thiên Chúa là Cha, về Danh của Người, Vương quốc của Người, Ý muốn của Người, trước khi nhìn về cộng đồng trần thế với những nhu cầu đời sống thường nhật. Một cách nào đó theo sư phạm của Chúa Giê-su, Người đã dạy các môn đệ một lối cầu nguyện đặc biệt : trước khi xin Thiên Chúa đáp ứng các nhu cầu của riêng mình, người tín hữu cần đặt mình trước Chúa với thái độ tôn thờ, khiêm cung biết ơn để dành ưu tiên cho Cha trong mọi sự.
Xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển…
Người Do-thái thường tâm niệm : “Nguyện Danh cao cả của Chúa được tôn vinh và thánh thiêng trong thế giới mà chính Người đã tạo dựng theo ý muốn của Người”. Hạn từ Danh trong Kinh Thánh, ám chỉ huyền nhiệm của người mang nó. Danh ĐỨC CHÚA đã được tôn vinh là Đấng Tự hữu, Hiện hữu và Hằng hữu. Vì vậy, trong lời ngợi khen Magnificat “Danh Người là Thánh” (Lc 1,49) được hiểu theo nghĩa Thánh là Danh Thiên Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã từng tuyên xưng “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh ! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh !” (Is 6,3). Trong tiếng Hip-ri, “Thánh” có nghĩa là “tách biệt, tách riêng ra”. Đức Chúa là “thánh” vì Người “tách biệt” khỏi thế giới phàm tục, khỏi mọi ô uế xấu xa. Đức Chúa là “thánh”, là Đấng duy nhất tỏ danh “Ta Là”, Người chính là Chúa Tể thời gian và không gian. Thật vậy, Đức Chúa là Đấng Siêu Việt nhưng cũng là Đấng Rất Gần. Chính vì Người “siêu việt” nên “rất gần” để chăm sóc cho từng thụ tạo như thể mỗi thụ tạo là duy nhất trong mắt Người.
“Xin làm cho Danh Thánh Cha vinh hiển” : câu này không chỉ rõ ai sẽ là chủ ngữ của hành động. Và xét theo một số bản văn Cựu Ước, Đấng thánh hóa Danh chính là Chúa ! Chúa thánh hóa Danh bằng mọi hành động với tư cách Đấng “Ta Là”. Những người thụ hưởng ân sủng từ Đấng Hằng Hữu được mời gọi truyền tụng cho mọi người nghe biết tất cả những điều kỳ diệu Chúa đã làm, và như thế họ góp phần vào việc làm cho Danh Thánh Cha vinh hiển.
Vậy khi cầu nguyện “Xin làm cho Danh Thánh Cha vinh hiển” có nghĩa là xin Thiên Chúa hành động theo Lòng Thương Xót vô biên, theo Lòng Kiên Nhẫn vô hạn và theo Tình Yêu hải hà để cứu thoát chúng ta. Ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người sẽ làm tỏ lộ Danh “Chúa vô cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng”, để thúc giục chúng ta luôn hối cải (x. Rm 2,4). Vì muốn cứu độ con người, Chúa Cha ngang qua Chúa Con, sẽ đặt vào môi miệng chúng ta những Lời khơi dậy ước muốn mở lòng mình ra với hành động của Chúa, khám phá Chúa không ngừng.
Xin cho Triều đại Cha mau đến…
Lời cầu xin này thực ra kết hợp với lời cầu trước đó, với niềm xác tín Chúa sẽ hành động để những giá trị của Nước Thiên Chúa ngự trị : Tình yêu Chúa ngự trị trên thù hận (x. Ep 2,13-18), Bình An của Chúa thắng bạo lực (x. Mt 11,29 ; 2 Cr 10,1 ; Gl 5,22-23), Sự Thật ngự trị trên dối trá (x. Ga 14,6.15-17), Công Lý thắng bất công (x. Rm 3,21-26). Trong Tin Mừng Lu-ca, khi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai, Người tỏ lộ : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Do đó, Tin Mừng trước hết là Tin Mừng về Triều đại của Lòng Thương Xót không giới hạn và dành cho tất cả mọi người.
Chúa Giê-su dạy các môn đệ xin cho “triều đại Cha mau đến” có nghĩa là cầu nguyện với xác tín Đức Giê-su ở giữa loài người chính là triều đại của Cha, mà nhiều người chưa nhận biết. Người Ki-tô hữu được mời gọi không ngừng xin Chúa Cha hoàn tất công trình cứu độ của Người, vì “Triều đại của Chúa Cha” đồng nghĩa với hòa bình, niềm vui, lòng tốt, niềm an ủi, và là sự hiện diện vĩnh cửu của Thiên Chúa ở giữa Dân Người.
Quả thật, Triều Đại của Thiên Chúa đã ở giữa nhân gian, rất gần, được tặng ban cho những ai tin. Triều Đại ấy sẽ đến trong viên mãn, khi Chúa Ki-tô trở lại vào Ngày Cánh chung. Nhưng trong hiện tại chúng ta cần phải cầu nguyện cho Triều Đại Thiên Chúa đã có, mau đến, trong lòng những người đã mở ra đón nhận và liên lỉ thân thưa : “xin cho Triều đại Cha mau đến !”.
Xin Cha cho chúng con ngày nào có bánh ngày ấy…
Kinh nghiệm của dân It-ra-en xưa kia được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đồng hành với họ suốt 40 năm trong sa mạc mà không hề phải đói khát, ngày nào có đủ cho ngày nấy, “kẻ có nhiều thì không dư, người có ít thì không thiếu” (Xh 16,17). Bánh là thức ăn chính trong đời sống. Người môn đệ Chúa Giê-su xin cùng Chúa Cha lương thực hằng ngày là bánh cần thiết cho cuộc sống. Các nhà chú giải từ lâu đã tranh luận về từ bổ nghĩa cho danh từ “bánh” là ἐπιούσιον, được dịch là “hàng ngày”, mà chưa chắc đó là ý nghĩa duy nhất xét về ngữ nghĩa Hy-lạp, vì có thể mang nghĩa “ngày hôm nay” và cả “cho ngày mai”. Chúa Giê-su đã mời gọi người môn đệ tín thác hoàn toàn nơi Cha, là cội nguồn sự sống, là Đấng biết rõ điều gì cần thiết cho cuộc sống con người. Cha biết chúng ta thực sự cần gì ngay cả trước khi chúng ta cầu xin. Mối quan tâm trước tiên của chúng ta phải là “tìm kiếm Vương quốc và sự công chính của Thiên Chúa”.
Lời cầu xin “lương thực hàng ngày” cũng có thể diễn giải theo nghĩa “thức ăn thiêng liêng”. “Bánh Sự Sống” của Chúa Giê-su phải được đón nhận bằng đức tin “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !” (Ga 6,35) ; “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,53-58).
Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con
Chúng ta có thể ngạc nhiên khi nghe cách diễn đạt này. Liệu Chúa có vì chúng ta đã “tha cho mọi người mắc lỗi” mà “tha tội cho chúng ta” không ? Nếu đúng như vậy, có thể chúng ta sẽ sống trong sợ hãi và lo lắng vì lỡ đâu mình không tha cho người khác thì Chúa cũng chẳng tha cho mình ? “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8) và Người đã nộp mình chết vì yêu. Tình yêu của Người được diễn tả qua lòng thương xót hải hà, qua sự bao dung tha thứ vô điều kiện đến giây phút cuối cùng trên thập giá “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Tình yêu tha thứ của Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta “phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4,32). Tha thứ là dấu hiệu cho thấy mối tương quan của chúng ta với Chúa là chân thật. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, chính khi chúng ta được tẩy sạch lỗi lầm, chúng ta mới cảm nghiệm được lòng thương xót hải hà của Đấng đã đến để hòa giải chúng ta với Chúa Cha bằng cách tha thứ hết mọi lỗi lầm của chúng ta (x. 2 Cr 5,17-21). Vì thế, ai từ chối tha thứ là tự tách mình ra khỏi “Người Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2 Cr 1,3).
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ
Bản văn gốc Hy-lạp là : καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν dịch sát chữ là “và đừng dẫn chúng con vào cám dỗ”. Một lần nữa, chúng ta có thể ngạc nhiên về cách diễn đạt này. Liệu Chúa có liên quan gì đến cơn cám dỗ không ? Liệu Chúa có muốn “dẫn chúng ta vào cám dỗ” không ? Chắc chắn là không ! Thánh Gia-cô-bê nói rõ : “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói : “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội ; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết” (1,12-15).
Đức Giê-su thường nói bằng tiếng A-ram, một ngôn ngữ rất gần với ngôn ngữ Hip-ri. Hai cổ ngữ này có những dạng động từ đặc biệt khó dịch sang tiếng Hy-lạp. Vì vậy, trong ngữ cảnh này, chúng ta cần hiểu theo nghĩa : “Xin đừng để chúng con sa vào cám dỗ”. Thiên Chúa một lần nữa xuất hiện như là người đồng hành cùng chúng ta trên hành trình và trong cuộc chiến chống lại ‘cám dỗ hay tội lỗi’. Vì tội lỗi là sự bất tuân và là sự thiếu vắng tình yêu dành cho Người. Con người chúng ta thường bị “Tên cám dỗ” lôi kéo mình khước từ Thiên Chúa. Kinh Thánh gọi đó là Xa-tan, ‘kẻ thù nghịch’ của Thiên Chúa. Chúa Giê-su hằng nhắc nhở “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41 ; Mc 13,33-37; Lc 12,35-40). Thánh Phao-lô bảo đảm với chúng ta rằng “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín : Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức ; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp” (1 Cr 10,13).
Chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su : Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy, xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. A-men.
bài liên quan mới nhất

- Bài 133: Mác-ta và Ma-ri-a I Dưới ánh sáng Lời Chúa
-
Bài 132: Những hình ảnh biểu tượng Dụ ngôn người Samari tốt lành I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 131: Bảy mươi hai Môn đệ là ai? I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 130: Từ Si-môn đến Phê-rô, từ Sa-un đến Phao-lô I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 129: Thánh Gioan Tẩy Giả: Câu chuyện về những cái tên I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 126: Một Đấng Bảo Trợ khác I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 125: Ngự bên hữu Thiên Chúa I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 124: Cha Thầy và Thầy I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 123: Điều Răn và Điều Răn Mới I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 122: Nghe - biết - đi theo giữa mục tử và đoàn chiên I Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa