Bài 56: Mô-sê và Ê-li-a trong biến cố Hiển Dung | Dưới ánh sáng Lời Chúa
CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM B
BÀI 56: MÔ-SÊ VÀ Ê-LI-A TRONG BIẾN CỐ HIỂN DUNG
Linh mục Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ
WGPSG (21.02.2024) – Tin Mừng Chúa nhật II Mùa Chay kể lại biến cố hiển dung của Đức Giê-su trên một ngọn núi cao, trước mắt ba môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an.
Hiển dung là một trong năm cột mốc quan trọng của cuộc đời Đức Giê-su : chịu phép rửa, hiển dung, chịu đóng đinh, phục sinh và lên trời. Trong biến cố này, thần tính của Đức Giê-su biểu hiện nơi nhân tính của Người, cho ta thấy trước cuộc phục sinh và thân xác vinh hiển của Người.
Trong cả ba trình thuật hiển dung của Tin Mừng Nhất Lãm, có một chi tiết gây chú ý, đó là có cả “ông Ê-li-a cùng với ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su” (Mc 9,4).
Tại sao lại là Ê-li-a và Mô-sê mà không phải là các nhân vật thế giá khác trong Cựu Ước đã xuất hiện trong cuộc hiển dung của Đức Giê-su ?
Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về vị thế của ngôn sứ Ê-li-a và ông Mô-sê trong Cựu Ước cũng như tương quan của Đức Giê-su với hai nhân vật này.
1. Vị thế của ông Mô-sê
Chúng ta biết rằng người Do-thái đã chia bộ Kinh Thánh Híp-ri (Cựu Ước của Ki-tô giáo) làm ba phần :
Phần thứ nhất gọi là Torah - תורה (gồm 5 quyển đầu tiên của Kinh Thánh mà chúng ta gọi là Ngũ Thư. Torah có nghĩa là giáo huấn hay lề luật) ;
Phần thứ hai gọi là Nevi’im - נביאים (Các Ngôn Sứ), phần này lấy Torah làm nền tảng để tuyên sấm, lời mở đầu và kết thúc của bộ sách Các Ngôn Sứ là lời mời gọi suy gẫm sách Luật đêm ngày, mời gọi ghi nhớ và can đảm thi hành tất cả lề luật mà Mô-sê đã truyền dạy (x. Gs 1,1-8 ; Ml 3,22) ;
Phần thứ ba gọi là Ketuvim - כתובים (Các Văn Phẩm Khác), phần này là những triết lý nhân sinh với những suy tư dựa trên nền tảng của Torah, mở đầu bộ sách này đã cho thấy rằng mọi thành công và hạnh phúc đều đến từ việc suy gẫm và vui thú với Lề Luật/ Torah (x. Tv 1,1-3).
Như vậy, Torah là nền tảng của toàn bộ Kinh Thánh Do-thái. Tầm quan trọng của Torah cho thấy vị trí và thế giá trổi vượt của Mô-sê, vì ông tiêu biểu cho Lề Luật. Theo truyền thống, dân Ít-ra-en nhìn nhận Mô-sê là tác giả của Lề Luật, tên tuổi ông gắn liền với lịch sử lập quốc và hiến pháp của Ít-ra-en. Ông được mô tả như vị trung gian tuyệt hảo, “một con người tín thành và phúc hậu, được Thiên Chúa và người đời thương mến. Thiên Chúa đã làm cho ông nên vĩ đại, cho ông nghe thấy tiếng Chúa, dẫn ông vào trong đám mây dày đặc, và, diện đối diện, ban cho ông các điều răn, đó là luật ban sự sống và thông hiểu, để dạy cho Gia-cóp biết giao ước, cho Ít-ra-en biết các quyết định của Người” (x. Hc 45,1-5 ; Xh 24,12).
2. Ê-li-a trong Các Ngôn Sứ
Ngôn sứ Ê-li-a xuất hiện vào thế kỷ IX tCN. Hoạt động chính yếu của ông là bảo vệ một đức tin tinh tuyền : Ông được Kinh Thánh mô tả với tất cả niềm tự hào và vinh dự. Ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng. Ông dùng Lời Thiên Chúa mà thực hiện bao việc lạ lùng để chấn hưng con cái Ít-ra-en. Ông làm cho lòng dân đang thờ hai chủ, đang “nhảy khập khiễng hai chân” trở về và nhận biết Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất chân thật (x. 1 V 18,21.36-37 ; Hc 48,1-11).
Dân Ít-ra-en chờ đợi ngôn sứ Ê-li-a sẽ đến lần thứ hai vì tin rằng ông không chết nhưng được cất đi, ẩn đi trong lửa như cơn lốc xoáy, và ông sẽ được nêu danh vào thời sẽ đến, và sự trở lại của ông sẽ báo hiệu cho sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Cho đến nay, trên bàn tiệc vượt qua của người Do-thái luôn có một ly rượu dành cho ngôn sứ Ê-li-a, cùng với cánh cửa được mở như là biểu tượng của niềm mong chờ ông sẽ trở lại, và phúc cho ai được nhìn thấy ông, vì chắc chắn rằng sau ông, Đấng Mê-si-a sẽ đến (x. Hc 48,1-12 ; Ml 3,23). Thật vậy, chính Đức Giê-su cũng nhắc lại rằng ngôn sứ Ê-li-a sẽ đến trước để chỉnh đốn mọi sự, và Người khẳng định rằng ông Ê-li-a đã đến rồi nơi thánh Gio-an Tẩy Giả (x. Mc 9,11-13).
3. Đức Giê-su đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a
Trong cuộc hiển dung, Đức Giê-su được mô tả như một chân dung bước ra từ trong Sách Luật và Các Ngôn Sứ. Kinh Thánh Tân Ước đã trình bày Người như là điểm đến cuối cùng của một lịch sử cứu độ rất dài và làm sáng tỏ toàn bộ Cựu Ước. Sự hiện diện của Mô-sê và Ê-li-a trong cuộc hiển dung được xem là một biểu trưng cho Lề Luật và Các Ngôn Sứ trở nên ứng nghiệm trong cuộc đời Đức Giê-su : Mô-sê đại diện cho Lề Luật, trong khi Ê-li-a đại diện cho các ngôn sứ.
Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao trong cuộc hiển dung của Đức Giê-su, ông Mô-sê và ông Ê-li-a lại “hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,31).
Đức Giê-su được trình bày như là Đấng mà Sách Luật nói đến qua lời Đức Chúa phán với Mô-sê : “Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18). Ông Mô-sê nhắc nhở toàn thể con cái Ít-ra-en rằng “Anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15). Lời này được tái xác định trong cuộc hiển dung, và quy chiếu về Đức Giê-su như chính Người là Đấng ban Lề Luật : “Hãy vâng nghe Lời Người” (Mc 9,7). Bên cạnh đó, ngôn sứ Ê-li-a xuất hiện như một sự giới thiệu và khẳng định Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a, Đấng phải đến như được tiên báo qua Các Ngôn Sứ.
Theo Tin Mừng Nhất Lãm, biến cố hiển dung diễn ra sau phép lạ Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều cho đám đông được no nê. Nếu xưa kia, dân Ít-ra-en đã nhờ ông Mô-sê mà được ăn man-na trên đường về Đất Hứa, thì nay Mô-sê mới là Đức Giê-su lại ban bánh trường sinh cho dân trên hành trình tiến về quê trời. Hơn nữa, sách Xuất Hành (34,29-35) kể lại rằng khi ông Mô-sê từ Xi-nai xuống, “mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa” (Xh 34,29) là hình ảnh báo trước dung mạo rạng ngời của Đức Giê-su trên núi thánh.
Tác giả Lu-ca đã dùng thuật từ Hy-lạp exodos để nói về biến cố vượt qua của Đức Giê-su như một ám chỉ đến cuộc xuất hành xưa kia của Ít-ra-en do ông Mô-sê dẫn dắt. Ở đây, tác giả nối kết cuộc giải phóng của ông Mô-sê với cuộc giải thoát do Đức Giê-su thực hiện.
Còn ngôn sứ Ê-li-a thì sao, và tại sao là Ê-li-a mà không phải là I-sai-a, Hô-sê, Giê-rê-mi-a hay một ngôn sứ nào khác ?
Sách Các Vua quyển thứ hai cho chúng ta biết rằng ngôn sứ Ê-li-a đã không chết nhưng được đưa lên trời trên một cỗ xe bằng lửa. Đó là “cuộc xuất hành” hay “cuộc lên trời” của Ê-li-a như báo trước cuộc vượt qua và lên trời vinh hiển của Đức Giê-su.
Cảnh tượng hiển dung được Kinh Thánh mô tả rất uy nghi, rạng ngời vinh quang Thiên Chúa, cảnh tượng này gợi lại khung cảnh thần hiện trên núi cao được trình bày trong sách Luật và Các Ngôn Sứ. Đấng Mê-si-a xuất hiện rực rỡ, toả sáng bước ra trên nền của Kinh Thánh Cựu Ước qua hai vị chứng nhân thế giá là Mô-sê và Ê-li-a. Nhưng, vinh quang của Đấng Mê-si-a lại được đặt trong bối cảnh khiến các môn đệ không hiểu nổi, các ông bối rối, ngỡ ngàng khi Đức Giê-su dạy các ông rằng : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Mc 8,31), nhưng “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Như vậy, bối cảnh trước và sau của cuộc hiển dung đã muốn cho các môn đệ hiểu rằng : “Người Con yêu dấu” trong cuộc hiển dung cũng là người “phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê” rồi bị giết chết (Mc 9,12), cũng sẽ là Người Con vinh hiển trong vinh quang của Chúa Cha.
Cầu nguyện
Chúng ta cùng cầu nguyện qua bài thánh thi Phi-líp-phê, ca tụng mầu nhiệm hạ mình và được tôn vinh của Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Người :
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ ;
và để tôn vinh Thiên Chúa Cha
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,6-11).
bài liên quan mới nhất
- Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa