Bài 36: Vương Quyền Theo Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Bài 36 :
VƯƠNG QUYỀN THEO KINH THÁNH
Tin Mừng Chúa nhật XXIX Thường Niên, năm A (Mt 22,15-21) ghi lại câu nói nổi tiếng của Đức Giê-su khi Người bị chất vấn về việc có nộp thuế cho Xê-da hay không : “Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).
Nộp thuế cho Xê-da tức là nộp thuế cho hoàng đế Ti-bê-ri-ô (14-37 CN) của đế quốc Rô-ma. Đây là “thuế điều tra dân số” (tương tự thuế thân) do người La-mã lập ra vào năm thứ 6 CN, khi Giu-đa trở thành một tỉnh của đế chế La-mã (6-132 CN). Tiền đóng thuế phải nộp bằng đồng tiền La-mã mà trên hai mặt của quan tiền có hình ảnh và dòng chữ bị nhiều người Do-thái xem như một sự xúc phạm hoặc ngụ ý thờ ngẫu tượng : “Ti(berius) Caesar Divi Aug(usti) F(ilius) Augustus - Ti-bê-ri-ô Xê-da, Con Tối Cao Của Thần Tối Cao”, mặt còn lại “Pontif(ex) Maxim – Giáo chủ Thượng phẩm”.
Tiền La-mã
Việc đóng thuế được một số người Do-thái xem như một hành động đầu phục vương quyền của hoàng đế La-mã, và tham gia vào hệ thống kinh tế do La-mã tạo ra.
Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu xem vương quyền theo Kinh Thánh có nghĩa gì, và ai là người được Thiên Chúa chọn để xức dầu trao vương quyền lãnh đạo, cai trị dân.
Vương quyền là gì ?
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, vương quyền là danh từ thuộc gốc động từ mā-laḵ (מָלַךְ) nghĩa là làm vua, cai trị, thống trị (x. 2 Sm 5,4 ; 1 V 1,13 ; 16,23). Kinh Thánh Tân Ước dùng từ ba-si-lêu-ô (βασιλευω) có cùng nghĩa là làm vua, cai trị, thống trị (x. Mt 2,22 ; Lc 1,33 ; Rm 6,12).
Kinh Thánh khẳng định chính Thiên Chúa làm Vua. Thiên Chúa là Vua các thần minh, là Vua các vua, là Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền trị nước. Người là Thiên Chúa dũng mãnh, khả uý, có toàn quyền trên muôn loài (x. Đnl 10,17 ; Et 4,17r ; Kh 1,5.8 ; 1 Cr 15,28). Các ngôn sứ tuyên xưng Thiên Chúa là “Đức Vua, là Đức Chúa các đạo binh” (Is 6,5 ; 2 V 19,23 ; Is 9,7 ; Gr 7,3).
Vương quyền của Thiên Chúa
Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa là nhà lập pháp và cũng là thẩm phán (x. Is 33,22). Ngài cai trị với luật pháp hoàn thiện, huấn lệnh ngay thẳng, mệnh lệnh minh bạch, quyết định hợp chân lý, tất cả đều công minh (x. Tv 18,8-10 ; Đnl 32,11). Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, triều đại của Người vạn đại trường tồn (x. Is 33,22 ; Tv 145,13 ; 29,10 ; Đn 7,13-14 ; Tv 17,8).
Kinh Thánh cho thấy trái đất nhảy mừng, muôn ngàn hải đảo reo hò vui sướng vì được Đức Chúa làm Vua (x. Tv 97,1 ; 149,2 ; 1 Sm 12,12). Các ngôn sứ cho rằng sẽ là một việc rất xấu, trái mắt Đức Chúa nếu như dân đòi có một vị vua giống các nước khác để thay quyền Đức Chúa (x. 1 Sm 12,17), vì đối với các ngôn sứ, chính ĐỨC CHÚA, duy một mình Thiên Chúa là Vua (x. 1 Sm 12,12). Khi dân đòi lập cho họ một ông vua thì ngôn sứ Sa-mu-en bực mình, nhưng Chúa phán với ông rằng : “Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua của chúng nữa” (1 Sm 8,7).
Vương quyền là của Chúa, vì thế các vua chỉ là là tôi tớ thay mặt Chúa mà cai dân trị nước, họ phải phụng sự Thiên Chúa, thi hành thánh ý của Người, và chăm lo cho dân, như người tôi tớ trung thành. Thực tế thì các vua của Ít-ra-en và của Giu-đa thường bị đánh giá là không tốt qua điệp khúc “vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa” (1 Sm 15,19 ; 1 V 11,6 ; 2 V 3,2 ; 2 Sb 21,6 ; Gr 52,2)
Các ngôn sứ cho rằng các vị lãnh đạo trần thế chỉ biết lo cho mình, họ sẽ cai trị cách tàn bạo và hà khắc. Kẻ nghèo sẽ bị chà đạp, đất đai của người thấp cổ bé miệng sẽ bị tịch thu, và họ sẽ bị biến thành “nô lệ” phục dịch cho vua (x. Gr 23,1-5 ; 1 Sm 8,11-18).
Chính vì vậy, các ngôn sứ nhấn mạnh rằng Đức Chúa sẽ xức dầu trao quyền và đặt một vị vua như lòng Người mong muốn để lãnh đạo dân Người (x. 1 Sm 13,13-14 ; 2 V 11,12). Đức Chúa sẽ không trao phủ việt của Người cho những gì hư ảo (x. Et 4,17q), nhưng trao quyền bính và Thần Khí để vị tân vương biết xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và làm cho vương triều của Người đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị (x. Is 11,1-10 ; Tv 71).
Vương quyền của vua Ky-rô xứ Ba-tư
Trong bài đọc 1 Chúa nhật XXIX Thường Niên, chúng ta thấy vì lợi ích của dân Ít-ra-en, Đức Chúa đã gọi đích danh một vị lãnh đạo ngoại giáo là vua Ky-rô xứ Ba-tư (559-530 tCN). Ông được xem như Vị Cứu Tinh vì đã giải thoát dân Do-thái ra khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lon. Năm 538 tCN, vua ra chiếu chỉ cho phép người Do-thái ở Ba-by-lon được hồi hương. Vua Ky-rô trả lại mọi đồ vật thuộc Nhà ĐỨC CHÚA mà vua Na-bu-cô-đô-nô-xo của Ba-by-lon đã đem ra khỏi Giê-ru-sa-lem (x. Er 1,7.9-11.42 ; 2 V 24,14 ; 25,13 ; 2 Sb 36,22-23).
Ngôn sứ I-sai-a gọi vua Ky-rô xứ Ba-tư là Đấng Được Xức Dầu Của Thiên Chúa và là Mục Tử Của Thiên Chúa, vì vua sẽ làm cho mọi điều Thiên Chúa muốn được thành tựu (x. Is 45,1-4 ; 44,28 ; Tv 71 ; 2Sb 36,22). Triều đại vua Ky-rô phát triển mạnh mẽ cho đến khi bị A-lê-xan-đê Đại Đế chinh phục vào năm 331 tCN.
Vương quyền của vua Đa-vít
Ngôn sứ Sa-mu-en cho biết Đức Chúa muốn xức dầu và đặt Đa-vít lên làm vua Ít-ra-en, vì Đức Chúa thấy tận đáy lòng của cậu (x. 1 Sm 16,1b.7). Ngôn sứ Na-than cho biết vua Đa-vít là một vị vua có lòng sám hối ăn năn vì các tội đã phạm (x. Tv 50 ; 2 Sm 12,13). Vua được Kinh Thánh ca ngợi như một vĩ nhân với tên tuổi lẫy lừng, vua được Thần Khí Đức Chúa nhập vào, và vua đã hết lòng phục vụ ý định của Thiên Chúa (x. 1 Sm 16,13 ; Cv 13,36).
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cho biết rằng vào đúng thời đúng buổi, Đức Chúa hứa sẽ làm nảy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là : “ĐỨC CHÚA, sự công chính của chúng ta” (Gr 23,5-6). Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý, và muôn dân đều mong được Người chỉ dạy (x. Is 42,3-4).
Vương quyền của Đức Ki-tô - Chồi non nhà Đa-vít
Vào đúng thời đúng buổi, Thiên Chúa đã cho Đức Giê-su Ki-tô xuất hiện. Người là Ngôi Sao Mai sáng ngời, là Chồi Non thuộc Dòng Dõi Đa-vít, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, là Mục Tử nhân lành, hy sinh mạng sống cho đoàn chiên để đoàn chiên được sống dồi dào (x. Kh 1,5 ; 1 Tm 6,15 ; Ga 10,11 ; Mt 1,23 ; Mt 20,25-28). Nơi Người, thiên hạ sẽ được thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa (x. Is 35,2). Đây cũng là thời mà các ngôn sứ đã tiên báo, chính Đức Chúa sẽ thân hành kiểm điểm và quy tụ đoàn chiên. Chính Đức Chúa sẽ chăn dắt chiên của Người và sẽ cho chúng nằm nghỉ (x. Gr 23,3 ; Ed 34,11.15.16 ; Ga 10,14).
Kinh Thánh Tân Ước cho thấy Đức Giê-su Ki-tô chính là vị vua ứng nghiệm các sấm ngôn cũng như kiện toàn Lề Luật (x. Mt 5,17). Người loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, và khai mở triều đại Thiên Chúa nơi trần gian. Trong vương quốc Thiên Chúa, kẻ nghèo hèn được nghe Tin Mừng, kẻ bị giam cầm biết họ được tha, người mù biết họ được sáng mắt, người bị áp bức được trả lại tự do, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại (x. Lc 4,18-19 ; Mt 11,5 ; Is 42, 2.3.4.7). Tất cả niềm hy vọng về vị vua thiên sai được hiện thực nơi Đức Giê-su, đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, Người chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người (x. Cv 10,38).
Như Thiên Chúa Cha đã trao Vương Quốc cho Đức Ki-tô, và ban cho Người mọi quyền hành trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), thì đến lượt Người, Đức Ki-tô cũng trao vương quốc lại cho những ai trung thành làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa sinh hoa lợi (x. Mt 21,43). Quyền lực được Người trao là quyền lực của yêu thương và phục vụ. Người trao vương quyền cho các môn đệ để các ngài trung thành phụng sự vương quốc Thiên Chúa, trung thành làm “sáng tỏ công lý” và trung thành phục vụ con người (x. Lc 22,29-30 ; Mc 10,42-45 ; Mt 10,8).
Chúng ta cùng chúc tụng Thiên Chúa :
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Ngài xứng đáng lãnh nhận
vinh quang, danh dự và uy quyền,
vì Ngài đã dựng nên muôn vật,
và do ý Ngài muốn,
mọi loài liền có và được dựng nên.
Lạy Đức Ki-tô,
Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách trời
và mở ấn niêm phong,
vì Ngài đã bị giết
và đã lấy máu đào
chuộc về cho Thiên Chúa
muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ,
thuộc mọi nước, mọi dân.
Con Chiên đã bị giết
nay xứng đáng lãnh nhận
phú quý và uy quyền,
khôn ngoan cùng sức mạnh,
danh dự với vinh quang,
và muôn lời cung chúc (Kh 4,11 ; 5,9.12).
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Nữ tu Maria Đỗ Thị Hồng Thắm, Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu tinh
bài liên quan mới nhất
- Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 85: Thầy là Đấng Ki-tô | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa