Bài 29: Xa-tan và bè lũ của nó | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Bài 29 :
XA-TAN VÀ BÈ LŨ CỦA NÓ
“Xa-tan, hãy lui lại đằng sau Thầy !” (Mt 16,23)
Trong Tin Mừng Chúa nhật XXII thường niên năm A, tông đồ trưởng Phê-rô đã bị Đức Giê-su quở trách rất nặng khi Người nói với ông rằng : “Xa-tan, hãy lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tại sao ông Phê-rô lại bị gọi là Xa-tan, và Xa-tan thật ra là ai ?
1. “Xa-tan, hãy lui lại đằng sau Thầy …”
Chỉ vài câu trước thôi (x. Mt 16,17), Phê-rô được khen là “người có phúc” ; bây giờ ông bị gọi là Xa-tan (Mt 16,23). Tại sao thế ? Thưa, vì ông cám dỗ Đức Giê-su đi trệch con đường thập giá như Xa-tan đã cám dỗ Người trong hoang địa và đã bị quở mắng : “Xa-tan kia, xéo đi” (Mt 4,10).
Vậy, Xa-tan có nghĩa là gì và Kinh Thánh nói gì về Xa-tan ?
Xa-tan theo từ nguyên Híp-ri là xa-tan (שָׂטָן), và được phiên tự sang Hy-lạp là xa-ta-nas (σατανᾶς) hoặc xa-tan (σατᾶν), có nghĩa là kẻ tố cáo, vu khống, là đối thủ, thù địch.
Xa-tan là kẻ tìm mọi cách xúi giục người khác đi trệch đường, khiến họ vấp phạm và không chu toàn sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Ông Phê-rô bị mắng là Xa-tan vì ông xúi giục Đức Giê-su đi trệch con đường thập giá như Thiên Chúa muốn.
2. Cựu Ước hiểu Xa-tan theo nghĩa nào ?
a. Địch thủ : Xa-tan là danh từ chung để chỉ những kẻ là “đối thủ”, “địch thủ”, “kẻ chống đối” của ai đó. Ví dụ, vua Đa-vít gọi các con bà Xơ-ru-gia là những “địch thủ” (xa-tan) của vua (x. 2 Sm 19,23). Còn vua Sa-lô-môn thì ngợi khen Thiên Chúa vì Người đã cho vua được “bốn bề yên ổn”, không có “kẻ chống đối” (xa-tan) nào (x. 1 V 5,18).
Xa-tan cũng là tên riêng để gọi một hữu thể thiêng liêng, là đối thủ thường hằng chống lại Thiên Chúa và con người. Tác giả sách Sử biên niên viết rằng : “Xa-tan đứng lên chống Ít-ra-en và xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en” (1 Sb 21,1).
Xa-tan dưới dạng động từ (שׂטן) thì có nghĩa là “tố cáo”, “ngăn chặn”, “chống lại”. Tác giả Thánh vịnh phàn nàn với Chúa rằng : “Con làm ơn thì chúng trả oán, con theo đuổi điều lành, chúng lại tố cáo con” (Tv 38,21) ; “Con thương nó, nhưng nó lại vu oan ; phần con, con chỉ biết cầu nguyện” (Tv 109,4).
b. Hữu thể như thiên sứ
Có 4 bản văn Cựu Ước nói đến Xa-tan xuất hiện là hữu thể như thiên sứ :
– Sách Dân số, chương 22, cho chúng ta biết một thần sứ của Đức Chúa trở thành Xa-tan hay “đối thủ” của thầy phù thuỷ Bi-lơ-am khi chặn đường con lừa của ông (x. Ds 22,22-32).
– Sách Gióp 1–2 cho thấy Xa-tan xuất hiện cùng với “Con cái Thiên Chúa”, tức là cùng với các thiên sứ trong triều đình thiên quốc. Nó chống lại Thiên Chúa bằng cách thách thức tính chân thật của sự công chính nơi ông Gióp. Xa-tan hoài nghi ông Gióp, nó háo hức truy tìm tội lỗi của ông. Vì thế, nó xin phép Thiên Chúa cho nó làm hại Gióp đủ cách, ngoại trừ hại đến mạng sống của Gióp thôi. Ở đây, xem ra Xa-tan không thù nghịch với Thiên Chúa mà chỉ nghi ngờ sự thành công của Gióp. Nó ghen tị với Gióp. Cuối cùng, Gióp vẫn đứng vững trước nỗi thống khổ tột cùng do Xa-tan gây ra : ông mất tất cả con cái và sản nghiệp. Ông vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa khi đáp lại lời mỉa mai của vợ ông : “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao ?” (2,10).
– Sách Da-ca-ri-a 3,1 viết : “Xa-tan đứng bên phải ông (Giê-su-a) để tố cáo ông”, Xa-tan giữ vai trò tố cáo Giê-su-a về tội lỗi của ông trong quá khứ. Nhưng Thiên Chúa khiển trách Xa-tan vì Người đã tha thứ tất cả tội lỗi cho ông rồi.
– 1 Sb 21,1 : “Xa-tan đứng lên chống Ít-ra-en và xúi giục vua Đa-vít kiểm tra dân số Ít-ra-en.” Đó là tội xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng làm chủ mọi sinh linh trong đó có dân số Ít-ra-en. Vua đã bị phạt và ông đã chọn hình phạt do Thiên Chúa, “vì lòng thương của Người bao la” (2 Sm 24,14). Tác giả sách Sử biên niên muốn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bao giờ coi điều ác là mục đích cuối cùng. Vì thế ông cho rằng Xa-tan đã xúi giục vua Đa-vít phạm tội.
3. Tân Ước nói gì về Xa-tan ?
Danh từ xa-tan (שָׂטָן) được phiên tự ra tiếng Hy-lạp Tân Ước là xa-ta-nas (σατανᾶς) 34 lần. Danh từ xa-tan cũng được dịch qua tiếng Hy-lạp 36 lần là đi-a-bo-los (διάβολος) hiểu là “quỷ”, “ma quỷ”. Có lẽ người ta chọn từ này vì nghĩa của ngữ căn là “tố cáo”, do động từ Hy-lạp đi-a-bal-lô (διαβάλλω) [x. Lc 16,1], mà tố cáo chính là bản chất của Xa-tan.
a. Ngoài ra, Tân Ước còn dùng các danh xưng khác để chỉ Xa-tan là : Tên cám dỗ (x. Mt 4,3), Ác thần (x. Mt 6,17), Bê-en-dê-bun (x. Mt 12,24), kẻ thù (x. Mt 13,39), Bê-li-a (x. 2 Cr 6,15), thần của đời này (x. 2 Cr 4,4), thủ lãnh thế gian (x. Ga 12,31), uy lực của bóng tối (x. Lc 22,53), thủ lãnh đầy quyền hành trên không trung (x. Ep 2,2), kẻ thù địch (x. 1 Pr 5,8), kẻ mê hoặc (x. Kh 12,9), con Mãng Xà (x. Kh 12,3), con Rắn Xưa (x. Kh 20,2), cha của sự dối trá (x. Ga 8,44), tên sát nhân (x. Ga 8,44).
b. Hoạt động của Xa-tan
Trước hết, Xa-tan là tên cám dỗ. Nó cám dỗ ngay cả Đức Giê-su (x. Mt 4,1 ; Mc 1,13 ; Lc 4,2). Khi ông Phê-rô cố gắng thuyết phục Đức Giê-su từ bỏ cuộc Thương Khó, Người đã quở ông là Xa-tan ; vì tư tưởng của ông thuộc về phàm nhân, chứ không phải của Thiên Chúa (x. Mt 16,23).
Trong dụ ngôn Người gieo giống, Xa-tan là kẻ lấy đi Lời được gieo nơi những kẻ ví tựa vệ đường (x. Mt 13,19).
Xa-tan đã gieo rắc phản bội vào lòng Giu-đa (x. Ga 13,2), rồi nhập vào ông (x. Lc 22,37) và xúi giục ông hành động.
Xa-tan ra sức lung lạc các môn đệ như người ta sàng gạo (x. Lc 22,31).
Nó nhồi nhét sự lừa dối vào lòng Kha-na-ni-a khiến ông giấu giếm tiền của trước các tông đồ (x. Cv 5,3).
Nó dùng ý đồ (x. 2 Cr 2,11), mưu mô (x. Ep 6,11), cạm bẫy (x. 1 Tm 3,7) mà cám dỗ các tín hữu.
Nó đội lốt thiên sứ của ánh sáng hầu đánh lừa thiên hạ (x. 2 Cr 11,14).
Nó khiến lầm đường lạc lối (x. 1 Tm 5,15).
Nó là kẻ thù gieo cỏ lùng vào cánh đồng lúa của Chúa (x. Mt 13,39).
Nó như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé (x. 1 Pr 5,8).
c. Vương quốc của Xa-tan
Đức Giê-su nói : “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào hay nhà nào tự chia rẽ, thì sẽ không tồn tại. Nếu Xa-tan trừ Xa-tan, thì Xa-tan tự chia rẽ : nước nó tồn tại sao được ?” (Mt 12,25-26). Như vậy, Xa-tan có nơi cư ngụ của nó qua hình ảnh vương quốc, thành và nhà của nó như Đức Giê-su vừa nói.
Thậm chí ma quỷ còn tuyên bố mình nắm quyền trên mọi vương quốc thế gian (x. Lc 4,6). Quyền lực của Xa-tan là quyền lực của bóng tối chống lại quyền lực của ánh sáng (x. Cv 26,18).
Xa-tan thống trị tâm hồn những ai không được “sinh ra do bởi Thiên Chúa” (x. 1 Ga 3,8) ; họ bị gọi là “con cái của quỷ” (x. 1 Ga 3,10).
Xa-tan còn có mãnh lực làm hại thân xác con người. Nó trói buộc người đàn bà bị còng lưng 18 năm (x. Lc 13,16). Sứ giả của Xa-tan là “cái dằm nơi thân xác” gây đau đớn cho thánh Phao-lô (x. 2 Cr 12,7). Xa-tan đã từng cản đường thánh Phao-lô tới Thê-xa-lô-ni-ca (x. 1 Tx 2,18).
Vào thời sau cùng, Xa-tan làm xuất hiện những Phản Ki-tô (x. 2 Tx 2,9) và được phép hoành hành (Kh 20,7) nhưng chỉ trong thời gian giới hạn và mức độ Thiên Chúa cho phép mà thôi (x. Kh 12,12).
d. Đức Giê-su toàn thắng trên Xa-tan
Nhờ Đức Giê-su, con người được giao hoà với Thiên Chúa. Do đó, những ai tùng phục Đức Giê-su, sẽ được giải thoát khỏi xiềng xích sự chết của ma quỷ : “Nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ” (Hr 2,14).
Như vậy, nhờ cái chết và sự sống lại của Người, Đức Giê-su đã toàn thắng Xa-tan. Nhưng cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn (x. Hr 13,12). Cuộc tách biệt hoàn toàn giữa người lành và kẻ dữ chỉ được thực hiện khi lịch sử cứu độ hoàn tất. Lúc ấy Xa-tan và các sứ giả của nó sẽ bị quăng vào hồ lửa (x. Mt 25,41 ; Kh 20,10).
Trước ngày Đức Ki-tô đến lần thứ hai, tên Phản Ki-tô sẽ xuất hiện. Trước đó, Xa-tan hoạt động chống lại dân Thiên Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó gây ra cuộc bách hại (x. Kh 2,10). Nó sắp đặt các Ki-tô hữu giả mạo trong các cộng đoàn cùng với những người chân chính, tức dân Thiên Chúa (x. Mt 13,24-30). Các kẻ giả danh này gây cớ cho dân Chúa vấp ngã, vì bấy giờ “ngay cả Xa-tan cũng đội lốt thiên sứ ánh sáng” (2 Cr 11,14).
4. Xa-tan theo Giáo Lý Công Giáo
Xa-tan hoặc ma quỷ và các ác thần khác là những thiên thần sa ngã bởi vì chúng đã tự do khước từ phục vụ Thiên Chúa và kế hoạch của Người. Lựa chọn của chúng là một lựa chọn dứt khoát chống lại Thiên Chúa. Chúng ra sức lôi kéo con người vào cuộc nổi loạn của chúng chống lại Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 414).
Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giê-su gọi là “tên sát nhân … ngay từ đầu” (Ga 8,44), nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giê-su đi trệch ra khỏi sứ vụ Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha. “Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá huỷ công việc của ma quỷ” (l Ga 3,8). Trong các hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 394.
Tuy nhiên, quyền năng của Xa-tan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có quyền năng vì là thuần tuý thiêng liêng, nhưng vẫn luôn luôn là thụ tạo : nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Mặc dầu Xa-tan hoạt động trong trần gian do thù hận chống lại Thiên Chúa và Nước Ngài trong Chúa Giê-su Ki-tô, và mặc dầu hoạt động của nó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội, hoạt động ấy được cho phép bởi Chúa quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng “chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28) [x. GLHTCG, số 395].
Lời cầu nguyện
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời.
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con khỏi Ác thần.
Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ,
xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an.
Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp,
chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi,
và được an toàn khỏi mọi biến loạn,
đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc,
và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. A-men.
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn và NPD. Các giờ kinh Phụng vụ
bài liên quan mới nhất
- Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa