Tôi làm việc tại văn phòng giáo xứ...

Tôi làm việc tại văn phòng giáo xứ...

Tôi làm việc tại văn phòng giáo xứ...

TGPSG -- Công việc ở Văn phòng Giáo xứ mấu chốt nhằm phục vụ cộng đoàn dân Chúa, vì vậy, mỗi khi giải quyết vấn đề, cần phải truyền tải tình thương của Chúa đến mọi người qua việc mình làm...

Hè 2016, trong tiết trời dịu mát hiếm hoi sau thánh lễ chiều Chúa Nhật, tôi đang chú tâm xếp gọn gàng các ghế nhựa cho thánh lễ sau, thì thoáng giật mình khi nghe lời chào: “Chào con!” Cha Chánh xứ Phanxicô Xaviê đến gần bên từ lúc nào tôi chẳng hay biết. Tôi vội ngước lên: “Con chào Cha ạ!”

Cha hỏi han chuyện gia đình, công ăn việc làm của tôi. Đôi ba câu thăm hỏi, chỉ vậy thôi.

Rồi thỉnh thoảng, cha con lại có dịp gặp gỡ, trò chuyện sau thánh lễ, hoặc trong những lần tôi chở Cha về sau buổi đọc kinh tại gia cho người quá cố.

Khoảng tuần thứ ba sau lần gặp đầu tiên, Cha đến thăm gia đình tôi, ngỏ ý: “Anh sắp xếp thời gian vào giúp xứ nhé?” Thế là đời tôi bắt đầu ‘dính bén’ đến Văn phòng giáo xứ.

Hai tiếng “Xin vâng”

Tôi sinh ra ở đây: mảnh đất Xuân Hiệp, Thủ Đức. Từ thuở nhỏ, tôi đã tham gia nhiều công việc trong giáo xứ: giúp lễ, phụ giữ xe, xếp ghế phục vụ các thánh lễ… Lớn khôn thêm thì tham gia ca đoàn và được theo học các khóa thường huấn dành cho Hội đồng mục vụ Giáo xứ.

Có thể nói, tôi biết khá nhiều về các công việc phục vụ trong giáo xứ. Ấy vậy mà, khi được Cha xứ mời gọi làm việc trong Văn phòng giáo xứ, tôi đã bối rối vì chẳng hiểu phải làm gì ở đó. Cha hiểu tâm tư tôi, nên ngài nói: “Anh cứ dành thời gian để tìm hiểu công việc và tiếp tục cầu nguyện, xem ý Chúa thế nào.”

Sau lần gặp đó, tôi dành nhiều thời gian đọc tài liệu, tìm hiểu các quy chế giáo xứ của giáo phận, nhất là đọc Phụ trương 1: Tủ Hồ Sơ Giáo Xứ, để tìm trả lời cho các câu hỏi: văn phòng giáo xứ là gì, người làm việc trong văn phòng giáo xứ là ai, được chọn như thế nào và làm những việc gì?

Sau khi tìm hiểu và cầu nguyện, tôi quyết định noi theo gương Mẹ Maria, thưa “xin vâng” để mọi sự được diễn ra theo thánh ý Chúa. “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ…” (Mt 20,28) - từ khi tiếng “xin vâng” dạo ấy được thốt ra, thấm thoát đã hơn 5 năm tôi phục vụ trong văn phòng giáo xứ.

Công việc tại Văn phòng Giáo xứ

Văn phòng giáo xứ là nơi đón tiếp giáo dân, hỗ trợ và hướng dẫn họ giải quyết các công việc mục vụ. Văn phòng giáo xứ cũng là nơi lưu trữ sổ sách và hồ sơ giáo xứ, gồm có hai loại: loại mục vụ và loại quản trị tài chánh. Công việc của tôi liên quan đến sổ sách mục vụ và một số việc khác.

Ngày thường, từ sáng tới chiều, tôi cập nhật hóa số liệu về gia đình Công giáo trong giáo xứ vào máy tính (thông qua phần mềm quản lý Giáo xứ) với các dữ liệu: Nhập xứ, Rời xứ, Qua đời, các Bí tích cho Trẻ em và Người lớn; lưu trữ thông tin các khóa Giáo lý Dự tòng, Hôn nhân… Tất cả các dữ liệu gởi về văn phòng lấy từ các Giáo khu, Ban Giáo lý, các Hội đoàn…

Các buổi chiều thứ Sáu, thứ Bảy nếu có nghi thức Ban Bí tích Hôn phối hay Rửa Tội Trẻ em, tôi sẽ ở lại để chụp hình các nghi thức và lưu trữ lại trong máy tính. Đây là một trong những phần việc khác mà tôi được giao.

Buổi tối các ngày thường, văn phòng làm việc từ 19g30. Buổi tối có thêm nhiều người phụ trách công việc nên tôi thảnh thơi hơn một chút, thi thoảng đi dạo một vòng nhà thờ để tán chuyện, hỏi han mọi người.

Vì có thêm nhiều người cùng làm việc nên không khí văn phòng buổi tối thật vui tươi, nhộn nhịp. Cô Têrêsa Long thì phụ trách ghi chép sổ Bí tích, tiếp nhận đầu vào các hồ sơ Hôn phối, Giáo lý Người lớn. Cô Maria Ngân thì phụ trách trao đổi trực tiếp với các Giáo khu về các vấn đề liên quan đến giáo dân nhập xứ, rời xứ, qua đời. Các anh bên Giáo khu Tòng Nhân (Giáo khu được Cha nguyên Chánh xứ Phanxicô Xaviê thành lập năm 2016 nhằm quản lý thông tin về các anh chị em di dân thuộc địa bàn giáo xứ) thì phụ trách giải quyết các vấn đề cho các anh chị em di dân. Còn tôi, vẫn miệt mài nhập dữ liệu vào máy tính.

Ngày Chúa nhật, tôi dành thêm thời gian giúp các em Giáo lý viên vài việc, khi các em gặp tôi: “Chú Mỹ ơi, in dùm con cái này”, “Chú Mỹ ơi, làm dùm con cái này”. Làm việc với người trẻ giúp tôi năng động và tươi mới hơn. Ngày Chúa nhật là ngày vui nhất trong tuần vì tôi được gặp gỡ, trò chuyện với các bé thiếu nhi, với những giáo dân đi tham dự thánh lễ.

Vào những dịp đặc biệt như: ngày Bổn mạng Giáo xứ, thánh lễ Ban Bí tích Rước lễ, Thêm sức, kết thúc các khóa học Giáo lý Thiếu nhi, Giáo lý Người lớn… tôi có nhiều việc phải làm hơn, đặc biệt là các việc có liên quan đến giấy tờ, rà soát dữ liệu trước khi in ấn tài liệu. Khoảng thời gian này, tôi thi thoảng cảm thấy áp lực, bất an.

Ngoài công việc phục vụ tại văn phòng, tôi cũng dành chút thời gian học nâng cao nghiệp vụ vào các tối thứ Hai hằng tuần, tham gia ca đoàn Mân Côi của giáo xứ, sinh hoạt với nhóm Mục vụ Truyền thông Giáo hạt Thủ Đức. Tôi hiện đang phụ trách quản lý trang Facebook của Giáo xứ để cập nhật các thông tin về Giáo hội, Giáo phận và Giáo xứ.    

Phút cầu nguyện - không gian gặp gỡ Thiên Chúa

Trước đây, tôi hay tâm sự với Cha Phanxicô. Cha nói: “Anh cứ cầu nguyện, tín thác, Chúa thấu đáo mọi sự.”

Tháng 4 năm 2020, vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên các nhà thờ trong Tổng Giáo phận tạm ngưng cử hành thánh lễ cộng đồng. Tôi vẫn đến nhà thờ, vào văn phòng ghi chép, cảm nhận không gian vắng lặng, trống trải.

Mỗi buổi chiều, thấy các Cha, các Thầy đi đi lại lại trên sân, lần hạt, đọc kinh, tôi cũng đi lần hạt. Tôi vào nhà nguyện thường xuyên hơn mỗi sáng, trưa, chiều. Lâu dần tôi thấy tâm bình an hơn, cảm nhận được nhiều điều tốt lành cho thế giới khi có dịch bệnh chứ không hẳn chỉ chuyện xấu, chuyện không tốt. Quả thật, khi chú tâm thinh lặng cầu nguyện, tôi mới cảm nhận được ơn ích của việc cầu nguyện.

Cha nguyên chánh xứ Phanxicô Xaviê từng nói: “thinh lặng trong khoảnh khắc” giống như một bản nhạc có những dấu lặng, nhịp nghỉ… biết hòa hợp, sẽ là một tuyệt phẩm.

Lắng nghe và thực thi Lời Chúa

Thời gian dài làm việc trong văn phòng Giáo xứ - tiếp xúc với nhiều người với nhiều vấn đề khúc mắc, nhiều nỗi trăn trở khác nhau - đã giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích. Tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, thay đổi mình theo hướng tích cực để phục vụ giáo xứ và mọi người cách tốt đẹp và hiệu quả hơn. Để làm được điều đó, không gì tốt hơn là để Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn từng ngày và thực thi lời Ngài cách cụ thể.

"Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,3-4) nhưng rất ít người trong chúng ta có thời gian tham dự thánh lễ mỗi ngày, điều đó cũng có nghĩa là cơ hội được đọc hay nghe Lời Chúa mỗi ngày cũng ít.

Làm việc trong Văn phòng Giáo xứ, tôi có cơ hội tiếp xúc với Lời Chúa nhiều hơn. Hằng ngày, tôi đăng nhập vào trang web Tổng Giáo phận Sài Gòn để cập nhật tin tức. Chuyên mục Lời Chúa Hằng Ngày cùng với các bài suy niệm của các linh mục là một phần không thể thiếu. Điều đó đã giúp tôi sáng suốt và tự tin hơn trong công việc, biết phó thác mọi sự lên Chúa và làm mọi việc vì danh Chúa.

Trước đây, tôi từng nghĩ: “Tôi chán công việc này lắm rồi”, “Tôi không rành việc này, tôi không làm được đâu”, “không phải việc của tôi, sao phải bận tâm”… Những ý nghĩ đó dần dần được thay thế bằng các suy nghĩ tích cực hơn. Có thể cho rằng, lắng nghe lời Chúa thường xuyên là một phương pháp trị liệu giúp cho tâm hồn bình an, kiểm soát cảm xúc tốt hơn, biết quan tâm đến người khác nhiều hơn.

Vậy đó, tôi chọn cách sống tín thác, tín thác mọi thứ, từ tư tưởng đến việc làm, bớt cân đong đo đếm bởi ơn lành Chúa ban cho thì không thể thấy, không thể định lượng.

Giao tiếp

Làm việc trong Văn phòng Giáo xứ, cá nhân tôi nhận thấy, việc đơn giản nhưng khó làm nhất chính là giao tiếp với cộng đoàn.

Trong cuộc sống thường ngày, ai cũng có lúc mệt mỏi, bực dọc vì những chuyện không tốt đẹp. Một khi bản thân đã gánh quá nhiều phiền muộn, thì khả năng phớt lờ việc của người khác hoặc trút hết bực dọc lên người khác là việc có thể xảy ra. Người làm trong văn phòng giáo xứ cũng không ngoại lệ, có thể cư xử thiếu bác ái với mọi người đến văn phòng trao đổi công việc. Vì thế, rất cần nhớ đến câu Lời Chúa “Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40)

Tôi nhớ năm 2018, vào một buổi chiều cuối tháng sáu, một chị vào văn phòng hỏi thủ tục Rửa tội Trẻ em. Chị là Anna Danh, gốc Giáo xứ Đá Nện, Giáo phận Vinh. Vừa ngồi vào ghế chị đã nói liếng thoắng. Thoạt đầu tôi hầu như không chú ý đến câu chuyện, để mặc chị muốn nói gì thì nói, trong đầu thầm nghĩ: “Các Cha hay thiệt, giáo dân mải mê nói, các Cha vẫn kiên nhẫn nghe”. Bất chợt, tôi nhớ đến lời dặn dò của Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, SJ (năm 2018 Cha là Tổng thư ký Ban Mục vụ Di dân) trong buổi huấn giáo về Mục vụ Di Dân cho Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Hạt Thủ Đức tháng 5/2018. Cha nói: “Các anh chị đừng xét đoán hay “hỏi giết”, hãy lắng nghe và “hỏi giúp”, hãy sống bác ái và yêu thương, bởi chúng ta cùng chung một nước, đó là Nước Trời”. Nghĩ đến đó, tôi bắt đầu chăm chú lắng nghe chị nói. May mắn thay, thông qua chuyện chị kể, tôi đã có đầy đủ các thông tin cần biết!

Công việc ở Văn phòng Giáo xứ mấu chốt nhằm phục vụ cộng đoàn dân Chúa, vì vậy, mỗi khi giải quyết vấn đề, cần phải truyền tải tình thương của Chúa đến mọi người qua việc mình làm.

Thay lời kết

Gần đây, Cha Chánh xứ Giuse đã cùng Ban điều hành các Giáo khu đến với từng gia đình để thăm hỏi, nhân tiện rà soát lại số liệu giáo dân. Một hôm, Cha Giuse vào văn phòng thăm hỏi công việc và Cha cho biết: “Cha đi thăm các gia đình hơn tháng nay, Cha thấy còn nhiều việc phải làm!”

Nghe Cha Giuse dặn dò, tôi chợt nhớ đến Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2021: “Hãy đến và xem” (Ga 1,46). Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ. Cũng giống vậy, Cha Giuse đã đến với các hộ gia đình, lắng nghe họ nói, nhìn thực trạng họ đang sinh sống để quay về thực hiện những gì phù hợp nhất.

Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu
và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dùng con
như khí cụ bình an của Chúa,…

(Kinh Hoà Bình – Lm Kim Long)

FX Hoàn Mỹ (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top