Thiên Thảo Đường: Điểm Hẹn của Người Nghèo
TGPSG -- Phòng khám Thiên Thảo Đường, một địa chỉ quen thuộc của khá đông bệnh nhân nghèo. Đây là cơ sở từ thiện phục vụ sức khỏe cộng đồng, do Tu đoàn “Chị em Bác ái Chúa Kitô Tôi tớ” phụ trách, được Đức cố Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan thành lập năm 2004, tại xã Tân Hà, Huyện Hàm Tân, Tỉnh Bình Thuận.
Như vậy, Thiên Thảo Đường có vẻ như từ lâu đã được xem là điểm hẹn của nhiều người, không chỉ người nghèo về thể xác, mà cả người nghèo về tinh thần nữa.
Bản thân tôi, biết bao lần đã có kinh nghiệm gặp được chính Chúa, qua những người nghèo nơi điểm hẹn ấy.
NỖI LÒNG CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ VÀ NGƯỜI ĐƯỢC PHỤC VỤ
Trong Sứ Điệp nhân Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 7, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Khi nói đến người nghèo, người ta dễ rơi vào lối nói hoa mỹ.
Đây cũng là một cám dỗ ngấm ngầm để chỉ dừng lại ở thống kê và con số.
Người nghèo là những con người; họ có những khuôn mặt, những câu chuyện, trái tim và tâm hồn.
Họ là anh chị em của chúng ta, giống như tất cả chúng ta.
Họ cũng có những điểm mạnh và điểm yếu,
và điều quan trọng là phải thiết lập mối tương quan cá vị với từng người trong số họ.”
Phần tôi, đến bây giờ, tôi phải thừa nhận rằng: Đến với những người nghèo, đặc biệt là đến với những người bệnh nhân, tôi thấy khó khăn hơn là đến với các đối tượng khác rất nhiều. Lý do là gì?
Vì tôi cảm thấy mình không có gì cho họ cả, ngoài một việc là chịu khó ngồi nghe họ than van, kể lể đủ mọi thứ chuyện đớn đau mà họ gặp phải trong đời sống của họ, về tinh thần cũng như thể chất.
Tôi đã từng nghĩ: khi đến với họ, mình sẽ nói cho họ nghe thật nhiều, về những phương pháp điều trị, cách kiêng kỵ, cách tập luyện...
Nhưng dường như những gì tôi muốn nói đều trở nên vô nghĩa trước thực tại cuộc sống quá ư phức tạp kia. Hình ảnh người nghèo trước mắt tôi thách đố tất cả những mớ lý thuyết tôi có về họ.
Có lẽ, không có một tâm hồn cứng cỏi nào có thể không mềm lòng khi nghe những câu chuyện tỏ bày trong nước mắt, trong u buồn thất vọng:
- một cụ bà 80 tuổi phải chăm sóc người con trai duy nhất “ngơ ngơ ngáo ngáo, lớn không ra lớn, trẻ không ra trẻ”;
- hay một phụ nữ nghèo, trẻ tuổi, nói về đứa con bé bỏng của mình, mới 5 tháng tuổi mà mắc bệnh máu trắng và hở van tim;
- hoặc một thanh niên trai tráng kể về cuộc tai nạn phải cắt bỏ chân, tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của gia đình mà chẳng biết tương lai ra sao, sẽ phụ thuộc cha mẹ già, hay sẽ như thế nào…
Phục vụ bao nhiêu năm ở đây, để thấy biết bao nhiêu căn bệnh, với đủ mọi hình thức và hoàn cảnh, làm sao tôi kể cho hết được…
Đặc biệt, tôi nhận thấy, đằng sau nỗi lòng của họ, không phải là sự buông xuôi, mà là một cuộc chiến đấu vươn lên số phận, không phải chỉ một hai ngày, mà là một khoảng thời gian dài trong vô định.
Tôi không có chút kinh nghiệm bản thân nào về những cảnh ngộ ấy, sao có thể nói gì được đây?
Bảo họ hãy vui lên, cố gắng sống, hy sinh chịu đựng nỗi đau, hoặc đón nhận thánh giá… có là một sự xúc phạm đến họ chăng?
Với một số người, Thiên Chúa dường như đang ở mãi chốn cao xanh xa vời vợi. Ngài như đang quên lãng họ?
Có người bảo: các Sơ đi tu sướng và hạnh phúc biết bao? Không phải lo nghĩ điều gì?
Tôi ngậm ngùi trong lòng, tự nhủ: biết ai hiểu thấu? Nhưng rồi cũng lựa lời chia sẻ với họ cho thuận. Ơn gọi nào, cuộc sống nào cũng có nỗi vui buồn, khó khăn và trách nhiệm riêng.
Thật là khó biết chừng nào, khi nói về một vị Thiên Chúa tình yêu và quyền năng, cho những ai cảm thấy như đang bị trăm ngàn đắng cay bủa vây!
Kinh nghiệm bản thân cho thấy, tôi sẽ dễ dàng nghĩ đến việc Chúa yêu tôi, khi tôi gặp những điều may mắn, khỏe mạnh, hơn là khi phải đối diện với bao nhiêu nỗi ngặt nghèo, thất vọng, hay khi mang bệnh tật.
Vì thế, chỉ khi tôi đã từng trải qua, thì mới cảm thông và thấu hiểu hết nỗi lòng của những người bệnh, của những người nghèo kém may mắn. Họ cho tôi thêm kinh nghiệm và bài học: đừng tự kiêu mà hãy khiêm tốn, để khi nguy nan đến, mình luôn can đảm và bình an.
HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ
Quay trở lại với sứ vụ, tôi nghiệm ra điều duy nhất mà tôi có thể chia sẻ với họ là:
- sự nhiệt tình vui vẻ, kiên nhẫn lắng nghe,
- trao tặng họ nụ cười và lời khích lệ,
- chia sẻ cho họ những câu chuyện vượt khó, vượt khổ trong xã hội,
- đặc biệt là câu chuyện tử nạn của Chúa Giêsu
- hay chuyện về các Thánh
- hoặc lời Thánh Phêrô quả quyết: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây; nhân danh Đức Kitô, người Nadaret, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6).
Có nhiều bệnh nhân đã khóc và khóc thật nhiều khi nghiệm thấy có Chúa cùng đang vác thập giá với họ, thậm chí còn vác phần nặng hơn.
Họ thấy lời mời gọi của Chúa như đang diễn ra hết sức gần gũi và sống động nơi mình, chờ đợi họ thưa lời “xin vâng” trong tin yêu và vui vẻ.
Tôi cảm nhận họ nhận được chữa lành của Chúa, được trỗi dậy, mặc dầu căn bệnh thể xác có khi vẫn còn đó.
Thế đấy, hành trang của tôi và chị em khi đến với người nghèo, người bệnh chẳng là gì cả, ngoài sự giản dị đơn sơ chân thành và lòng yêu mến “cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” theo gương Chúa Kitô Tôi tớ.
Khi viết những dòng chữ này, có thể nhiều bệnh nhân mà tôi cùng chị em gặp gỡ đã không còn trên dương thế. Nhưng tôi tin rằng sự ra đi của họ đã được điểm tô bằng sự bình an, chứ không còn là những dằn vặt, đau đớn về thể xác và tinh thần như trước.
MÓN QUÀ LIÊN ĐỚI
Khi tiếp xúc với những bệnh nhân nghèo tôi nhận ra rằng, ở ngoài kia còn biết bao mảnh đời đau khổ. Sẽ thật bất công nếu chỉ biết hưởng dùng mà chẳng chịu cho đi.
Một cuộc sống quá đầy đủ có nguy cơ biến đời tu của tôi trở thành một sự vơ vét, tích góp cho mình chứ không phải cho đi, nếu không ý thức đủ.
Người nghèo dạy cho tôi phải biết quý trọng những gì mình đang có: sức khỏe, khả năng, thời gian, người thân, bạn bè, vì biết đâu, có lúc tôi sẽ chẳng còn lại gì.
Người nghèo giúp tôi ý thức về thân phận mỏng manh của kiếp người, mới hôm qua còn trên đỉnh cao danh vọng, hôm nay chỉ còn là cành hoa úa tàn, rũ rượi.
Người nghèo vẽ cho tôi thấy dáng hình thật sự của cây thánh giá mà tôi chiêm ngắm mỗi dịp linh thao, tĩnh tâm.
Người nghèo dạy tôi bài học đậm mùi triết lý: sống hôm nay, hãy nghĩ đến ngày sau - ngày tôi đối diện với bệnh tật, với cái chết.
Người nghèo nhắc nhở tôi về cuộc sống mà tôi đang theo đuổi: tôi đi tu là để vào đời, chứ không phải để trốn đời.
Tôi nhận ra rằng, mỗi khi gặp gỡ người bệnh, người nghèo cho tôi bao điều đấy chứ! Vì qua họ tôi nhận được nhiều điều quý giá, theo Đấng Sáng Lập của tôi thì đây là “Món Quà Liên Đới”.
Ước mong, nơi phòng khám Thiên Thảo Đường và nơi 17 Điểm Hẹn khác của Tu đoàn, mỗi ngày tôi và chị em được giàu thêm về kinh nghiệm và lòng bác ái, nhất là nhờ đó mà hiểu rằng: sẽ trở nên nghèo hơn do sự tự tôn và ích kỷ của mình.
Để trong Đức Kitô - Đấng chúng tôi đang bước theo, tôi được giàu hơn trong tình yêu và ân sủng của Ngài.
Để tên gọi “Thiên Thảo Đường” mãi mãi là điểm kết nối giữa Thiên Chúa, con người và vạn vật.
Anna Nguyễn Thị Hoài Thương (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ