Thánh lễ Tạ ơn Truyền thống của cựu học sinh Phụng Sự - Thánh Minh - 2024

Thánh lễ Tạ ơn Truyền thống của cựu học sinh Phụng Sự - Thánh Minh - 2024

Thánh lễ Tạ ơn Truyền thống của cựu học sinh Phụng Sự - Thánh Minh - 2024

TGPSG -- “Hôm nay Giáo hội mừng kính lễ Thánh Stêphanô, vị Tử đạo tiên khởi. Ngài là một trong 7 thầy Phó tế đầu tiên của Giáo hội. Các thầy đã được các Tông đồ đặt tay truyền chức, để giúp các tông đồ trong việc quản trị Hội thánh. Thánh Stêphanô được trao trách nhiệm quản  các tài sản của Giáo hội và giúp đỡ các quả phụ thời đó”

Đó là lời giảng lễ của Lm Gioan Lasan Mai Thiên Quang -Dòng Mẹ Cứu Chuộc- trong Thánh lễ tạ ơn của cựu học sinh Phụng Sự - Thánh Minh vào lúc 16g thứ Năm 26-12-2024, tại Thánh đường giáo xứ Tân Phú, giáo hạt Tân Sơn Nhì - TGP Sài Gòn.  

Chủ sự thánh lễ là Lm Giuse Lê Hoàng, chánh xứ Tân Phú. Đồng tế Thánh lễ là Lm Gioan Lasan Mai Thiên Quang.

Hiệp thông Thánh lễ có Lm Giuse Vũ Anh Tuấn, chánh xứ Martino, giáo hạt Gia Định, Trưởng nam Bà Cố Thoa, thành viên cựu học sinh, các tu sĩ và giáo dân; đặc biệt là Thầy Giuse  Maria Đinh Thanh Thái, vị Thầy đầu tiên của Trường đã hơn 90 tuổi, cùng với các cựu học sinh Trường Phụng Sự Thánh Minh giáo xứ Tân Phú. 

Đầu lễ Lm chánh xứ nói với cộng đoàn:

Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi. Xin cho mỗi người chúng ta được noi gương tử đạo của ngài, không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động cụ thể. Hôm nay cũng là Thánh lễ Tạ ơn theo truyền thống của cựu học sinh trường Phụng Sự - Thánh Minh. Xin cho cộng đoàn và các anh chị em cựu học sinh được noi gương tử đạo của Thánh nhân trong đời sống hàng ngày.

Theo bài Tin Mừng Thánh Matthêu (10,16-22), Lm Gioan Mai Thiên Quang chia sẻ: Hôm nay, Giáo hội mừng kính lễ Thánh Stêphanô, vị Tử đạo tiên khởi. Ngài là một trong 7 thầy Phó tế đầu tiên của Giáo hội. Các thầy đã được các Tông đồ đặt tay truyền chức, để giúp các tông đồ trong việc quản trị Hội thánh. Thánh Stêphanô được trao trách nhiệm quản  các tài sản của Giáo hội và giúp đỡ các quả phụ thời đó. Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, nên lời rao giảng của ngài rất hùng hồn và thu hút nhiều người.

Trong Bài đọc 1, chúng ta vừa nghe, những lời rao giảng khôn ngoan này, làm cho đối phương tức giận đã tố cáo ngài là chống lại luật Môisê và Thiên Chúa. Họ đã cho bắt ngài vào tù rồi đem ra pháp trường để  hành hình. Tại pháp trường, Thánh Stêphanô đã hiên ngang làm chứng cho Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã xuống trần gian chịu nạn để cứu chuộc nhân loại. Ngài can đảm chấp nhận sự vu cáo của những kẻ sát hại Ngài. Sự hy sinh của Ngài đã lặp lại lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngay lúc đó, Thánh nhân đã  được thị kiến về Thiên Chúa và Ngài đã kêu lên “Kìa! tôi thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Người Do Thái càng tức giận hơn nữa, nên đã la hét và xông vào lôi Ngài ra ngoại thành và ném đá đến chết. Trong lúc đang chịu hành hình, Thánh Stêphanô đã ngước mắt lên trời và sốt sắng cầu nguyện rằngLạy Chúa ! xin đừng chấp tội họ. Vừa dứt lời xong, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng.

Thánh Stêphanô đã để lại cho chúng ta một gương mẫu sáng chói. Đó là sự bao dung, sự tha thứ mà Thánh nhân đã học theo gương của Chúa Giêsu. Ngày xưa, khi Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá. Người cũng ngước mắt lên trời để cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha! xin tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết” (Lc 23,34) 

Chắc chắn rằng trong đời sống của mỗi người chúng ta, thế nào cũng có lúc chúng ta bị người khác ném đá. Không phải là ném bằng những hòn đá vô tri vô giác, mà bằng những lời lẽ vu oan và cáo vạ, thêm điều đặt chuyện và đến tai để làm chúng ta phiền lòng. Những chuyện không có, thì thành có. Thế nhưng, chúng ta cũng phải noi gương Thánh Stêphanô, để mỗi khi chúng ta bị oan ức, bị vu khống, chúng ta cũng biết nhìn lên Chúa và kêu lên “Lạy Chúa! Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34). Xin Chúa ban ơn cho chúng ta qua lời chuyển cầu của Thánh Stêphanô, trong cuộc sống, để chúng ta biết noi gương Thánh Stêphanô, chấp nhận cuộc tử đạo; dù chúng ta không chết vì bị hành hình, mà là những thử thách gặp phải trong từng giờ, từng phút, từng năm, từng tháng để mỗi người chúng ta thực sự và trở thành môn đệ và trở thành con của Chúa Giêsu và con của Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mỗi người chúng ta.

Thánh lễ được tiếp tục với phần Lời nguyện giáo dân và phụng vụ Thánh Thể.

Sau khi Lm chủ tế ban phép lành, các thành viên đã cùng lưu niệm hình ảnh với Thầy Đinh Thanh Thái và với nhau. Thánh lễ kết thúc lúc 16g45 trong niềm tin tưởng và phó thác của cộng đoàn và của các cựu học sinh Trường Phụng Sự - Thánh Minh với quyết tâm noi gương Tử đạo của Thánh Stêphanô bằng gương sáng và những việc làm cụ thể trong đời sống đạo của mình.

LƯỢC SỬ CỰU HỌC SINH PHỤNG SỰ - THÁNH MINH  

Năm 1966 Cha cố Đa Minh Đinh Xuân Hải cho xây dựng mới ngôi thánh đường giáo xứ cùng với trường Phụng Sự, địa chỉ 35 đường Độc Lập - phường Tân Thành - quận Tân Phú. Bằng vật liệu kiên cố với một dãy phòng dài một lầu, một trệt, bao gồm cả văn phòng và nơi sinh hoạt chung để tổ chức giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 9. Khi đặt tên trường là Trung tiểu học Phụng Sự là được Cha đặt theo Lời Chúa “Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ.” (Mc 10,45)  

Từ năm 1973 Trường được trao lại cho linh mục kế nhiệm giáo xứ Tân Phú:

Cha cố Đaminh Vũ Nguyên Thiều là Hiệu trưởng.
Cha cố Giuse Vũ Viết Hà là Giám học.
Cha cố Giuse Lê Đình Quế Minh là Tổng giám thị
Cha Gioan Baotixita Phạm Văn Hợp: đặc trách Tiểu học.

Trường có huy hiệu hình lá Phong đỏ và ở giữa là vòng tròn màu vàng có hai chiếc thuyền buồm đua sóng ra khơi.

Vì là một nhà giáo và Hiệu trưởng của Trường THPT Nguyễn Bá Tòng B quận 1 nên Lm Đaminh Vũ Nguyên Thiều đã mời các giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn về giảng dạy và nâng cấp lên thành trường Trung tiểu học Phổ thông với tên gọi là Thánh Minh. Trường Thánh Minh không có Giám đốc vì Cha cố Thiều có bằng Đại học, nên ngài đủ điều kiện làm Hiệu trưởng và ký Học bạ.

Sau ngày 30-04-1975, trường Thánh Minh được Nhà nước tiếp quản gọi tên là Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu (giảng dạy Cấp 2). Qua nhiều vị quản lý, năm 1995 khi bà Lê Hoài Ngọc Thu về làm hiệu trưởng đã cho xây thêm hai dãy nhà song song để đáp ứng việc dân số ngày càng đông và nhu cầu học sinh ngày càng tăng.

Hiện nay, các con em của bà con bản địa và nhập cư đang được theo học tại ngôi trường trung học cơ sở Phan Bội Châu cũng là một trong những ngôi trường được yêu mến. Vì sự ấm cúng và vị trí tọa lạc giữa khu dân cư, nhưng đường xá thông thoáng tiện lợi cho việc phụ huynh đưa đón con em của mình.  Được biết đây cũng là ngôi trường sản sinh ra nhiều linh mục, tu sĩ trí thức công chức để phục vụ cho Giáo hội và xã hội.

Tính đến năm 2024 thì các anh chị cựu học sinh đã rời trường 49 năm, nhưng không bao giờ quên được công ơn của vị sáng lập, của những vị Điều hành và các thầy cô đã giảng dạy; cùng tình bạn thắm thiết dù ở trong nước hay hải ngoại. 

Cựu học sinh Phụng Sự - Thánh Minh được anh Nguyễn Công Trung khởi xướng và thành lập đã 26 năm. Nhưng từ khi gia đình anh định cư ở Mỹ đến nay anh Vũ Quốc Thắng là Trưởng ban Điều hành. Trong số các cựu học sinh có anh Giuse Nguyễn Công Trung là Nguyên chủ tịch HĐMV giáo xứ Tân Phú và anh Giuse Nguyễn Long Kiến Nguyên chủ tịch HĐMV giáo xứ Thánh Martino - giáo hạt Tân Sơn Nhì - TGP Sài Gòn.  

Hội viên đăng ký sinh hoạt khoảng 100 người, nhưng sinh hoạt thường xuyên khoảng 60 người. Ngoài việc chăm lo hiếu hỷ cho các  ân sư và thành viên, các anh chị cựu học sinh còn đóng góp cho các công trình của giáo xứ như xây nhà Mục vụ Giáo lý và Linh đài Đức Mẹ. Trường cũng có một bài ca riêng gọi là “Hiệu ca Phụng Sự”

Bài Phương Nga (TGPSG)
Ảnh:
Trần Phi  

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top